Tiến sỹ Đào Trung Hiếu: Điểm tương đồng từ những vụ án bạo hành, xâm hại trẻ em
Nhóm PV
Thứ ba, ngày 25/01/2022 11:28 AM (GMT+7)
"Những vụ xâm hại trẻ em vừa qua, dưới góc nhìn tội phạm học, tôi thấy đều có sự tương đồng" - Tiến sỹ Đào Trung Hiếu - Chuyên gia Tâm lý học Tội phạm cho biết.
Những ngày vừa qua dư luận liên tục bàng hoàng trước thông tin trẻ em bị xâm hại ở nhiều địa phương trên cả nước, có những cái chết rất tức tưởi. Rất nhiều người muốn tìm hiểu tại sao lại có những câu chuyện bàng hoàng như vậy.
Sáng 25/1/2022, Báo Điện tử Dân Việt tổ chức Tọa đàm "Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bạo hành, xâm hại".
Tại buổi tọa đàm, Tiến sỹ Đào Trung Hiếu - Chuyên gia Tâm lý học Tội phạm đánh giá tội phạm xâm hại trẻ em không còn là vấn đề mới ở Việt Nam, tình trạng xâm hại trẻ em diễn ra khá phổ biến, tập trung ở nhóm xâm hại tình dục, bạo hành dẫn đến án mạng.
Tiến sỹ Đào Trung Hiếu cho biết, theo nghiên cứu của giới tội phạm học, có 73% tội phạm ấu dâm là người quen biết và thân thiết với nạn nhân, thậm chí chính là người trong gia đình.
Hiện nay, khi mạng xã hội phổ biến, tội phạm ấu dâm thường thông qua hình thức này để tiếp cận nạn nhân, vụ Huỳnh Đắc Cường mà Báo điện tử Dân Việt vừa điều tra đăng tải.
Tình trạng bạo hành cũng đa số người thực hiện tội phạm cũng là người quen biết với nạn nhân.
Tại đây, Tiến sỹ Đào Trung Hiếu đã phân tích về những điểm tương đồng từ những vụ án xâm hại trẻ em.
"Nhiều năm nghiên cứu tội phạm học, tối thấy việc giải mã nguyên nhân dẫn đến tội phạm là gì rất quan trọng. Trở về với những vụ xâm hại trẻ em vừa qua, dưới góc nhìn tội phạm học, tôi thấy những vụ án xâm hại trẻ em đều có sự tương đồng" - Tiến sỹ Đào Trung Hiếu chia sẻ.
Cụ thể, Chuyên gia Tâm lý học Tội phạm phân tích điểm tương đồng từ những vụ án xâm hại trẻ em như sau:
Thứ nhất là thân phận các cháu, các cháu là nạn nhân trực tiếp của những vụ hôn nhân đỗ vỡ. Với đặc điểm về lứa tuổi, thể chất, các cháu không hiểu các vấn đề đang xảy ra với mình từ chính những người thân của mình, các cháu không có khả năng để tìm kiếm sự trợ giúp, nên âm thầm chịu đựng.
Thứ 2, về đặc điểm tâm lý thủ phạm, thủ phạm đều chứa nhân cách của sự thoái hóa, ích kỉ. Như đối tượng trong vụ đóng đinh vào đầu cháu bé 3 tuổi, tìm mọi cách hành hạ con riêng của vợ, thể hiện sự kinh thường pháp luật. Ngoài ra là sự vô cảm.
Thứ 3, về chứng vô cảm của những người thân thích của nạn nhân. Xét về mặt trách nhiệm, tại sao người ta lại để cho con mình bị hành hạ man rợ như vậy, tại sao hành vi tội ác không được thông báo kịp thời?
Những vụ án mạng là phần kết của những vụ bạo hành. Tại sao những người bố người mẹ lại không tố cáo hành vi? Có thể một số người, việc nuôi con như một nghĩa vụ, không có tình phụ tử. Người ta nhìn đứa con như một chướng ngại vật trong hành trình đi tìm hạnh phúc mới.
Với người một lần đỗ vỡ, người ta rất sợ lại tiếp tục tan vỡ mối tình mới, nên có một trạng thái níu kéo nhân tình nên không giám tố cáo hành vi của nhân tình.
Cuối cùng là sự vô cảm của những người xung quanh, phát hiện những vụ bạo hành trẻ em không khó, bạo hành thì trẻ em thường la hét, rồi biểu hiện tậm lý bất thường. Nếu yêu trẻ, người ta sẽ hỏi han, để ý nhưng không ai làm đến khi những vụ việc phát giác mới biết.
Làm gì để bảo vệ trẻ em?
Theo Chuyên gia Tâm lý học Tội phạm, nguyên nhân của mọi tội phạm là sự xuống cấp của đạo đức xã hội.
Hiện nay, chế tài xử phạt hành vi này rất nghiêm khắc, xuất phát từ quan điểm của Đảng, Nhà nước về việc xem trẻ em là đối tượng yếu thế, cần phải được ưu tiên bảo vệ hàng đầu nên Bộ luật hình sự đã thể chế hóa việc bảo vệ trẻ em trong các điều luật.
"Chúng ta có thể thấy, cùng hành vi giết người nhưng nếu giết trẻ em hình phạt sẽ rất nặng. Tuy nhiên, mặc dù luật rất nghiêm nhưng hành vi phạm tội vẫn diễn ra, vậy tại sao, đó là do ý thức chấp hành pháp luật kém.
Luật nghiêm khắc nhưng trong từng vụ án cụ thể việc áp dụng pháp luật lại không chính xác. Có những vụ án mà vì một lý do nào đó lại chưa áp dụng sai, việc này sẽ bỏ lọt tội phạm.
Bức xúc trước nạn bạo hành trẻ em. Clip: Dân Việt
Nên chăng chúng ta tiếp thu các giá trị của triết học Phật giáo, chúng ta đang xem nhẹ chức năng giáo dục, chúng ta phải làm lại bài toán con người, về đạo đức trí tuệ, nghị lực.
Theo tôi cần tăng cường truyền thông cho cộng đồng, thông qua các đoàn thể, tổ chức cơ sở, phù hợp với từng thành viên.
Giao cho cụ thể đơn vị nào, cơ quan nào phụ trách trẻ có dấu hiệu bị bạo hành, ví dụ như ở Thạch Thất khi phát hiện cần lập biên bản giao trách nhiệm bảo vệ cho cháu bé.
Cơ quan chức năng tại cơ sở như công an chính quy cấp xã phường cần quan tâm thêm đến công tác này, ngoài các tổ chức đoàn thể cần có sự vào cuộc của toàn dân để bảo vệ trẻ được sớm hơn" - Tiến sỹ Đào Trung Hiếu bày tỏ quan điểm.
Theo Tiến sỹ Hiếu mấu chốt nhất là tăng cường truyền thông về bồi dưỡng kĩ năng bảo vệ trẻ không những ở gia đình có trẻ bị xâm hại mà cả hàng xóm.
Tiếp theo là quy trách nhiệm cụ thể ở những gia đình có vấn đề, giao một đơn vị cụ thể có trách nhiệm nắm bắt cuộc sống của nạn nhân bị xâm hại.
Với những câu chuyện mua dâm trẻ em như Báo Điện tử Dân Việt đăng tải, tiếp cận nạn nhân trên mạng xã hội, cơ quan chức năng phải thường xuyên triển khai các biện pháp phát hiện tội phạm trên không gian mạng. Nhanh chóng đấu tranh triệt phá các ổ nhóm mua bán dâm trên mạng, đem lại niềm tin cho xã hội.
Đồng thời, Chuyên gia Tâm lý học Tội phạm cho rằng một nguyên tắc trong điều tra tội phạm là không được thúc đẩy tội phạm, không được phép biến một người sạch sẽ thành tội phạm. Nếu một người đang phạm tội thì dùng các nghiệp vụ để chứng minh tội phạm đó. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, nếu đã có tiền án phạm tội tình dục khi chấp hành xong về địa phương thì sẽ đưa vào diện theo dõi. Đó là những hoạt động để quản lý đối tượng.
Liên quan đến vụ Minh Béo đã bị xử lý ở nước ngoài, nhưng vừa rồi lại được Bộ VHTTDL vinh danh, với góc độ cá nhân, tôi đánh giá khen thưởng ngoài việc đánh giá về tác phẩm, sức lao động cũng phải đánh giá về nhân cách. Nếu chúng ta chỉ đánh giá về sức lao động mà không đánh giá về nhân cách thì sẽ tạo ra sự tranh cãi, phản ứng trái chiều của xã hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.