Tiếng Việt giàu và đẹp

Chủ nhật, ngày 05/09/2010 08:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ca dao xưa có câu: "Nửa đêm giờ tý canh ba /Vợ tôi con gái đàn bà nữ nhi". Vui đùa thôi, nhưng là cái vui của sự giàu có tiếng nói.
Bình luận 0

Tiếng Việt có sự giàu và cái đẹp của nó, như tiếng nước nào cũng vậy.

Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài hiện nay, thầy nói vui: Tiếng Việt có thể còn hạn chế về các từ chỉ những khái niệm trừu tượng, khái quát, nhưng lại rất giàu các sắc thái biểu hiện từ. Riêng một từ "đen" thôi nhé, nhưng mắt đen gọi là "mắt huyền", răng đen là "răng hạt na", quần đen của phụ nữ là "quần thâm", ngựa đen là "ngựa ô", chó đen là "chó mực", đũa đen là "đũa mun".

Đấy là chưa kể các sắc độ của màu sắc nữa, ví như cũng là "đen" nhưng có biết bao loại: Đen nhánh, đen tuyền, đen kịt, đen thẫm, đen thui... Trò ngoại quốc nghe thế, kêu trời, bảo học tiếng Việt khó, khó quá.

Mà khó là phải. Một dịch giả nước ngoài dịch hai câu thơ của Nguyễn Khuyến "Rượu ngon không có bạn hiền / Không mua không phải không tiền không mua" thành ra "Fine wine, but no good friends / So I buy none though I have the money" thì chỉ còn là xác chữ, bởi tất cả tinh thần cảm xúc của câu thơ và của tác giả nằm ở năm chữ "không" của tiếng Việt đã không tải được qua tiếng Anh.

Bạn tôi kể, con bạn học câu của Lenin "Học, học nữa, học mãi", buột miệng nói "Học, học nữa, học miết", đổi "mãi" thành "miết", ý nghĩa khác ngay, ý vị khác ngay, nghe rất thời sự. Mà câu đó người dịch nào đã khéo chuyển động từ “học tập” được lặp lại ba lần trong bài viết của Lenin thành ba cấp độ khác nhau trong tiếng Việt.

Tiếng Việt cùng với thời gian và sự phát triển của xã hội vẫn theo kịp thời đại, vẫn tự biết làm giàu mình bằng những phương cách tạo từ, vay mượn, nhưng không đánh mất cái vốn có của mình. Tôi quý trọng và biết ơn vô cùng những bậc đi trước đã âm thầm làm việc ở Nhà xuất bản Sự Thật bao nhiêu năm trời để dịch các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Marx - Lenin.

Nói riêng về ngôn ngữ thôi, họ - những dịch giả thầm lặng không được đề tên vào bản dịch của mình, đã làm giàu có và phong phú tiếng Việt biết bao nhiêu khi chuyển sang tiếng Việt bộ Tư bản của Karl Marx, toàn tập Lenin (55 tập), và nhiều cuốn khác nữa. Công lao đó của những người dịch, những người giúp đưa tiếng Việt lên một bậc tư duy, chưa hề được ghi nhận và tưởng thưởng.

Tôi mong, rất mong, một ngày gần đây, có một sự tri ân và ghi công họ xứng đáng. Tiếng Việt nhờ họ đã giúp nước Việt và dân Việt đi ra thế giới, hòa nhập thời đại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem