Tiếp bài “Trái cây Thái Lan “tung hoành” chợ Việt”: Nguy cơ mất thị trường xuất khẩu

Thuận Hải Thứ tư, ngày 17/09/2014 12:41 PM (GMT+7)
Cũng là trái cây nhiệt đới như Việt Nam, nhưng nhờ sản xuất theo lối tập thể trên diện rộng nên sản lượng trái cây của Thái Lan rất lớn, chất lượng đồng đều. Trái cây nhập khẩu từ Thái Lan không chỉ đe dọa thị trường trong nước mà còn có nguy cơ chiếm lĩnh các thị trường xuất khẩu chính của trái cây Việt Nam...
Bình luận 0

Lợi thế của trái cây Thái Lan

Sáng 16.9, trao đổi với phóng viên về tình trạng trái cây Thái Lan tràn ngập các chợ, cửa hàng ở nhiều tỉnh (xem NTNN số 222/2014), TS Lương Ngọc Trung Lập - Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường (Viện Cây ăn quả Miền Nam - SOFRI) cho rằng: Việt Nam dù có truyền thống trồng cây ăn trái từ lâu đời nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Các sản phẩm trái cây nhiệt đới như bòn bon, măng cụt, xoài, sầu riêng, quýt… có nhu cầu tiêu thụ lớn, trong khi sản lượng trong nước không nhiều, giá bán cao, chất lượng lại không ổn định.

Trong khi đó, theo TS Lập, lợi thế của Thái Lan là nền sản xuất tiên tiến, áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trên quy mô lớn nên giá thành thấp, năng suất, chất lượng khá đồng đều và ổn định. “Ví dụ như măng cụt Thái Lan, vào mùa rộ họ chỉ bán có 7.000 - 8.000 đồng/kg, sầu riêng giá chỉ 14.000 - 15.000 đồng/kg, ăn đứt măng cụt, sầu riêng của Việt Nam” - ông Lập nêu ví dụ.

“Đó là chưa kể, Thái Lan cùng nằm trong khối ASEAN, có vị trí địa lý rất gần với Việt Nam nên chi phí vận chuyển (chủ yếu bằng đường bộ) từ nước này sang Việt Nam rẻ hơn rất nhiều so với việc nhập khẩu từ Indonesia, Malaysia, Mỹ, Chile, Australia, New Zealand… Ngoài ra, Thái Lan cũng đã xây dựng và phát triển thương hiệu trái cây xuất khẩu, không chỉ ở khu vực châu Á mà còn trên toàn thế giới nên dễ được các thị trường chấp nhận” - ông Lập phân tích thêm.

TS Võ Mai – Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cũng đồng ý rằng, so với Thái Lan, trái cây Việt Nam còn thua một quãng đường rất xa. “Người Thái làm nông nghiệp theo tổ, nhóm. Hoạt động của HTX ở họ rất mạnh nên sản phẩm giá thành rẻ, đẹp, lại ngon, khu vực Đông Nam Á ít nước nào sánh bằng. Việc xử lý sau thu hoạch của họ cũng hơn hẳn Việt Nam, vốn chỉ “ăn tươi nuốt sống” bấy lâu nay” - bà Mai cho biết.

Các chuyên gia đều cho rằng, tới đây trái cây Thái Lan chắc chắn sẽ còn “tấn công” ồ ạt thị trường Việt Nam chứ không chỉ dừng lại ở 3 – 4 chủng loại như hiện nay. Chúng ta đang có nguy cơ mất thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc vào tay Thái Lan chứ không riêng gì thị trường nội địa. Nguyên nhân là khi khối Cộng đồng chung ASEAN được thành lập vào cuối năm 2015, các cửa khẩu sẽ được khơi thông. Hàng hóa từ Thái Lan sẽ qua cửa khẩu Lao Bảo, đi lên Lạng Sơn để sang Trung Quốc sẽ thuận lợi hơn cả hàng hóa chuyển từ ĐBSCL ra Hà Nội rồi mới đưa sang Trung Quốc.

Cụ thể, cung đường vận chuyển hàng hóa từ Thái Lan sang Trung Quốc sẽ ngắn hơn từ ĐBSCL chuyển sang đến 400km. “Mà đối với mặt hàng trái cây, vận chuyển càng ngắn thì càng chiếm ưu thế do giảm thiểu hao hụt, đảm bảo được chất lượng của sản phẩm cũng như giảm chi phí bảo quản và giá thành sản phẩm” - ông Lập giải thích.

Kiểm dịch yếu kém

Hiện tại, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương là những cơ quan quản lý, kiểm soát chất lượng các mặt hàng trái cây nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đối với Thái Lan cũng như một số nước có sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu vào Việt Nam, họ đã có nền sản xuất rất tiến bộ, hơn hẳn các yêu cầu đặt ra về tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam. Việc kiểm dịch do đó chỉ còn là hoạt động mang tính hình thức.

TS Lương Ngọc Trung Lập cho rằng, để bảo vệ người tiêu dùng cũng như sản xuất trong nước, ngành nông nghiệp cần có hàng rào kỹ thuật, hạn chế việc nhập khẩu tràn lan vào Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống các rào cản kỹ thuật của ta đã quá lạc hậu khi Việt Nam vẫn sử dụng các yêu cầu từ những năm 1990.

Nhiều chợ nông sản lớn ở TP.HCM có lượng trái cây nhập khẩu nhiều nhưng vẫn không có phòng lab để phân tích hay kiểm tra nhanh chất lượng sản phẩm cũng như dư lượng chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật. “Chưa kể, một số chất bảo quản mới “bùng nổ và tràn lan” như hiện nay dùng để bảo quản trái cây nhưng có khi Cục Bảo vệ thực vật, là cơ quan quản lý chính các vấn đề trên trong sản phẩm nông sản nhập khẩu, cũng không cập nhật kịp thời được” - ông Lập nói.

Một đại diện Cục Bảo vệ thực vật thì cho rằng, các mặt hàng trái cây Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam không yêu cầu phải có các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng như ThaiGAP hay GlobalGAP.

Một số chất bảo quản hay các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh mới được đưa vào sử dụng trong sản phẩm thì hệ thống máy móc của Việt Nam hiện nay lại quá cũ, khó có thể phát hiện ra.

Trước tình trạng đó, TS Võ Mai thì cho rằng, đã đến lúc sản xuất nông nghiệp, cụ thể là sản xuất cây ăn trái ở Việt Nam phải thay đổi. Phải đẩy mạnh phát triển các hình thức liên kết sản xuất như hợp tác xã hay tổ hợp tác. Qua đó, giảm giá thành sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm.

  Trái cây Việt Nam  vào Thái rất ít
Trong khi trái cây Thái Lan ồ ạt tấn công thị trường Việt Nam thì ngược lại, các sản phẩm rau quả Việt Nam xuất sang Thái lại rất ít, thậm chí sụt giảm trong thời gian qua. Theo Bộ NNPTNT, trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan trong 7 tháng đầu năm 2014 đạt giá trị 19,8 triệu USD (chỉ xấp xỉ 20% so với tỷ lệ trái cây Thái nhập vào VN). Tỷ lệ trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan giảm nhiều so với năm 2013 khi chỉ còn 2,33% tổng giá trị xuất khẩu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem