Tiếp sức cho nhà nông làm giàu

Thứ tư, ngày 31/03/2010 15:22 PM (GMT+7)
NTNN - Với số tiền không nhiều mà Ngân hàng CSXH cho vay để sản xuất kinh doanh, nhiều hộ đồng bào DTTS huyện vùng cao Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam giờ đây không những thoát nghèo mà còn có tiền tỷ.
Bình luận 0

img
Từ nguồn vốn cho vay hộ nghèo, gia đình ông Hồ Trường Sinh đã có trang trại với đàn gia súc, gia cầm gần 300 con.

Cách đây 5 năm, gia đình ông Hồ Trường Sinh - dân tộc Cor ở thôn 3, xã Trà Giang thường xuyên đứt bữa. Năm 2006, ông  được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 30 triệu đồng, được cán bộ Hội ND huyện, xã hướng dẫn mua bò lai Sind, heo Móng Cái về nuôi và trồng lúa nước. Cuối năm 2008, gia đình ông đã ra khỏi danh sách hộ nghèo.

 

Lập trang trại 

Có tiền, gia đình ông Sinh chuyển sang trồng rừng và làm trang trại. Giờ đây, ông đã có một trang trại khá quy mô với hơn 35ha cây keo nguyên liệu, đàn gia súc, gia cầm gần 300 con… mỗi năm cho thu nhập trên 40 triệu đồng. Trang trại còn tạo việc làm cho 15 lao động với thu nhập 50.000 đồng/người ngày. Tổng giá trị tài sản của gia đình ông hiện đạt gần 1 tỷ đồng.

Vì quá nghèo nên ngày chị Đinh Thị Hương, dân tộc Cadong ở làng Cao Sơn, xã Trà Sơn lập gia đình (năm 1998),  cha mẹ chỉ cho con gái một ché lúa. Đầu năm 2007, được Ngân hàng CSXH cho vay 15 triệu đồng, chị đầu tư vào chăn nuôi và làm vườn. Giờ đây, năm nào gia đình chị cũng thu gần 30 triệu đồng. Vợ chồng chị đã xây được nhà ở kiên cố, các con đều được đến lớp. Tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Bắc Trà My lần thứ I, chị Hương được mời báo cáo điển hình về vượt khó, thoát nghèo.

Không còn cảnh tiền cất gác bếp

Huyện Bắc Trà My có hơn 38.000 nhân khẩu, 17 DTTS anh em cùng chung sống. Địa hình cách trở, đồng bào bản địa vẫn duy trì tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến hơn 53%. Việc cho đồng bào vay vốn ưu đãi, hướng dẫn làm ăn là đòn bẩy giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Ông Trần Đăng Ngọc - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Bắc Trà My cho biết, từ năm 2007 đến nay, gần 4.000 hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS đã được ngân hàng cho vay hơn 42,5 tỷ đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo và chương trình vay vốn sản xuất kinh doanh vùng đặc biệt khó khăn. Mức vay của mỗi hộ từ 5-30 triệu đồng/hộ.

Ngân hàng phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể như Nông dân, Phụ nữ... nhận ủy thác thẩm định các hộ vay vốn trước khi giải ngân, hướng dẫn họ sử dụng vốn đúng mục đích. Nhờ đó, hầu hết các nguồn vốn đều được sử dụng hiệu quả, phần lớn các đối tượng vay vốn bước đầu ổn định kinh tế gia đình, từng bước thoát nghèo, có tích luỹ.

Nhiều gia đình còn xây được nhà kiên cố, mua tivi, điện thoại, xe máy… Việc thu hồi vốn, lãi cũng rất thuận lợi, 3 năm trở lại đây, tỷ lệ thu lãi của ngân hàng luôn đạt trên 96%, nợ quá hạn  dưới 1%.

Theo ông Ngọc, cái được lớn hơn là nhận thức của đồng bào đã có sự chuyển biến. Nếu như trước đây, nhiều hộ DTTS rất ngại vay vốn và không ít hộ vay tiền mang về bỏ vào ống tre, ống nứa cất giữ,  đến hạn lại mang đi trả... thì nay chính những hộ này đã chủ động đề nghị được vay vốn làm ăn. "Ngân hàng CSXH tỉnh rất quan tâm đến các huyện nghèo vùng cao.

Nếu ngân hàng huyện không đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của đồng bào, ngân hàng tỉnh sẽ cân đối điều tiết chuyển về ngay, đáp ứng đủ nhu cầu của bà con". Đây là tín hiệu vui cho đồng bào vùng cao Bắc Trà My các huyện vùng cao khác ở Quảng Nam cơ hội vươn lên từ những đồng vốn vay ưu đãi.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem