Tiết lộ bất ngờ về chiếc giếng khơi người dân phố cổ Hà Nội coi như “báu vật”
Hà Nội: Tiết lộ bất ngờ về chiếc giếng khơi người dân phố cổ coi như “báu vật”
Kim Duyên
Thứ năm, ngày 21/04/2022 06:35 AM (GMT+7)
Giếng khơi vốn là nét đẹp đặc trưng trong "văn hoá làng" của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cũng chính vì vậy hiện nay tại con phố cổ Hà Nội vẫn còn lưu giữ những chiếc giếng khơi nước trong vắt. Thậm chí, người dân coi những chiếc giếng khơi này như là "báu vật".
Khi nhắc đến giếng cổ, người dân thường liên tưởng đến những ngôi làng mang đậm nét "văn hoá làng cổ" như Đường Lâm. Nhưng tại con phố cổ Hà Nội, giữa lòng Thủ đô xa hoa, nhộn nhịp vẫn còn những chiếc giếng cổ. Thậm chí người dân nơi đây coi những chiếc này như "báu vật".
Giếng khơi chưa từng cạn nước
Ẩn lấp sau sự phát triển của đô thị, trong một vài con ngõ vẫn còn lưu giữ những chiếc giếng khơi, một thời là "mạch nước" của người dân, khu phố. Hiện nay không chỉ tại Phủ Doãn, một số con phố nhỏ tại trung tâm Hà Nội như: Hàng Chỉ, Hàng Bún, Hàng Trống … vẫn còn có những giếng khơi còn nguyên vẹn.
Nằm sâu trong ngõ tại địa chỉ số 3/15, Phủ Doãn (Hoàn Kiếm, Hà Nội), một chiếc giếng khơi vẫn tồn tại, còn gần như nguyên vẹn, nước vẫn mát, trong và chưa bao giờ cạn. Thành giếng chủ yếu được xây bằng gạch đỏ. Qua thời gian, những viên gạch bị bào mòn, nhẵn bóng.
Đường kính của những chiếc giếng khoảng trên dưới 1m và sâu hơn 2m nhưng từ bao năm nay chưa bao giờ hết nước.
Từng là "nguồn nước của một thời", chiếc giếng khơi này vẫn nằm im lìm ở đó nhưng một chứng nhân, chứng kiến sự trưởng thành của bao thế hệ, sự thay đổi của Hà Nội theo thời gian gian.
Gia đình bà Loan (80 tuổi, ở phố Phủ Doãn, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là 1 trong 3 hộ dân sống tại địa số 3/15, Phủ Doãn. Đã nhiều năm sinh sống tại đây nhưng bà cũng chẳng thể nhớ rõ giếng được đào từ khi nào.
Bà Loan nói rằng: "Tôi chỉ nhớ rằng, cách đây khoảng 30 - 40 năm nay giếng khơi vẫn là nguồn nước không thể thiếu của cả khu phố cũ…Còn ngày nay, giếng khơi còn lại cũng khá ít, một số người vẫn dùng nước giếng để sinh hoạt".
Cũng giống như bà Loan, ông Nguyễn Xuân Khôi (80 tuổi, ngõ Phủ Doãn, quận Hoàn Kiếm) cũng không nhớ rõ chiếc giếng được đào khi nào. Ông kể lại rằng, ông chỉ nhớ vào những năm 40 của thế kỉ XX, khi ngôi nhà tập thể số 3/15 Phủ Doãn xây dựng cũng là lúc chiếc giếng được đào nhằm lấy nước sinh cho cả khu dân cư. "Giếng nhỏ và nông nhưng chưa bao giờ thấy giếng hết nước", ông Khôi bộc bạch.
Theo ông Nguyễn Văn Quang (40 tuổi), ngày nhỏ, ông vẫn cùng bạn bè tụ tập trước sân giếng tắm rửa, đùa nghịch. Thời xưa, khi nước máy chưa thông dụng, cả xóm ông đều sử dụng nguồn nước ở đây. "Mỗi khi tới giờ cơm nước, tắm giặt, mọi người từ già trẻ gái trai lại tập trung quanh sân giếng đông vui lắm", ông Quang nói.
Từ chiếc giếng khơi trong mát….đến quán cà phê bên giếng cổ
Vừa đưa tay thoăn thoắt múc từng xô nước dưới giếng lên rửa bát, tưới cho những chậu cảnh trong mảnh sân nhỏ bà Loan (80 tuổi, ở phố Phủ Doãn) vừa chậm rãi kể về chiếc giếng khơi "độc nhất vô nhị" tại số 3/15 Phủ Doãn.
"Mỗi khi bị mất nước, nước của giếng khơi còn cung cấp nước cho người dân cả phố sử dụng. Có những gia đình ở tận đầu phố cũng vào đây xin nước về dùng tạm", bà Loan tâm sự
Vừa cười, bà Loan vừa đùa rằng: "Đây là vị cứu tinh của cả phố trong những ngày mất nước". Nước ở giếng khơi chỉ được sử dụng để rửa đồ dùng, nhưng chất lượng nước trong giếng vẫn luôn được mọi người quan tâm.
"Một số nơi nuôi cá trong giếng để cá dọn hết những chất bẩn, một mặt để theo dõi nguồn nước. Nếu phát hiện cá dưới giếng có biểu hiện bệnh hoặc chết thì chúng tôi sẽ dừng việc sử dụng, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người", bà Loan chia sẻ.
Theo lời kể của người dân ở phố Phủ Doãn, còn một giếng khơi khác ở ngõ 15 Phủ Doãn (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng tồn tại hàng chục năm, nhưng nước ở đây không sử dụng được do bị ô nhiễm. Trong các cuộc họp tổ dân phố từng có ý kiến lấp bỏ giếng để làm sân rộng, nhưng người dân vẫn kiên quyết gìn giữ giếng cổ như một phần lưu giữ ký ức Hà Nội xưa.
Không nằm im lìm trong ngõ nhỏ như giếng khơi tại số 3/15 Phủ Doãn, giếng khơi tại số 2 Hàng Chỉ, quận Hoàn Kiếm từng là nơi tấp nập thu hút khách đến bởi cái tên "cà phê giếng cổ".
Theo lời kể của bà Huệ ở khu phố Hàng Chỉ, cách đây 2-3 năm, chủ một căn nhà ngõ Hàng Chỉ mở quán cà phê bên cạnh giếng cổ. Từ một quán nhỏ, nhưng với sự "độc lạ" ở cái tên nên sau đó quán được rất nhiều bạn trẻ biết đến, thậm chí có cả du khách nước ngoài đến tham quan, thưởng thức cà phê. Nhưng từ năm 2021 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên quán đã tạm thời đóng của.
"Khi họ mở quán cà phê tôi không nghĩ sẽ nhiều người đến. Nhưng sau đó thật bất ngờ, tôi thấy có nhiều người tìm đến và thưởng thức ly cà phê ở đây", bà Huệ chia sẻ.
Những chiếc giếng cổ từng gắn liền với đời sống sinh hoạt của nhiều thế hệ người dân phố cổ. Đến nay, khi nhà nhà đều có nước máy thì những giếng cổ vẫn được xem là điểm nhấn đặc trưng của Hà Nội, nhắc chúng ta về một thời đã qua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.