Tiết lộ bí quyết giúp bánh kẹo truyền thống tại Xuân Đỉnh "hút" khách hàng

Kim Duyên Chủ nhật, ngày 15/01/2023 06:45 AM (GMT+7)
Dù trên thị trường có nhiều loại bánh kẹo mới thu hút nhiều khách hàng nhưng vào mỗi dịp cận kề Tết Nguyên đán, nhiều người Hà Nội vẫn dành chút thời gian để ghé qua làng Xuân Đỉnh (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mua hộp mứt thắp hương cho đủ đầy hương vị Tết cổ truyền.
Bình luận 0

Video nhiều khách hàng vẫn lựa chọn các sản phẩm bánh, kẹo truyền thống tại Xuân Đỉnh. Thực hiện: Kim Duyên.

Dịp gần Tết, nhiều người đã tìm về làng nghề sản xuất mứt Tết Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), một trong những làng nghề truyền thống làm bánh mứt kẹo nổi tiếng của Hà thành từ những thế kỷ 19 để cảm nhận trọn vẹn hương vị ngọt ngào của ngày xuân...

Hương vị Tết cổ truyền

Cùng với cành đào, cây quất, bánh chưng... thì hộp mứt gói giấy đỏ bóng kính thắt nơ đã trở thành biểu tượng ngày Tết trong tiềm thức của biết bao thế hệ người Hà Nội nói riêng và trong văn hóa người Việt nói chung. Mứt Tết là sản phẩm được chế biến từ nông sản của người Việt. Trong mỗi hộp mứt Tết như gói gọn cả tinh hoa của đất trời, từ vị ngọt bùi của mứt bí, cay nồng của mứt gừng đến vị chua dịu của mứt quất hay thơm mát của mứt hạt sen…

Tiết lộ bí quyết giúp bánh kẹo truyền thống tại Xuân Đỉnh "hút" khách hàng - Ảnh 2.

Làng nghề bánh mứt kẹo truyền thống Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Kim Duyên.

Chị Nguyễn Thị Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Cứ bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp, gia đình tôi sẽ chuẩn bị sắm sửa cho dịp Tết, chơi cây quất hoặc cành đào, những chiếc đèn lồng trang trí nhà cửa, câu đối để treo tường và đặc biệt không thể thiếu là hộp mứt cổ truyền đặt trên bàn thờ cúng gia tiên".

Với gia đình chị Hà, ngoài cây mai, cây đào và những tấm bánh chưng, hương vị Tết cổ truyền còn là vị ngọt của mứt dừa, vị cay nồng của mứt gừng, vị bùi của mứt sen. "Tết truyền thống là phải có mứt Tết, mà mứt chỉ ăn vào mỗi dịp Tết", chị Hà nói.

Tiết lộ bí quyết giúp bánh kẹo truyền thống tại Xuân Đỉnh "hút" khách hàng - Ảnh 3.

Bà Bùi Thị Bình chọn mua tháp bánh khảo truyền thống để đặt bàn thờ vào các dịp lễ, Tết. Ảnh: Kim Duyên.

Trước kia, vào các dịp lễ, Tết các cơ sở sản xuất bánh kẹo truyền thống tại Xuân Đỉnh cũng bận rộn hơn. "Từ sáng sớm, công nhân đã tất bật gọt bí, cà rốt, gừng, dừa,... chuẩn nguyên liệu chế biến. Các công đoạn tưởng chừng như đơn giản nhưng để sản xuất được số lượng lớn, phải mất từ 7 đến 10 ngày mới có được khoảng 10 tấn mứt các loại", ông Nguyễn Văn Dũng, chủ cơ sở Sinh Hùng (số 88, Xuân Đỉnh) nhớ lại.

Theo ông Dũng, thời kỳ hoàng kim, cả làng có tới 30 hộ sản xuất mứt Tết, dịp này cả ngõ còn bận rộn chuẩn bị mứt phục vụ thị trường Tết. Nhưng hiện giờ số lượng hộ gia đình còn gắn bó với nghề truyền thống đếm trên đầu ngón tay, chỉ còn một vài hộ đã có thâm niên sản xuất trên 30 năm là vẫn tiếp tục làm nghề. Không khí vào vụ Tết vui như ngày hội, hương thơm của các loại trái cây tỏa khắp lối, bếp nhà nào cũng đỏ lửa giờ đây chỉ còn trong ký ức.

Tiết lộ bí quyết giúp bánh kẹo truyền thống tại Xuân Đỉnh "hút" khách hàng - Ảnh 4.

Những hộp mứt Tết vẫn giữ trọn hương vị truyền thống với những loại mứt quen thuộc như mứt dừa, mứt gừng, hạt sen… Ảnh: Kim Duyên.

Bánh kẹo tại làng nghề vẫn là sự lựa chọn của nhiều khách hàng

Dù trên thị trường đã đủ loại bánh kẹo, mứt ngoại với đủ mọi mức giá, nhưng mứt làng Xuân Đỉnh vẫn là điểm đến quen thuộc của nhiều người.

Bà Bùi Thị Bình (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Mỗi dịp tết đến xuân về, gia đình tôi có thói quen phải có hộp mứt tết cổ truyền trên bàn thờ, vì vậy tôi thường ra ở Xuân Đỉnh để mua mứt. Mặc dù bây giờ có nhiều loại bánh kẹo ngoại hấp dẫn nhưng chúng tôi vẫn thích hương vị bánh kẹo truyền thống".

Tiết lộ bí quyết giúp bánh kẹo truyền thống tại Xuân Đỉnh "hút" khách hàng - Ảnh 5.

Hương vị truyền thống vẫn được giữ nguyên vẹn, nhưng để phục vụ nhu cầu của khách chủ cửa hàng cũng sáng tạo thêm nhiều mẫu bánh trang trí thủ công. Ảnh: Kim Duyên.

Không chỉ gia đình bà Nga, chị Nguyễn Thùy Dung (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ vẫn thường đi ra đường Võ Chí Công (gần làng Xuân Đỉnh) để mua mứt Tết. Theo chị Dung, nhịp sống hiện đại có thể khiến thay đổi một số thói quen trong ngày tết, tuy nhiên, một miếng mứt truyền thống với ý nghĩa đầu năm ngọt ngào, hạnh phúc và nhiều may mắn đã trở thành thói quen của gia đình.

Nổi tiếng với kinh nghiệm làm bánh, mứt truyền thống, nhiều người dân đã đến Xuân Đỉnh để mua những hộp mứt cổ truyền. Bên cạnh việc bán lẻ các hộp mứt, các cửa hàng còn sắp xếp thành các gói quà Tết, trang trí các tháp bánh Tết phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Tiết lộ bí quyết giúp bánh kẹo truyền thống tại Xuân Đỉnh "hút" khách hàng - Ảnh 6.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều mẫu bánh kẹo, nhưng nhiều người vẫn chọn mua bánh, kẹo, mứt Tết truyền thống.

Ông Dũng, đại diện cửa hàng Sinh Hùng cho biết thêm, năm nay mặc dù doanh số giảm so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, lượng khách hàng quen thuộc vẫn tiếp tục lựa chọn bánh mứt tại đây.

Đối với nhiều người dân tại làng Xuân Đỉnh, nghề làm mứt không chỉ là một nghề để kiếm sống, mà đó còn là truyền thống của gia đình, nét đẹp văn hóa từ nhiều đời truyền lại. Các chủ xưởng làm mứt tại đây cho biết, chỉ cần vẫn còn có thể, họ vẫn quyết giữ nghề truyền thống của ông cha.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem