Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Clip ngôi chùa cổ ở vùng ngoại thành Hà Nội. Thực hiện: Song Phúc.
Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 25km, chùa Đậu tọa lạc tại thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội. Chùa thờ nữ thần Pháp Vũ - còn gọi là Bà Đậu. Chùa có tên chữ là Thành Đạo tự, nằm trong hệ thống tứ Pháp nên cũng gọi là Pháp Vũ tự, hay tên nôm là Chùa Đậu.
Theo cuốn sách được lưu trữ tại chùa, lịch sử chùa Đậu Hà Nội đã tồn tại lâu đời gần 2.000 năm, từ thời Sĩ Nhiếp thế kỷ thứ 3. Trải qua nhiều thế kỷ, chùa Đậu đã nhiều lần được sửa chữa, tôn tạo.
Thời kỳ vua Lê Thần Tông (thế kỷ 17), chùa Đậu được phong là "An Nam đệ nhất danh lam". Các bậc vua chúa, vương tôn công tử họ Lê, họ Trịnh thường tới tham quan, bỏ công, góp của để tu tạo chùa. Đặc biệt, sử sách còn ghi lại, các bậc vua quan khi tới đây lễ bái, cầu an đều rất linh ứng.
Tới nay, chùa Đậu vẫn lưu giữ nhiều di vật quý giá. Với bề dày lịch sử, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, từ năm 1964, chùa Đậu đã được xếp hạng Di tích lịch sử, nghệ thuật loại A.
Tại chùa Đậu, nhiều hình rồng, phượng, chim, thú, hoa lá sinh động được chạm khắc quanh bốn mặt lan can tầng hai gác chuông mang đậm nét cổ kính. Trên các giá đỡ phía trong ở rường và đấu kê cũng chạm rồng và hình các con sóc, con nghê rất phong phú.
Đặc biệt, tầng trên tam quan là gác chuông có treo quả chuông đúc năm Cảnh Thịnh thứ 9 (1801) thời nhà Tây Sơn.
Ông Lê Văn Minh - người dân thông Gia Phúc tiết lộ: "Ở lối vào gian giữa tiền đường có bậc thềm với đôi rồng đá tạc với hình dạng đầu to, mình mập, uốn lượn như đang bò từ trên xuống mang đậm dáng dấp của rồng thời Trần".
Tiến vào trong cùng của chùa là dãy nhà tổ có treo các bức hoành phi và câu đối, cùng một chiếc khánh đồng cỡ lớn, 1 tấm bia đá đồ sộ cao 2,5m dựng năm Cảnh Hưng thứ 22.
Trên các bệ thờ có tượng của các vị sư trụ trì chùa đã qua đời. Trong số các pho tượng đó, đặc biệt nhất là tượng nhục thân của thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường. Hai tượng này vốn được thờ ở hai am cạnh chùa, được đưa vào chùa những năm cuối thế kỷ 20..
Tượng của thiền sư Vũ Khắc Trường cao khoảng 75cm và có trọng lượng 31kg. Tượng của thiền sư Vũ Khắc Minh cao khoảng 57cm và có trọng lượng 7,5kg, 2 tay chắp trước bụng, 2 chân bắt chéo theo tư thế kiết già, người hơi cúi về phía trước.
Thời gian trôi qua đã gần 400 năm nên pho tượng táng chùa Đậu của thiền sư Vũ Khắc Trường có xuất hiện nhiều vết hư hỏng. Tuy nhiên pho tượng táng của thiền sư Vũ Khắc Minh lại vẫn duy trì được vẻ nguyên vẹn như ban đầu.
Với lịch sử nghìn năm tuổi, chùa Đậu, một quần thể kiến trúc đặc biệt, mang những nét nghệ thuật của các vương triều lịch sử Lý - Trần - Lê - Nguyễn.
Kiến trúc hiện tồn của chùa ngày nay có dạng "nội công ngoại quốc" với các hạng mục chính gồm: Cổng, Gác chuông, chùa Vua có Tiền đường (là khu vực chùa chính trước đây chỉ dành cho vua chúa vào lễ), Tam bảo, điện Thánh, hậu đường và hai dãy hành lang. Ngoài ra còn có chùa Am (chùa Dân).
Cổng chùa được xây những năm 80 của thế kỷ 20, thiết kế theo kiểu tam quan, trên có mái giả ngói ống đao cong, giữa đắp đại tự: Thành Đạo tự. Phía trước có ao chùa hình bán nguyệt vòng ôm từ cổng tới vùng phụ cận cạnh chùa Am.
Gác chuông chùa được làm dạng Tam quan hai tầng tám mái với các đầu đao cong vút. Qua Gác chuông là một sân gạch rộng, hai bên có hai tòa giải vũ làm nơi nghỉ ngơi cho khách hành hương.
Kiến trúc nhà Tiền đường gồm 7 gian, 4 mái đao cong, thấp, lợp ngói mũi hài, bờ nóc trang trí dải hoa chanh có hai con kìm ngậm hai đầu, ở bốn khúc ngoặt bờ dải có 4 con nghê ngộ nghĩnh mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII.
Theo những tư liệu nghiên cứu và lời kể của nhân dân địa phương thì kiến trúc chùa Đậu trước kia gồm Thiêu hương nằm phía trước, rồi đến Tam bảo thờ Phật, cuối cùng là Thượng điện thờ Thánh Pháp Vũ, cho nên gọi là "Tiền Phật hậu Thánh", hiện các công trình này không còn nữa. Nhân dân địa phương đã kỳ công xây dựng lại Tam bảo thờ Phật và một nhà vuông thờ Thánh Pháp Vũ, gọi là Tam bảo và Thượng điện.
Trải qua gần 2000 năm, chùa Đậu không chỉ là một điểm du lịch tâm linh, chùa còn là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc truyền thống hút nhiều du khách gần xa ghé thăm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.