|
“Rồng tự cắn mình” đang được thờ bên cạnh đền Thái sư Lê Văn Thịnh tìm thấy năm 1991. |
Hố khai quật nhỏ cho kết quả lớn
Năm 2009, trước thời điểm tiến hành trùng tu đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh ở thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, Gia Bình, Bắc Ninh - một trong những dự án trọng điểm chào mừng 1.000 năm Thăng Long, một cuộc khai quật khảo cổ đã được tiến hành và cho những kết quả khá quan trọng.
Các cán bộ Ban quản lý di tích tỉnh cùng 14 công nhân địa phương trong 10 ngày đã mở 5 hố thăm dò với tổng diện tích 30m2. Ở 3 hố lớn, đã có nhiều di vật được tìm thấy với sự phân tầng văn hoá gồm các mảnh gốm sứ thời Lê… cùng các mảnh gốm Hán như ngói, vật liệu trang trí kiến trúc, đầu ngói ống trang trí hoa văn tinh tế… Các chuyên gia cũng thấy nhiều đá tảng dùng để kè bậc thang.
Đáng chú ý hơn, theo thông tin thu thập tại địa phương, hai hố nhỏ đã được mở thêm. Và chính tại đây, hai phần thân rồng đã được phát hiện. Ở hố 4 có một khúc tượng rồng, phần chân hoàn toàn nguyên vẹn, tạc từ đá cát (sa thạch) với phong cách điêu khắc hoàn toàn tương tự khối tượng rồng cắn mình (còn gọi là xà thần) mà người dân đào được vào năm 1991.
Tại hố 5, ngoài mảnh đuôi sấu đá, đầu rồng và con sấu thời Lê, còn có một khúc tượng rồng bằng đá cát, trên mình có vẩy, trên thân còn sót lại một bàn chân có móng vuốt sắc nhọn bám chặt vào thân, cũng cùng phong cách với tượng rồng cắn mình!
Các chuyên gia coi đây là phát hiện quan trọng, đặc biệt khi so sánh với tượng rồng tìm thấy năm 1991, hiện đang được thờ trong miếu xà thần bên cạnh đền quan thái sư.
Người dân đã thấy từ trước!
Từng có những liên tưởng giữa hình tượng rồng bấu chặt, cắn xé thân mình với nỗi oan khiên của vị trạng nguyên đầu tiên trong lịch sử khoa cử nước Việt. Hai phần thân rồng cùng nhiều di vật khác đã tìm thấy, là sự gợi mở phong phú về pho tượng rồng kỳ dị cùng với lịch sử, quy mô chùa và đền thờ quan Thái sư.
Báo cáo sơ bộ của tổ khai quật do Giám đốc Ban quản lý Nguyễn Duy Nhất chấp bút có ghi rõ: "Căn cứ vào những khúc rồng được phát hiện lần này có thể cho ta thêm nhận thức rằng việc phát hiện khối tượng rồng năm 1991 hiện được đặt trong miếu xà thần chỉ là một phần trong nhiều khối đá khác để tạo ra hình tượng rồng hoàn chỉnh, đây là một phát hiện mới có thể coi là bước đột phá để trong tương lai có thể phục hồi hoàn toàn khối tượng rồng đá đặc biệt quý hiếm này".
PV NTNN đã tìm về đền Thái sư Lê Văn Thịnh, ghi lại hình ảnh rồng cắn mình vốn được nhiều chuyên gia nghiên cứu, báo giới phản ánh những năm qua, và khối thân được tìm thấy năm ngoái. Một khối nhỏ đã được chôn xuống ngay cạnh đền xà thần (!?). Một khúc khá lớn còn đặt trong khuôn viên.
Theo ông từ Nguyễn Đức Đam, người dân còn lưu truyền rằng khu đất rộng này xưa kia là nơi ở của quan thái sư, khi bị hàm oan hoá hổ hại vua thì cụ đã "hoá gia vi tự", xây chùa trên đất nhà với ba chữ trên mái: "Thiên thư tự".
Về sau, đền thờ cụ được xây dựng ở ngay chếch phía sau. Vào năm 1995, khi xây cổng cho chùa và đền, chính bà con đã phát hiện ra hai khúc thân này, ngay gần khu vực năm 1991 đã tìm được rồng đá. Nhưng sau đó người dân lấp lại và không nghĩ đến việc tìm thêm...
Anh Nguyễn Khắc Thuận - cán bộ ban quản lý, thành viên tổ khai quật thì cho biết: Chúng tôi đã thử "lắp" thân rồng và cảm thấy còn thiếu nhiều khúc khác. Những gì đã có xem ra chỉ là 1/3 con rồng. Mà rồng này thì rất độc đáo, không giống rồng thời Lý, cũng chẳng giống rồng thời nào. Hy vọng thời gian tới sẽ có kế hoạch tìm tiếp hoàn chỉnh thêm những hiểu biết về một di vật đặc biệt, trong khu tưởng niệm bậc danh nhân có số phận đặc biệt!
Hoàng Thi
Vui lòng nhập nội dung bình luận.