TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Nữ chấp hành viên nhận hối lộ bị bắt; thông tin mới phiên xét xử vụ AIC

A.Đ (T/H) Thứ năm, ngày 22/12/2022 19:00 PM (GMT+7)
Cục Thi hành án dân sự TP.HCM thông tin vụ nữ chấp hành viên nhận hối lộ bị bắt; thông tin mới phiên xét xử vụ AIC; bắt được nghi phạm vụ giết người giấu xác ở mương tại Hưng Yên; tuyên án vụ chuyển hơn 30 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài... là những tin nóng 24 giờ qua.
Bình luận 0

Cục Thi hành án dân sự TP.HCM thông tin vụ nữ chấp hành viên nhận hối lộ bị bắt

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 22/12, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã có báo cáo chính thức về việc nữ chấp hành viên Kim Thanh Hạnh - Cục Thi hành án dân sự TP.HCM bị bắt quả tang nhận hối lộ.

TP.HCM: Vì sao nữ Chấp hành viên bị bắt khẩn cấp? - Ảnh 1.

Cơ quan điều tra VKSND Tối cao bắt quả tang nữ chấp hành viên nhận hối lộ. Ảnh: A.X

Theo đó, chiều tối 20/12, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM nhận được thông tin về vụ việc bắt người phạm tội quả tang, có liên quan đến công chức thuộc Cục này. Sáng 21/12, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM nhận được Văn bản số 01/TB-VKSNDTC(P10) ngày 20/12/2022 của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về việc bắt người phạm tội quả tang.

Theo nội dung văn bản, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thông báo về việc bắt người phạm tội quả tang đối với bà Kim Thanh Hạnh - chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự TP.HCM với hành vi "nhận hối lộ".

Trước đó, tối 20/12, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã bắt quả tang bà Kim Thanh Hạnh (SN 1979), có thẻ chứng nhận là chấp hành viên của Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đang nhận tiền tại Bệnh viện Phụ sản Mê Kông (đường Hoàng Văn Thụ, phường 1, quận Tân Bình, TP.HCM).

Quá trình bắt quả tang, tổ công tác thuộc Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã tiến hành kiểm tra sơ bộ tất cả đồ vật, tài liệu thu được trên người của bà Kim Thanh Hạnh, phát hiện có 7 cọc tiền dạng polimer, loại tiền 500.000 đồng, mỗi cọc 100 tờ...

Theo quá trình điều tra, bà Hạnh đã có hành vi gợi ý, vòi vĩnh hối lộ 350 triệu đồng để được đề xuất với cơ quan hủy bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với đương sự liên quan một vụ án.

Ngày 21/12, tại trụ sở Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã tiến hành khám xét khẩn cấp vị trí làm việc của chấp hành viên Kim Thanh Hạnh. 

Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cho biết, chấp hành viên Kim Thanh Hạnh được phân công tổ chức thi hành bản án số 1541/2019/DS-ST ngày 5/11/2019 của Tòa án nhân dân TP.HCM. Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu số 2672/QĐ-CTHADS ngày 29/6/2020 của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, bà Nguyễn Thị Bích Ngân (Natalie Ngan Nguyen) phải trả cho ông Nguyễn Quốc Vương số tiền 2,5 tỷ đồng và tiền lãi phát sinh do chậm thi hành án.

Theo quan điểm của lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, chấp hành viên Kim Thanh Hạnh thụ lý hồ sơ, lợi dụng việc giao quyết định giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh cho đương sự để có hành vi vòi vĩnh, nhũng nhiễu và bị Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao bắt quả tang phải được xử lý nghiêm minh để răn đe cho toàn hệ thống thi hành án dân sự thành phố.

Hiện nay, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đang trong quá trình điều tra theo quy định của pháp luật. Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cho biết sẽ phối hợp với Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cung cấp tài liệu (nếu cần) để các cơ quan chức năng giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Cựu Bí thư Đồng Nai khai về bữa cơm với Phó Giám đốc AIC ở Nhã Viên Quán

Như Dân Việt đã thông tin: Chiều 22/12, đại diện Viện kiểm sát tiến hành xét hỏi các bị cáo trong vụ án vi phạm đấu thầu gây thiệt hại 152 tỷ đồng tại Bệnh viện Đồng Nai, liên quan Công ty AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Tại tòa, bị cáo Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai thừa nhận đã cầm 14,5 tỷ đồng từ Công ty AIC, cho hay đây là sai lầm lớn nhất trong 50 năm công tác. Vị này khẳng định đã: "Thừa nhận mức độ, tính chất sai phạm trong vụ án".

Cựu Bí thư Đồng Nai khai về bữa cơm với Phó giám đốc AIC ở Nhã Viên Quán - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên tòa xét xử cựu Bí thư, Chủ tịch tỉnh Đồng Nai.

Kiểm sát viên cũng xét hỏi về những lần ông Thành gặp bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Công ty AIC, cựu Bí thư Tỉnh ủy này thừa nhận "gặp nhiều lần nên không nhớ".

Người giữ quyền công tố nhắc lại cuộc gặp giữa các bị cáo Thành, Nga tại nhà hàng Nhã Viên Quán năm 2010, khi dự án Bệnh viện Đồng Nai được bổ sung vốn mua thiết bị.

Khi đó, Hoàng Thúy Nga mời ông Thành ra ăn cơm và ông Thành gọi thêm Phan Huy Anh Vũ, khi đó là Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai ra cùng.

Ông Thành khai: "Ở Nhã Viên Quán, Nga nói trước mặt tôi và Vũ là AIC muốn tham gia các gói thầu thiết bị y tế. Tôi có nói với Vũ là AIC là công ty lớn, anh tạo điều kiện. Anh Vũ tiếp nhận ý kiến, hiểu AIC là chỗ quen biết của tôi và họ muốn trúng thầu".

Kiểm sát viên nhắc lại lời khai ông Thành trình bày tại giai đoạn điều tra thể hiện tại bữa ăn, ông Thành "nhắc nhở" Vũ tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu.

Cựu Bí thư Đồng Nai khai báo chiều 22/12.

Tiếp theo, Phan Huy Anh Vũ khai bữa cơm tại Nhã Viên Quán "đúng như ông Thành khai báo". Bị cáo Vũ nói thêm việc ông Thành có 2 lần nói chuyện với bị cáo về Công ty AIC.

Kiểm sát viên đọc lại lời khai của ông Vũ ở giai đoạn điều tra thể hiện: "Ông Thành theo dõi đặc biệt quá trình AIC đấu thầu, nhắc nhở tôi nhiều lần. Trước khi đấu thầu, bà Nhàn có gặp tôi bảo tạo điều kiện, tôi nói ở miền Tây có một số bệnh viện mua hàng, vỏ máy ghi xuất xứ Âu - Mỹ nhưng ruột là của Trung - Ấn. Tôi nói, AIC có tham gia thì tham gia, không được bán thầu cho bên khác. Hôm sau, ông Thành gọi tôi bảo sao nói bà Nhàn như vậy".

Ông Vũ cho rằng, mình khai như trên vì cho rằng Công ty AIC "phật ý" chứ không phải ông Thành muốn can thiệp đấu thầu.

Cũng theo cựu Giám đốc Bệnh viện này, AIC còn độc quyền cung cấp giường bệnh Paramount của Nhật Bản. Khi còn làm Giám đốc Bệnh viện, ông không muốn mua loại này vì giá cao, định dùng hàng Việt sản xuất tại Đồng Nai nhưng sau đó, ông Thành gọi điện, nói "giường Nhật đắt nhưng bền".

Theo cáo trạng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập và điều hành hoạt động Công ty AIC – doanh nghiệp đa ngành, hoạt động trong các lĩnh vực như y tế, môi trường, cung cấp thiết bị.

Từ năm 2003, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã có quan hệ quen biết với Trần Đình Thành khi đang là Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai. Đến năm 2007, trước khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai, bà Nhàn gặp Trần Đình Thành (đã lên chức Bí thư Tỉnh ủy) và nhờ mời lãnh đạo tỉnh, các Sở, ngành ăn trưa để "giới thiệu Công ty AIC" tham gia các dự án của tỉnh.

Năm 2010, Bệnh viện Đồng Nai chuẩn bị thực hiện thủ tục bổ sung vốn đầu tư nhưng gặp khó khăn nên Trần Đình Thành điện thoại cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn, đề nghị "giúp tỉnh Đồng Nai xin vốn Trung ương".

Sau đó, ông Thành còn giới thiệu Phan Huy Anh Vũ với nhân viên của bà Nhàn, đề nghị tạo điều kiện để Công ty AIC trúng thầu các gói thầu thiết bị y tế do doanh nghiệp này có khả năng và "có công xin vốn cho tỉnh".

Do vậy, khi dự án bệnh viện Đồng Nai đấu thầu, Công ty AIC đã trúng thầu dù dùng các báo giá nâng không lến từ 1,3 - 2 lần so với thực tế. Tổng cộng, nhóm doanh nghiệp của AIC trúng 16/19 gói thầu thiết bị y tế với tổng giá trị 665 tỷ đồng.

Theo Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, việc AIC nâng giá và trúng thầu đã gây thiệt hại tổng cộng hơn 152 tỷ đồng.

Cũng theo cơ quan truy tố, để được tạo điều kiện trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Bệnh viện Đồng Nai, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chi tiền hối lộ cho Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, Phan Huy Anh Vũ tổng số 43,8 tỷ đồng.

Bắt được nghi phạm vụ giết người giấu xác ở mương tại Hưng Yên

Như Dân Việt đã thông tin: Sáng 22/12, Công an tỉnh Hưng Yên thông tin kết quả điều tra ban đầu vụ giết người, cướp tài sản xảy ra ngày 21/12 tại thôn Quanh, thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.

Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã bắt giữ đối tượng Bùi Quyết Thắng, sinh năm 1992, ở thôn An Trạch, xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên để điều tra hành vi giết người, cướp tài sản.

Vụ giết người giấu xác ở mương tại Hưng Yên: Đã bắt được nghi phạm - Ảnh 1.

Tử thi là nam giới được tìm thấy tại cánh đồng thôn Quanh, thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.

Trước đó, khoảng 17 giờ ngày 21/12, Công an tỉnh Hưng Yên nhận được tin báo của người dân về việc phát hiện một tử thi là nam giới tại cánh đồng thôn Quanh, thị trấn Ân Thi, trên vùng mặt tử thi có nhiều vết thương và một vết thương đứt ngang cổ, xung quanh hiện trường có nhiều vết máu.

Ngay sau khi nhận được tin báo, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an huyện Ân Thi phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Ân Thi tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, tập trung điều tra xác minh.

Nhà chức trách xác định tử thi là ông Ngô Văn Đình, sinh năm 1963, ở thôn An Trạch, xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đang tập trung điều tra, xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.

Tuyên án vụ chuyển hơn 30 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài

Như Dân Việt đã thông tin: Sáng 22/12, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã tuyên án vụ chuyển trái phép hơn 30 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài.

Cụ thể, sau 2 ngày xét xử, sáng nay, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã tuyên án với 12 bị cáo trong vụ "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".

Vụ án có 13 bị cáo bị truy tố với tội danh nêu trên, gồm: Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1985, TP.Hà Nội, lao động tự do), Phạm Anh Tuấn (SN 1984, TP.Hà Nội, bộ đội phục viên, chồng Nguyệt), Nguyễn Văn Thắng (SN 1985, TP.Hà Nội, lao động tự do), Nguyễn Thị Nga (SN 1988, TP.Hà Nội, lao động tự do), Nguyễn Thị Hà (SN 1979, TP.Hà Nội, giáo viên), Nguyễn Văn Thực (SN 1979, TP.Hà Nội, lao động tự do), Nguyễn Văn Việt (SN 1998, Hải Dương, lao động tự do), Nguyễn Minh Khang (SN 1995, TP.Hà Nội, lao động tự do), Phạm Việt Hùng (SN 1991, TP.Hà Nội, lao động tự do), Phạm Hữu Thuật (SN 1981, Quảng Ninh, lao động tự do), Nguyễn Thị Thúy (SN 1974, TP.Hà Nội, lao động tự do), Nguyễn Xuân Tươi (SN 1969, Hải Dương), Phạm Hồng Hạo (SN 1967, Hà Nam, lao động tự do. Trước phiên xét xử có 1 bị cáo tử vong.

Cặp vợ chồng Nguyệt, Tuấn và các bị cáo khác bị cáo buộc mở 8 công ty, quay vòng nguồn hàng nhằm mục đích vận chuyển trái phép hơn 30,4 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài để hưởng hoa hồng.

Hội đồng xét xử nhận định, hành vi phạm tội của bị cáo Nguyệt và các đồng phạm là rất nghiêm trọng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước, xâm phạm tính ổn định phát triển của nền kinh tế quốc dân, gây thiệt hại cho Nhà nước, gây hoang mang bất bình trong dư luận quần chúng nhân dân nên cần áp dụng hình phạt nghiêm minh với các bị cáo.

Vụ chuyển hơn 30 nghìn tỷ ra nước ngoài: Cặp vợ chồng đầu vụ lĩnh án - Ảnh 1.

Vợ chồng Nguyễn Thị Nguyệt, Phạm Anh Tuấn bị phạt tổng cộng đến 12 năm 6 tháng tù; các bị cáo còn lại cũng bị tuyên mức án tương xứng hành vi phạm tội. Ảnh: DT

Trong vụ án, Nguyệt là người chủ mưu khởi xướng điều hành mạng lưới vận chuyển tiền tệ nêu trên, thu lời bất chính lớn nhất, nên có vai trò cao nhất nên cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc với bị cáo để có sức răn đe.

Với Phạm Anh Tuấn, bị cáo tham gia trợ giúp Nguyệt trong quá trình phạm tội, tham gia điều hành mạng lưới chuyển tiền trái phép ra nước ngoài nên bị cáo có vai trò cao thứ hai.

Căn cứ vào chứng cứ, tài liệu cũng như diễn biến xét xử ở phiên tòa, Hội đồng xét xử quyết định, tuyên vợ chồng Nguyễn Thị Nguyệt, Phạm Anh Tuấn cùng 10 bị cáo còn lại phạm tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".

Về hình phạt, tòa tuyên phạt Nguyễn Thị Nguyệt 7 năm 6 tháng tù, Phạm Anh Tuấn 5 năm tù, Phạm Hữu Thuật 30 tháng tù; phạt bổ sung Nguyệt 50 triệu đồng, Tuấn 30 triệu đồng, Thuật 20 triệu đồng. Các bị cáo còn lại bị phạt từ 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 4 năm tù.

Án sơ thẩm xác định, năm 2016, nhiều người có nhu cầu thuê chuyển tiền trái phép ra nước ngoài nên Nguyệt mua hồ sơ tạm nhập, tái xuất của Phạm Hữu Thuật.

Nhóm này hợp thức hồ sơ để chuyển tiền thông qua Công ty TNHH xuất nhập khẩu Đại Phát và Công ty TNHH đầu tư Đại Phát. Thuật đồng ý bán cho Nguyệt hồ sơ tạm nhập tái xuất với giá 30 đến 40 triệu đồng, còn Nguyệt gửi thông tin công ty nhận tiền, mẫu con dấu, chữ ký giám đốc để hoàn thiện hợp đồng. 

Vụ chuyển hơn 30 nghìn tỷ ra nước ngoài: Cặp vợ chồng đầu vụ lĩnh án - Ảnh 2.

Bị cáo đầu vụ Nguyễn Thị Nguyệt bị cáo buộc hưởng lợi hơn 30 tỷ đồng từ phi vụ chuyển hơn 30 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài. Ảnh: DT

Hai người sau đó góp tiền mua linh kiện điện tử (IC) điều khiển từ Trung Quốc, rồi làm thủ tục tạm nhập qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) để tái xuất sang Trung Quốc và chuyển lại cho Thuật.

Thuật đã mở 49 tờ khai hàng hóa với tổng giá trị nhập khẩu là 52,3 triệu USD, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu là hơn 52,3 triệu USD. Thuật sau đó dùng pháp nhân của 2 công ty cùng tên Đại Phát và Công ty TNHH xuất nhập khẩu BDA (trụ sở tại Hải Phòng) để thanh toán quốc tế 48/49 hợp đồng tại 3 ngân hàng.

Nguyệt sau này biết được thủ đoạn và cách thức chuyển tiền trái phép ra nước ngoài nên năm 2017 bàn với chồng mượn chứng minh nhân dân của những người thân trong gia đình để thành lập 8 công ty.

Các hợp đồng kinh tế khống được lập, mua hàng hóa là IC điện thoại thông minh từ Singapore rồi xuất bán cho các công ty tại Trung Quốc theo hình thức tạm nhập tái xuất để lấy tờ khai hải quan.

Nguyệt cùng chồng là Phạm Anh Tuấn liên hệ với các nhân viên của 3 chi nhánh ngân hàng tại Móng Cái. Các nhân viên đã hỗ trợ mở tài khoản, làm hồ sơ giao dịch chuyển tiền.

Từ năm 2016 đến 2020, sau khi hợp thức được các hồ sơ tạm nhập tái xuất, vợ chồng Nguyệt cùng các đồng phạm đã nhiều lần vận chuyển trái phép tổng số tiền hơn 30,4 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài.

Bắt quả tang 5 đôi nam nữ đang mua bán dâm tại nhà nghỉ

Như Dân Việt đã thông tin: Trong đêm, khoảng 30 cảnh sát chia làm ba mũi đột kích, bắt quả tang 5 đôi nam nữ đang mua bán dâm, đồng thời tạm giữ những người chuyên "chăn dắt" chân dài.

Bắt quả tang 5 đôi nam nữ đang mua bán dâm tại nhà nghỉ - Ảnh 1.

Hiện trường mua bán dâm tại nhà nghỉ. Ảnh: CACC

Công an TP.Lào Cai (tỉnh Lào Cai) cho biết, những người bị tạm giữ gồm: Cao Xuân Ngọc (còn gọi Ngọc Lầu, SN 1974, ở TP.Lào Cai); Mã Văn Tứ (SN 2005, ở Sa Pa, Lào Cai) và Hoàng Văn Hiếu (SN 2000, quê Lai Châu). Họ bị xác định có hành vi môi giới mại dâm.

Từ cuối tháng 8/2022, cảnh sát phát hiện một đường dây môi giới mại dâm chuyên nghiệp với thủ đoạn tinh vi, được phân công cụ thể từng khâu, từ nhận khách rồi chở "chân dài" đến nơi phục vụ rồi thanh toán…

Ngày 20/12, lực lượng trinh sát đã phát hiện các đối tượng nghi vấn đang mua bán dâm. Công an TP.Lào Cai cử 30 cán bộ, chiến sĩ, chia làm 3 mũi đột kích tại nhiều địa điểm.

Tối cùng ngày, cảnh sát phát hiện tại nhà nghỉ Đức Hiếu (ở TP.Lào Cai) đang có 5 đôi nam nữ đang mua bán dâm. Nhóm này khai nhận được Lầu, Tứ và Hiếu môi giới "vui chơi".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem