Tới 15h ngày 12/6, Công an tỉnh Bình Dương vẫn đang phối hợp cùng lực lượng liên quan khám nghiệm hiện trường, tử thi để điều tra làm rõ vụ đôi nam nữ được phát hiện chết bất thường trong phòng trọ.
Hiện trường vụ việc là khu phòng trọ thuộc khu phố 6, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương). Thời điểm phát hiện, cả hai đều tử vong. Người đàn ông chết trong tư thế treo cổ.
Lực lượng chức năng xác định được danh tính 2 nạn nhân là ông T.C.T. (44 tuổi, quê Quảng Trị) và bà L.H.O. (37 tuổi, quê Cà Mau).
Theo các nhân chứng, đêm trước khi phát hiện vụ việc, hàng xóm có nghe thấy tiếng cãi vã của 2 người tại phòng trọ. Đến trưa cùng ngày, hàng xóm gọi cửa phòng trọ, nhưng không ai mở cửa. Khi nhìn qua khe hở, hàng xóm phát hiện sự việc, nên trình báo cơ quan chức năng.
Vụ việc đang được khẩn trương điều tra làm rõ.
Bắt giữ 26 đối tượng, thu giữ nhiều vũ khí trong vụ tấn công bằng súng ở Đắk Lắk
Như Dân Việt đã thông tin: Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an, cho biết, đến 11h30 ngày 12/6, lực lượng chức năng đã bắt giữ tổng số 26 nghi phạm liên quan vụ tấn công 2 trụ sở UBND xã tại Đắk Lắk.
"Các lực lượng đã bắt giữ tổng số 26 đối tượng, thu một số vũ khí quân dụng, trong đó có súng trường CKC..." - Trung tướng Tô Ân Xô thông tin và cho biết, hiện lực lượng chức năng vẫn đang quyết liệt truy bắt các đối tượng, điều tra làm rõ vụ việc.
Vụ việc xảy ra vào sáng sớm 11/6, tại địa bàn huyện Cư Kuin, một nhóm người chưa xác định danh tính dùng súng tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur, làm chết và bị thương một số cán bộ xã, công an xã và người dân.
Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Đắk Lắk và các đơn vị nghiệp vụ triển khai vây bắt nhóm người trên.
Cùng thời điểm, Bộ Công an cũng phát đi thông báo đề nghị người dân huyện Cư Kuin và các địa bàn lân cận bình tĩnh, không hoang mang và thực hiện theo yêu cầu của chính quyền cơ sở, các lực lượng chức năng.
Nếu ai có thông tin liên quan đến nhóm người trên, đề nghị cung cấp ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Ngày 11/6, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định truy thăng cấp bậc hàm đối với 4 cán bộ, chiến sĩ công an xã hy sinh; quyết định hỗ trợ 100 triệu đồng/gia đình đối với gia đình 4 đồng chí cán bộ hy sinh nêu trên; hỗ trợ 50 triệu đồng/đồng chí đối với 2 đồng chí cán bộ bị thương trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Sáng 12/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk để nghe báo cáo tình vụ việc. Sau đó, Phó Thủ tướng đã cùng đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên, chia buồn với gia đình các nạn nhân.
Bà Lê Thị Dung nói về quy chế chi tiêu nội bộ, điểm mấu chốt khiến bản thân rơi vào vòng lao lý
Như Dân Việt đã thông tin: Phiên tòa phúc thẩm vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên đối với bị cáo Lê Thị Dung và Nguyễn Thị Hương diễn ra tại Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An vào ngày 12/6.
Chiều 12/6, trình bày trước toà về quy chế chi tiêu nội bộ, bà Lê Thị Dung cho biết: "Việc chi cho bị cáo, cũng như toàn bộ giáo viên, công nhân viên tại nhà trường là theo đúng quy chế chi tiêu nội bộ. Quy chế này được xây dựng một cách dân chủ, công khai, đúng quy định, quy trình đã gửi cho các cơ quan cấp trên. Giám định tư pháp trong vụ án cũng kết luận rằng quy trình vẫn có hiệu lực thi hành".
Bà Lê Thị Dung nói: "Tất cả mọi người đều được hưởng như bị cáo. Mọi người, tức là cán bộ giáo viên trong đơn vị cũng được hưởng như bị cáo, cho nên không thể nói rằng đó là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ khi chưa chứng minh được là bị cáo vi phạm quy định nào trong quy chế chi tiêu nội bộ, cũng như chi tiêu về tài chính. Bởi vì việc giám định tư pháp, cũng không xác định rằng việc chi của bị cáo là vi phạm văn bản về tài chính kế toán".
Bên cạnh đó, bà Lê Thị Dung cũng cho rằng trình tự tố tụng có nhiều điểm sai: "Trong quá trình tố tụng, thủ tục tiếp nhận đơn tố giác tội phạm hoàn toàn sai phạm nhưng cấp sơ thẩm vẫn nói rằng hoàn toàn không ảnh hưởng đến bản chất vụ án. Nhưng bị cáo lại cho rằng ảnh hưởng rất là lớn. Bị cáo Hương đến tự thú nhưng không bắt giam, không niêm phong tài liệu hồ sơ, không thu giữ tài liệu hồ sơ theo quy định của pháp luật".
Cũng theo bà Lê Thị Dung, việc thu giữ hồ sơ của vụ án là chưa khách quan, toàn diện, "Tài liệu hồ sơ của 6 năm nhưng chỉ thu số một số tháng của các năm, như vậy là không khách quan, toàn diện, không đầy đủ", bà Lê Thị Dung nói tại phiên tòa.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Lê Thị Dung có 6 luật sư tham gia bào chữa. Tại phiên tòa, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Phương Thúy có đơn xin xét xử vắng mặt. Luật sư cho rằng, việc bà Nguyễn Phương Thúy vắng mặt sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo Lê Thị Dung, nên có đề nghị chủ tọa phiên tòa hoãn xét xử phiên tòa.
Hội đồng xét xử sau đó đã vào phòng nghị án để tiến hành hội ý. Sau khi hội ý, Hội đồng Xét xử đã quyết định tiếp tục xét xử phiên tòa.
Lấy tiền Nhà nước làm lợi công ty gia đình, cựu lãnh đạo VEAM hầu tòa
Như Dân Việt đã thông tin: Sáng 12/6, TAND TP.Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử Phạm Vũ Hải, cựu Phó tổng giám đốc Công ty Máy động lực Việt Nam (VEAM); Nguyễn Đức Toàn, cựu Phó giám đốc Nhà máy ô tô VEAM (VM) và Trần Ngọc Hà, cựu Chủ tịch VEAM.
Cả 3 hầu tòa với cáo buộc gây thiệt hại hơn 72 tỷ đồng cho VEAM, phạm vào tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219.
Trần Ngọc Hà (bìa trái) và 2 cựu lãnh đạo ô tô VEAM tại tòa.
Theo cáo trạng, VEAM vốn là doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương và có 25 công ty con, đơn vị thành viên. Từ 2017, VEAM cổ phần hóa với vốn điều lệ 13.288 tỷ, Nhà nước nắm hơn 88%.
Nhà máy ô tô VM là đơn vị thuộc VEAM, có ngành nghề sản xuất, lắp ráp xe tải các loại. Giá bán xe được quy định "thống nhất cho toàn bộ hệ thống đại lý".
Tuy nhiên, giai đoạn 2016 – 2018, VM tự ý bán gần 2.400 xe tải cho 16 đại lý theo hình thức bán hàng giảm giá dù không báo cáo, xin ý kiến phê duyệt của VEAM.
Cơ quan tố tụng cáo buộc, giá gần 2.400 xe là hơn 1.036 tỷ đồng nhưng VM chỉ bán ở mức 966 tỷ đồng. Việc này gây thiệt hại hơn 69 tỷ đồng và là trách nhiệm của Phạm Vũ Hải, Nguyễn Đức Toàn cùng Trần Đại Lợi (cựu Giám đốc VM, hiện bỏ trốn).
Ngoài hành vi trên, tại VM còn xảy ra việc mua săp, lốp, yếm xe với giá cao, gây thiệt hại hơn 4 tỷ đồng. Cáo trạng thể hiện, những sản phẩm này được sản xuất bởi Công ty Cao su Sao Vàng, Công ty Casumina và Công ty Cao su Đà Nẵng.
Tuy nhiên, Trần Ngọc Hà yêu cầu VM không mua hàng trực tiếp từ 3 doanh nghiệp trên, mà bắt họ phải bán qua 2 công ty khác của gia đình bị cáo gồm Công ty Ô tô xe máy Liên Anh và Công ty Máy Nông Ngư Nghiệp.
Điều tra xác định, VM hoàn toàn có khả năng mua hàng từ 3 nhà sản xuất nói trên nhưng lại từ chối rồi mua hàng qua trung gian với giá cao hơn, gây thiệt hại hơn 4 tỷ đồng.
Hành vi trên giúp 2 đơn vị trung gian là Liên Anh và Máy Nông Ngư Nghiệp được hưởng lợi. Trong đó, Công ty Cao su Sao Vàng phải thanh toán cho Liên Anh hơn 2,6 tỷ đồng chiết khấu còn Casumina trả cho Máy Nông Ngư Nghiệp gần 1,4 tỷ đồng "hoa hồng".
Đây là vụ án thứ 2 xảy ra tại VEAM. Trước đó, tháng 5/2022, TAND TP.Hà Nội phạt Trần Ngọc Hà 11 năm tù cũng theo Điều 219. Tòa cũng phạt 16 người khác từ án tù treo đến 16 năm tù với cáo buộc gây thất thoát cho VEAM gần 130 tỷ đồng.
Truy tìm 3 luật sư bào chữa cho các bị cáo trong vụ Tịnh thất Bồng Lai
Như Dân Việt đã thông tin: Sáng 12/6, Công an tỉnh Long An cho biết, đơn vị đã ra quyết định truy tìm 3 luật sư gồm: Nguyễn Văn Miếng, Đào Kim Lân, Đặng Đình Mạnh.
Động thái này được Công an tỉnh Long An đưa ra để phục vụ công tác giải quyết tin báo về tội phạm căn cứ thông báo của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an.
3 đối tượng trên là những luật sư bị phát hiện có hành vi phát tán trên không gian mạng qua các đoạn video clip những hình ảnh, lời nói, bài viết có dấu hiệu tội phạm "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An thụ lý kiểm tra, xác minh tin báo trên và đã gửi giấy triệu tập nhiều lần cho 3 đối tượng gồm: Nguyễn Văn Miếng (SN 1966), ngụ phường Trường Thọ, TP.Thủ Đức, TP.HCM; Đào Kim Lân (SN 1967), ngụ phường 9, quận 6, TP.HCM và Đặng Đình Mạnh (SN 1968), ngụ phường 15, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Nhưng các đối tượng này không đến để làm việc và không có lý do vắng mặt.
Qua công tác xác minh, công an phường nơi các đối tượng cư trú và thân nhân xác nhận hiện các đối tượng không có mặt tại địa phương, đi đâu, làm gì không rõ và không liên lạc được.
Được biết, 3 luật sư Lân, Miếng, Mạnh là những người từng bào chữa cho ông Lê Tùng Vân cùng các đồng phạm trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai kết thúc vào hồi cuối tháng 11/2022 tại Long An.ư\
Vui lòng nhập nội dung bình luận.