TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Thông tin mới về iPad của ông Nguyễn Đức Chung; hé lộ thực đơn bữa cơm vụ 4 người chết

A.Đ (t/h) Thứ năm, ngày 30/12/2021 19:00 PM (GMT+7)
Chủ tọa bật mí bất ngờ liên quan chiếc iPad của cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung; người thân hé lộ thực đơn vụ 4 người chết sau bữa cơm ở Hưng Yên; xót xa lời kể của người giúp việc chăm sóc bé gái 8 tuổi tử vong nghi do "dì ghẻ" bạo hành... là những tin nóng 24 giờ qua.
Bình luận 0

Chủ tọa bật mí bất ngờ liên quan chiếc iPad của cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Sáng nay (30/12), phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung và 6 đồng phạm trong vụ can thiệp trái, dừng gói thầu số hóa trái pháp luật ở Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tiếp tục phần tranh luận.

Tại tòa, liên quan đến chiếc iPad của cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội do gia đình bị cáo Chung chuyển cho luật sư giao nộp, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Vũ Quang Huy thông tin, sau khi tiếp nhận, niêm phong chiếc iPad, tòa án đã chuyển cho Viện Kiểm sát để làm thủ tục xem xét theo trình tự tố tụng hình sự.

Theo chủ tọa phiên tòa, Viện Kiểm sát đã phối hợp với Cơ quan An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an), với sự chứng kiến của bị cáo Nguyễn Đức Chung và luật sư Nguyễn Văn Tú (người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Chung) để xem xét đồ vật nêu trên.

Xử vụ ông Nguyễn Đức Chung: Chủ tọa bật mí bất ngờ liên quan chiếc Ipad của của cựu Chủ tịch Hà Nội - Ảnh 1.

Chủ tọa Vũ Quang Huy thông tin, dù ông Nguyễn Đức Chung có nhớ mật khẩu chiếc iPad thì cũng không đủ cơ sở xác định ông đã xem email mà Bùi Quang Huy gửi hay không. Ảnh: PH

Bị cáo là cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội trình bày không nhớ được mật khẩu mở chiếc iPad, sẽ cung cấp mật khẩu sau.

"Cơ quan An ninh mạng có ý kiến cho biết, theo chính sách bảo mật của Google, khi xem xét các hoạt động liên quan đến bảo mật thì chỉ xem xét được trong thời hạn 28 ngày gần nhất, bao gồm cả hoạt động truy cập và đăng nhập vào tài khoản email, nên không thể xác minh được lịch sử truy cập email quá 28 ngày. Việc truy cập email không nhất thiết phải sử dụng máy iPad trên mà có thể sử dụng bằng các phương tiện, thiết bị khác như máy tính, điện thoại có kết nối Internet. Trường hợp có mật khẩu để truy cập vào email cũng không có căn cứ để xác định đã đọc hay chưa đọc email" - ông Vũ Quang Huy thông tin.

Ở diễn biến trước đó, luật sư Nguyễn Văn Tú đã đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chứng cứ mới là chiếc iPad mà gia đình bị cáo Nguyễn Đức Chung cung cấp.

Theo trình bày của luật sư Tú, chiếc iPad được tìm thấy sau khi luật sư Tú tiếp xúc với ông Chung tại trại tạm giam, nghe ông này mô tả và sau đó được tìm thấy ở phòng làm việc của ông Chung.

Bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa - vợ ông Chung là người cung cấp chiếc iPad này cho luật sư. Đáng chú ý, theo luật sư Tú, chiếc iPad này được cho rằng có cài email chunghinhsu@gmail.com của ông Chung.

Bị cáo Chung đề nghị Hội đồng xét xử tiếp nhận chiếc iPad trên để xem xét, trưng cầu bộ phận kỹ thuật làm rõ nội dung lưu trữ trong iPad cũng như việc mở, dùng chiếc iPad này cũng như hòm thư vào chiều 15/5/2016 hay không.

Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung trình bày, chiếc iPad này được ông sử dụng từ đầu năm 2016. Đến 2018, ông đã chuyển sang dùng iPad khác, địa chỉ email cũng đổi sang email công vụ do Văn phòng UBND TP.Hà Nội lập nên hiện tại không nhớ được mật khẩu của email chunghinhsu@gmail.com.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định rằng mình không xem email của Bùi Quang Huy - Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường rồi từ đó gọi điện, yêu cầu ông Nguyễn Văn Tứ - cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội dừng gói thầu số hóa năm 2016.

Người thân hé lộ thực đơn vụ 4 người chết sau bữa cơm ở Hưng Yên

Liên quan đến vụ việc nhiều người tử vong sau bữa cơm trưa tại một gia đình ở xã Hùng An, huyện Kim Động, Hưng Yên, đến nay có 4 người tử vong, một người bị hôn mê sâu đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Danh tính nạn nhân được xác định là chị Nguyễn Thị Tươi và con trai N.V.H.N (8 tuổi), chị Nguyễn Thị Tình (em gái chị Tươi) và cháu P.T.A.B. (4 tuổi, con chị Tình).

Vụ 4 người chết sau bữa cơm ở Hưng Yên:  - Ảnh 1.

Đường vào gia đình ông Sảng - bà Thắm. Ảnh: HYTV

4 ngày sau bữa ăn gia đình, bà Nguyễn Thị Thắm (trú thôn Lai Hạ Trung, xã Hùng An, huyện Kim Động - vợ ông Nguyễn Văn Sảng) vẫn chưa hết bàng hoàng khi 2 con gái và 2 cháu ngoại lần lượt qua đời. Bà Thắm và chồng chỉ có 2 cô con gái là chị Nguyễn Thị Tươi (27 tuổi) và Nguyễn Thị Tình (25 tuổi). Cả hai đều đã lập gia đình, sống tại xã Ngọc Thanh và Đồng Thanh (cùng huyện Kim Động).

Theo lời kể của bà Thắm, nhà có hai cô con gái, nên các con sống rất tình cảm, ngày thường các con đi làm, nhưng Chủ nhật về nhà bố mẹ đẻ ăn cơm. Bữa ăn trưa 26/12 vốn không nằm trong kế hoạch. Hôm đó, bà đi chợ thì gặp con gái Nguyễn Thị Tươi.

Tại đây, bà có bảo Tươi đưa các con qua nhà ăn cơm trưa. Khi Tươi đồng ý, bà có gọi cho con gái út là Nguyễn Thị Tình qua dùng bữa trưa cùng. Bữa cơm có 9 người gồm 2 ông bà, 3 mẹ con chị Tươi, 2 người con và vợ chồng chị Tình.

Bà Thắm không nhớ hôm đó những ai ăn thứ gì, ai không ăn thứ gì. Bữa cơm gia đình như mọi lần vào cuối tuần có hai gia đình con gái cùng các cháu vẫn thường diễn ra. Theo bà Thắm, món ăn gồm có thịt lợn kho, chả lợn, rau cần, đậu phụ, vài quả trứng rán.

Nhớ lại diễn biến vụ việc, bà Thắm kể, hôm 26/12, sau bữa trưa mọi người vẫn bình thường, tuy nhiên khoảng 30 phút sau thì một cháu nhỏ (con của chị Tươi) có hiện tượng nôn, ói.

"Thấy cháu nôn, đau bụng, người cứng và sùi bọt mép, tôi có gọi bác dâu qua đưa cháu đi Bệnh viện Nhi tỉnh Hưng Yên. Tại Bệnh viện Nhi, cháu tỉnh táo hơn một chút", bà Thắm kể.

5 phút sau khi bé N. đi bệnh viện thì bé B. (5 tuổi, con chị Tình) cũng bị đau cổ, được đưa xuống Bệnh viện Nhi Hưng Yên cùng cấp cứu. Tuy nhiên, tối 26/12, hai cháu cùng tử vong. Gia đình từ chối giám định pháp y và tổ chức an táng cho các cháu.

Ngày 27/12, chị Tươi và chị Tình cũng xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn và được đưa đi cấp cứu tích cực tại bệnh viện ở Hà Nội. Tuy nhiên, đến chiều 28/12, chị Tươi qua đời. Trưa 29/12, chị Tình cũng không qua khỏi.

Bà Thắm cũng cho biết thêm, anh D. (chồng chị Tươi) hôm xảy ra vụ việc đang đi giúp việc ở Thái Bình, khi nhận được tin liền quay về, lúc này đứa bé đã tử vong. Sau khi lo hậu sự cho bé, người vợ là chị Tươi cũng được bệnh viện trả về, đến buổi chiều thì người thân phát hiện anh này cũng trong tình trạng hôn mê.

Chia sẻ về cuộc sống gia đình, bà Thắm cho biết, vợ chồng bà chỉ có 2 con gái vẫn thường xuyên qua lại và cùng nhau ăn cơm vào cuối tuần. Theo bà Thắm các con của bà sau khi xây dựng gia đình vẫn có cuộc sống bình thường, cùng có công việc ở công ty gần nhà. Sự việc xảy ra đến bây giờ khiến bản thân bà Th. vẫn chưa thể hiểu cơ sự.

Bà Thắm khẳng định, hôm xảy ra sự việc không có bất kỳ bất thường nào, không có người lạ xuất hiện và các thành viên trong gia đình hoàn toàn bình thường.

Công an tỉnh Hưng Yên cho biết hiện nguyên nhân của vụ việc đau lòng này vẫn đang được Bộ Công an và Bộ Y tế phối hợp với Công an tỉnh tiếp tục xác minh, điều tra, chưa có kết luận cuối cùng.

Bị cáo Tất Thành Cang phủ nhận lời khai của Tề Trí Dũng và nói không có quan hệ với ông chủ Nguyễn Kim

Như Dân Việt đã thông tin: Chiều 30/12, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM) và 19 đồng phạm. Tại phiên tòa, bị cáo Cang đưa ra 3 chứng cứ chứng minh lời khai của Tề Trí Dũng không có căn cứ; đồng thời khẳng định không giúp Nguyễn Kim tham gia SADECO.

Trả lời xét hỏi của luật sư tại tòa chiều nay, ông Tề Trí Dũng một lần nữa khẳng định ông Tất Thành Cang đã mở lời cho Nguyễn Kim tham gia vào SADECO. "Từ lời nói tại bữa tiệc ở nhà bị cáo Cang, tôi mới đồng ý cho Nguyễn Kim tiếp xúc với SADECO", bị cáo Dũng nói.

Bị cáo Tất Thành Cang: Lời khai của Tề Trí Dũng không có căn cứ - Ảnh 1.

Đối chất với bị cáo Tề Trí Dũng tại tòa, bị cáo Tất Thành Cang (bên phải) nhấn mạnh không có bất kỳ mối quan hệ nào với ông Nguyễn Văn Kim. Ảnh: Chinh Hoàng

Đối chất với bị cáo Tề Trí Dũng tại tòa, bị cáo Cang nhấn mạnh không có bất kỳ mối quan hệ nào với ông Nguyễn Văn Kim (Chủ tịch HĐQT Công ty Nguyễn Kim). Cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết, chưa bao giờ gọi cho Tề Trí Dũng qua nhà ở quận 7 hỏi thông tin về SADECO.

Đối với lời khai về cuộc gặp mặt tại nhà riêng ngày 22/11/2016, bị cáo Cang nói hoàn toàn không có việc này. "Tháng 11/2016, bị cáo đang theo học lớp kiến thức An ninh Quốc phòng tại Hà Nội. Lớp khai giảng cuối tháng 10, bế giảng cuối tháng 11/2016, lớp học theo hình thức tập trung, ăn ngủ và học trong học viện, được quản lý bởi Học viện Quốc phòng", bị cáo Cang trình bày.

Để chứng minh lời khẳng định này, ông Tất Thành Cang đưa ra 3 căn cứ: "Thứ nhất, tôi đề nghị luật sư liên hệ với Văn phòng Thành ủy để có quyết định triệu tập bị cáo đi học ở Học viện Quốc phòng của Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Thứ hai, tôi thông báo phân công đồng chí Võ Thị Dung (Phó Bí thư Thành ủy) xử lý công việc trong Thường trực Thành ủy trong thời gian tôi đi học. Thứ ba, là lịch công tác tuần của Ban Thường vụ Thành ủy thể hiện rõ thời gian tôi học tại Hà Nội".

Ngoài ra, bị cáo Cang cho biết, lớp này do Học viện Quốc phòng tổ chức; do đó ngày khai giảng, bế giảng, Báo Quân đội Nhân dân có đăng; HĐXX có thể tham khảo trên báo về lớp học khóa 63 dành cho cán bộ cao cấp năm 2016. Đồng thời, bị cáo Cang cho rằng Học viện Quốc phòng là nơi có thể cung cấp đầy đủ về quá trình, thời gian quản lý học viên, chương trình học tập của các học viên. Ngoài các nguồn đó, bị cáo Cang dẫn chứng thêm một số học viên học chung với ông trong giai đoạn đó.

"Do tôi chưa bao giờ có cuộc gặp mặt với Tề Trí Dũng và Nguyễn Văn Kim nên đề nghị HĐXX triệu tập ông Kim đến tòa để đối chất làm rõ", bị cáo Cang trình bày.

Luật sư Lê Nguyên Hòa (bào chữa cho bị cáo Cang) đề nghị HĐXX cho triệu tập ông Nguyễn Văn Kim đến tòa để làm rõ lời khai tại trang 25 của bản cáo trạng về buổi gặp mặt của ông Cang, Kim và Dũng tại nhà riêng của ông Cang, nhằm giới thiệu Công ty Nguyễn Kim tham gia SADECO. Luật sư cho rằng cần làm rõ việc này vì trong phần xét hỏi tại tòa, bị cáo Tất Thành Cang và bị cáo Tề Trí Dũng có lời khai mâu thuẫn với nhau. 

Trả lời ý kiến của luật sư, chủ tọa phiên tòa xét thấy HĐXX đã triệu tập Công ty Nguyễn Kim với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan nên không cần thiết.

Xót xa lời kể của người giúp việc chăm sóc bé gái 8 tuổi tử vong nghi do bạo hành

Như Dân Việt đã thông tin: Vừa nhắc đến cháu N.T.V.A (bé gái 8 tuổi tử vong nghi do dì ghẻ bạo hành) bà N.T.T (73 tuổi, người giúp việc của gia đình bé gái 8 tuổi tử vong nghi do "dì ghẻ" bạo hành) òa khóc và cho biết đang rất đau lòng, mất tinh thần và không thể tin nổi "con bé ngoan hiền, dễ thương" lại bị hành hạ, đánh đập đến chết. 

Từ khi nghe tin dữ đến nay, bà T thẫn thờ, khóc cạn nước mắt, thương cháu V.A bao nhiêu thì hận kẻ đã gây ra bi kịch cho cuộc đời của cháu bé bấy nhiêu.

Bà T cho biết, khi V.A được hơn 4 tháng tuổi, bà được hai vợ chồng ông Nguyễn Kim Trung Thái thuê đến nhà làm việc. Lúc này, gia đình ông Thái đang ở một chung cư tại quận Tân Phú, TP.HCM.

Trong khoảng 6 năm bà ở với gia đình ông Thái, hai vợ chồng sống với rất hạnh phúc. Năm 2015, gia đình đón thêm một cậu con trai. Giống như những gia đình trẻ khác, hai vợ chồng cũng có xảy ra mâu thuẫn nhỏ nhưng rất hiếm hoi.

Vụ bé gái 8 tuổi tử vong nghi do bạo hành: Lời kể của người chăm sóc bé từ lúc mới sinh - Ảnh 1.

Bác ruột của bé gái 8 tuổi tử vong nghi do "dì ghẻ" bạo hành đã để di ảnh của bé trước tòa nhà để cùng tưởng nhớ, cầu nguyện cho bé. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Thế nhưng, đến năm 2020, vợ chồng ông Thái thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi vã nhau. Nguyên nhân là do ông Thái ngoại tình, có người phụ nữ khác bên ngoài. Thời gian này, bà H – vợ ông Thái suy sụp, bị sốc và rất đau khổ, nhiều lần níu kéo nhưng ông Thái vẫn lạnh lùng với lựa chọn mới. 

Thậm chí, quá đau lòng nên bà H đã cắt tay và uống thuốc tự tử nhưng cấp cứu kịp thời nên giữ được tính mạng. 1 tháng sau khi bà H tự tử, hai người đã hoàn tất thủ tục ly hôn và tòa phán quyết cho ông Thái nuôi bé V.A, còn bà H nuôi em trai của V.A.

Vì gắn bó trong khoảng thời gian dài nên bà T rất thương bé V.A. Khi gia đình bé đổ vỡ, bà đã cùng ông Thái đến chung cư Sài Gòn Pearl để chăm sóc bé V.A. Trong khoảng thời gian đầu khi chuyển qua đây, ông Thái chưa đón nhân tình của mình – bà Nguyễn Võ Quỳnh Trang đến sống cùng mà thường xuyên ra ngoài đến khuya mới về.

"Đến tháng thứ 3 sau khi ly hôn vợ, ông Thái đón bà Trang về sống chung và để bà Trang kèm cặp, dạy cho bé V.A học. Lúc này tôi thấy bà Trang có la mắng, quát nạt cháu V.A khi không làm được bài, chứ không thấy đánh bé. Cũng có thể lúc này đang có tôi ở cùng nên bà Trang mới không đánh", bà T nói.

uy nhiên, sống cùng người "chủ mới" này, bà T cho biết bản thân phải chịu nhiều áp lực và bức xúc. Theo bà T, Trang còn trẻ nhưng rất tính toán, ích kỷ, khó chịu... Nhưng bản thân chỉ là người làm, đồng thời có tình thương với bé V.A nên bà T nhẫn nhục chịu đựng.

"Có một lần tôi về quê đám giỗ 2 ngày, lúc lên thì giày dép, mũ nón, quần áo, đồ đạc... của tôi bị Trang vứt hết. Tôi rất bức xúc nên hỏi Trang tại sao lại vứt đồ của tôi, muốn gì cũng phải chờ tôi lên rồi làm. Cô Trang chẳng nói chẳng rằng, vứt 1,5 triệu đồng bảo tôi đi sắm lại. Tôi rất tức và nói cô tưởng có tiền là muốn làm gì cũng được hay sao? Sau đó, Trang bỏ đi 2 ngày không về, ông Thái nói tôi hỉ xả, hãy thương bé V.A mà bỏ qua, đi sắm lại đồ...", bà T kể.

Bà T cho biết, thông thường ông Thái sẽ đưa cho bà 800.000 đồng/tuần để lo thức ăn cho gia đình. Khi Trang xách đồ đến ở cùng, người này có mang theo mấy miếng thịt bò nhỏ đến. Vậy là tuần đó, Trang nói ông Thái chỉ đưa tôi 700.000 đồng thôi. Lúc ở nhà, bạn bà T gọi điện đến hỏi thăm nên bà T đã kể chuyện này cho người bạn, thông qua camera an ninh, bà Trang nghe được câu chuyện nên đã nói ông Thái đuổi việc bà.

"Trước đó, có một lần bé V.A bị bệnh nên tôi đã cho mẹ bé đến trường thăm. Hai mẹ con gặp nhau sau nhiều ngày bị cấm cản nên ôm nhau, khóc lóc, thủ thỉ một lúc lâu. Việc này ông Thái không biết, nhưng do xem camera nghe câu chuyện tôi kể với bạn nên ông Thái đã bắt lỗi, la tôi tại sao không cho V.A gặp mẹ mà tôi vẫn cho gặp và không nói lại với ông Thái. Tôi đã trả lời ông Thái là tình mẫu tử của họ sao lại ngăn cấm, kỳ vậy", bà  T kể.

Cuối cùng, ông Thái đã nghe lời bà Trang và cho bà T nghỉ việc.

Theo đánh giá của bà T, trước đây ông Thái cũng yêu thương, cưng chiều bé V.A. Nhưng từ khi đưa người tình về chung sống thì ông Thái hoàn toàn không dòm ngó đến V.A nữa. Ngoài ra, ông Thái cũng giao V.A cho bà Trang dạy dỗ, kèm cặp việc học.

Xét xử đường dây sản xuất xăng giả khủng: "Ông trùm" Trịnh Sướng lĩnh án

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 30/12, TAND tỉnh Đắk Nông tiếp tục phiên tòa xét xử Trịnh Sướng và 38 bị cáo khác về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả.

Xét xử "ông trùm" xăng giả: Trịnh Sướng lĩnh án 12 năm tù - Ảnh 2.

Trịnh Sướng (bìa trái) cùng các bị cáo nghe tuyên án. Ảnh: Duy Hậu

Trước đó, như Dân Việt đã đưa đưa tin, sáng 20/12, TAND tỉnh Đắk Nông mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xăng giả đối với "ông trùm" xăng giả Trịnh Sướng và 38 bị cáo khác. Vụ án này đã được xét xử hôm 8/4, nhưng đến ngày 20/4, HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra làm rõ khối lượng xăng giả mà các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự, số tiền thu lợi bất chính của các bị cáo trong vụ án.

Quá trình điều tra bổ sung, đến tháng 5/2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông có kết luận điều tra bổ sung. Theo đó, cơ quan điều tra xác định Trịnh Sướng thu lợi bất chính hơn 155,8 tỷ đồng (cao hơn kết quả điều tra cũ gần 50 tỷ đồng). Đến tháng 7/2021, Viện KSND tỉnh Đắk Nông ra cáo trạng truy tố.

Theo cáo trạng mới, tổng cộng có 39 người bị truy tố theo 3 nhóm, cùng về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”. Trong đó, nhóm 12 bị can gồm: Trịnh Sướng (54 tuổi, ngụ Sóc Trăng, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng), Nguyễn Ngọc Quan (51 tuổi, ngụ TP.HCM, Giám đốc Công ty TNHH thương mại hóa chất Tâm Quang), Đinh Chí Dũng (52 tuổi, ngụ TP.HCM, Giám đốc Công ty TNHH Đinh Chí Dũng), Nguyễn Thị Thu Hòa (40 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Phạm Sơn)… bị truy tố với khung hình phạt cao nhất từ 7 - 15 năm tù.

Qua nhiều ngày xét xử, tại phiên tòa hôm nay, HĐXX nhận định, có căn cứ để khẳng định Trịnh Sướng sản xuất hơn 192 triệu lít xăng giả, bán ra thị trường hơn 188 triệu lít xăng và thu lợi bất chính hơn 151 tỷ đồng.

Ngoài ra, đối với các bị cáo khác, phần lớn cũng đã thừa nhận hành vi của mình. Một số bị cáo không thừa nhận hành vi, tuy nhiên căn cứ vào các lời khai của các bị cáo liên quan, tài liệu trong quá trình điều tra cho thấy, có căn cứ để buộc tội như đại diện VKS đã đưa ra…

Sau khi cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Trịnh Sướng 12 năm tù, phạt bổ sung 100 triệu đồng; Nguyễn Ngọc Quan 8 năm 6 tháng tù, phạt bổ sung 50 triệu đồng; Đinh Chí Dũng 7 năm 6 tháng tù, phạt bổ sung 30 triệu đồng.

Lưu Văn Nguyện bị phạt 3 năm tù; Nguyễn Thị Thu Hòa bị phạt 5 năm 6 tháng tù, phạt bổ sung 20 triệu đồng; Phạm Hồng Quan bị tuyên phạt 5 năm 3 tháng tù, phạt bổ sung 20 triệu đồng.

Ngoài ra, các bị cáo còn lại trong vụ án bị tuyên phạt từ 2 năm 6 tháng nhưng cho hưởng án treo đến 6 năm tù, một số bị cáo trong số này bị phạt tiền 20 triệu đồng.

Những bị cáo này đều bị phạt tù về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả và Sản xuất hàng giả (xăng giả). Trong đó, Trịnh Sướng trước đó bị cáo buộc sản xuất hơn 192 triệu lít xăng giả, bán ra thị trường hơn 188 triệu lít, thu lợi bất chính hơn 151 tỷ đồng. Ngoài Trịnh Sướng, các bị can khác cũng bị cáo buộc thu lợi bất chính từ hàng triệu đồng đến hàng tỷ đồng…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem