Tin thế giới: Ai có công nhất trong thượng đỉnh liên Triều?

Duy Anh Thứ năm, ngày 26/04/2018 19:30 PM (GMT+7)
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc trích dẫn một bài viết của nhật báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, ngày 26.4 nêu rõ cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều mang tính lịch sử sắp tới được tổ chức là nhờ công của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. 
Bình luận 0

img

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Ngày 27.4.2018, hai miền Triều Tiên họp hội đàm thượng đỉnh liên Triều tại làng đình chiến Panmunjom. Thành phần dự mỗi bên là 1+6+6. Ghế 2 trưởng đoàn to hơn ghế đoàn viên, trên đỉnh lưng ghế có khắc hình Bán đảo Triều Tiên. Bàn đàm phán có độ rộng 2018mm tượng trưng cho sự kiện được tổ chức trong năm 2018, chiếc bàn có hình chiếc cầu được nối từ 2 mố cầu, ý nói sự hàn gắn. Trong phòng có bức tranh lớn vẽ hình núi Kumgang, một trong các biểu tượng của hợp tác du lịch hai miền.

Chủ tịch Kim Jong Un của Triều Tiên sẽ duyệt đội danh dự của Hàn Quốc. Lễ đón sẽ được hai miền truyền hình trực tiếp. Khoảnh khắc lần đầu tiên trong lịch sử, lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên bước chân qua vạch sơn chia đôi giới tuyến để sang lãnh thổ Hàn Quốc sẽ là giây phút lịch sử.

Để cuộc gặp diễn ra thành công, Hàn Quốc và Mỹ trước đó đã quyết định đình chỉ cuộc tập trận quân sự kết hợp hàng năm của họ diễn ra trong tuần này.

Trong khi đó, ngày 26.4, trong một bài xã luận, nhật báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên nhấn mạnh, có được điều này là nhờ “quyết định táo bạo” của ông Kim và “tình yêu tha thiết” của toàn thể nhân dân, đồng thời khẳng định: “Đây là một sự kiện lịch sử đối với lịch sử của dân tộc, được thực hiện nhờ những nỗ lực mạnh mẽ của chúng ta vì đối thoại và hòa bình. Cải thiện quan hệ Triều Tiên – Hàn Quốc là đòi hỏi cần thiết để đạt được thống nhất Tổ quốc”. Tờ báo cũng phê phán các đảng đối lập ở Hàn Quốc đã bày tỏ phản đối cuộc gặp này.  

Trang mạng đối ngoại Uriminzokkiri của Triều Tiên cũng hoan nghênh cuộc gặp sắp tới, gọi đây là kết quả do ông Kim cam kết đối với sự nghiệp thống nhất và với người dân Triều Tiên.   Tuy nhiên, về mặt đối nội, giới truyền thông Triều Tiên chủ yếu vẫn không nói gì về cuộc gặp sẽ diễn ra vào ngày 27.4 tới và không đăng tải các thông tin chi tiết. Đối với hai cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều trước đây, Triều Tiên cũng không công bố thông tin cho đến tận phút chót.

img

Toàn cảnh phòng họp thượng đỉnh liên Triều dự kiến diễn ra ngày mai 27.4.

Các chuyên gia Mỹ nhận định, cuộc gặp giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có khả năng bắt đầu tiến trình chấm dứt sự đối đầu hiện nay, chứ không phải là điểm kết thúc của tiến trình này. Một đà thúc đẩy tích cực quanh Bán đảo Triều Tiên đã được hình thành trong những tháng gần đây trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều dự kiến diễn ra vào ngày 27.4 tại làng đình chiến Panmunjom.

 Giới phân tích cho rằng thiện ý liên Triều nói trên là kết quả hoạt động ngoại giao liên Triều thông qua Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 và việc Bình Nhưỡng tuyên bố phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên đã giúp cuộc gặp thượng đỉnh Moon-Kim trở nên khả thi. Tuyên bố hôm 21.4 của Bình Nhưỡng ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa cùng với những nỗ lực tạo sự tin tưởng tốt đẹp trong thời gian gần đây đã loại bỏ những rào cản tiềm ẩn để đi đến đối thoại và tăng cường hơn nữa sự tin tưởng lẫn nhau. 

Phát biểu với Tân Hoa xã, ông Dan Mahaffee, quan chức cấp cao Trung tâm nghiên cứu của Phủ Tổng thống và Quốc hội Mỹ, cho rằng đà thúc đẩy mà lãnh đạo Hàn-Triều đã tạo dựng thông qua Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 đã làm giảm bớt căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và dẫn đến cuộc đối thoại thượng đỉnh này.  Ông Troy Stangarone, Giám đốc cấp cao Viện Kinh tế Hàn Quốc - viện nghiên cứu chính sách phi lợi nhuận đặt tại Washington, cho hay nhiều người tin rằng các nước liên quan như Trung Quốc "tạo ra môi trường cần thiết cho cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều".

Nhà khoa học chính trị cấp cao Michael J. Mazarr thuộc tập đoàn U.S. RAND cho rằng, yếu tố hàng đầu khiến cuộc gặp liên Triều trở nên khả thi là nhà lãnh đạo Kim "rõ ràng mong muốn cải thiện quan hệ với khu vực và có thể cả với Mỹ, do đó cũng như với Hàn Quốc". Tuy nhiên, ông Mazarr nêu rõ: "Theo phán đoán của tôi, chiến dịch gây sức ép tối đa có thể đã tác động đến sự quyết định thời gian, song không làm thay đổi những điều cơ bản trong chiến lược của ông Kim". Theo ông Mahaffee, các nỗ lực tiếp tục giảm căng thẳng và đảo chiều cẳng thẳng liên quan tới các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là cần thiết để cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều được thành công. Ông phân tích: "Cách thức hai ông Kim và Moon làm việc với nhau sẽ tạo tinh thần chung cơ bản hướng đến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, song điều đó cũng sẽ có nhiều yếu tố để xem xét". 

Ông Stangarone cho rằng, cuộc gặp Kim-Moon sắp tới là sự khởi đầu một tiến trình chứ không giải quyết các vấn đề". Ông phân tích: "Các lĩnh vực cấp bách nhất mà hai miền Triều Tiên phải bắt đầu thảo luận là về phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên". Ông cũng cho rằng, sự ảnh hưởng của cuộc gặp thượng đỉnh Kim-Moon đối với quan hệ liên Triều có thể lúc đầu "không dễ nhận thấy". Ông còn nói mục tiêu cấp thiết nhất của cuộc gặp thượng đỉnh Kim-Moon là sẽ tạo ra môi trường có lợi cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem