Nông dân khởi nghiệp thành tỷ phú, triệu phú nông thôn nhờ vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân
Hướng tới Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam: Quỹ Hỗ trợ nông dân tiếp sức nông dân khởi nghiệp (Bài 3)
Thu Hà
Chủ nhật, ngày 03/12/2023 07:09 AM (GMT+7)
Bên cạnh việc thúc đẩy mạnh mẽ việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nông dân các cấp, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã trở thành một trong những "kênh" cung cấp vốn tiếp sức cho nông dân làm giàu, trong đó không ít nông dân đã khởi nghiệp thành công.
Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã tạo đòn bẩy hỗ trợ nhiều hộ nông dân vươn lên khá giàu, khởi nghiệp thành công, trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng những mô hình chăn nuôi, trồng trọt, phát triển các ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn hiệu quả, nâng cao thu nhập. Có hộ trồng hoa cây cảnh, nuôi vịt, dê công nghệ cao hiệu quả trở thành tỷ phú nông dân.
Tỷ phú trang trại hoa cây cảnh ở Hà Nội
Gặp ông Đào Mạnh Hùng ở xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội tại chương trình "Tôn vinh nông dân Thủ đô xuất sắc" do Hội Nông dân TP Hà Nội tổ chức, tôi đặc biệt ấn tượng với sự say mê của ông dành cho hoa cây cảnh và phát triển du lịch nông nghiệp.
Ông Đào Mạnh Hùng phấn khởi cho biết, trang trại hoa cây cảnh Thăng Long của ông ở xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì có diện tích gần 5ha. Ông thiết kế trang trại có 8 nơi trồng hoa leo giàn, vòm tổng hợp, 21 đường hoa, 20 vườn hoa, kèm với đó là hồ sen, đầm súng, đầm sếu, tiểu cảnh cá koi, khu vui chơi trẻ em, vẽ mỹ thuật ngoài trời,… Trong vòng 5 năm qua, trang trại đã đón rất nhiều lượt khách đến tham quan.
Nói về hiệu quả kinh tế của mô hình này, ông Đào Mạnh Hùng cho biết: Vào mùa cao điểm, hoa nở rộ, một ngày trang trại đón từ 300 đến 500 lượt khách tham quan và mua cây cảnh. Mô hình đã giúp cho ông có thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Ngoài giá trị kinh tế mang lại, ông Hùng cho biết, trang trại còn là nơi trao đổi kỹ thuật ươm trồng, mua bán các loại giống cây và hơn cả là cổ vũ, động viên các phong trào sống xanh, bảo vệ lá phổi của thiên nhiên cho những người yêu thích thực vật cảnh.
Gắn bó với trang trại, ông Hùng hiểu từng loại cây, từng điều kiện sống của chúng, cùng với giải pháp giúp cây sống bền vững và ông sẵn sàng truyền toàn bộ kinh nghiệm đó cho những ai đang cần.
Có được thành công như ngày hôm nay, theo ông Hùng là một phần nhờ vào sự trợ giúp của Hội Nông dân tạo điều kiện cho ông vay nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân để phát triển sản xuất, qua đó có thêm nguồn lực phát triển mô hình.
Đánh giá cao hiệu quả của mô hình Trang trại hoa cây cảnh Thăng Long của hội viên nông dân Đào Mạnh Hùng, bà Phạm Bích Thủy - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Trì cho biết: "Mô hình của ông Đào Mạnh Hùng mang tính hiệu quả rất cao, tạo việc làm cho hàng chục lao động, thúc đẩy kinh tế địa phương. Cùng với đó là các hoạt động liên quan đến mô hình sinh thái, đem lại hiệu ứng tích cực cho môi trường đô thị. Đất của ông Hùng thuê lại để làm nông nghiệp cũng tránh cho việc bỏ hoang hóa nhiều diện tích ruộng, đất xen kẹt không có người chăm sóc".
Khi được hỏi về các chính sách hỗ trợ mô hình nông nghiệp của Hội Nông dân huyện Thanh Trì, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Trì Phạm Bích Thủy cho biết: "Hiện tại, Hội Nông dân vẫn đang tạo điều kiện để ông Hùng vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để mở rộng và phát triển sản xuất mô hình du lịch nông nghiệp. Hội Nông dân cũng tạo điều kiện để ông được vay vốn ngân hàng.
Cùng với đó, Hội Nông dân tạo điều kiện để đưa tác phẩm của ông Hùng ra các cuộc triển lãm và hội chợ để trưng bày, giới thiệu và quảng bá. Trong huyện đã có một điểm kết nối giới thiệu các sản phẩm an toàn, các sản phẩm OCOP, những mô hình sinh thái sẽ được quảng bá rộng rãi hơn trong thời gian tới".
Tiếp vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cho nông dân Bắc Ninh khởi nghiệp
Với mô hình trang trại tổng hợp VAC, anh Nguyễn Văn Đỉnh ở xã Long Châu, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh là điển hình nông dân sử dụng vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân hiệu quả. Anh Đỉnh cho biết: Năm 2016, anh thuê diện tích đất 8.000m2 ruộng trũng bỏ hoang, bắt tay vào cải tạo chăn nuôi lợn, đào ao thả cá.
"Dấn thân vào nghề nông mới càng thấy nỗi vất vả, cơ cực của nghề. Khó khăn nhất là lúc khởi nghiệp không có vốn, thiếu kinh nghiệm nên gia đình xây dựng mô hình trang trại VAC quy mô nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế không cao.
Năm 2019, sau khi được Hội Nông dân xã Long Châu tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, cộng với số tiền của gia đình, tôi đã mở rộng nuôi vịt, dê kết hợp với nuôi trồng thủy sản" - anh Đỉnh chia sẻ.
Đến nay, sau 5 năm trang trại của anh Đỉnh đã giữ ổn định sản xuất với đàn vịt thương phẩm hơn 10.000 con, 300 con dê, 4 ao nuôi cá với diện tích trên 1.200m2. Mỗi năm, trang trại của anh cung cấp cho thị trường trên 200 tấn thịt thương phẩm, cho doanh thu hàng tỷ đồng. Hiện, gia đình anh Đỉnh đã trả hết nợ từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, qua đó giúp các hội viên khác có điều kiện vay vốn phát triển sản xuất, thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Cũng được vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, chị Hoàng Thị Phi (thôn Trạm Trai, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành) lựa chọn phát triển kinh tế theo hướng kinh doanh các loại hoa, cây cảnh. Chị Phi chia sẻ, thời gian đầu khởi nghiệp, chị mất khá nhiều thời gian đi khắp trong và ngoài tỉnh học hỏi cách chăm sóc, cắt tỉa và đặc điểm riêng của mỗi loại cây cảnh, hơn 2 năm sau mô hình kinh tế của chị bước đầu thu về lợi nhuận.
Đặc biệt, đầu năm 2020 chị Phi được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện. Có thêm vốn, gia đình đã thuê thêm diện tích đất mở rộng kinh doanh buôn bán.
Chị Phi cho biết: "Nhờ nguồn vốn vay của Hội Nông dân đã giúp gia đình tôi có thêm điều kiện để phát triển sản xuất, giờ đây mỗi tháng cho tổng thu nhập khoảng 200 triệu đồng từ kinh doanh cây cảnh. Đồng thời tạo việc làm 3-4 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/tháng".
Ông Nguyễn Viết Huy - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho biết: Nhằm hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Thuận Thành tích cực tuyên truyền, vận động giúp cán bộ, hội viên hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân. Từ năm 2011 đến nay, Hội Nông dân huyện vận động cán bộ, hội viên và nhân dân đóng góp xây dựng quỹ được hơn 16 tỷ đồng cho hàng trăm hộ vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong quá trình cho vay, Hội Nông dân huyện tiến hành khảo sát các hộ có nhu cầu vay vốn, trong đó ưu tiên lựa chọn các hộ có nhu cầu và kế hoạch cụ thể trong việc sử dụng nguồn vốn, có nhân lực và điều kiện để phát huy nguồn vốn; định hướng cho các hộ vay vốn trong việc sử dụng nguồn vốn vay.
Ngoài ra, Hội tăng cường phối hợp với phòng chuyên môn của huyện mở các đợt tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên nông dân. Sau tập huấn, các hộ đã áp dụng vào sản xuất hiệu quả, tăng thu nhập. Đến nay đa số các mô hình vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như: Mô hình chăn nuôi bò sữa tại xã Gia Đông, các mô hình trang trại tại xã Đình Tổ, trồng cây ăn quả tại xã Hoài Thượng, xã Đại Đồng Thành...
Quỹ Hỗ trợ nông dân An Giang giúp nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng
Nhờ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND) hỗ trợ kịp thời đã giúp cho gia đình anh Lê Trường Giang (ấp Long An, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) vượt qua giai đoạn khó khăn, chuẩn bị cho mùa vụ mới hứa hẹn nhiều thành công.
Anh Lê Trường Giang chia sẻ: gia đình anh có hơn 5 công đất, trước đây sản xuất hoa màu nhưng thu nhập bấp bênh. Khoảng năm 2019, anh quyết định chuyển đổi giống cây trồng. Sau thời gian thử một vài giống cây ăn trái anh quyết định chọn cây sầu riêng.
Để kế hoạch chuyển đổi giống cây trồng mang lại hiệu quả, anh Giang đã sang các nhà vườn trồng sầu riêng ở Tiền Giang học tập kỹ thuật và sau đó mạnh dạn lên liếp 2.600m2 đất, mua 40 gốc sầu riêng về trồng.
Để lấy ngắn nuôi dài, khoảng 3.000m2 đất còn lại của gia đình anh tiếp tục trồng màu để có tiền trang trải cuộc sống. Sau 2 năm 40 gốc sầu riêng phát triển tốt, anh mạnh dạn lên liếp hết phần đất còn lại trồng thêm 52 gốc sầu riêng.
"Vùng đất Chợ Mới xưa giờ bà con chỉ trồng lúa và hoa màu, tôi là một trong số những người đầu tiên đưa cây sầu riêng về vùng đất này để trồng nên ban đầu tôi cũng rất lo lắng. Sau 2 năm thấy cây sầu riêng phát triển tốt nên tôi mới tự tin chuyển hết toàn bộ gần 6.000m2 đất gia đình sang trồng sầu riêng"- anh Giang nói.
Sau 4 năm, 40 gốc sầu riêng đầu tiên cho trái chiến, anh Giang thu hoạch được 120 triệu đồng. Đến nay vườn sầu riêng của anh Giang đã thu hoạch được 4 năm, riêng vụ cuối năm 2022 và năm 2023 anh thu hoạch được tổng 5 tấn, bán với giá 100 nghìn đồng/kg, lãi khoảng 400 triệu đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm bán sầu riêng được giá cao, anh Giang cho biết: Ngay từ đầu anh đã xác định trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ, nên anh đã tự tìm tòi cách ủ phân hữu cơ từ đậu nành để bón cho cây nên chất lượng sầu riêng của anh luôn đặc biệt hơn các nhà vườn khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.