Tổ chức căng tin, nội trú cho học sinh sau Tết Nguyên đán tại TP.HCM như thế nào?

Thiên Tường Thứ năm, ngày 27/01/2022 07:30 AM (GMT+7)
Sở GDĐT TP.HCM vừa tổ chức Hội nghị tập huấn công tác phòng chống dịch Covid-19 đối với bếp ăn/căn tin, hoạt động nội trú, bán trú trong trường học.
Bình luận 0

Để đảm bảo việc dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục sau Tết Nguyên đán 2022 được diễn ra an toàn, thuận lợi, Sở GDĐT TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tập huấn công tác phòng chống dịch Covid-19 đối với bếp ăn/căn tin, hoạt động nội trú, bán trú trong trường học. 

Hội nghị diễn ra vào chiều 26/1, với sự tham dự của hơn 8.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế đến từ các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT công lập và ngoài công lập trên địa bàn TP.HCM.

Tổ chức căng tin, nội trú cho học sinh sau Tết Nguyên đán tại TP.HCM như thế nào? - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội nghị tập huấn công tác phòng chống dịch Covid-19 đối với bếp ăn/căn tin, hoạt động nội trú, bán trú trong trường học do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Đánh giá việc mở căng tin, bán trú là để đáp ứng nhu cầu chính đáng của phụ huynh, học sinh nhưng lãnh đạo ngành giáo dục cho rằng các trường cần chuẩn bị kỹ càng các phương án tổ chức, đảm bảo đạt tối thiểu 8/10 tiêu chí theo Bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch trong trường học.

Đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1 mét

Tại Hội nghị tập huấn, BS Phạm Phú Khánh, Phó trưởng Khoa Sức khỏe môi trường và y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, do các trường phải tạm đóng cửa trong thời gian dài nên cần kiểm tra lại cơ sở vật chất của căng tin, nhà ăn bán trú, sửa chữa các vật dụng hư hỏng hoặc nâng cấp… để đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ khi đón tiếp học sinh.

Tổ chức căng tin, nội trú cho học sinh sau Tết Nguyên đán tại TP.HCM như thế nào? - Ảnh 2.

Khi tổ chức căng tin, bán trú cho học sinh các cấp phải đáp ứng việc giữ khoảng cách tối thiểu là 1 mét giữa hai học sinh. Ảnh: T.M

Các trường cần lưu ý, khi khôi phục lại hoạt động căn tin và tổ chức bán trú cần phân luồng lối đi vào và đi ra của học sinh theo hướng một chiều. Ngoài ra, các trường cần vẽ sẵn vị trí để học sinh xếp hàng, đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 học sinh là 1 mét. 

Các trường cũng cần liên tục làm vệ sinh, khử khuẩn vật dụng trong căng tin, khuyến cáo ít nhất 1 lần khử khuẩn sau mỗi ca phục vụ học sinh.

Bác sĩ Khánh lưu ý, mỗi cơ sở giáo dục cần bố trí khu vực rửa tay cho học sinh trước khi vào khu vực ngồi ăn. Trường hợp không thể cải tạo, xây dựng thêm bồn rửa tay thì trang bị dung dịch rửa tay nhanh và các bảng tuyên truyền nhằm nhắc nhở học sinh thói quen rửa tay trước khi ăn.

Đối với khối mầm non, các trường lưu ý phải sử dụng dụng cụ ăn uống riêng cho từng học sinh, thường xuyên làm vệ sinh khăn lau mặt và các dụng cụ ăn uống như ly uống nước, chén, muỗng… để bảo đảm an toàn nhất cho trẻ.

Tổ chức căng tin, nội trú cho học sinh sau Tết Nguyên đán tại TP.HCM như thế nào? - Ảnh 3.

Lãnh đạo ngành giáo dục yêu cầu các cơ sở thường xuyên vệ sinh khu vực căng tin và nội trú, không tổ chức cho học sinh dùng chung đồ dùng cá nhân như gối, chăn, nệm, chiếu... Ảnh: Global

Ở bậc tiểu học, ông Khánh khuyến cáo các trường nhắc học sinh nên đem theo bình nước cá nhân, trường học thì trang bị thêm ly uống nước dùng một lần cho các em sử dụng khi cần. 

Tại khu vực tổ chức ăn uống bán trú, các trường có thể bố trí vách ngăn giữa hai học sinh hoặc đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 học sinh là 1 mét và hạn chế việc các em giao tiếp trong quá trình ăn uống (do đã tháo khẩu trang). 

Các trường cũng cần trang bị thùng rác có nắp đậy ở mỗi bàn ăn và khẩu trang dự phòng cho học sinh sử dụng khi cần.

Tương tự, ở khu vực ngủ bán trú cho học sinh, các trường cần bố trí phòng ngủ thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ, giường ngủ đặt cách nhau tối thiểu giữa 1 mét. 

Đặc biệt, không tổ chức cho học sinh dùng chung đồ dùng cá nhân như gối, chăn, nệm, chiếu... và phải tổ chức vệ sinh định kỳ vật dụng cá nhân cho học sinh.

Riêng đối với hoạt động nội trú, những khu vực sinh hoạt chung như nhà ăn, nhà tắm cần hạn chế tập trung đông người, phân chia lệch giờ giữa các lớp để tránh ùn ứ học sinh vào những khung giờ cụ thể.

Đặc biệt, khi tới trường học tập trực tiếp trở lại, tất cả học sinh đã khai báo y tế trước khi vào trường hoặc khai báo ở khu vực cổng trường. Do đó, khi vào căng tin trường thì các em không cần khai báo lại. Để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, học sinh chỉ cần giữ khoảng cách, đảm bảo đeo khẩu trang khi giao tiếp.

Giúp học sinh hình thành thói quen

BS Nguyễn Hữu Hưng đưa cho rằng, các cơ sở giáo dục nên tăng cường thời gian cho học sinh tiếp xúc với ánh nắng tự nhiên, hạn chế sử dụng máy lạnh. Đồng thời, cần đảm bảo nguồn gốc thực phẩm an toàn trước khi triển khai hoạt động căn tin và bán trú.

Trong những tuần đầu tiên hoạt động trở lại căng tin, bán trú, các trường nên xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế làm nhiệm vụ quan sát, nhắc nhở, giúp học sinh hình thành thói quen và nề nếp sinh hoạt phù hợp.

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GDĐT TPHCM) cho biết, đối với các cơ sở giáo dục đã tổ chức dạy học trực tiếp nhưng chưa triển khai căn tin, bán trú thì cần lên kế hoạch tổ chức sau Tết Nguyên đán 2022, trình Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện thẩm tra và phê duyệt để đảm bảo đáp ứng các điều kiện tổ chức.

Các cơ sở mầm non, tiểu học chưa triển khai dạy học trực tiếp cho học sinh trước Tết Nguyên đán cũng cần lên phương án tổ chức, đảm bảo đạt các tiêu chí theo Bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch trong trường học, tổ chức diễn tập xử lý tình huống khi phát hiện F0 để không lúng túng khi triển khai trong thực tế.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem