Tổ hợp tác xe nhang của người nghèo

Thứ ba, ngày 20/12/2011 12:18 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Nếu không tạo việc làm và hỗ trợ phương tiện sản xuất cho người dân thì số hộ nghèo trong xã (2%) vẫn luôn còn” - chị Nguyễn Thị Kim Phụng - Chi hội trưởng kiêm Tổ trưởng Tổ Hợp tác xe nhang ấp Phước An, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu chia sẻ.
Bình luận 0

Quê ở xã Ninh Thạnh, huyện Hòa Thành đất chật người đông, chồng làm nghề lái mướn xe tải. Năm 1995, vợ chồng chị đưa 2 con lên ấp Phước An thuộc địa bàn xã Phước Ninh ngày nay kiếm đất dựng chòi với ý tưởng lập nghiệp lâu dài. Chị đến cơ sở xe nhang Thiên Thành học nghề, sau đó xin làm vệ tinh cung cấp sản phẩm cho cơ sở. Thấy chị cần mẫn và có chí, chủ cơ sở tư vấn chị mua máy xe nhang sản xuất số lượng lớn bán lại cho mình.

img
Trao máy xe nhang cho thành viên thtxn.

Tìm nghề cho người nghèo

Năm 2009, vợ chồng chị Phụng gom được 27 triệu đồng mua 2 máy xe nhang. Có máy, anh Tuấn cùng vợ và 2 con sản xuất nhang giao cho cơ sở Thiên Thành. Nhưng chủ cơ sở trả công quá thấp, chị Phụng lên TP.Hồ Chí Minh, đến một số cơ sở sản xuất-kinh doanh nhang lớn tìm đối tác liên kết.

“Tìm được đầu ra lâu dài, giá có lợi cho người sản xuất nhang, lại được cung cấp nguyên liệu, tôi mừng lắm”. Nhờ có xe tải của chồng, chị Phụng có điều kiện lên các cơ sở nhang ở TP.Hồ Chí Minh nhận nguyên liệu đưa về. Chị đề đạt với BCH Hội ND và Chi bộ ấp Phước An giới thiệu một số chị em nghèo không có việc làm đến chị hướng dẫn sử dụng máy xe, cùng chị sản xuất nhang.

Không bó hẹp sản xuất tại nhà mình với số lao động ít ỏi, năm 2010, Phụng đề xuất với Hội ND và chính quyền xã Phước Ninh xin thành lập Tổ Hợp tác xe nhang (THTXN). Nguyện vọng của chị Phụng được chấp nhận. Hội ND giao chị làm Tổ trưởng THTXN kiêm Chi hội trưởng nông dân. “Khi mới thành lập chỉ có 75 hộ thành viên, đến giữa tháng 12.2011 tăng lên 105 thành viên”-chị Phụng thông tin.

Tiếp sức

Đầu năm 2011, UBND xã Phước Ninh giao cho Hội ND xây dựng “Dự án phát triển ngành nghề nông thôn”, trước mắt tập trung nghề xe nhang tại THTXN. Nhờ dự án, tháng 7.2011 Chi cục Phát triển nông thôn Tây Ninh hỗ trợ 35 hộ máy xe nhang đạp chân cho 35 hộ thành viên THTXN trị giá 1 triệu đồng/máy. “Sau một thời gian có máy sản xuất, những người nhận máy thu nhập trung bình 50.000 - 60.000 đồng/ngày, thậm chí có người làm được 1.000.000 đồng/ngày” - chị Phụng nói.

img Sự quan tâm của chính quyền và Hội ND cộng với quyết tâm xóa nghèo của bà con, sẽ góp phần cho Phước Ninh xây dựng nông thôn mới. img

Cách đây 9 năm, vợ chồng và bầy con chị Hồ Thị Đẹp sống ở tỉnh Xiêm Riệp (Campuchia) ngày ngày buôn thúng bán bưng mưu sinh, cuộc sống vô cùng túng quẫn. Năm 2002, chồng qua đời, chị Đẹp bồng bế con theo một số kiều dân nghèo như chị về ấp Phước An tá túc, tiếp tục làm mướn nuôi con. “Bây giờ tuy vẫn còn nghèo, nhưng các con được đi học, tôi được cấp máy xe nhang, được chị Phụng chỉ nghề, giao việc và thu mua nhang thu nhập khoảng 2 triệu đồng/ tháng”- chị Đẹp tâm sự.

Không riêng chị Đẹp, các chị Nguyễn Thị Kiều, Nguyễn Thị Vân, Phạm Thị Lơi… lâu nay chỉ biết nội trợ, nay vừa có việc làm mà vẫn lo tròn bổn phận với gia đình. Giải thích “đầu ra” của cây nhang, chị Phụng tự tin, nói: “Chỉ lo làm không kịp hàng, bởi tôi liên kết với nhiều cơ sở kinh doanh lớn ở TP.HCM và cả bên Campuchia. Vì thế, ngoài bà con trong THTXN, tôi còn hợp đồng với Trung tâm Cai nghiện, Trung tâm Khiếm thị Tây Ninh sản xuất”.

Từ hiệu quả nhiều chiều của THTXN ở Chi hội ND Phước An, ngày 28.11.2011, UBND huyện Dương Minh Châu hỗ trợ tiếp 35 máy xe nhang đạp chân cho 35 hộ nghèo thiếu việc làm xã Phước Ninh sản xuất nhang cung ứng cho chị Phụng bao tiêu.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem