Tôi còn nhiều “chuyên án nhà quê”

Chủ nhật, ngày 11/07/2010 06:32 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Giữa lúc đang quay gameshow Hà Nội 36 phố phường, đạo diễn, NSƯT Nguyễn Hữu Phần vẫn hào hứng trò chuyện với Nông thôn Ngày nay về những dự án phim có đề tài làng quê.
Bình luận 0
img
Cảnh trong phim “Ma làng”.

"Hai Lúa học Net"

Gần đây vẫn thấy ông bươn bả làm việc như cánh thanh niên, có vẻ ý tưởng của ông dồi dào lắm?

- Tôi có cái công ty nên phải nuôi công ty chứ! Và tôi thì ham việc lắm, không nghỉ được, làm việc thấy khỏe hơn. Thêm nữa, nhiều khi thấy người ta cứ hướng về những việc mênh mông, tôi thì muốn đi vào cụ thể, những cái tạm gọi vui là “chuyên án nhà quê” hướng về nông dân, nông thôn.

Tôi đang thực hiện một chương trình dạy nông dân học máy tính. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, phát triển nghề thủ công... hiện rất cần các giao dịch trên mạng. Kể cả sinh hoạt gia đình cũng cần. Vì vậy, phải đưa được máy tính và Internet về làng phục vụ sản xuất, đời sống của bà con...

Chắc ông đã biết và phải tính làm sao để bà con tiếp cận một cách hấp dẫn chứ không phải theo kiểu "ôn thi đại học"?

- Tôi không làm theo kiểu giáo trình mà thông qua các phim sitcom, tạo ra các tình huống và giải đáp những câu hỏi từ thực tế đời sống và sản xuất của bàn con. Ví dụ, nhà ông A mua được phân NPK giá 12, nhưng ông B lại mua giá 14. Ông B hỏi thì biết là con ông A theo dõi, tìm hiểu về giá cả trên mạng.

Hoặc chuyện ông Văn Hiệp đã thôi trưởng thôn nhưng đến con ông ấy làm, được xã khen, thưởng một bộ máy vi tính, rong xe bò lên chở về, hý hoáy lắp mà không lên hình, rồi thì cãi nhau loạn cả lên. Đi hỏi, người ta mới giải thích, máy tính có mấy bộ phận, cái màn hình thế nào, cái CPU, rồi nguồn thế nào…

img Nông thôn chính là Việt Nam, cho nên nói về nông thôn là phản ánh bộ mặt Việt Nam. Tôi vẫn thích bởi sức chứa của nông thôn đối với xã hội rất lớn và có thể cảnh báo nhiều vấn đề. img

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần

Mỗi câu chuyện như thế được thể hiện một cách hài hước, được chốt lại bằng một bài học đơn giản, từng bước mở rộng, nâng cao hơn kiến thức cho bà con. Cuối năm nay, loạt sitcom này sẽ bắt đầu thực hiện, làm một loạt rồi phát dần. Tôi đang xin đưa lên truyền hình, vào phần nói về nông thôn với mỗi tuần một số vào trước 19 giờ ngày thứ Bảy.

Tôi cũng tính cả vùng miền nữa, nếu lấy bối cảnh phía Nam có thể gọi là "Hai Lúa học Net". Còn diễn viên thì sẽ mời các nghệ sĩ hài quen thuộc và được người quê yêu thích. Như ông Quốc Tuấn là trưởng thôn đời sau, con ông Văn Hiệp trưởng thôn đời trước...

Làm các chương trình hướng về nông thôn như vậy, liệu có khả năng xin được tài trợ không?

- Ý tưởng chương trình này đưa ra là nhiều doanh nghiệp đã muốn tài trợ vì họ cũng đang muốn phát triển hoạt động, tiêu thụ sản phẩm ở nông thôn. Những cái thiết thực với xã hội thì không thiếu người tài trợ đâu!

Như phim "Ma làng" ngày trước, mỗi tối phát sóng thu được những 850 triệu đồng quảng cáo. Có người nhờ “anh ơi cho em vào quảng cáo ở cái "Ma làng" với”, tôi gọi điện hỏi thì biết là hết chỗ rồi, nhiều quá rồi! Tôi nghĩ cứ viết kịch bản, cứ làm cho hay rồi người ta sẽ tài trợ, sẽ có "khách".

"Ma làng 10 năm sau"

Đang dồn sức cho gameshow "Hà Nội 36 phố phường", sắp tới là phim sitcom "Máy tính, Internet về làng”, liệu ông có tạm dừng các ý tưởng làm phim truyền hình về nông thôn?

- Tôi sắp làm tiếp đấy chứ, với một đội quân triển khai kịch bản, với một đề tài theo kiểu "Ma làng 2". Phim dự kiến 30 tập, đã xây dựng xong hết đề cương và kịch bản chục tập đầu. Khoảng tháng 10 hoàn thành kịch bản và tháng 11 sẽ bấm máy. Một công ty đã đặt hàng chúng tôi sản xuất để cung cấp cho truyền hình.

Ở bên đài, tôi thấy cũng đang mong, đang cần phim có tính chính luận và đề tài nông thôn. Thỉnh thoảng gặp nhau, anh em bảo “ông Phần ơi, ông cho chúng tôi một cái gì nó kha khá về xã hội đi, chứ không bà con kêu quá”.

Nếu tạm hình dung theo kiểu "Ma làng 2" thì có sợ là "nhai lại" không?

- Tôi cũng sợ người ta bảo ông này ăn theo, mà ăn theo không hay đâu! Có thể tôi sẽ đặt là "Làng Âm Dương hoặc "Ma làng" 10 năm sau". Tôi vẫn giữ cái làng đó nhưng chuyển thành chuyện khác. Trong "Ma làng", các nhân vật ở bối cảnh xã hội những năm 90, hồi bắt đầu đổi mới. Nay đặt họ vào hoàn cảnh 15 năm sau thì sẽ làm sao?

Và ta có thể bất ngờ vì nhiều chuyện biến đổi, lật ngược. Ví dụ như cô Ló, trước nghèo thế, giờ ruộng thành sân golf, được đền bù, trở nên giàu có, sẽ như thế nào? Làng xóm của thời kỳ sau này sẽ lại có những người tốt kẻ xấu, có những cái lộn xộn theo kiểu khác.

Rồi bọn trẻ con, những thằng Đơm, con Đó, con nhà Giỏ, thằng Ất… lớn cả rồi. Thằng Ất có thể mua quan bán chức, thậm chí “điều phối” được mấy vị lãnh đạo chứ không thèm như bố nó ngày xưa chỉ dừng lại ở ăn bớt ăn chặn… Và như vậy, diễn viên có thể sẽ có người cũ người mới.

Vì sao ông lại cứ "cuốn" lấy đề tài nông thôn như vậy?

- Nông dân, nông thôn là nơi nhiều chuyện, nhiều vấn đề thú vị và đáng nói. Nói ví dụ ở thành phố, không làm nghề này thì nghề khác, không làm chỗ này thì làm chỗ khác, còn ở quê, họ dường như chẳng có gì ngoài việc sống với đất, với ruộng. Hoặc như khát vọng làm giàu rất lớn của người nông dân, nhưng cản ngại là không được đào tạo. Ruộng đất bán xong, tiêu đi rồi thì tay trắng, chỉ làm dịch vụ thôi. Rồi cá chết, lúa mất mùa…

Tôi đi trong Nam ngoài Bắc nhiều, nghĩ về bao chuyện, những chuyện đó đầy phức tạp trong giai đoạn chuyển đổi. Nông thôn chính là VN, cho nên nói về nông thôn là phản ánh bộ mặt VN. Tôi vẫn thích bởi sức chứa của nông thôn đối với xã hội rất lớn và có thể cảnh báo nhiều vấn đề.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem