Tội danh Cưỡng đoạt tài sản có gì đặc biệt?

Quang Trung Thứ tư, ngày 15/11/2023 10:50 AM (GMT+7)
Tội danh cưỡng đoạt tài sản được quy định thế nào trong Bộ luật hình sự?
Bình luận 0

Quy định về tội cưỡng đoạt tài sản

Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Khổng Thùy Dung (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, tội danh ông Lưu Bình Nhưỡng bị khởi tố được quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự.

Theo đó, cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

Hành vi đe dọa dùng vũ lực là người phạm tội đe dọa sẽ thực hiện một hành động để gây thiệt hại cho người bị hại. Việc đe dọa được thực hiện thông qua hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp.

Đe dọa trực tiếp là người phạm tội thực hiện việc đe dọa bằng lời nói, cử chỉ, hành động… công khai, trực tiếp với người bị hại.

Còn đe dọa gián tiếp là việc người phạm tội thực hiện việc đe dọa thông qua các hình thức như: nhắn tin, điện thoại, thư… mà không gặp người bị hại.

Trong khi đó, hành vi dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác là việc người phạm tội dùng các thủ đoạn gây áp lực rất lớn về tinh thần của người bị hại để buộc họ phải giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt theo đòi hỏi mà người phạm tội đưa ra, kèm với việc dùng thủ đoạn đó.

Theo bà Dung, thời điểm hoàn thành tội phạm này được tính từ lúc người phạm tội thực hiện xong hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn uy hiếp tinh thần người khác kèm theo đòi hỏi về giao tài sản để chiếm đoạt.

Nếu chỉ thuần túy đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần mà không có hay không gắn liền với yêu cầu về tài sản để chiếm đoạt sẽ không cấu thành tội phạm này.

Đặc biệt, tội cưỡng đoạt tài sản được thực hiện do lỗi cố. Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc.

Mục đích chiếm đoạt tài sản luôn phải xuất hiện trước hoặc muộn nhất là đồng thời với thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần khác.

Nhưng cũng có trường hợp chuyển hóa tội phạm, có nghĩa là người phạm tội đã thực hiện một tội phạm khác, nhưng sau đó lại xuất hiện mục đích chiếm đoạt tài sản, thì cũng phạm vào tội này.

Ngoài ra, theo vị luật gia, đây là tội danh có hậu quả mang tính định lượng nên khung hình phạt đối với người phạm tội sẽ phụ thuộc vào giá trị tài sản mà người phạm tội đã chiếm đoạt.

Cụ thể, theo Điều 170, người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt tù 1 đến 5 năm. Trường hợp giá trị tài sản từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, khung hình phạt là 3 đến 10 năm tù.

Nếu giá trị tài sản từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng, mức án áp dụng là phạt tù 7 đến 15 năm, còn nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên, khung hình phạt người phạm tội có thể đối mặt là 12 đến 20 năm tù.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem