Mắc nợ vì tômÔng Ngô Thanh Được ở xóm 7, xã Vĩnh Tân, (Tuy Phong, Bình Thuận) có 6ha ao nuôi tôm cho biết: “Tôi thả 20 triệu giống mỗi năm với nhiều loại giống của các công ty khác nhau như Việt Úc, CP, Thông Thuận, Trường Thịnh... trong đó giống của Công ty Việt Úc thả nhiều nhất và thấy xuất hiện tình trạng tôm chết hoặc chậm lớn. Số tôm chết đã được Công ty Việt Úc hỗ trợ lại bằng giống vụ kế tiếp từ 40 - 50%. Hiện tôi vẫn còn 3 ao giống tôm của Việt Úc, nuôi 65 ngày rồi mà 160 con mới được 1kg” - ông Được nói.
Sản xuất tôm giống tại Công ty TNHH Việt - Úc
Cùng hoàn cảnh trên, ông Hồ Văn Hải ở An Hải (Ninh Phước, Ninh Thuận) cho biết: “Tôi vừa bán xong vụ tôm, cùng mua giống của Việt Úc một ngày mà mấy đứa em nuôi đều thành công, riêng nhà tôi tôm bị chết. Cũng may, các ao còn lại tôi thả giống khác nên gỡ lại được thua lỗ vụ vừa rồi”.
Không chỉ có ở miền Trung, ở nhiều tỉnh thành khác, tình trạng tôm chết, tôm chậm lớn cũng xảy ra, người nuôi tôm đã thua lỗ cũng vẫn phải theo nghề để hy vọng có vụ thành công, đủ tiền trả nợ. Ông Cao Văn Thanh có 3 ha nuôi tôm ở khu đồng Giao Phong (Giao Thuỷ, Nam Định) cho biết, vụ tôm vừa qua, gia đình ông mua 200 vạn tôm giống của Công ty Việt Úc với giá 93 triệu đồng/100 vạn thì hiện tại đã chết tới 70%. Như vậy, vụ tôm đầu tiên thả đã chết, vụ thứ 2 lại tiếp tục chết, thiệt hại từ nuôi tôm của gia đình ông Thanh đã lên tới 500 triệu đồng. “Giờ tiền vay lãi anh em, vay ngân hàng đã lên tới hàng tỷ đồng, nếu không tiếp tục “đánh liều” nuôi tôm thì chẳng còn biết làm gì để trả nợ”- ông Thanh nói.
Ông Lê Xuân Cảnh có 0,5 ha nuôi tôm khu nuôi trồng thuỷ sản Bạch Long (Giao Thủy, Nam Định) cũng buồn bã cho biết: “Tôi cũng mua giống của Công ty TNHH Việt Úc và đã thực hiện đúng các quy trình nhưng mới thả tôm giống xuống được 7 ngày đã thấy chết hết. Dù đã phải chi phí mất khoảng 20 triệu đồng tiền thuốc mà vẫn không cứu được lứa tôm”.
Ở Bình Thuận và một số địa phương trên cả nước, nhiều người nuôi tôm đang đặt hoài nghi về vấn đề có hay không việc tôm chết là do nguyên nhân giống kém chất lượng của một số công ty sản xuất giống?
Sẽ làm rõ nguyên nhânĐược biết đến là một trong những tỉnh đi đầu về số lượng tôm giống cũng như uy tín và chất lượng tôm giống, Bình Thuận hiện đang chiếm tới gần 70% lượng tôm giống cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, những thông tin hoài nghi từ người nuôi tôm về chất lượng giống làm cho tôm chết đã khiến cho thương hiệu tôm giống Bình Thuận bị ảnh hưởng.
Trước tình trạng này, ngày 18.9, UBND tỉnh Bình Thuận đã có Văn bản 3601 về việc chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý về chất lượng tôm giống. Theo đó, chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận khẩn chương chỉ đạo tổ chức thanh kiểm tra một cách toàn diện hoạt động khảo nghiệm sản xuất tôm giống của Công ty TNHH Việt Úc trong thời gian vừa qua; qua đó, yêu cầu Công ty TNHH Việt Úc tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật về sản xuất giống, khảo nghiệm giống thuỷ sản. Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm; đồng thời có biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động sản xuất và chất lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu của Tổng cục Thuỷ sản, tính đến 30.9 thống kê diện tích nuôi tôm của 22 tỉnh trên cả nước có 628.724 ha (bằng 98,3% so với cùng kỳ 2012), trong đó tôm sú là 584.441ha, tôm thẻ chân trắng là 47.283ha; sản lượng thu hoạch đạt 258.792 tấn. Diện tích tôm nuôi bị bệnh là 51.537ha (bằng 74% so với cùng kỳ).
|
Trao đổi với NTNN, đại tá Phạm Thật - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Công an tỉnh đã phối hợp với Sở NNPTNT điều tra, nghiên cứu các vấn đề của Công ty TNHH Việt Úc.
Tuy nhiên, vấn đề về tôm là sự việc phức tạp, qua điều tra chưa có đủ căn cứ để xác định hiện tượng tôm chết ở Bình Thuận có phải do tôm giống của Công ty Việt Úc gây ra hay không.
“Do ngành công an chưa có đủ chuyên môn, trong khi Công ty TNHH Việt Úc không chỉ bán tôm giống ở địa bàn Bình Thuận mà còn bán ở nhiều tỉnh thành khác trên cả nước nên chúng tôi đề nghị Tổng cục Thuỷ sản có cơ quan chuyên môn, đủ phương tiện khoa học kỹ thuật xác định làm rõ vấn đề trên”- ông Phạm Thật nói.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuỷ sản, thực hiện kế hoạch kiểm tra giám sát dịch bệnh tôm năm 2013, đoàn thanh tra do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I, II, III thực hiện tại một số tỉnh ĐBSCL và Trung Bộ từ ngày 22-27.9 cho thấy, phát hiện vi khuẩn vibrio trong môi trường nước và trên tôm nuôi. Tỷ lệ tôm giống nhiễm vibro khá cao, trong số đó có khoảng 30% tôm giống có dấu hiệu bệnh hoại tử gan tuỵ cấp. Như vậy, bệnh hội chứng hoại tử gan tuỵ cấp đã được phát hiện trên cả tôm giống và tôm nuôi.
Thanh Xuân (Thanh Xuân)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.