Tự nhận mình là "đệ tử ruột, từng vào sinh ra tử dưới trướng Năm Cam" nên Trần Quốc Tuấn (biệt danh Tuấn “võng”) cho mình cái quyền được bảo kê dọc tuyến sông Luộc, chạy qua địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Bằng nhiều thủ đoạn áp chế tinh thần, Tuấn đe dọa các hộ khai thác cát trên sông phải nộp tiền cho mình.
Bắt tay giang hồ thích “chém gió”
Ngoài 30 tuổi, Tuấn “võng” giắt lưng tiền án 10 năm tù với tội danh Nhận hối lộ khi còn đang công tác trong cơ quan kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng vào năm 2002. Ra tù, y trở lại quê với 2 bàn tay trắng. Những tưởng cuộc mưu sinh vì gia đình, vợ con và những năm tháng đằng sau song sắt sẽ khiến y tỉnh ngộ mà tu tỉnh làm ăn, thế nhưng hắn lại “ngựa quen đường cũ”, bước vào con đường giang hồ, đâm thuê chém mướn khiến vùng quê yên bình bỗng nhiên “nổi sóng”.
Vì không có nghề nghiệp, Tuấn thường xuyên ngao du lượn lờ quanh các khu vực tập trung đông thành phần thanh niên không có việc làm ở địa phương, bắt chuyện và “chém gió”. Gã tự nhận mình từng kinh qua thời gian là công an, có nghiệp vụ trinh sát, sau vì “đổi gió” chuyển qua làm kiểm lâm. Sau cùng bị bắt vì là một trong những mắt xích quan trọng của đường dây Năm Cam. Vì vậy, y có mối liên hệ đặc biệt với mạng lưới giang hồ toàn miền Bắc.
Nguyễn Mạnh Năng là cánh tay phải đắc lực cho Tuấn “võng” trong các phi vụ làm ăn.
Ngoài ra, Tuấn còn tự gắn cho mình những kinh nghiệm, bằng cấp khác nhau. Vì vậy, một thời gian ngắn sau khi trở về, y được mời đến làm thanh tra của một doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Từ ngày có sự góp mặt của Tuấn, bao nhiêu chuyện liên quan tới bến bãi, lấn tuyến, lấn sân đều được Tuấn và đàn em giải quyết một cách êm đẹp. Không phải đi làm vất vả nhưng thu nhập một tháng của hắn cũng lên tới gần 30 triệu đồng.
Để hợp thức hóa các khoản thu bất chính của mình, Tuấn giao cho vợ mở thêm một nhà nghỉ để kinh doanh, thực chất chủ yếu để làm nơi đào tạo, nuôi dưỡng đàn em lẫn tranh thủ kinh doanh tiệm cầm đồ, cho vay nặng lãi.
Với đàn em, Tuấn tỏ ra là đàn anh chịu chơi, hào phóng, sẵn sàng chi tiền không tiếc tay cho các cuộc hoan lạc, hút sách, gái gú,... với điều kiện “chỉ cần khi nào anh gọi, chú phải có mặt”.
Qua tìm hiểu, ngoài biệt danh Tuấn “võng”, y còn là một tay nuôi dạy, huấn luyện chó có nghề, vì vậy mới có thêm tên là Tuấn “chó”. Với đàn chó dữ sẵn sàng đứt xích bất kỳ lúc nào, những người dân xung quanh xem nơi ở của Tuấn như một chốn bất khả xâm phạm, cần phải lánh xa nếu muốn yên thân.
Sát bên cạnh Tuấn trong các cuộc “tranh hùng tranh bá”, là Năng “mìn” (tên đầy đủ là Nguyễn Mạnh Năng, SN 1965, ở xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên). Theo đó Năng là một anh em thân thiết, đã cùng Tuấn vào sinh ra tử. Có thể nói, trong đường dây của Tuấn, Năng “mìn” là kẻ đứng thứ hai, sẽ thay Tuấn cầm đầu đám lâu nhâu mỗi khi đi tham chiến. Danh tiếng của Tuấn trở nên “lẫy lừng” với nhiều cộng sự, đồng nghĩa với “gánh” chăm lo đầy đủ cho đám đàn em ngày một đông, Tuấn mở rộng đường dây sang hoạt động “thu phế” các tàu chở cát trên sông Luộc.
Ban đầu, để tiếp cận các chủ tàu cát, Tuấn cho đàn em dùng xe máy hoặc ô tô lợi dụng đêm tối đến đập phá các đường ống hút cát trên đê, để dằn mặt. Sau nhiều lần đập phá rồi bỏ đi, khiến cho chủ tàu hoang mang, Tuấn bắt đầu “lộ diện”, nói rằng muốn yên ổn làm ăn ở cái xứ này thì phải lên văn phòng công ty Tuấn sẽ được giải quyết.
Nếu chủ tàu nào không chịu gặp, Tuấn sẽ khủng bố bằng cách cho đàn em dùng ca nô đến tiếp cận tàu hút cát, rồi cho đàn em lên tàu đánh công nhân bị thương, chủ động gọi điện cho chủ tàu thương lượng. Theo ước tính sơ sơ, từ thời điểm bắt đầu cho tới khi bị bắt, số tiền mà các chủ tàu hút cát phải bỏ ra để mua đường ống mới lên tới hàng chục triệu đồng, chưa tính tới những thiệt hại do công việc bị đình trệ, công nhân bỏ việc,...
Cuộc đột kích bất ngờ
Nhận được phản ánh qua đơn thư của các chủ tàu, Công an huyện Tiên Lữ đã mở cuộc điều tra. Nhiều mũi trinh sát được tung ra, thâm nhập các ngả để tìm kiếm thông tin, thu thập bằng chứng.
Đôi khi các nhóm trinh sát bị rơi vào bế tắc, bởi phương thức hoạt động của nhóm Tuấn rất gọn gàng, che đậy kín đáo. Để bịt hết mọi bằng chứng về hoạt động thu phế, mỗi lần xuống địa bàn, tên cáo già thường dùng xe ô tô để di chuyển. Mỗi khi gặp, giao dịch với chủ tàu thường ngồi trong xe ô tô, mở cửa kính để chủ tàu tự vứt tiền vào xe. Khi cảm thấy có động, chúng thời tạm ngừng.
Đại úy Phan Việt Anh, Phó trưởng Công an huyện Tiên Lữ cho biết Tuấn là tên gian manh, thường sử dụng nhiều trò để che đậy hành vi phạm tội. Không chỉ vậy, những lần giáp mặt hắn thường xuyên khiêu khích anh em chiến sỹ.
Trước những thủ đoạn của Tuấn và đồng bọn, sau nhiều ngày mật phục, đấu tranh, thu thập chứng cứ, đến cuối tháng 3, Công an huyện Tiên Lữ đã phối hợp với lực lượng chức năng bắt giữ Tuấn và đồng bọn tại nhà.
Theo Đại úy Phan Việt Anh, để vào được nhà Tuấn, các trinh sát phải vượt qua bức tường “bất khả xâm phạm” được trông giữ bởi một đàn chó tây liên tục lao vào cắn, cản. Để khống chế chúng anh em đã phải sử dụng số lượng lớn bình xịt hơi cay mới có thể lao vào bên trong.
Tiếp tục điều tra mở rộng vụ án
Việc bắt giữ Tuấn “võng” cùng đàn em đã góp phần không nhỏ nhằm đem lại bình yên cho người dân địa phương trước sự càn quấy của băng nhóm này. Được biết, cùng với Tuấn “võng”, các đàn em khác như Năng “mìn”, Nguyễn Mạnh Hải (SN 1990), Phạm Văn Sáng (SN 1987), Nguyễn Anh Tuấn (SN 1981), Trần Văn Toản (SN 1993) và một số đối tượng khác, chủ yếu đến từ các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Thái Bình cũng bị tóm gọn. Hiện, việc điều tra mở rộng những vụ việc mà nhóm đối tượng này gây ra trên địa bàn tỉnh Hưng Yên lẫn các tỉnh khác vẫn đang được tiếp tục.
|
Thanh Hiên - Đỗ Huệ (Đời sống Pháp luật)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.