Tổng chỉ huy quân đội Liên Xô chưa từng nếm mùi thất bại

Quang Minh – Tổng hợp Thứ tư, ngày 01/02/2017 14:55 PM (GMT+7)
Nguyên soái đầu tiên trong Thế chiến II của Liên Xô được xem là người bất khả chiến bại, đã xuất quân là chiến thắng.
Bình luận 0

img

Nguyên soái Georgi Zhukov, tại một Hội nghị quân sự ở Moscow năm 1942.

Thế chiến II sản sinh nhiều vị tướng lỗi lạc ở cả hai bên, phe Trục và Đồng minh. Cuộc đời họ với nhiều nét li kì, những thành công vang dội và cả những sai lầm đau đớn... sẽ được điểm lại trong loạt bài này.

Georgi Zhukov lớn lên trong một gia đình nghèo khó. Ngay từ năm 15 tuổi, Zhukov đã làm thợ cả và vẫn theo học trung cấp trong thành phố. Thế chiến I nổ ra, Zhukov nộp đơn xin tòng quân năm 1915. Ông vượt qua các kì thi dành cho cấp bậc hạ sĩ quan và nắm vững nhanh chóng mọi kĩ thuật chinh chiến, vũ khí và phương pháp rèn luyện binh lính trong quân đội. Tháng 8.1918, Zhukov chính thức phục vụ trong Hồng quân Liên Xô.

Nhờ có kiến thức từ các khóa huấn luyện quân sự, Zhukov nhanh chóng tiến xa trên con đường binh nghiệp. Thế chiến I và cuộc Nội chiến ở Liên Xô giúp ông có thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý giá. Tháng 7.1939, ông được bổ nhiệm làm chỉ huy Tập đoàn quân số 1 của quân Liên Xô tại Mông Cổ. Giáo sư, tiến sĩ khoa học Yuri Rubstov từ đại học tổng hợp quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Nga nhận xét: “Đây là lần đầu tiên Zhukov thể hiện năng lực thống lĩnh quân sự vượt trội của mình”.

img

Zhukov năm 1916.

Phong cách chỉ huy của Zhukov rất nghiêm minh, khoa học nên đơn vị ông phụ trách luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời kì Nội chiến Nga. Năm 42 tuổi ông đã là phó Tư lệnh đại đoàn quân khu Belorusia.

Tháng 5.1939, Nhật khiêu khích Liên Xô ở vùng Khangin Gol (Mông Cổ). Ngay lập tức, Zhukov dùng lực lượng xe tăng, cơ giới, máy bay, hỏa pháo tấn công quân Nhật không khoan nhượng. Kết quả, Nhật bị tổn thất nặng nề và Zhukov khiến thống soái Stalin để mắt vì tài năng hợp đồng binh chủng như thần của mình.  Năm 1940, ông được phong làm đại tướng và giữ chức Tư lệnh đại quân khu Kiev.

Zhukov hội đủ tố chất để trở thành vị tướng tài ba: giỏi quan sát, phán đoán tình hình; dự đoán thế trận chuẩn xác; xử trí nhanh gọn, linh hoạt; luôn tấn công và đáp trả một cách thích đáng.

Chiến tranh Xô-Đức

img

Sau chiến dịch Khalkhin Gol, Zhukov được phong quân hàm Đại tướng.

Ngày 22.6.1941, Đức quốc xã bất ngờ tấn công Liên Xô. Ngay lập tức, Zhukov có mặt ở phương diện quân Tây Nam theo lệnh của Stalin để nghênh đón địch. Stalin yêu cầu quân tấn công ngay nhưng Zhukov từ chối do chưa nắm rõ tình hình quân địch. Sau đó, Stalin vẫn bất chấp, chỉ huy quân tiến công và thất bại liên tiếp ở các phương diện quân Tây, Tây Bắc, Tây Nam và Nam. Nguyên nhân được cho là bởi thiếu không quân yểm trợ và hậu cần tiếp nhiên liệu sơ hở.

Trong vai trò là Tổng tư lệnh tối cao phương diện quân Tây Nam, tướng Zhukov cố gắng “gỡ gạc” tình hình bằng cách chỉ đạo tác chiến hiệu quả và thiết lập phòng thủ nhiều lớp nhằm ngăn chặn Cụm Tập đoàn quân Nam của Đức trong hoàn cảnh phương diện quân Tây và Tây Bắc của Nga thất bại thảm hại.

Zhukov nhìn lại thế trận và dự đoán rằng quân Đức sẽ tấn công vào phương diện quân trung tâm. Ông đề xuất rút quân khỏi Kiev và tăng cường quân cho phương diện quân trung tâm. Stalin gọi ý kiến này của Zhukov là “hồ đồ”. Đại tướng Zhukov cho rằng Stalin không coi trọng quyết định của người nhiều năm mưu lược nên xin rút xuống làm chỉ huy các đơn vị chiến đấu, từ bỏ chức Tổng tham mưu trưởng.

Zhukov rút về làm tư lệnh phương diện quân dự bị, chỉ huy phản kích vào Yelnya và xóa bỏ một bàn đạp quan trọng của Đức ở cửa ngõ Moscow. Đáng chú ý, 50.000 quân Đức bị tiêu diệt, trong đó có cả sư đoàn Đại Đức của đảng Đức quốc xã. Dù không trực tiếp chỉ huy mặt trận khác nhưng Zhukov vẫn nghiên cứu tình hình quân Đức. Ông dự báo quân Đức tấn công phương diện quân Tây Nam nhưng Stalin đưa ra quyết định quá muộn và sự kém cỏi của các tướng lĩnh phụ trách đơn vị này nên quân Liên Xô tiếp tục nếm mùi thất bại đau đớn.

Thế trận ở Leningrad

img

Đại tướng Zhukov khi giữ nhiệm vụ Tư lệnh Phương diện quân Tây.

Ngày 14.9.1941, Zhukov được giao chỉ huy phương diện quân Leningrad trong tình thế quân Đức vây chặt, cố chiếm lấy thành trì này. Ông củng cố phòng tuyến, ngăn chặn và đánh bại nhiều đợt tấn công của Đức. Ông ra lệnh bố trí trận địa pháo dày đặc vào các hướng tấn công chính và rải mìn ở khu vực nguy cơ cao, đồng thời bố trí hệ thống phòng không đề phòng Đức nhảy dù. Ông đích thân chỉ huy lực lượng 50.000 quân đánh vào mũi tấn công vươn xa nhất của Đức ở Leningrad và tiêu diệt được phân nửa sinh lực địch ở đây.

Zhukov nhận định rằng sau khi Hitler giành chiến thắng ở Kiev, chắc chắn phát xít Đức sẽ dồn quân vào Moscow nhằm kết thúc chiến tranh. Ngay lập tức, tập đoàn quân thiết giáp khu vực Leningrad được dồn tới chiến trường Moscow yểm trợ.

Mặt trận Moscow

img

Nguyên soái Zhukov kiểm tra xe tăng Tiger-I của Đức Quốc xã bị bắt giữ trong Chiến dịch Kursk, tháng 8.1943.

Ngày 15.11, Đức tấn công Moscow và tình hình rất nguy cấp khi quân Đức chỉ còn cách thủ đô 20km. Dưới áp lực nặng nề, Zhukov nhận ra do tập trung đánh hai cánh nên 6 quân đoàn Đức bố trí ở chính diện không làm gì. Do đó, ông đề xuất rút bớt quân ở lực lượng trung tâm và tăng cường cho hai cánh, “để dành” lực lượng dự bị cho đợt phản công tháng 12.

Nhờ dự liệu hết các phương án tấn công của quân Đức và cả việc chúng không nhận ra sai lầm trong việc dồn quân vào hai cánh, Liên Xô đã đứng vững trước các cuộc tấn công dồn dập. Đầu tháng 12, Zhukov quyết định cực kỳ táo bạo: đưa 3 phương diện quân phản công ở khu vực Moscow dù lực lượng thua xa quân Đức (1,1 triệu người so với 1,7 triệu). Khả năng dụng binh của Zhukov giúp Liên Xô tiêu diệt 581.000 lính Đức và đánh bật kẻ thù khỏi Moscow. Vì trận này mà kế hoạch Barbarossa của Đức quốc xã phá sản hoàn toàn và được xem là trận đánh lớn đầu tiên quân Đức thua ở Thế chiến II.

Trận vòng cung Kursk

img

Zhukov ký vào biên bản chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của nước Đức Quốc xã ngày 9.5.1945.

Ngày 17.3.1943, Zhukov chỉ đạo tác chiến ở phía nam Kursk để đối phó kế hoạch phản công màu xuân của Cụm tập đoàn quân sông Đông của Đức do thống chế tài ba Erich von Manstein chỉ huy. Zhukov nhận định rằng quân Đức sẽ cố gắng cắt đứt “chỗ lồi Kursk”. Sau khi Zhukov đưa ra dự báo một tuần, Hitler thực hiện đúng những gì Zhukov dự tính.

Nhờ Zhukov dự liệu từ trước tình hình nên quân Liên Xô có nhiều thời gian chuẩn bị thế trận phòng thủ và xây dựng thêm một phương diện quân Thảo Nguyên làm dự bị. Quân Liên Xô đã chặn đứng thành công “Kế hoạch thành trì” của Hitler, đánh bại các binh đoàn xe tăng của các thống chế Günther von Kluge và Erich von Manstein hùng mạnh hơn nhiều so với các binh đoàn xe tăng Đức trong chiến dịch Barbarossa.

Chiến dịch Berlin

img

Thống chế Bernard Law Montgomery và Nguyên soái G. K. Zhukov cùng các tướng lĩnh Anh và Liên Xô sau Lễ trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Bath của Vương quốc Anh tại cổng Bradenburg (Đức) ngày 12.7.1945.

Đầu tháng 3.1945, Stalin cho rằng với thế trận tan rã của quân Đức quốc xã, Liên Xô có thể nhanh chóng giải quyết tình hình. Tuy nhiên, Nguyên soái Zhukov không nghĩ mọi việc đơn giản tới vậy. Ông nói rằng chiếm Berlin không khó, nhưng phức tạp ở chỗ đây là thành phố rộng và phòng thủ kiên cố. Zhukov đề nghị quân củng cố thật chắc trận địa bờ tây sông Oder (chảy qua Séc và Ba Lan).

Đúng như dự đoán, Đức quốc xã tấn công liên tiếp ở nhiều mũi nhưng quân Liên Xô đã có dự tính từ trước nên không bị bất ngờ. Khi quân Liên Xô tràn vào Berlin, Zhukov thấy đường xá quá chật hẹp, không phù hợp với xe tăng nên thành lập các tổ đội bộ binh, pháo binh ở mức trung đội để tấn công nhanh gọn. Quyết định này đã chứng minh hiệu quả khi các trung đội nhanh chóng tiêu diệt sinh lực địch trong mê cung Berlin.

Sau một tuần công phá, ba phương diện quân Liên Xô cùng quân Đồng minh Anh, Mỹ gặp nhau ở bờ sông Elbe. 80.000 Hồng quân hy sinh dũng cảm trong trận chiến Berlin đẫm máu nhưng ngày 30.4.1945, lá cờ chiến thắng đã được cắm trên nóc nhà Quốc hội Đức. Hitler và Goebbels tự sát.

Ngày 9.5, đại diện Đức và quân đội Đức quốc xã kí biên bản đầu hàng vô điều kiện trước 4 nước đồng minh. Thay mặt Liên Xô, nguyên soái Zhukov kí vào biên bản này. Sau chiến thắng vang dội ở mặt trận Berlin, Zhukov được phong tặng Huân chương Sao vàng – Anh hùng Liên Xô lần thứ 3.

Những năm sau chiến tranh

img

Bốn nhà lãnh đạo quân sự xuất sắc của Đồng Minh chống phát xít: Bernard Montgomery (Anh), Dwight D. Eisenhower (Mỹ), Georgi Zhukov (Liên Xô) và Jean de Lattre de Tassigny (Pháp).

Khi Stalin mất, ông được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chuyên nghiên cứu tác dụng của vũ khí hạt nhân trong chiến tranh hiện đại. Từ năm 1955-1957, ông giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Tuy nhiên sau đó, Zhukov bị thất sủng và ông tập trung viết quyển hồi ký “Nhớ lại và suy ngẫm”. Quyển sách xuất bản năm 1969. Tới năm 1974, nguyên soái lừng danh Zhukov qua đời ở tuổi 78.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem