TP.HCM lường trước nguy cơ bùng phát dịch khi mở cửa
TP.HCM lường trước nguy cơ bùng phát dịch khi mở cửa
Bạch Dương
Thứ hai, ngày 13/09/2021 19:16 PM (GMT+7)
Chia sẻ tại cuộc họp chiều 13/9, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết, Ban Chỉ đạo phòng dịch Covid – 19 TP đã nghiên cứu và lường trước khả năng, cũng như nguy cơ bùng phát dịch trở lại khi thành phố mở cửa các hoạt động kinh tế.
Theo ông Mãi, thời gian qua, nhiều quốc gia phát triển hơn, tỷ lệ tiêm chủng bao phủ cao hơn, có hệ thống y tế tốt hơn, nhưng khi mở cửa cũng phải đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch. Với diễn biến rất phức tạp của chủng Delta, với sức ép giãn cách kéo dài, TP buộc phải mở cửa, khả năng bùng phát là có thật. Đây là một trong những lý do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP rất cân nhắc.
"Chúng tôi biết sức ép đến 15/9 là rất lớn, mong muốn của người dân, doanh nghiệp và cả mong muốn của lãnh đạo TP được phục hồi lại các sinh hoạt bình thường. Những kết quả chúng ta đạt được có chuyển biến tích cực hơn. Nhưng chưa đạt được như tiêu chí kiểm soát, nên để thận trọng, để bảo vệ kết quả này. Chúng ta chịu khó một thời gian nữa cho kết quả này bền vững hơn, để khi mở cửa, chúng ta yên tâm" - ông Mãi nói.
Nguyên tắc xuyên suốt của thành phố là phải đảm bảo an toàn, an toàn mới mở. TP đo lường mức độ dịch hàng ngày để mở rộng hoặc siết chặt các biện pháp, đồng thời học hỏi kinh nghiệm những nơi có điều kiện tương đồng để áp dụng cho thành phố.
Ông Mãi cho biết, từ nay đến cuối tháng, địa bàn, lĩnh vực nào tốt hơn thì sẽ mở dần trước chứ không nhất thiết phải đợi đến đúng 30/9.
Trước câu hỏi liệu đến cuối tháng 9, TP có kiểm soát hết được dịch hay không, ông Mãi thẳng thắn: "Không thể có câu trả lời chính xác. Lãnh đạo TP, Ban chỉ đạo các cấp mong muốn cả hệ thống chính trị, người dân TP cùng nhau thực hiện đồng bộ nhất, hiệu quả nhất. Sẽ tập trung nỗ lực hết sức để đạt kết quả cao nhất".
Trao đổi về việc thành phố có định hướng nào để đảm bảo hài hòa giữa giãn cách xã hội và hoạt động kinh doanh sản xuất, phục hồi sinh hoạt bình thường, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết theo quan sát về diễn biến dịch trên thế giới và ý kiến phân tích của nhiều chuyên gia, dịch sẽ còn diễn biến phức tạp, kéo dài. Do đó, thành phố phải xác định tâm thế sống trong điều kiện có dịch, phải tổ chức sinh hoạt, kinh doanh sản xuất dựa trên nguyên tắc an toàn.
Thành phố sẽ dựa vào các chỉ số đo lường như tỷ lệ bao phủ vaccine, tỷ lệ chống chọi của hệ thống y tế và tỷ lệ lây nhiễm để sớm tiếp cận và có biện pháp điều trị, ngăn ngừa tình huống cấp cứu, gây áp lực cho hệ thống điều trị.
Trên lĩnh vực sản xuất kinh doanh dựa trên các tiêu chí an toàn, dành cho các lĩnh vực, hoạt động, đảm bảo người tham gia, người đến cơ sở sản xuất phải an toàn.
Thành phố đang nghiên cứu thiết kế thẻ xanh Covid-19; bên cạnh đó, thành phố cũng căn cứ vào điều kiện tiêm chủng và các quy định an toàn khác trong bộ tiêu chí để đánh giá mức độ an toàn đối với các hoạt động, nhằm có sự điều chỉnh phù hợp theo từng giai đoạn.
"Chúng ta phải thay đổi hành vi của mình để sống an toàn trong điều kiện có dịch. Việc tuân thủ quy định trở thành ý thức tự giác để đảm bảo an toàn cho chính mình. Chúng ta từng bước thực hiện để trở thành thói quen, thích ứng", Chủ tịch Phan Văn Mãi nói.
Thêm gói hỗ trợ gần 10.000 tỷ đồng
Về vấn đề an sinh, ông Phan Văn Mãi cho biết khi thành phố thực hiện giãn cách thời gian dài thì vấn đề an sinh cho người dân là rất quan trọng.
"Thủ tướng nhiều lần nói "ai ở đâu ở đó" thì phải đảm bảo an sinh, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, ai có nhu cầu y tế phải đáp ứng ngay. Thời gian qua, TP đã cố gắng thực hiện mục tiêu này", ông Mãi nói.
Sau khi thực hiện 2 gói an sinh xã hội, TP.HCM đang khẩn trương triển khai gói hỗ trợ thứ 3, rà soát, lập danh sách những trường hợp gặp khó khăn để có danh sách đầy đủ, chính xác nhằm hỗ trợ người dân.
Ông Mãi cho biết vừa qua, các địa phương rà soát thì danh sách này rất nhiều. TP đã nhận danh sách từ 312 phường, xã, thị trấn và đang rà soát đầy đủ nhất có thể. "TP không nghĩ đến việc tổng hợp tất cả, nhưng sẽ nỗ lực để không bị sót nhiều", Chủ tịch UBND TP.HCM nói.
Một vài hạn chế là quá trình thực hiện chậm hoặc sai đối tượng, không đúng danh sách ban đầu. TP đã tiến hành kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, đôn đốc người dân tổ chức thực hiện sớm. TP cũng tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm.
Ở đợt 1 và 2, TP đã cấp gần 6.500 tỷ, trong đó có kinh phí vận động từ nguồn xã hội hóa là 1.400 tỷ, còn lại là từ ngân sách. Thời gian tới, TP hỗ trợ một mức nhất định theo tháng và trên đầu người, kinh phí dự kiến lên đến gần 10.000 tỷ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.