TP.HCM sắp làm việc với Thường trực Chính phủ, đề xuất loạt giải pháp "gỡ khó" cho các dự án bất động sản

Quốc Hải Thứ tư, ngày 12/04/2023 07:38 AM (GMT+7)
Góp ý nội dung chuẩn bị làm việc với Thường trực Chính phủ (dự kiến vào trung tuần tháng 4/2023), HoREA đã kiến nghị hàng loạt giải pháp về cơ chế đặc thù, vốn tín dụng, rà soát pháp lý... để "gỡ khó" cho các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội.
Bình luận 0

Cần sớm thông qua "cơ chế đặc thù" cho TP.HCM

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho hay, vừa nhận được Văn bản số 3075/VP-TH ngày 07/04/2023 của Văn phòng UBND TP.HCM đề nghị  góp ý nội dung chuẩn bị làm việc với Thường trực Chính phủ (dự kiến vào trung tuần tháng 4/2023).

"Trong nhóm các cơ chế, chính sách mà HoREA đề xuất, đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét thông qua, 'Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM' là một cơ chế quan trọng góp phần gỡ thế khó cho TP.HCM trong bối cảnh hiện nay", ông Châu nói.

TP.HCM sắp làm việc với Thường trực Chính phủ, đề xuất loạt giải pháp"gỡ khó" cho các dự án BĐS- Ảnh 1.

HoREA đã kiến nghị hàng loạt giải pháp để "gỡ khó" cho 156 dự án bất động sản, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội của 121 doanh nghiệp, chủ đầu tư. Ảnh: Quốc Hải

Cụ thể, có 4 đề xuất liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM.

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội cho phép "thí điểm thực hiện trở lại dự án áp dụng loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) trên địa bàn TP.HCM và được thanh toán bằng tiền ngân sách nhà nước của địa phương", trong đó có "dự án đầu tư xây dựng theo hình thức Hợp đồng BT trên các tuyến đường hiện hữu" và đề nghị xem xét có thể áp dụng chung trên phạm vi cả nước.

Thứ hai, đề nghị "cho phép UBND thành phố thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị và rút gọn các bước lập quy hoạch nhằm đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh quy hoạch" để Thành phố chủ động điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000. 

"Giải pháp này để tháo gỡ "ách tắc, vướng mắc" thủ tục "chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư" và thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với các dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại và nhất là dự án nhà ở xã hội", ông Châu nhấn mạnh,

Thứ ba, đề nghị cho phép UBND thành phố xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền sử dụng đất đối với tất cả các dự án bất động sản, nhà ở thương mại không phân biệt dự án có giá trị tiền sử dụng đất trên hoặc dưới 30 tỷ đồng theo bảng giá đất, thay vì thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá đất theo Văn bản số 477/UBND-ĐT ngày 17/02/2022 của UBND TP.HCM.

Thứ 4, đề nghị "cơ chế xác định các hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội và nhà ở thương mại", trong đó có hình thức sử dụng đất khác là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Theo đó, nhà đầu tư phải thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai, phù hợp với đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình số 535/TTr-CP ngày 27/12/2021 trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất. 

Kiến nghị thêm loạt giải pháp về vốn tín dụng, rà soát pháp lý

Ngoài các cơ chế đặc thù cho TP.HCM, HoREA cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-NHNN để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và Nghị định số 08/2023/NĐ-CP để tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhất là trái phiếu bất động sản.

Đặc biệt, cần sớm xem xét giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ, giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

HoREA cũng đề nghị Tổ công tác của Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét có hướng xử lý các dự án thuộc diện rà soát pháp lý do sử dụng quỹ đất có nguồn gốc đất công, đất do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hoặc do vi phạm pháp luật. 

Trong đó, có việc cần phải xem xét cấp lại Giấy chứng nhận do trước đây một số địa phương đã "cấp sai" Giấy chứng nhận quyền sử dụng condotel.

TP.HCM sắp làm việc với Thường trực Chính phủ, đề xuất loạt giải pháp"gỡ khó" cho các dự án BĐS- Ảnh 2.

HoREA cũng đề xuất Thường trực Chính phủ xem xét gỡ khó, rà soát pháp lý các dự án đang vướng mắc tại TP.HCM. Ảnh: Quốc Hải

"Đề nghị Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm có kết luận hoặc trình cấp có thẩm quyền kết luận đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, đô thị đang bị "vướng mắc pháp lý" để các chủ đầu tư biết rõ dự án nào được giải quyết, dự án nào phải chờ cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết, hoặc dự án nào không giải quyết được theo yêu cầu của chủ đầu tư do không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành", Chủ tịch HoREA kiến nghị.

Cuối cùng, HoREA cũng đề nghị Chính phủ sớm xem xét Đề án Luật Chứng khoán (sửa đổi) để phát triển thị trường vốn, trước hết là thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và phát triển các quỹ đầu tư, trong đó có các Quỹ đầu tư bất động sản, Quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REITS) theo chuẩn mực quốc tế. 

Thực tế hiện nay, trong nước mới chỉ có Quỹ TechReit của Techcombank với quy mô nhỏ, còn lại hầu như chỉ có các Quỹ đầu tư bất động sản, Quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REITS) của nước ngoài hoạt động.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem