Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo
Theo Sở Lao động Thương binh và xã hội (LĐTBXH) thành phố Hồ Chí Minh, đầu năm 2019, thành phố đã nâng chuẩn nghèo lên mức dưới 28 triệu đồng/hộ/năm; hộ cận nghèo dưới 36 triệu đồng/hộ/năm. Ðến nay, theo chuẩn của thành phố thì còn 3.767 hộ nghèo và 22.882 hộ cận nghèo.
Sau 26 năm thực hiện Chương trình xóa đói, giảm nghèo (từ năm 1992, nay là Chương trình giảm nghèo bền vững), thành phố Hồ Chí Minh đã 8 lần điều chỉnh mức chuẩn nghèo và hiện chuẩn hộ nghèo của thành phố cao gấp 3 lần so với chuẩn quốc gia. Toàn thành phố hiện đã có 173 phường thuộc 16 quận hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài ra, 15 phường thuộc quận 5 và 23 phường thuộc năm quận khác đã hoàn thành mục tiêu không còn hộ cận nghèo theo chuẩn cận nghèo quốc gia.
Nông dân huyện Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh) tìm hiểu, học tập mô hình nuôi hải sản bằng lồng bè tại Khánh Hòa. Ảnh: T.Đ
Giám đốc Sở LĐTBXH TP. Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn cho biết, Chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố đã được thực hiện qua quá trình lâu dài, kiên trì để nâng cao chất lượng đời sống của các hộ nghèo. Muốn các hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững, các hộ này phải có việc làm, tay nghề ổn định, tự nuôi sống bản thân. Nhiều quận, huyện đã xây dựng đề án đào tạo nghề kết hợp với những ưu đãi, chế độ hỗ trợ để giúp người dân không ngừng vươn lên.
Trong hai năm 2019 - 2020, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản, hỗ trợ vốn vay nhằm cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống. Phấn đấu đến cuối năm 2020 hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn của thành phố...
|
Có được thành quả này là nhờ các địa phương trong thành phố đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế gắn với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động, các chính sách an sinh - xã hội...
Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng, trước khi thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới (năm 2010), tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện chiếm tới 27,2%. Nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm chỉ còn 5,23%.
Cụ thể, năm 2010 thu nhập bình quân đầu người trong hộ nghèo ở Cần Giờ là 7,14 triệu đồng/năm, mới có 20,2% tỷ lệ lao động qua đào tạo…
“Nhận thấy những khó khăn này, huyện Cần Giờ đã xác định tập trung cho công tác giảm nghèo với 2 giai đoạn: Giảm nghèo tăng hộ khá và giảm nghèo bền vững gắn với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tập trung nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả...” - đại diện Phòng LĐTBXH huyện Cần Giờ cho biết.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế này, đầu năm 2018, toàn huyện còn 2.818 hộ nghèo (chiếm 15,4%) và 3.830 hộ cận nghèo (chiếm 21%). Trong đó, xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất là Long Hòa (4,87%), xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là Bình Khánh (25,7%). Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện là 5,23% (974/18.621 hộ); tỷ lệ giảm nghèo bình quân toàn huyện là 11,7%.
Tương tự, tại huyện Bình Chánh, giai đoạn 2010 - 2015, trên địa bàn huyện có 11.938 hộ nghèo có mức thu nhập từ 12 triệu đồng/người/năm trở xuống, chiếm tỷ lệ 10,5% so với tổng số hộ dân toàn huyện (112.759 hộ).
Sau khi thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, đến cuối năm 2015, huyện Bình Chánh giảm còn 1.290 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,9%. Giai đoạn 2016 - 2020, hộ nghèo có mức thu nhập từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống. Tại thời điểm 8/2016, trên địa bàn huyện có 8.122 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,2% so với tổng số hộ dân.
“Sau khi thực hiện kiểm tra hiệu quả giảm nghèo, tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện còn lại cuối năm 2018 là 486 hộ, chiếm tỷ lệ 0,3% so với tổng số 155.643 hộ dân toàn huyện” - Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Phụng cho biết.
10 năm lo cho dân thoát nghèo
Theo ông Thái Quốc Dân – Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2009 - 2019, chương trình giảm nghèo của thành phố trải qua 4 giai đoạn (2009 - 2013; 2014 - 2015; 2016 - 2018 và 2019 - 2020) với 4 lần điều chỉnh nâng mức thu nhập, đồng thời thay đổi điều kiện để đánh giá về tiêu chí hộ nghèo trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn thành phố.
“Thành phố, huyện và xã đã tập trung mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế gắn với chính sách an sinh - xã hội, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhằm giúp cho hộ nghèo có điều kiện sản xuất, kinh doanh có nguồn thu nhập ổn định; tổ chức triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020” - ông Dân chia sẻ.
Ông Dân cho biết thêm, đầu năm 2019, thành phố tập trung khảo sát, rà soát lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2019 - 2020. Qua đó, tổng số hộ nghèo tại 56 xã đang xây dựng NTM là 12.147 hộ, chiếm tỷ lệ 2,84%/tổng hộ dân 56 xã. Tuy nhiên, cơ sở để đánh giá hoàn thành đạt tiêu chí 11 - Hộ nghèo vẫn tiếp tục thực hiện theo mức chuẩn 21 triệu đồng/người/năm. Tổng số hộ nghèo có thu nhập bình quân từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống tại 56 xã xây dựng NTM còn hơn 2.000 hộ.
"Cần loại bỏ dần tư tưởng an phận, trông chờ, ỷ lại, cố gắng tự vươn lên trong cuộc sống, xem trọng nâng cao trình độ học vấn, trình độ nghề và chủ động tìm kiếm công việc. Biết vận dụng, nắm bắt các cơ hội từ chính sách, giải pháp hỗ trợ... Đây là yếu tố quyết định trong việc giảm nghèo bền vững tại địa phương”, ông Thái Quốc Dân nhấn mạnh.
“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.