Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
CLIP: Mô hình nuôi cá lồng của anh Lò Văn Bó, bản Bung Én, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La).
Nằm ở bản di vén lòng hồ thủy điện Sơn La từ năm 2006, nên sau khi đến nơi ở mới, cuộc sống của gia đình anh Bó trở nên khó khăn hơn khi hầu hết diện tích đất sản xuất nông nghiệp trước đây bị thu hẹp do nước ngập. Cuộc sống gia đình anh chỉ trông chờ hơn 5.000 m² đất còn lại để trồng ngô, sắn nhưng thu nhập bấp bênh.
Dẫn chúng tôi đến thăm những lồng cá được làm bằng khung thép chắc chắn, anh Bó, kể: Năm 2012, tôi tốt nghiệp chuyên ngành Y sĩ Đa khoa Trường Cao đẳng Y tế Sơn La, sau 3 năm cầm hồ sơ xoay sở đi xin việc khắp nơi nhưng khó khăn trăm bề.
Nhờ nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La chàng thanh niên trẻ Lò Văn Bó, bản Bung Én, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) đã vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng. Ảnh: Mùa Xuân.
Năm 2015, chàng thanh niên trẻ Lò Văn Bó về quê quyết tâm tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Một trong những hướng đi được anh lựa chọn chính là khai thác tiềm năng, lợi thế mặt nước vùng lòng hồ để nuôi cá lồng.
Anh Bó chủ yếu nuôi cá trắm, cá lăng thương phẩm sau một năm nuôi cá đạt trọng lượng từ 2 -5 kg cho xuất bán ra thị trường. Ảnh: Mùa Xuân.
Khi mới bắt tay vào nuôi cá lồng từ đôi bàn tay trắng do thiếu kinh nghiệm, ít vốn nên anh chỉ nuôi với quy mô nhỏ lẻ 4 - 5 lồng cá. Nuôi dần nhận thấy hiệu quả kinh tế cao cùng với việc tích lũy thêm được nhiều kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ bệnh cho cá.
Năm 2017, anh Bó đầu tư khoảng 150 triệu đồng để mở rộng thêm quy mô lên 20 lồng. Anh Bó chủ yếu nuôi các loại cá lăng, cá trắm và cá chép, rô phi gối vụ...
Anh Lò Văn Bó, bản Bung Én, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) kiểm tra sự phát triển của cá lồng. Ảnh: Mùa Xuân.
Chỉ tính riêng năm 2021, anh Bó đã thu hơn 6 tấn cá trắm, lăng, bán với giá từ 90 -110 nghìn đồng/kg, thu về hơn 500 triệu đồng.
Theo anh Bó để nuôi đàn cá phát triển nhanh, ít bệnh quan trọng nhất là khâu chọn cá giống, phải chọn những con đẹp, tốt và con dài nhìn con cá giống phải luôn khỏe mạnh.
Khi lấy cá giống về phải ương từ 20 - 30 ngày lớn bằng đầu ngón tay cái thì cho ăn đầy đủ các loại thức ăn.
Để có nguồn thức ăn cho cá anh Bó đã tận dụng diện tích đất ít ỏi của gia đình để trồng cỏ voi, chuối. Ảnh: Mùa Xuân.
Đối với cá lăng khi nuôi phải có đủ thức ăn, nhất là cá tép dầu, cá mương cho ăn nhiều thì cá lăng càng lớn nhanh hơn. Còn cá trắng phụ thuộc vào thức ăn tự nhiên sẵn có của gia đình, như cỏ voi, lá chuối, sắn.
Do vậy mà thịt cá rất chắc nên được nhiều thương lái trong và ngoài huyện liên hệ thu mua, nhiều khách hàng đánh giá cá thơm, ngon và ăn một lần nhớ mãi và họ lại đặt hàng cho những lứa tiếp theo.
Ngoài việc tận dụng thức ăn tự nhiên sẵn có của gia đình, anh Bó còn làm vó bè để đánh bắt cá tạp làm nguồn thức ăn cho cá. Ảnh: Mùa Xuân.
Ngoài ra, để hạn chế dịch bệnh cho cá, phải cho ăn tỏi tươi băm ủ hoặc trộm với cám gạo hoặc cám thức ăn chăn nuôi dành cho cá mỗi tuần 2 lần.
Bên cạnh đó, cho túi vôi trắng treo ở góc lồng cá để khử khuẩn, bệnh trùng mỏ neo cho cá; thường xuyên khử trùng, vệ sinh lồng cá sạch sẽ.
Với kỹ thuật nuôi cá lớn nhanh, thịt ngon, anh Bó nuôi đến đâu luôn bán hết đến đó. Ảnh: Mùa Xuân.
Anh Bó, chia sẻ thêm: Để có được kinh nghiệm nuôi cá như vậy tôi đã không ngừng học hỏi từ các chuyên gia ở trên kênh VTC16, ở đó tôi được nghe các chuyên gia nói về mô hình nuôi cá trang trại quy mô lớn. Nhờ đó, trung bình một năm tôi nuôi cá trắm đạt trọng lượng từ 2 – 3 kg; cá lăng đạt khoảng 5 kg.
Năm 2019, gia đình anh Bó mua 5.000 con ếch giống Thái Lan ở tỉnh Bắc Giang về nuôi thử nghiệm, anh cũng là hộ đầu tiên của huyện Quỳnh Nhai nuôi ếch trên vùng lòng hồ.
Mọi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi anh Bó đều học hỏi ở trên mạng internet, sách, báo, tivi… Đồng thời, anh đi thăm quan các trại nuôi ếch ở các địa phương khác để học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi.
Từ 4-5 lồng cá ban đầu đến nay gia đình anh Lò Văn Bó, bản Bung Én đã có 20 lồng cá. Ảnh: Mùa Xuân.
Năm đầu tiên anh nuôi khá vất vả vì con ếch sức đề kháng rất kém nên anh phải vừa nuôi, vừa học hỏi dần dần từ đó đã giúp anh Bó gặt hái được thành quả. Năm 2021, anh bán được hơn 1 tấn ếch thịt thương phẩm ra thị trường, với giá 100 nghìn đồng/kg, thu về hơn 100 triệu đồng.
Ngoài nuôi cá lồng, anh Bó còn làm lồng lưới màu xanh để nuôi ếch thương phẩm trên mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La. Ảnh: Mùa Xuân.
Theo anh Bó, đối với việc nuôi cá lồng, ếch giỏi về kỹ năng, phương pháp nuôi thôi chưa đủ, phải biết quảng bá sản phẩm của mình đến với bạn bè, khách hàng qua các trang mạng xã hội zalo, Facebook… nhất là các nhóm, hội trên mạng xã hội.
Nuôi ếch thương phẩm trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La mang lại hiệu quả kinh tế cao cũng đang là một trong những hướng đi mới được anh Bó lựa chọn. Ảnh: Văn Bó.
"Có như vậy mới thu hút được sự tương tác từ khách hàng, họ mua sản phẩm của mình đồng thời cũng là người đánh giá được chất lượng sản phẩm mình làm ra để tạo được thương hiệu riêng" anh Bó nói.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Bó còn là Bí thư chi đoàn nhiệt tình, trách nhiệm, đi đầu trong các hoạt động của Chi đoàn, của bản. Tích cực tuyên truyền, vận động các đoàn viên tham gia phong trào tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, xây dựng nông thôn mới, hành động vì môi trường.
Chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, hướng dẫn các đoàn viên phát triển kinh tế từ nuôi cá lồng... Anh Bó xứng đáng là tấm gương sáng cho đoàn viên thanh niên trong bản, xã học tập và noi theo.