|
Tổ chức lễ kết nghĩa trong nhà dài Ê đê ở Làng văn hoá du lịch các dân tộc Việt Nam sáng 19-9. |
Những cánh cửa văn hoá
Hôm qua 19-9, nhiều hoạt động đã diễn ra tại Làng văn hoá du lịch các dân tộc VN tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, mừng lễ khai trương làng sau nhiều năm thi công. Hai điểm nhấn trong chuỗi hoạt động là lễ mở cổng làng buổi sáng tại cổng A và lễ khai trương lúc 19 giờ 30 tại sân khấu nổi khu vực các làng dân tộc II. Buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên VTV1.
Cùng với đó, tại các khu vực khác nhau của làng, diễn ra lễ vinh danh các vị tiên liệt và tổ nghề Thăng Long, gặp gỡ, giao lưu với các đại sứ, trưởng đoàn ngoại giao, chiếu phim về 54 dân tộc anh em, hội chợ ẩm thực, làng nghề truyền thống, giao lưu văn nghệ, thể thao, thư pháp, thả diều…
Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một khu văn hóa quốc gia, nơi lưu giữ bảo tồn và giới thiệu những di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam. Làng được xây dựng với tổng diện tích 1.544ha (trong đó có 605ha mặt đất và 939ha mặt nước), bao gồm các khu chức năng: Khu làng các dân tộc; Khu trung tâm văn hóa và khu vui chơi giải trí; Khu dịch vụ du lịch và tổng hợp; Khu di sản văn hóa thế giới; Khu công viên bến thuyền…
Tại ngôi nhà người dân tộc Bana (Róh) trong khu nhà các dân tộc Tây Nguyên, bà Nguyễn Thị Lành (Trung tâm văn hoá, điện ảnh, du lịch – Sở VH-TT&DL Gia Lai) cho biết: Đoàn đã bày biện đồ đạc, tạo không khí sinh hoạt theo lối truyền thống của đồng bào Tây Nguyên, trong đó có cả việc nướng gà để cúng và tổ chức lễ đâm trâu trước nhà rông.
Tại ngôi nhà dài của dân tộc Ê đê còn diễn ra lễ mừng nhà mới, lễ kết nghĩa giữa người Ê đê và người Mơ Nông. Anh Y Hải (buôn Kọ Siar, TP.Buôn Ma Thuột) nói: Chúng tôi tổ chức thật luôn chứ không phải là trình diễn đâu...
Rất cần không gian xanh
Tuy nhiên, do làng vẫn chưa hoàn chỉnh nên việc tham quan của nhân dân có đôi phần bị ảnh hưởng. Bà Nguyễn Thị Hải, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây đưa các cháu nhỏ đến thăm làng. Bà nói, tôi chưa bao giờ được xem tận mắt những ngôi nhà như thế này, trẻ con và người lớn đều thích. Tuy nhiên, chúng tôi phải đi bộ từ cổng vào mấy km cũng mệt!
Trong cái nắng gay gắt và oi bức vùng trung du, nhiều nhóm người phải tụm lại trú dưới những bóng cây hiếm hoi. Khu vực hội chợ ẩm thực, làng nghề truyền thống… nằm gần cổng vào làng được quy hoạch một khu riêng nhưng trình bày còn chưa được thẩm mỹ với những lán bạt lúp xúp. Và ở đây cũng như nhiều điểm khác, bụi bặm nhiều lúc mù mịt. Tình hình này khiến cho không khí hưởng ứng ngày khai trương chưa thật sự đông vui, nhộn nhịp.
Làng văn hoá du lịch các dân tộc VN trong tương lai được kỳ vọng trở thành nơi hội tụ, giới thiệu bản sắc các dân tộc anh em, giao lưu văn hoá, nghệ thuật và kết nối, thúc đẩy du lịch. Hy vọng cùng với điểm nhấn là những ngôi nhà, khu làng, sân khấu và đời sống sinh hoạt với chủ thể là chính bà con các dân tộc, thì những “tấm thảm xanh” của làng cũng phải được đặt lên hàng đầu.
Hoàng Thi
Vui lòng nhập nội dung bình luận.