Trăm năm làng chiếu Định Yên

Thứ ba, ngày 11/02/2014 15:43 PM (GMT+7)
Nghề dệt chiếu Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Trải qua hơn một thế kỷ đầy sóng, thăng trầm, vẫn còn đó niềm tự hào về “vựa chiếu”.
Bình luận 0
“Định Yên có vựa chiếu to - Lấy chồng xứ Định khỏi lo chiếu nằm” .

Hai câu thơ mộc mạc ấy đã thấm nhuần trong lòng biết bao thế hệ của người làng chiếu Định Yên. Làng thuộc xã Định Yên, huyện Lấp Vò nằm mép bên bờ sông Hậu hiền hòa, thơ mộng.

Những ngày giáp Tết, đường vào làng chiếu Định Yên lan tỏa mùi lác (nguyên liệu dệt chiếu) mới thơm nồng, tiếng máy dệt chiếu chạy cọc cạch dập lác liên hồi, hai bên đường những bó lác to đùng, tươi rói được nhuộm nhiều màu sắc sặc sỡ… làm hoa mắt, ngỡ ngàng cho biết bao du khách thập phương lần đầu tiên đặt chân đến làng chiếu cổ của vùng đất Nam Bộ xa xưa này.

  Các bó lác tươi rói, màu sắc sặc sỡ sau khi được nhuộm màu phải qua quá trình phơi nắng một cách tỉ mỉ, cẩn thận.
Các bó lác tươi rói, màu sắc sặc sỡ sau khi được nhuộm màu phải qua quá trình phơi nắng một cách tỉ mỉ, cẩn thận.

“Để làm ra được một chiếc chiếu đẹp, ưng ý, khâu tuyển lựa các sợi lác nguyên liệu là cực kỳ quan trọng, lựa làm sao cho các cọng lác phải đều nhau không được nhuyễn quá cũng không được to quá. Sau đó, vuốt các sợi lác cho sạch sẽ, rồi đem đi phơi nắng từ độ 30 phút đến 1 tiếng để nhuộm cho lác ăn màu, đẹp, bóng” – chị Hoa Thị Út say sưa nói về nghề.

Bà Nguyễn Thị Sậu, ấp An Khương đã có thâm niên 43 năm gắn bó với nghề, chia sẻ kinh nghiệm: “Khâu pha và nhuộm màu luôn luôn đòi hỏi những người phải có kỹ thuật, thâm niên lâu năm, độ đậm nhợt của sợi lác quyết định đến việc phối màu của một chiếc chiếu”.

Sau khi nhuộm, các bó lác được máng lên giàn cho cọng lác thẳng đẹp, rồi đem ra phơi nắng, trở đều 2 bề và 2 đầu sợi lác. Trước khi dệt, phải nhúng nước trước 1 tiếng, nhúng vừa đủ độ để sợi lác không nở to.

Nằm mép bên chợ chiếu Định Yên, những ngày giáp Tết, con sông Định Yên rôm rả hơn hẳn bao giờ hết khi mà ghe xuồng của các thương buônlác từ Vĩnh Long, Trà Vinh, Long An nối đuôi nhau tấp nập cặp bến chợ lác để giao thương, bán hàng.

Qua nhiều giai đoạn thăng trầm, đặc biệt là sau khi thị trường Liên Xô và Đông Âu không còn tiêu thụ mặt hàng chiếu, nghề dệt chiếu lâm vào tình trạng khó khăn, nghề dệt chiếu thu hẹp, các tổ hợp sản xuất chiếu giải thể chỉ sản xuất nhỏ lẻ trong quy mô hộ gia đình.

Năm 2003, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp có chủ trương khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống. Sau khi khảo sát, đánh giá UBND tỉnh Đồng Tháp đã công nhận 4/4 ấp thuộc xã Định Yên là làng nghề dệt chiếu. Ông Mai Thành Lập - Chủ tịch UBND xã Định Yên cho biết: “Hiện thị trường tiêu thụ chiếu chủ yếu ở các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ và một số ít tiêu thụ ở Campuchia, Thái Lan, Đài Loan…”.

Ông Phan Văn Bé Tư – Chủ nhiệm HTX Chiếu Thanh Bình quy mô nhất Định Yên cho biết thêm: “Năm 2006, theo nhu cầu của thị trường nên đa phần các hộ làm chiếu đều chuyển qua sử dụng dệt bằng máy. Ưu điểm của dệt bằng máy là năng suất cao, chất lượng mẫu mã đa dạng, chắc, đẹp hơn so với cách dệt truyền thống bằng tay. Bình quân, hàng tháng hợp tác xã sản xuất và thu gom từ 7.000 – 10.000 chiếc chiếu bỏ mối khắp các tỉnh miền Tây”.
Đức Khánh (Đức Khánh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem