Trần Bình Trọng 1 đao chém chết đại tướng Nguyên Mông nào?

L.G Thứ bảy, ngày 20/05/2023 23:58 PM (GMT+7)
Vừa ra khỏi đường hẻm thì Nghê Nhuận gặp ngay Trần Bình Trọng cưỡi ngựa, cầm ngang đao, đứng chắn đường. Nhuận rụng rời hết cả chân tay, bị Trần Bình Trọng cho một nhát, lăn quay xuống ngựa...
Bình luận 0

Mùa Đông năm 1284, Thoát Hoan kéo đại quân của nhà Nguyên sang xâm phạm biên ải An Nam và lại một lần nữa y sai người đưa thư sang cho triều đình nhà Trần nói cho mượn đường đi đánh Chiêm Thành. Ngay sau khi tiếp nhận thư, vua Trần Nhân Tông đã thẳng thừng trả lời rằng:

- Từ bản quốc sang Chiêm Thành, thủy lục không có đường nào tiện. 

Trần Bình Trọng 1 đao chém chết đại tướng Nguyên Mông nào? - Ảnh 1.

Trần Bình Trọng. Ảnh minh hoạ.

Biết không thể gạt được vua Trần cũng như triều đình nhà Trần khi đó, Thoát Hoan liền thúc quân ùa sang mạn Lạng Sơn. Rồi sai A Lý đến kinh thành Thăng Long đưa thư cho nhà Trần với lời dụ rằng:

- Bản súy chỉ nhờ đường Nam quốc sang đánh Chiêm Thành. Nếu mở cửa ải cho quân bản súy đi qua và giúp cho ít nhiều lương thực, phá xong nước Chiêm sẽ có hậu tạ. Nhược bằng không thì bản súy sẽ phá tan bờ cõi.

Nhận thư, đọc xong Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã lớn tiếng quát mắng, đuổi A Lý về, rồi phân binh giữ các ải Khả Li và Lộc Châu, còn mình tiến quân lên giữ núi Kỳ Cấp ở Lạng Sơn. Biết quân An Nam đã rút, Thoát Hoan liền tức khắc sai A Lý Hải Nha dẫn hai vạn quân đuổi theo. Hải Nha lại gọi viên phó tướng của mình là Nghê Nhuận đến dặn rằng:

- Quốc Tuấn lui binh thể nào cũng để lại hậu quân. Ngươi mang năm ngàn lính kỵ đi trước. Gặp địch thì giao chiến. Nếu yếu thế thì chạy, nhử cho chúng đuối, nhược bằng thắng thì chỉ cần đánh cầm chừng kìm chân chúng lại. Ta sẽ dẫn đại quân đến tiêu diệt, không để một tên nào chạy thoát. Phải đánh cho vua tôi An Nam khiếp đảm, biết thế nào là oai danh của kỵ binh Thiên Triều.

Nghê Nhuận vâng lệnh đi ngay. Đi được khoảng hơn chục dặm đường thì vào một dãy núi rất hiểm trở, cây cối rậm rạp hoang dã, đường lối chật hẹp khó đi, hai bên vách đá chênh vênh. Nhuận có ý lo ngại, liền hỏi quan hướng đạo người nhà Thanh: Đây là nơi nào?

Viên quan giở bản địa đồ ra xem đi xem lại rồi nói: Chỗ này có thể là Quỷ Môn Quan.

- Sao lại gọi là Quỷ Môn Quan? Ngày xưa quân nhà Tấn sang Giao Chỉ chinh phạt, chết hại ở đấy rất nhiều, nên mới đặt tên như vậy.

Nghê Nhuận cả kinh, nói: Đây đúng là Quỷ Môn Quan thật rồi!

Nói xong, y liền quát tháo thúc quân đi mau ra khỏi chốn này. Quân lính không hiểu gì cả, đương nhốn nháo thì bất thình lình một hồi trống nổi lên. Quân An Nam hò reo ầm ỹ. Từ trên núi gỗ đá lăn xuống ầm ầm. Nghê Nhuận giật bắn mình vội vàng ra lệnh rút lui, nhưng lệnh chưa truyền khắp, lối về đã bị lấp mất rồi. Trên núi tên nỏ bắn xuống như mưa. Quân Nguyên không có lối thoát giày xéo cả lên nhau. Nghê Nhuận cũng bị một mũi tên cắm vào bả vai. Không quay về được, y đành dẫn quân chạy bừa xuống phía Nam. Vừa ra khỏi đường hẻm thì gặp ngay Trần Bình Trọng cưỡi ngựa, cầm ngang đao, đứng chắn đường. Nhuận rụng rời hết cả chân tay, bị Trần Bình Trọng cho một nhát, lăn quay xuống ngựa. Năm ngàn quân Nguyên bị giết sạch, không thoát một mống nào.

Diệt xong đám giặc rồi, Trần Bình Trọng thu quân, cứ thong thả theo đường lớn mà đi. Viên phó tướng là Lê Hâm lo ngại nói: Quân ta ít, đi bộ dềnh dàng thế này, nếu kỵ binh của giặc đuổi kịp, chẳng nguy hiểm lắm ru? Sao tướng quân không cho đi đường tắt?

Trần Bình Trọng nói: Tôi với ông cùng làm tướng của triều đình, ăn lộc nước mang ơn vua, lúc thái bình thì mặc áo gấm, đến khi xã tắc lâm nguy, được Quốc công Tiết chế ủy thác cho đi chặn hậu. Thế mà lại tránh giặc thì thử hỏi cánh ta còn dùng vào được việc gì? Nhưng ông đừng lo. Tiền quân của giặc bị giết sạch, tôi nghĩ nếu chúng là người thì cũng phải khiếp sợ, chưa chắc đã dám đuổi theo.

Lê Hâm chịu là phải. Mãi đến khi gặp thám mã báo là Hưng Đạo vương về đến Bái Tân đã có chiến thuyền của Yết Kiêu đón đi Vạn Kiếp rồi, Trần Bình Trọng mới cho quân trèo qua núi đi đường tắt, cùng kéo về Vạn Kiếp.

Lời bàn:

Theo sử cũ, vào tháng 2 năm 1285, Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng đã chỉ huy một trận đánh rất táo bạo vào khu vực Đà Mạc. Trong trận này, chẳng may ông bị bắt. Sau khi bị bắt, ông không chịu ăn uống gì. Giặc hỏi việc nước, ông không thèm đáp. Giặc lại hỏi: Có muốn làm vương đất Bắc không? Ông thét to: Ta thà làm ma nước Nam chớ không thèm làm vương đất Bắc! Thế rồi giặc giết ông. Đây là một trong những câu nói tiêu biểu nhất của khí phách hiên ngang và ý chí quật cường của cả dân tộc ta. Tên tuổi của Trần Bình Trọng trở nên bất diệt, trước hết và chủ yếu là cũng từ câu nói đầy khẩu khí anh hùng này.

Về việc này, các sử gia đương thời cũng như sau này đánh giá rất cao về lòng yêu nước và tinh thần chống ngoại xâm của ông. Tấm gương hy sinh của Trần Bình Trọng đã trở thành một ví dụ điển hình cho các cuộc kháng chiến chống giặc phương Bắc sau này. Sau khi thắng lợi, nhà Trần truy phong Trần Bình Trọng tước Đại Vương (phẩm tước cao nhất trong hàng Vương hầu) - xứng đáng với chiến công và sự hy sinh oanh liệt của ông. Và ngày nay, các lớp thế hệ người Việt Nam luôn phát huy tinh thần và khí tiết của Trần Bình Trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem