Dòng sông Khalkhin-Gol.
Hàng chục ngàn binh sĩ và sĩ quan, hàng trăm máy bay và xe tăng, các trận pháo kích và oanh tạc - 80 năm trước, vào ngày 20/8/1939, đã bắt đầu giai đoạn cuối cùng của cuộc xung đột ngắn nhưng đẫm máu giữa Liên Xô và Nhật Bản trên sông Khalkhin Gol.
Quân đội Kwantung đã bị thất bại thảm hại và buộc phải từ bỏ kế hoạch dịch chuyển các cột mốc biên giới sâu vào lãnh thổ Mông Cổ. Sau đây là bài của Sputnik về chiến dịch này.
Vùng biên giới tranh chấp
Vào đầu những năm 1930, tình hình trên biên giới Mông Cổ - Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng. Năm 1932, trên lãnh thổ Trung Quốc bị người Nhật chiếm đóng đã xuất hiện Mãn Châu quốc - một quốc gia bù nhìn được Nhật dựng lên.Đội quân Nhật Bản gồm hàng ngàn người thường xuyên hiện diện ở đó, hoàng đế Nhật Bản đã kiểm soát hoạt động của chính quyền bù nhìn.
Ngay sau đó, Mãn Châu quốc đã đưa ra các yêu sách lãnh thổ với Mông Cổ, yêu cầu dịch chuyển các cột mốc biên giới sâu vào lãnh thổ Mông Cổ 25 km. Xung đột vũ trang là không thể tránh khỏi, và Ulan Bator đã nhận thức được rõ điều đó. Tuy nhiên, đất nước này không thể một mình chống đối với đội quân chính quy được trang bị đến tận răng.
Đứng trước nguy cơ bị xâm lược, Ulan Bator đã hướng tới Matxcơva. Năm 1936, Liên Xô và Mông Cổ đã ký kết hiệp ước tương trợ lẫn nhau, theo đó các đơn vị Hồng quân đã được triển khai trên lãnh thổ Mông Cổ ở khu vực giáp ranh với Trung Quốc - khoảng 30 nghìn quân nhân, hơn 500 xe tăng và xe bọc thép, khoảng một trăm máy bay chiến đấu.
Nhật Bản đã mấy lần cố gắng dịch chuyển cột mốc biên giới, nhưng mỗi lần quân đội Liên Xô buộc chúng phải rút lui. Và Nhật Bản đã chấm dứt tạm thời các hành động khiêu khích ở khu vực biên giới.
Thống chế Khorlogiin Choibalsan giải thích tình hình ở khu vực sông Khalkhin-Gol cho Ivanov. I. A, Đại sứ Liên Xô tại Mông Cổ. Năm 1944
Tuy nhiên, vào năm 1939, các tướng lĩnh Nhật Bản đã chuẩn bị cuộc tấn công vào Mông Cổ trên đoạn đường biên giới dài 70 km dọc theo sông Khalkhin Gol. Họ đã lựa chọn khu vực này bởi vì Tokyo lên kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt trên bờ tây sông Khalkhin Gol để cung cấp trang thiết bị cho quân đội trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Liên Xô. Và để bảo vệ đoạn đường sắt này, Nhật Bản có ý định dịch chuyển cột mốc biên giới vào sâu lãnh thổ Mông Cổ khoảng 20 km.
Đến ngày 11/5, tại khu vực Khalkhin-Gol, quân Nhật đã tập trung hơn hai nghìn rưỡi quân nhân, vài chục xe bọc thép, các khẩu pháo và súng máy. Họ cũng tích cực sử dụng kỵ binh. Bộ đội biên phòng Mông Cổ không thể đẩy lùi cuộc tấn công, và hai ngày sau, quân Nhật đã thiết lập sự kiểm soát trên hai bờ sông. Chính phủ Liên Xô đã lên tiếng phản đối hành động này và yêu cầu Nhật Bản rút quân ngay lập tức.
Tuy nhiên, Tokyo không đáp trả lại bức công hàm của Liên Xô đã được chuyển cho Đại sứ Nhật Bản tại Matxcơva. Liên Xô buộc phải tham gia vào cuộc xung đột.
Ưu thế trên không
Khi đó Sư đoàn đặc biệt số 57 của Liên Xô đã đồn trú trên lãnh thổ Mông Cổ, cách hiện trường chiến sự 300 km. Sư đoàn số 57 bao gồm lữ đoàn không quân hỗn hợp số 100 - khoảng 80 máy bay chiến đấu, máy bay tấn công và máy bay ném bom. Đại đa số phi cơ chiến đấu đã lỗi thời, được trang bị vũ khí yếu kém và hầu như không được bảo vệ.
Lính tăng chuẩn bị cho cuộc tấn công ở sông Khalkhin Gol. Năm 1939.
Ví dụ, máy bay chiến đấu I-15 thua kém đáng kể so với máy bay Nhật. Tình trạng kỹ thuật của các máy bay cũng kém. Ngoài ra, gần một nửa số quân nhân không tham gia các đợt huấn luyện chiến đấu, nhiều phi công không có kỹ năng chiến đấu trên không, không biết thế nào là chuyến bay theo nhóm. Không có đủ nhân sự có trình độ, và có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật.
Kết quả là vào ngày đầu tiên của trận chiến, quân đội Liên Xô đã mất gần 20 máy bay, trong khi quân Nhật chỉ mất một chiếc. Đã có những tổn thất lớn trên mặt đất. Bộ chỉ huy đã thấy rằng cần phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp để khắc phục tình hình. Matxcơva đã ra lệnh không sử dụng không quân cho đến khi có thông báo mới. Các đơn vị bộ binh của Liên Xô và Mông Cổ bị bỏ lại, không có sự yểm trợ của không quân, kết quả là các phi công Nhật Bản đã chiếm ưu thế trên không.
Vào cuối tháng 5, Liên Xô đã gửi quân tiếp viện đến Mông Cổ - những phi công quân sự giỏi nhất đã đến đó. Nhóm này bao gồm 48 giảng viên giàu kinh nghiệm đã từng tham gia chiến đấu ở Tây Ban Nha và Trung Quốc, trong số đó có nhiều Anh hùng Liên Xô. Họ đã huấn luyện phi công, chỉ huy các trung đoàn và phi đội, và đích thân tham gia các trận không chiến.
Chỉ trong vài tuần, họ đã phát triển các chiến thuật chiến đấu mới, cải thiện hệ thống giám sát và liên lạc và cung cấp thiết bị cho các đường băng mới gần tiền tuyến. Các phi đội đã nhận được những phiên bản nâng cấp của máy bay chiến đấu.
Tháng 7 địa ngục
Georgy Zhukov , Chỉ huy của Quân đoàn đặc biệt thứ 57 của Hồng quân trên lãnh thổ Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ trong trận chiến Khalkhin Gol. Năm 1939
Vào tháng 6 đã nối lại hoạt động chiến đấu trên không. Vào ngày 22/6, trận không chiến lớn nhất đã diễn ra trên bầu trời Khalkhin Gol: hơn 200 máy bay từ cả hai bên. Trong trận không chiến đó quân đội Liên Xô đã mất 17 máy bay chiến đấu, quân Nhật - khoảng 30 chiếc. Tình hình bắt đầu cải thiện.
Ở giai đoạn đầu cũng có vấn đề trong các trận chiến trên mặt đất. Ngay từ những ngày đầu của cuộc xung đột, ban chỉ huy Sư đoàn số 57 đã không kiểm soát được tình hình. Moscow cử nhà quân sự Georgy Zhukov lãnh đạo nhóm quân Xô Viết. Trong thời gian chiến sự tạm lắng vào tháng 6, Zhukov đã tổ chức các hoạt động huyến luyện để chuẩn bị cho các trận chiến sắp tới. Ban chỉ huy đặc biệt quan tâm đến việc các quân nhân phải nắm vững kỹ năng cận chiến. Vì trước đây đại đa số binh sĩ không có kỹ năng như vậy và đây là nguyên nhân chính dẫn đến tổn thất lớn.
Vào ngày 2/7, quân Nhật bắt đầu giai đoạn thứ hai của chiến dịch. Họ dự định tấn công nhóm quân Xô Viết-Mông Cổ từ cánh phải, cắt đứt nguồn cung cấp và tiêu diệt các đơn vị Hồng quân. Nhật Bản gửi thêm hai sư đoàn bộ binh, hai trung đoàn xe tăng và một trung đoàn pháo binh đến Khalkhin Gol. Kết quả là nhóm quân của họ bao gồm khoảng 40 nghìn người, 130 xe tăng và hơn 200 máy bay. Vào buổi sáng, quân đội Kwantung đã phát động một cuộc tấn công lớn, chọc thủng tuyến phòng thủ của đội quân Liên Xô-Mông Cổ và vượt sông.
Khi đứng trước nguy cơ bị bao vây, Georgy Zhukov buộc phải gửi lữ đoàn xe tăng vào trận chiến mà không có sự yểm trợ của bộ binh. Cuộc tấn công của Nhật Bản đã bị ngăn chặn với tổn thất lớn. Họ buộc phải quay trở lại bờ kia sông Khalkhin Gol.
Sự thất bại thảm hại
Vào tháng 7/1939, Nhật Bản đã cố gắng trả thù cho thất bại. Khoảng 70 nghìn binh sĩ và sĩ quan, 500 khẩu súng, gần 200 xe tăng và 700 máy bay đã được kéo tới Khalkhin Gol. Trong nhóm quân Xô viết đã có 57 nghìn binh sĩ, khoảng một nghìn xe tăng và xe bọc thép, 500 khẩu pháo và súng cối, và 500 máy bay.
Tuy nhiên, bộ chỉ huy Liên Xô đã hành động nhanh hơn các tướng lĩnh Nhật Bản. Đến ngày 20 tháng 8, Hồng quân đã phát triển kế hoạch chiến dịch tấn công quyết định cục diện cuộc chiến. Là một phần của chiến dịch, ba nhóm quân lớn đã được tạo ra - Trung, Nam và Bắc. Nhóm quân Trung tâm đã tấn công trên toàn bộ chiến tuyến, hai nhóm quân khác chọc thủng tuyến phòng thủ trên các sườn quân địch. Lần này, chỉ huy của nhóm quân Xô Viết đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho các hoạt động chiến sự, đã thực hiện trinh sát trên mặt đất và trên không, đã cung cấp thông tin sai cho phía Nhật dường như Hồng quân đang chuẩn bị phòng thủ, chứ không phải tấn công.
Cuộc tấn công của Hồng quân là một bất ngờ đối với đối phương. 150 máy bay ném bom với sự yểm trợ của các máy bay tiêm kích đã ném hàng chục tấn bom xuống các vị trí của Nhật Bản. Sau đó cuộc bắn phá ác liệt bằng đại bác kéo dài 3 giờ. Nhóm quân Nhật đã bị bao vây và bị đánh bại hoàn toàn trong 6 ngày. Nhờ chiến thuật chiến đấu được tập luyện kỹ lưỡng, các phi công Liên Xô đã tiêu diệt gần như toàn bộ đội máy bay Nhật Bản, đã ngăn chặn âm mưu ném bom xuống các đơn vị Hồng quân trên đà tiến công và các căn cứ không quân. Các lực lượng mặt đất của Nhật Bản đã bị bao vây và không có cơ hơi trốn thoát từ đó.
Các trận đánh giải phóng lãnh thổ Mông Cổ khỏi quân Nhật đã tiếp tục cho đến cuối tháng 8, những đụng độ trên mặt đất và trên không thỉnh thoảng xảy ra cho đến giữa tháng Chín. Phải nói rằng, quân Nhật đã chiến đấu đến người cuối cùng, đã phát động một số cuộc tấn công trả đũa tuyệt vọng. Vào ngày 15/9/1939, họ đã ký hiệp định ngừng bắn.
Theo dữ liệu của Liên Xô, trong cuộc chiến trên sông Khalkhin-Gol, Nhật Bản mất hơn 60 nghìn người bị chết, bị thương, bị bắt và mất tích. Hồng quân đã mất khoảng 10 nghìn người bị chết và mất tích, 15 nghìn người bị thương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.