Nhằm tiếp tục xây dựng tổ chức Hội NDVN vững mạnh, ngày 19.7.2010, Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN (khóa V) đã thông qua Nghị quyết số 06 về “Tiếp tục xây dựng tổ chức Hội NDVN các cấp vững mạnh”. Sau 5 năm (2010-2015) thực hiện Nghị quyết 06 cho thấy, số hội viên tăng không đáng kể vì số phát triển mới và số giảm hàng năm gần như ngang nhau.
Hội viên “biến mất” sau một đêm
Việc tham gia thực hiện các dịch vụ, hỗ trợ ND về vốn đã giúp các chi hội của Hội ND xã Quang Long, huyện Hạ Lang (Cao Bằng) thu hút thêm nhiều hội viên mới. Ảnh: Phương Đông
Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị quyết 06 chưa đạt được chỉ tiêu về số lượng hội viên mới kết nạp. Điều này đúng, nhưng không nên buồn, thậm chí còn phấn khởi bởi Hội ND các cấp “dũng cảm” đối diện với sự thật. Đó là tình trạng kết nạp hội viên theo kiểu “đánh trống ghi tên”; hội viên “ảo”.
Nghị quyết 06 ra đời và thực hiện được một thời gian chưa lâu thì tại một thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng, “sau một đêm hàng ngàn hội viên biến mất”. Đó là những hội viên “ảo”, chỉ tồn tại trên báo cáo; hội viên bỏ sinh hoạt; hội viên di cư, hoặc đến làm việc ở các tỉnh, thành khác và không ít hội viên đã “khuất núi” bao năm vẫn được tính trong các báo cáo.
Tuy chưa đạt được chỉ tiêu về phát triển hội viên như mong muốn, nhưng việc thực hiện Nghị quyết 06 đã góp phần đáng kể nâng cao chất lượng hội viên. Với nhiều giải pháp, Hội ND các cấp đã rà soát, phân loại và đưa ra được một bức tranh tương đối chân thực hơn về số lượng hội viên. Từ đó, với sự chỉ đạo, định hướng của T.Ư Hội NDVN, nhiều tỉnh, thành hội đã có những giải pháp quản lý, theo dõi sát hơn về sự biến động của hội viên tại địa phương.
Đi vào con số thực chất
Nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết 06 trong những năm tới, tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN (khóa VI) đã chỉ ra 10 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Một trong những nhiệm vụ đó là nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, tổ hội; nhân rộng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp, gắn nội dung sinh hoạt, hoạt động của chi, tổ hội với hoạt động sản xuất, kinh doanh của hội viên; phát triển các câu lạc bộ theo nhu cầu, sở thích. Việc thực hiện nhiệm vụ này chỉ có kết quả tích cực khi các cấp hội đẩy mạnh được các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ cho hội viên, ND về vốn; cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp; tiếp cận khoa học kỹ thuật, thông tin trong sản xuất, kinh doanh; nâng cao tay nghề, kỹ năng lao động…
Có một kinh nghiệm mà trong thực tiễn phát triển và nâng cao chất lượng hội viên đã xuất hiện nhưng chưa có nghiên cứu, tổng kết hay đúc rút. Đó là việc xây dựng đội ngũ hội viên nòng cốt ở chi, tổ hội. Mỗi chi, tổ hội cần có một đội ngũ hội viên nòng cốt. Những hội viên này là những người hiểu về tổ chức hội, năng động, nhiệt tình và có uy tín trong dòng họ, thôn, ấp, bản, làng.
Thực tế cho thấy, các hoạt động, phong trào thi đua của Hội ND khi về đến chi, tổ hội thì chính hội viên nòng cốt là những người tích cực, hăng hái tham gia. Từ đó, cùng với việc gương mẫu đi đầu của cán bộ hội cơ sở, cán bộ chi, tổ hội, những hội viên nòng cốt sẽ lôi cuốn, thu hút các hội viên khác đi theo, làm theo. Hội viên nòng cốt cũng chính là những người nắm thông tin, phản ánh thông tin chính xác, cụ thể nhất về diễn biến hội viên trong chi, tổ hội…
Từ năm 2010 đến nay, các cấp Hội ND trong cả nước đã kết nạp mới hơn 2.353.000 hội viên, đưa tổng số hội viên lên 10.149.831, chiếm 86,73% số hộ làm nông nghiệp.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.