Trẻ nhiễm virus bại liệt có thể tử vong

Diệu Thu Thứ sáu, ngày 31/07/2015 11:21 AM (GMT+7)
Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh bại liệt có thể để lại những di chứng vĩnh viễn, suy hô hấp, khó thở, ngừng tim, dẫn đến tử vong.
Bình luận 0

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng cho biết, bệnh bại liệt do một loại virus hoang dại gây nên. Thời gian ủ bệnh từ 1 đến 2 tuần. Bệnh thường không có triệu chứng rõ rệt.

Giai đoạn đầu, bệnh nhân bị sốt nhẹ, đau nhức cơ bắp, tiêu chảy, nôn, liệt tay, chân và cả cơ thể. Người là ổ chứa duy nhất, đặc biệt là những người nhiễm vi rút bại liệt Polio thể ẩn, nhất là trẻ em.Nguồn truyền bệnh là bệnh nhân ở các thể lâm sàng và người lành mang vi rút bại liệt Polio. Họ đào thải rất nhiều vi rút bại liệt theo phân làm ô nhiễm nguồn nước và thực phẩm.

img

Trẻ nhỏ vắc-xin bại liệt giúp ngăn chặn virus xâm nhập.

Virus bại liệt lây truyền từ người sang người chủ yếu là qua đường phân, miệng. Chẳng hạn, virus bại liệt chủ yếu từ phân ô nhiễm vào nguồn nước, thực phẩm rồi vào người qua đường ruột. Cũng có khi lây truyền qua đường hầu họng. Virus bại liệt không bao giờ lây nhiễm qua côn trùng trung gian.

Theo PGS. Dũng, bệnh bại liệt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. “Ngay cả người lớn nếu chưa có miễn dich cũng có nguy cơ nhiễm virus bại liệt”, PGS. Dũng nói.

Tuy nhiên, PGS Dũng thấy trẻ dưới 15 tuổi thường nhiễm virus bại liệt, trong đó đa phần gặp ở trẻ trong độ tuổi từ 1 đến 3. Hiện nay, không có thuốc điều trị và để lại hậu quả nặng nề như: Liệt hô hấp, tê liệt các cơ.

“Để phòng chống bệnh bại liệt, uống vắc-xin vẫn đang được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia”, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo.

Ông nói tiếp: “Uống vắc-xin là cách duy nhất để ngăn ngừa bệnh. Trẻ sơ sinh nên được uống vắc-xin phòng bại liệt vào các tháng thứ 1, thứ 2 và thứ 3 sau khi sinh”.

Ngoài ra, để phòng bệnh, cần đảm bảo vệ sinh ăn uống, quá trình và dụng cụ chế biến món ăn phải đảm bảo an toàn, sạch sẽ, thực phẩm phải rõ nguồn gốc.

Trước đó, trong năm 2014, WHO đã ghi nhận sự lan truyền quốc tế của virus hoang dại từ 3 trong số 10 nước châu Á và Châu Phi.

Để ngăn chặn sự lây lan quốc tế của virus bại liệt hoang dại cần thiết có sự hợp tác ứng phó quốc tế. Đối với các nước đang có ca bệnh phải ngăn chặn việc lây truyền của chủng vi rút bại liệt hoang dại bằng các biện pháp phòng chống như uống vắc xin bại liệt bổ sung, giám sát định kỳ vi rút và tiêm chủng.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khẳng định, hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm virus bại liệt hoang dại từ các quốc gia.

Theo WHO, sự lây lan quốc tế của bệnh bại liệt cho đến nay là một sự kiện bất thường và là nguy cơ y tế công cộng đối với các quốc gia khác.

Tại Việt Nam, ông Phu cho biết, bệnh bại liệt đã được công nhận loại trừ vào năm 2000. Cho đến nay không ghi nhận trường hợp nhiễm vi rút bại liệt hoang dại từ các quốc gia khác.

Bộ Y tế Việt Nam cũng chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, trung tâm y tế dự phòng và các cơ quan liên quan giám sát chặt chẽ sự xâm nhập của virus hoang dại vào Việt Nam để kịp thời ứng phó. Đồng thời duy trì việc tổ chức cho trẻ em uống vắc xin phòng bệnh bại liệt đạt tỷ lệ cao để bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt tại Việt Nam.

“Nếu bệnh bại liệt không được kiểm soát chặt chẽ, có thể dẫn đến thất bại trong việc thanh toán bệnh bại liệt trên phạm vi toàn cầu”, PGS.TS. Trần Đắc Phu lo ngại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem