Chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật đơn giản, nguyên liệu sẵn có, thu hoạch sớm, lãi suất cao, mô hình trồng nấm đã mang lại cho gia đình anh Lò Văn Chương, bản Na Vai (xã Pom Lót, huyện Điện Biên, Tỉnh Điện Biên) thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Nghề trồng nấm không mới nhưng mang lại hiệu quả, giúp gia đình anh thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Anh Lò Văn Chương là một trong 35 học viên xuất sắc của lớp dậy nghề về kỹ thuật trồng và bảo quản nấm do Trung tâm dậy nghề và Hỗ trợ nông dân Điện Biên tổ chức đào tạo nghề cho các hội viên hội nông dân tại xã Pom Lót.
Anh Lò Văn Chương làm giàn để treo bịch phôi nấm dưới các thanh ngang, mỗi thanh ngang cách nhau 30 cm, mỗi dây treo từ 6 đến 8 bịch phôi, cách nhau từ 25-30 cm cứ 4 hàng thì chừa một lối đi để thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hái.
Nấm sò là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, chi phí đầu tư ít nhưng mang lại giá trị kinh tế cao. Nấm sò trồng sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên được nhiều người tiêu dùng tin mua.
Anh Chương chọn và mua giống nấm sò tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nấm của Viện di truyền Nông nghiệp. Tận dụng được nguồn rơm rạ từ 2 vụ lúa của gia đình, anh tự mình làm bầu nấm và ủ phôi, không phải nhập bầu nấm từ các cơ sở giống. Mỗi bầu nấm sò khoảng 3,5kg, mỗi đợt trồng từ 500 đến 600 bầu.
Nấm Sò mọc tập trung thành cụm, nên khi nấm đủ lớn cần hái sạch cả cụm, không để sót phần gốc, hái nấm đúng độ tuổi sẽ đạt năng suất, chất lượng cao
Kỹ thuật trồng nấm sò đơn giản và không tốn nhiều công chăm sóc. Thời gian thu hoạch nấm sò liên tục trong khoảng 2 tháng, mỗi bịch cho thu hoạch khoảng 8kg nấm sò. Cứ 1 tuần cắt nấm sò 1 lần, mỗi lần cắt 1 bầu từ 0,8 đến 1,2kg nấm. Giá bán nấm sò lúc cao, lúc hạ, dao động từ 35.000 đến 50.000 đồng/kg. Mỗi ngày anh Chương cắt từ 35 đến 40 kg nấm sò xuất bán cho các khách buôn trong huyện và thành phố Điện Biên.
Anh Chương cho biết: “Trong quá trình trồng nấm sò thì có 2 giai đoạn chính là giai đoạn làm phôi và giai đoạn chăm sóc thu hoạch. Trong giai đoạn làm phôi, khi ủ cần chú ý tỷ lệ trong đống ủ và độ ẩm đống ủ. Quá trình hấp thì phải hấp đủ thời gian, nhiệt độ...".
Theo anh Chương, trong quá trình cấy giống nấm sò phải chọn giống sạch an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, cấy trong môi trường thông thoáng không bị nấm bệnh. Quá trình chăm sóc cần lưu ý nhiệt độ độ ẩm trong nhà trồng. Khi thu hoạch nấm sò chỉ cần cắt sát chân cả cụm nấm nở hết 1 lượt...
Nấm sò có thể trồng được quanh năm, nhưng thuận lợi nhất là từ tháng 8 đến tháng 4 dương lịch năm sau, trồng thích hợp với nhiệt độ mùa đông từ 14 đến 20 độ C, độ ẩm 65-70%, độ pH= 7 trung tính, độ ẩm không khí 80-90%.
Chia sẻ thêm về quá trình trồng sò và thu hoạch nấm anh Chương cho biết thêm: “Kỹ thuật trồng nấm sò không khó nhưng phải chịu khó chăm sóc và thường xuyên kiểm tra các bầu nấm để kịp thời xử lý nấm bệnh. Chọn và xử lý giống là khâu quan trọng nhất. Bên cạnh đó, việc đóng bịch nấm quyết định đến thành công của vụ nấm...".
Nước tưới bịch nấm phải đủ và đều, tưới quá nhiều bịch nấm sẽ bị úng hỏng. Tạo cho nhà trồng môi trường đủ độ ẩm để nấm phát triển nhanh, đồng thời khử trùng thường xuyên để nấm không bị nhiễm bệnh...
Bằng sự quyết tâm làm giàu từ nghề trồng nấm sò, thời gian tới anh Chương cho biết sẽ mở rộng thêm quy mô trồng nấm. "Bây giờ tôi xác định rõ, trồng nấm là hướng phát triển kinh tế, cho thu nhập tốt của gia đình...".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.