Trồng 60ha rừng bạch đàn, ai ngờ một ông nông dân Thái Nguyên "nhặt" cả tỷ đồng mỗi năm
Trồng 60ha rừng bạch đàn, ai ngờ một ông nông dân Thái Nguyên "nhặt" cả tỷ đồng mỗi năm
Hà Thanh - Kiều Hải
Thứ tư, ngày 18/09/2024 06:00 AM (GMT+7)
Trong khi nhiều người lần lượt bỏ đất rừng đi nơi khác thì ông Long, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên lại quyết bám trụ ở mảnh đất này với suy nghĩ, rừng mới mang lại nguồn kinh tế bền vững và lâu dài nhất. Với 60ha rừng bạch đàn hiện tại, cứ mỗi năm, ông Long có trong tay cả tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Long (xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ về hiệu quả kinh tế từ trồng bạch đàn mô. Clip: Hà Thanh
Nhiều lần thay đổi công việc nhưng kinh tế vẫn khó khăn
Sinh ra ở mảnh đất Bình Giang (Hải Dương), năm 1967 khi đang học lớp 1, ông Phạm Văn Long đã theo bố mẹ lên vùng đất Văn Hán (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) để khai hoang, lập nghiệp.
Nhớ lại thời điểm đó, ông Long kể bằng giọng hào sảng: "Lúc bấy giờ khi lên đây chúng tôi phải đi học xa nhà, khi đó rừng núi vẫn còn hoang vu lắm, đi ra đường nhiều khi còn gặp cả thú dữ nhưng chúng tôi không biết sợ mà còn hô hào nhau.
Năm tôi 14 tuổi, khi đó tôi đang học lớp 6, do hoàn cảnh gia đình thiếu thốn nên bố tôi bắt tôi nghỉ học về nhà cùng đi xẻ gỗ thuê với ông. Đến năm 16 tuổi, tôi đã trở thành thợ xẻ gỗ thành thục", ông Long kể lại.
Rồi ông Long lập gia đình nhưng kinh tế cũng chẳng khấm khá hơn. Vỡ được 5 sào ruộng mà cấy lúa vẫn không đủ ăn. "Con cái hai đứa nhỏ nheo nhóc, tôi chuyển hướng đi làm vàng với mong muốn đổi đời, nhưng cũng chỉ đủ ăn", ông Long trần tình.
Sau đó, ông Long lại quay trở về nhà, vỡ ruộng, khai hoang để cấy lúa và chăn nuôi. Nhưng vốn không có, ông đã phải vay vợ 2 chỉ vàng là của hồi môn khi cưới được bố mẹ cho để bán dần mua lợn rồi mua trâu về nuôi. May mắn thay, trâu đẻ liền 12 con liên tục, sau đó ông bán nghé và thu về mấy cây vàng.
Khi đã có đồng vốn trong tay, ông tiếp tục chuyển sang trồng vải thiều với số lượng lớn nhưng lại một lần nữa không thành công, rồi ông quyết định phá đi để trồng bưởi.
Đến nay, trong vườn của ông Long có khoảng 150 cây bưởi da xanh đã cho thu hoạch vài vụ. Bên cạnh đó, ông còn trồng khoảng 60 cây hồng xiêm xoài và hơn 1ha cây trám đen ghép (khoảng 250 cây).
Theo ông Long, trám là loại cây trồng mang lại thu nhập kinh tế rất cao, chỉ cần bán tại vườn, với mỗi kg trám đã có giá 80.000đ/kg.
Trong quá trình trồng cây ăn quả ông Long cũng gặp phải không ít khó khăn. Có nhiều người nói ra nói vào vì trước nay với cây bưởi nhiều người trong vùng đã phải phá bỏ đi chỉ sau vài năm trồng do nhện đỏ xâm nhập không thể xử lý được gây ảnh hưởng đến chất lượng quả.
Tuy nhiên, ông Long vẫn kiên trì với quyết định của mình, bởi ông đã tìm ra được cách phòng chống nhện đỏ. Từ ngày cây bưởi được phun thuốc đã không còn sâu bệnh và phát triển rất tốt, cho thu hoạch quả đều. Đến nay, sau 7 năm trồng bưởi, mỗi năm loại cây trồng này mang lại cho gia đình ông thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng.
Với khoảng 60 cây hồng xiêm, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 2 tấn quả, mang về thu nhập khoảng 40 – 50 triệu đồng. Còn với cây trám đen, từ năm thứ 3 trở đi đã cho thu nhập 2 triệu đồng/cây. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây trám mang lại, ông Long tiếp tục mở rộng diện tích trồng lên 1ha. Theo ông Long, ưu điểm của cây trám là có thể trồng xen canh và ưa bóng râm. Do đó, ông Long đã trồng xen dưới những tán bạch đàn, sau khi thu hoạch bạch thì cũng là lúc cho thu hoạch trám.
Kiên trì bám trụ với rừng và thành quả ngọt ngào
Cùng với trồng các loại cây ăn quả, trước đây ông Long còn trồng thêm cây keo. Tuy nhiên, sau này do keo hay bị nấm chết nên ông Long đã đi sang Bắc Giang để tìm hiểu và quyết định chuyển sang trồng bạch đàn với diện tích 60ha. Ông Long cho biết, cây bạch đàn cứ sau khoảng 3,5 - 5 năm sẽ cho thu hoạch. Với diện tích bạch đàn như hiện tại của gia đình ông nếu thu hoạch hết sẽ cho khoảng 11 – 12 tỷ đồng, cao gấp khoảng 3 lần so với trồng keo.
Nhiều người mách ông trồng bạch đàn không nên bón phân vì cây sẽ bị đổ, nhưng qua quá trình theo dõi ông Long nhận thấy với cây bạch đàn cần phải chịu khó bón phân thì cây mới sinh trưởng nhanh và có sức chống chịu tốt. Bởi vậy mỗi năm, gia đình ông Long chi phí khoảng 200 triệu đồng tiền phân bón cho loại cây này.
Có một điểm cần lưu ý, với cây bạch đàn mô hay bị một số bệnh như nhện đỏ, rầy xanh hút gây nấm và gỉ sắt dẫn đến cháy lá. Vì thế khi phát hiện thấy nhện nhỏ cần tiến hành phun thuốc ngay chỉ một lần là sẽ cứu được cây. Do đó ông Long đã đầu tư máy bay không người lái để phun thuốc cho loại cây này. Đặc biệt, cây bạch đàn không thích hợp với mùa hè nên khi hè đến cây hay bị rụng lá và sẽ xanh lại vào mùa đông.
Để có thể trồng và chăm sóc 60ha cây bạch đàn, gia đình ông Long phải sử dụng gần 10 lao động thường xuyên phát cỏ, vun xới và bón phân, với chi phí nhân công khoảng 8 triệu đồng/người/tháng. Đối với bạch đàn mô chỉ trồng một lần, những lần sau khi thu hoạch mầm cây sẽ tiếp tục lên, lại tiếp tục bón phân và chờ thu hoạch.
Đến nay toàn bộ diện tích 60ha bạch đàn của gia đình ông đã đạt 3,5 tuổi và bắt đầu cho thu hoạch. Do bạch đàn được trồng gối nhau nên tiền thu từ khai thác bạch đàn ông sử dụng để trả tiền nhân công và các chi phí khác mà không phải sử dụng đến nguồn vốn vay. Theo tính toán của ông Long, trung bình mỗi năm sau khi trừ hết chi phí, ông có trong tay khoảng hơn 2 tỷ đồng từ trồng rừng. Với lợi nhuận thu được từ trồng rừng, ông Long đã mua nhiều đất đai, xe cộ và xây nhà rộng khang trang.
Để có được thành quả như ngày hôm nay, ông Long đã phải trải qua không ít khó khăn thất bại, không ít lần chuyển đổi qua nhiều công việc rồi mô hình kinh tế khác nhau. Nhưng bằng nghị lực và sự kiên trì, ông vẫn chưa khi nào nản chí và hết nuôi hi vọng làm giàu trên chính mảnh đất đã nuôi lớn mình.
Nhờ phát triển kinh tế giỏi, ông Long đã nhận được Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên vì có thành tích xuất sắc trong phong trào "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" giai đoạn 2017 - 2019.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.