Trồng cây ăn trái, nông dân dễ thoát nghèo

Chúc Ly Thứ tư, ngày 26/04/2017 10:03 AM (GMT+7)
Dùng vốn vay ưu đãi trồng, chăm sóc cây ăn trái và thoát nghèo-Đó là cách làm hiệu quả của nhiều hộ nông dân tỉnh Hậu Giang.
Bình luận 0

Các chương trình tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Hậu Giang thực sự đã trở thành “điểm tựa” vững chắc cho người dân nghèo và đối tượng thụ hưởng vươn lên trong cuộc sống.

img

Ông Nguyễn Văn Hùng, ấp Đông Lợi, xã Đông Phước, huyện Châu Thành (Hậu Giang) bên vườn mít Thái quả đẹp được đầu tư chăm bón từ vốn vay ưu đãi. Ảnh: Chúc Ly.

Chuyển biến tích cực trong sản xuất

Dẫn chúng tôi đến thăm các hộ được vay vốn, ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch Hội ND xã Đông Phước (Châu Thành), cho hay, nhiều hộ đã có điều kiện thay đổi cuộc sống nhờ đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH. Với lợi thế trồng cây ăn trái, Hội và chính quyền địa phương, Ngân hàng CSXH hỗ trợ cho những hộ có nhu cầu, đủ điều kiện, vay vốn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Ông Nguyễn Văn Hùng, ấp Đông Lợi, xã Đông Phước, chia sẻ: “Nhờ vốn từ Ngân hàng CSXH, tôi đầu tư chuyển 8 công đất trồng cam không hiệu quả sang trồng mít Thái. Đến nay, vườn mít đã bắt đầu cho trái, năng suất và giá bán cũng khá cao nên tôi đã có thu nhập. Tình hình sản xuất của gia đình đã tốt hơn trước rất nhiều…”.

Cùng suy nghĩ, chị Đinh Thị Bích Vân, ngụ cùng ấp Đông Lợi, bộc bạch: “Từ đồng vốn cho vay hộ nghèo của Ngân hàng CSXH, tôi đầu tư chăm sóc gần 3 công đất trồng cam. Mới vừa rồi, gia đình tôi thu về hơn 15 triệu đồng từ tiền bán cam. Sắp tới ước tính có thể thu hoạch khoảng 1,5 tấn cam nữa. Gia đình tôi đã thoát nghèo, hiện là hộ cận nghèo, chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu hơn nữa…”.

Ông Trần Bá Thức – Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Châu Thành thông tin, tính đến ngày 21.3.2017, đạt tổng dư nợ vốn ưu đãi trên địa bàn đạt hơn 222 tỷ đồng, với gần 11.300 hộ vay. Trong đó, nguồn ủy thác thông qua Hội ND đạt dư nợ hơn 82 tỷ đồng, với hơn 4.200 hội viên vay vốn. “Các chương trình tín dụng ưu đãi đã “tiếp sức” cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư phát triển sản xuất, nhất là trồng mới, chăm sóc cây ăn trái. Nhiều hộ đã thoát nghèo…”.

Hơn 40.000 lượt hộ vay vốn

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Vương – Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hậu Giang, cho biết, các chương trình tín dụng có dư nợ giảm nhiều so với các năm trước là chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nguyên nhân là do hộ vay thoát nghèo, hộ cận nghèo chuyển sang vay tín dụng hộ mới thoát nghèo.

img

Chị Đinh Thị Bích Vân, ấp Đông Lợi, xã Đông Phước, huyện Châu Thành (Hậu Giang) thoát nghèo nhờ dùng vốn ưu đãi đầu tư chăm sóc vườn cam. Ảnh: Chúc Ly.

Trong năm 2016, toàn tỉnh Hậu Giang  có gần 40.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi.Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 4.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 1.000 lao động; giúp trên 1.200 HS-SV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 23.000 công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn,…

Ông Nguyễn Thanh Triều – Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hậu Giang chia sẻ: “Thời gian qua, Chi nhánh đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành chỉ đạo quyết liệt việc xử lý nợ, có các giải pháp xử lý thu hồi nợ quá hạn. Đến nay, các đơn vị thuộc Chi nhánh không còn nợ quá hạn trên 1%. Việc thực hiện kịp thời biện pháp xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan đã giúp cho hộ vay vốn giảm bớt những khó khăn về tài chính, tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống…”.

Năm 2016, với nỗ lực không ngừng của toàn Chi nhánh, Ngân hàng CSXH tỉnh Hậu Giang đã được nhận cờ thi đua của ngành. Tính đến cuối tháng 3.2017, doanh số cho vay đạt gần 212 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt gần 161 tỷ đồng; dư nợ đạt hơn 1.953 tỷ đồng, với số hộ vay vốn từ đầu năm hơn 12.000 lượt hộ vay. Trong năm 2017, Chi nhánh phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tín dụng từ 98,5%-100%; đến cuối năm 2017 tổng dư nợ ước đạt khoảng 2.102 tỷ đồng (tăng 200 tỷ đồng so với năm 2016); tỷ lệ nợ quá hạn ở mức dưới 0,5%; nợ khoanh giảm 10% so với số dư đầu năm; giảm 1 đơn vị cấp xã có nợ quá hạn trên 1%...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem