Trồng đại trà - tiềm ẩn nhiều nguy hiểmTS Phùng Giang Hải - Trưởng Bộ môn Thể chế nông thôn (IPSARD) cho biết, nghiên cứu chính sách về phát triển cao su các tỉnh miền núi phía Bắc do Tổ chức DANIDA của Đan Mạch tài trợ được IPSARD thực hiện trong năm 2012 cho thấy, hiện diện tích cao su đã vượt quá diện tích quy hoạch của năm 2020.
Cụ thể, theo quy hoạch diện tích cây cao su được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020 là 800.000ha, nhưng đến hết năm 2012, diện tích trên toàn quốc đã lên tới 910.500ha (vượt 13%). Sản phẩm của cao su chủ yếu phục vụ xuất khẩu, nhưng hàm lượng chế biến hiện vẫn chưa cao, chỉ chiếm gần 20%, còn lại chủ yếu xuất khẩu thô, trong đó thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc.
Trồng cao su ở miền núi phía Bắc tiềm ẩn nhiều rủi ro (ảnh minh họa).
Sau 6 năm phát triển cao su tại các tỉnh phía Bắc, đến nay, đã có 6 tỉnh trồng cao su với tổng diện tích lên tới hơn 23.000ha, trong đó chủ yếu là diện tích cao su đại điền, còn tiểu điền chiếm 258ha. GS - TSKH Nguyễn Ngọc Lung- nguyên Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho rằng, việc chưa thử nghiệm mà đã trồng cao su đại trà ở nhiều tỉnh phía Bắc là quá phiêu lưu và không thể chấp nhận được.
Cùng chung nhận định trên, ông Đinh Quang Tuấn- Phó Trưởng Ban đổi mới và quản lý doanh nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết: “Cách đây hơn 10 năm, Tập đoàn Cao su đã rất “nóng” với việc mở rộng diện tích, thậm chí sang cả Lào, Campuchia, châu Phi để trồng cao su. Ở một số địa phương như Đăk Lăk, doanh nghiệp lên trồng cao su thực chất chỉ để... phá rừng. Do đó, cần phải khảo nghiệm thật kỹ, đưa ra kết luận rõ ràng vùng nào có thể trồng được cao su, diện tích tối đa là bao nhiêu và phải phù hợp với quy hoạch phát triển lâm nghiệp”.
Năm 2015 mới cho thu hoạch 10% diện tích Theo TS Dương Ngọc Thí - Phó Viện trưởng IPSARD, khảo sát tại xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên (Điện Biên) cho thấy, có 240ha của 35 hộ gia đình nhận khoán với 19 công nhân thuộc Công ty CP Cao su Điện Biên. Bắt đầu trồng năm 2008, đến 2010, 2011 đã xảy ra tình trạng nhiều cây chết do gió tây, rét, sương muối. Các cây còn lại đường kính vẫn nhỏ, chưa đủ tiêu chuẩn cho mủ. “Bộ NNPTNT quy hoạch độ cao thích hợp để trồng cao su là dưới 600m so với mực nước biển, nhưng địa phương tự nâng lên 700m, dân thỏa thuận với công ty nâng độ cao lên 800m đã dẫn tới cây chết...
"Hiện cao su chưa được thu hoạch, cũng không biết có cho mủ hay không, doanh nghiệp thì lấy tiền ngân sách hỗ trợ cho nông dân, tính về mặt hiệu quả kinh tế là không bền vững. Nếu cao su không hiệu quả, doanh nghiệp bỏ dự án thì nông dân cũng sẽ... chết theo”. GS-TSKH Nguyễn Ngọc Lung
|
Trước những băn khoăn của nhiều đại biểu về hiệu quả của cây cao su ở miền Bắc, ông Nguyễn Hồng Phú - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cho biết, cao su bắt đầu được trồng từ năm 2007 ở phía Bắc, các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, tỷ lệ cao su chết dưới 5%; còn các tỉnh phía Đông Bắc như Phú Thọ, Hà Giang, Yên Bái, năm 2009, 2010, tỷ lệ cây chết 95%. “Tập đoàn chỉ chịu trách nhiệm về khu vực đầu tư, còn ngoài quy hoạch của Chính phủ, người dân tự trồng thì chúng tôi không chịu trách nhiệm” - ông Phú nói.
Để cây cao su phát triển ổn định ở phía Bắc, các chuyên gia nông nghiệp đã đề xuất một số chính sách như: Cần xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, gắn với quy hoạch chi tiết từng vùng; đầu tư nghiên cứu các giống cao su mới; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng trồng cao su và cần thiết lập quỹ hỗ trợ khắc phục rủi ro khi thời tiết cực đoan xảy ra…
Thanh Xuân (Thanh Xuân)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.