Trồng mận hậu trên núi đá, người Thái ở Sơn La no ấm

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh Thứ tư, ngày 25/05/2022 13:10 PM (GMT+7)
Gần 20 năm bén rễ trên vùng đồi núi đá, mận hậu đã trở thành cây làm giàu của người Thái ở xã Chiềng Đen, Chiềng Cọ (Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La).
Bình luận 0


Clip: Sơn La vào mùa mận hậu chín.

Mùa mận hậu chín đỏ

Những ngày cuối tháng 5, chúng tôi có dịp quay trở lại thành phố Sơn La. Thời điểm này, người dân đang vào chính vụ thu hoạch mận hậu. Đường vào xã Chiềng Cọ, Chiềng Đen, xe tải của thương lái thu mua mận hậu tấp nập vào ra.

Chị Quàng Thị Ban, bản Ngoại, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La (Sơn La) vừa giao xong mận cho khách hàng, chị lại tất tả ra vườn hái mận về giao cho thương lái.

Chị Ban chia sẻ: Mận được mùa; trái vừa to, vừa thơm. Mận chín đến đâu là có người tìm về thu mua hết, giá đầu vụ lên đến 30.000 đồng/kg, giờ cuối vụ rồi nên giá cũng hạ chút ít. 

Tiền thu được từ vụ mận này, một phần mình dự kiến sửa chữa lại nhà, một phần mua cho con gái cái xe để nó đi học ngoài trung tâm xã, còn lại gửi tiết kiệm để chi phí cho gia đình sau này.

Rời xã Chiềng Cọ, chúng tôi đến bản Tò Lọ, xã Chiềng Đen thành phố Sơn La (Sơn La) đường đã được rải nhựa, hai bên đường cạnh những ngôi nhà sàn truyền thống còn có những ngôi nhà xây cao tầng khang trang nổi bật giữa vườn mận xanh tốt ngút tầm mắt.

Cây mận hậu ở thành phố Sơn La - Ảnh 3.

Chị Quàng Thị Ban, bản Ngoại, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La bán mận cho thương lái. Ảnh: Văn Ngọc

Cây mận hậu không chỉ được người dân trồng trong vườn nhà, trồng xen nương cà phê mà đã "leo" lên tận các sườn đồi, núi đá, cây nào cây đấy sai trĩu quả.

Cây mận hậu ở thành phố Sơn La - Ảnh 4.

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, vụ nậm hậu năm nay tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho chất lượng quả cũng như năng suất cao. Ảnh: Văn Ngọc

Từ QL6 đến bản Tò Lọ, chúng tôi thấy có 4-5 chiếc xe tải ngoại tỉnh đang chờ để đóng mận. Ghé điểm thu mua mận hậu của anh Hoàng Văn Nam lúc 10 giờ sáng, lúc này bà con đã tấp nập chở mận tới bán. 

Nhanh tay cân từng sọt mận chín còn nguyên phấn trắng, ông Hoàng nói: Tôi nhận thu mua mận của bà con trong xã để cung cấp cho đầu mối ở các tỉnh miền xuôi như: Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng… với số lượng trên 10 tấn/ngày.

"Tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, các phương tiện vận tải thu mua mận chở đi các tỉnh, thành trong cả nước thông suốt nên mận thu hái đến đâu được xe hàng đến thu mua hết. Tôi đang mua mận hậu cho bà con với giá từ 6.000 - 14.000 đồng/kg tùy loại", anh Hoàng nói.

Cây mận hậu ở thành phố Sơn La - Ảnh 5.

Từ nhiều năm nay cây mận hậu trở thành cây trồng đem lại thu nhập chính cho người dân tộc Thái tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Tại xã Chiềng Đen, vườn mận hậu của gia đình anh Tòng Văn Xum ở bản Tò Lọ nằm trong tốp vườn mận hậu có mẫu mã đẹp và chất lượng nhất xã. 

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn mận hơn 1 ha trồng xen cà phê của gia đình, anh Xum kể: Tôi đã áp dụng kỹ thuật đốn tỉa cành, hạ tán, tạo độ thông thoáng, đủ ánh sáng để cây sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh. Giờ vào chính vụ, tư thương tới tận vườn thu mua với giá 15.000 - 20.000 đồng/kg loại 1; bán xô trung bình 6.000 - 10.000 đồng/kg.

"Dự tính đến hết vụ sẽ thu về gần 15 tấn nữa, nếu giá mận vẫn như hiện nay thì tổng thu nhập cả vụ được gần 150 triệu đồng. So với cây trồng khác, chi phí đầu tư cây mận hậu thấp nhưng thu nhập cao gần gấp 3 lần', anh Xum nói.

Cây mận hậu ở thành phố Sơn La - Ảnh 6.

Anh Tòng Văn Xum, bản Tò Lọ, xã Chiềng Đen thu hái mận hậu của gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

Cây mận hậu đem lại cuộc sống ấm no cho người Thái Sơn La

Ông Cà Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Đen cho biết: Toàn xã hiện có hơn 500 ha mận ở 14/14 bản của xã. Sản lượng quả mận tươi đạt trung bình trên 6.500 tấn, giá trị ước đạt trên 40 tỷ đồng. Đây là một nguồn thu không nhỏ, giúp người dân trên địa bàn ấm no. Năm này do khống chế được dịch bệnh Covid - 19, việc tiêu thụ thuận tiện hơn so với năm 2021 vì các tuyến xe chở hàng đi các tỉnh, thành phố và các chợ đầu mối được thông suốt.

Những năm gần đây, người dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật, nên mùa mận năm nay được mùa được giá, bà con rất phấn khởi.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Ước, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố cho biết: Thành phố Sơn La hiện có khoảng 2.500 ha mận, năng suất trung bình đạt 9-10 tấn/ha, tập trung chủ yếu ở các xã Chiềng Cọ, Chiềng Đen, Chiềng Ngần và phường Chiềng An.

Để nâng cao giá trị sản phẩm mận, Thành phố Sơn La (Sơn La) tuyên truyền cho bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng trái vụ, áp dụng kỹ thuật tỉa tán, đưa cây mận hậu ở Thành phố Sơn La trở thành một trong những cây ăn quả, phục vụ du khách trải nghiệm mùa hoa và mùa thu hái quả.

Mận hậu Sơn La được mùa, được giá nông dân phấn khởi - Ảnh 8.

Chi Cà Thị Nhọt, bản Tam, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La thu hái mận hậu của gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

Mận hậu năm nay được mùa, được giá, mang lại lợi nhuận cho người trồng mận, nhiều hộ gia đình thu được trên một trăm triệu đồng. Với chất lượng, mẫu mã đẹp, quả mận hậu được Thành phố Sơn La chọn là một trong 60 sản phẩm sẽ tham gia gian hàng trưng bày tại chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân tổ chức vào 29/5 và Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 khai mạc vào tối 28/5 tới.

Mận hậu Sơn La được mùa, được giá nông dân phấn khởi - Ảnh 9.

Cây mận hậu phủ xanh những sườn đồi của xã Chiềng Cọ, Chiềng Đen (Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La). Ảnh: Văn Ngọc

Một vụ mận được mùa, được giá đang hiện hữu, sau những khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, cây mận hậu đã dần trở lại và khẳng định vị thế, hiệu quả kinh tế trong sản xuất của người dân, từng bước mang lại cuộc sống ấm no.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem