Trồng nhãn ở Điện Biên

Thứ bảy, ngày 10/09/2011 05:55 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều năm nay, anh Dũng cũng đang tích cực nhân nhanh giống nhãn ra cho mọi người. Nhiều nhà đã thành đạt nhờ giống nhãn của anh.
Bình luận 0

Đầu vụ vải, tôi lên Lục Ngạn. Lúc đó, giá quả vải lên tới 15.000-16.000 đồng/kg. Chỉ vài ngày sau, giá tụt xuống ghê gớm. Bà con la quá trời... Đến vụ nhãn, đâu đâu cũng đầy nhãn. Điệp khúc “được mùa, mất giá” lại vang lên. Đi đâu cũng thấy bà con kêu ca. Tôi lên Tây Bắc. Dọc đường từ Hà Nội đi Hoà Bình, lên Sơn La rồi tới Điện Biên, chỗ nào cũng thấy nhãn chín trĩu cành. Năm nay nhãn sai lắm! Thật ái ngại khi thấy số phận của quả nhãn cũng lại giống với quả vải...

img
Thu hoạch nhãn.

Thế nhưng khi tới Điện Biên, Sở Khoa học và Công nghệ của tỉnh đã cho chúng tôi tới thăm một mô hình trồng nhãn ngay gần thành phố. Đó là vườn nhãn của anh Vũ Đức Dũng ở đội 5C, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Ngay từ cổng đã thấy không khí hối hả, tấp nập và vui vẻ ở bên trong. Cả một cái sân rộng bầy đầy nhãn. Mọi người tíu tít làm việc: Người bê các bồ nhãn, người vặt quả, người xếp thùng... ai cũng bận rộn. Hàng loạt thùng xốp được xếp đầy quả nhãn, để khắp sân. Anh chủ nhà vui vẻ tiếp chúng tôi và cho biết: Nhãn của anh được nhiều nơi ưa chuộng. Anh đang xếp vài thùng để chuyển bằng ô tô về miền xuôi tiêu thụ. Chưa bao giờ anh ế nhãn. Nhãn của anh có giá luôn luôn cao...

Anh lấy một rổ to và mời chúng tôi thưởng thức. Mọi người cùng ăn. Tất cả đều ngạc nhiên, tròn mắt và ca ngợi hết lời. Nhãn của anh Dũng trồng quả to, hạt nhỏ, cùi dày và ráo nhưng lại ngọt lừ. Nó khác hẳn với vô vàn cây nhãn mà chúng tôi đã thưởng thức suốt dọc đường đi. Nhãn như thế này thì làm sao mà ế được!

Anh Dũng cho biết, anh quê ở Thái Bình. Gia đình lên đây từ năm 1965. Lúc đầu, anh cũng đã làm đủ việc mưu sinh nhưng gia đình vẫn cứ khó khăn. Từ năm 1981, anh tham gia chương trình chọn tạo và bình tuyển giống nhãn. Họ chọn ra giống nhãn này.

Theo anh, đó là giống nhãn có nguồn gốc ở Điện Biên. Anh cho biết ở trên này khí hậu thuận lợi, giờ chiếu sáng nhiều hơn, ấm hơn nên nhãn phát triển rất tốt, quả ngọt. Tuy nhiên, không nên tham. Ta nên tỉa bỏ bớt các cành quả nhỏ, các cành quả ở sâu trong lùm, chỉ để lại một số cành quả chính thì quả mới to và ngon được.

Anh có hơn 50 gốc nhãn. Năm nay cũng thu được khoảng 2,3 – 2,4 tấn quả, với số tiền thu được 55 – 56 triệu đồng. Anh đóng nhãn và chuyển về Hà Nội và Thái Bình để tiêu thụ. Vì nhãn của anh ngon và gia đình làm ăn nghiêm túc nên khách hàng hoàn toàn tin tưởng.

Anh nói với tôi: “... Điều quan trọng nhất là chất lượng hàng hoá. Hàng phải luôn luôn tốt thì bạn hàng mới gắn bó với ta, làm ăn mới lâu dài với nhau được...”. Tôi rất tán thành quan điểm của anh. Trong lúc nhãn ở nhiều nơi thừa mứa, không bán được thì khách hàng của anh Dũng lại phải chờ xếp hàng. Mấu chốt là ở đó.

Được biết 6-7 năm nay, anh Dũng cũng đang tích cực nhân nhanh giống nhãn ra cho mọi người. Nhiều nhà đã thành đạt nhờ giống nhãn của anh. Giống tốt là yếu tố cực kỳ quan trọng, nó quyết định thành bại của công việc gieo trồng. Do đó, cũng là việc trồng nhãn nhưng trồng giống nào là việc cần quan tâm đầu tiên.

Nếu có điều kiện, bà con nên lên với Điện Biên và vào thăm nhà anh Dũng. Anh nông dân hiền lành này chả giấu giếm điều gì đâu!

Còn nếu không lên được, xin mọi người liên hệ trực tiếp với anh (ĐT: 0989 325 645).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem