Trồng quýt đặc sản, bóc tí vỏ thơm khắp đồi, một người dân tộc Bố Y ở Lào Cai thu bộn tiền

Mùa Xuân Thứ năm, ngày 09/02/2023 05:46 AM (GMT+7)
Ông Làn Mậu Thành, (SN 1971), dân tộc Bố Y, thôn Sả Hồ, thị trấn Mường Khương (Mường Khương, Lào Cai) vươn lên làm giàu chính đáng nhờ trồng cây quýt đặc sản. Giống quýt này nếu bóc một quả thì thơm lan khắp đồi.
Bình luận 0


Clip: Ông Làn Mậu Thành, thôn Sả Hồ, thị trấn Mường Khương (Mường Khương, Lào Cai) thu hoạch quýt đặc sản.

Trồng quýt sen

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, đông con, ông Thành chỉ học hết bậc Tiểu học rồi nghỉ ở nhà phụ giúp bố, mẹ làm nương, rẫy. 

Khi lập gia đình ra ở riêng, vợ, chồng ông Thành được bố, mẹ chia cho mảnh đất khoảng 1 ha đồi dốc, khô cằn để trồng cây lương thực nhưng năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Về sau ông Thành chuyển sang trồng mía xuất khẩu nhưng giá cả bấp bênh, miếng đói, miếng no.

Chính sự khốn khó của cuộc sống đã thôi thúc ông Thành luôn tìm tòi, học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật trong sản xuất. Đồng thời, tìm cây con giống mới có năng suất cao hơn phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng biên cương lạnh giá để trồng, chăn nuôi.

Triệu phú người dân tộc Bố Y ở biên giới Lào Cai - Ảnh 2.

Ông Làn Mậu Thành, thị trấn Mường Khương (Mường Khương, Lào Cai) thu hoạch quýt đặc sản. Ảnh: Mùa Xuân.

Đầu năm 1999, ông Làn Mậu Thành đã mang 1.000 gốc giống quýt sen đặc sản từ Trung Quốc về trồng ở thôn Sả Hồ, thị trấn Mường Khương.

Ông Làn Mậu Thành, thôn Sả Hồ, thị trấn Mường Khương, chia sẻ: Khi mới mang cây quýt sen về trồng trên vùng đất mới do thiếu kinh nghiệm chăm bón nên gặp nhiều khó khăn. Sau vài năm trồng, chăm sóc khi cây ra hoa, đậu quả chỉ lác đác mấy quả trên cây cũng buồn lắm.

Để thành công từ việc trồng quýt tôi vừa học hỏi thêm kỹ thuật từ bạn bè, tự nghiên cứu đặc tính riêng trong quá trình sinh trưởng của cây quýt nên mất 7 năm ròng rã cây quýt mới cho những trái ngọt.

Triệu phú người dân tộc Bố Y ở biên giới Lào Cai - Ảnh 3.

Quýt sen đặc sản Mường Khương (Lào Cai) đã trở thành thương hiệu quả và được nhiều người tiêu dùng biết đến. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo ông Thành, việc cây đậu quả ít không phải do khí hậu, đất đai mà kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc còn hạn chế. Do vậy, ông Thành vừa chăm sóc vừa học hỏi kinh nghiệm và tìm hiểu về đặc tính của cây quýt để chăm sóc sao cho hiệu quả. Ngoài ra, ông Thành còn vay thêm vốn để đầu tư phân bón, ươm cây giống quýt để mở rộng diện tích cũng như bán giống cây cho các hộ nông dân khác trong và ngoài thị trấn trồng để nâng cao thu nhập.

Ông Thành cho rằng đối với loại quýt sen để cây phát triển tốt và cho ra hoa, đậu quả thì giai đoạn bón phân rất quan trọng. Nếu chỉ bón phân hữu cơ thì sẽ dẫn đến cây bị còi, vì vậy phải bón kết hợp cả phân chuồng nữa. Trung bình 1 ha sẽ thu được khoảng chục tấn trở lên, nếu thời tiết thuận lợi, chăm sóc tốt năng suất có thể cao hơn.

Triệu phú trồng quýt hiệu quả kinh tế cao ở Lào Cai

Nhờ cách làm này, năm 2007, gia đình ông Thành đã từng bước gặt hái được quả ngọt sau nhiều năm dày công chăm bón. Ông Thành cũng trở thành hộ đầu tiên ở huyện Mường Khương có mô hình trồng quýt hàng hóa, với doanh thu hàng chục triệu đồng.

Khi nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, ông Thành từng bước mở rộng thêm diện tích, đến nay, ông Thành có khoảng 4ha quýt sen đặc sản cùng hơn 2.000 cây giống. Vụ năm 2022, gia đình ông Thành thu về hơn 100 tấn quýt sen, với giá bán dao động từ 5 - 20 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi trên 400 triệu đồng. Ngoài ra, ông Thành còn tạo công việc làm thường xuyên cho 8 lao động và hàng chục lao động thời vụ thời vụ.

Triệu phú người dân tộc Bố Y ở biên giới Lào Cai - Ảnh 4.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Thành còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Mùa Xuân.

Mô hình trồng cây quýt sen đặc sản của gia đình ông Thành được nhiều hộ dân trong và ngoài thị trấn Mường Khương đến học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc và được ông Thành tận tình hướng dẫn kỹ thuật và cho cây giống về trồng. Nhờ vậy, đến nay, hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Mường Khương đã chuyển sang trồng quýt, với tổng diện tích khoảng hơn 800ha, trong số này chủ yếu là quýt sen đặc sản.

Cũng từ đây, những cây quýt ngọt đã bén rễ, ra hoa, kết trái trên miền đất dải biên cương. Cây quýt này không chỉ giúp bà con xóa được nghèo mà còn giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu. 

Triệu phú người dân tộc Bố Y ở biên giới Lào Cai - Ảnh 5.

Những quả quýt vỏ mỏng, ngọt thơm của ông Thành được đóng vào thùng xốp để bán cho thương lái. Ảnh: Mùa Xuân.

Cùng với đó, những trái quýt mỏng vỏ, ngọt thơm đã tạo dựng được thương hiệu và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Điều mừng là hiện nay, quýt đặc sản Mường Khương đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu quýt ngọt Mường Khương.

Về huyện biên giới Mường Khương hôm nay, tận mắt chứng kiến những vườn quýt xanh bạt ngàn sai trĩu quả trong những mùa bội thu chính là thành quả về sự thay đổi tư duy sản xuất của bà con nông dân mà ở đó có một phần đóng góp không nhỏ của ông Làn Mậu Thành, người con của thị trấn Mường Khương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem