|
Khu sơ chế rau của HTX Thỏ Việt |
“O bế” nông dân
Là dân làm xuất nhập khẩu, tức mình vì thấy sao dân mình cái gì cũng nhập, trong khi đất rộng người đông, bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc quyết định chuyển nghề: Từ nhập sang sản xuất. Nhưng sản xuất cái gì đây? “Chọn rau vì đây là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày. Chỉ tính riêng TP.HCM mỗi ngày đã tiêu thụ tới 1.800 tấn rau. Tuy nhiên vì lợi nhuận, người dân trồng rau thêm vào nhiều chất làm rau không an toàn.” – bà Ngọc chia sẻ.
Cùng với Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp của Sở NN&PTNT TP.HCM, bà Ngọc bắt đầu thành lập HTX Nông nghiệp Thỏ Việt để trồng rau theo những tiêu chuẩn sạch, an toàn của VietGap. “Bước đầu thật khó khăn. Nông dân mình chân lấm tay bùn đã quen, trình độ cũng có hạn, kêu họ phải sản xuất theo quy trình này nọ, khó hơn bắt họ hái sao trên trời. Nhiều hộ kham không nổi, cự cãi lại, đòi rời bỏ HTX” – bà Ngọc nhớ lại.
Không nản chí, bà bắt đầu thay đổi chiến thuật, gần như là o bế, cầm tay chỉ việc từng xã viên. Bà “cậy nhờ” Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp cho kỹ sư xuống tận nhà, đồng ruộng của từng xã viên, “cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm” với họ để hướng dẫn lẫn giám sát mọi hoạt động sản xuất của xã viên.
Thấy HTX nhiệt tình, thương những kỹ sư trẻ như con cháu vì mình mà khó nhọc, bà con nông dân bắt đầu “rèn” dần mình vào kỷ luật: Sản xuất theo đúng quy trình, tiêu chuẩn VietGap đề ra. Áp dụng theo phương thức đó, HTX mở rộng hợp tác thêm với nhiều hộ nông dân khác bên ngoài để nguồn rau được dồi dào, đa dạng.
Chú trọng sản phẩm đặc sản
Vì không dùng bất cứ loại thuốc hay hóa chất độc hại nào, để rau mọc tự nhiên nên nhiều lúc gần tới ngày thu hoạch mà rau bị bệnh, phải bỏ hết cả vườn, HTX cũng phải chấp nhận. “Điều đó giải thích vì sao giá rau VietGap mắc hơn rau thường. Đổi lại rau sạch, an toàn, chất lượng, vị rau ngon ngọt hơn hẳn các loại rau thường” – bà Ngọc phân tích.
Để tạo nên nét riêng cho thương hiệu rau Thỏ Việt bà Ngọc đặt hàng các viện nghiên cứu, các cơ quan chuyên môn sản xuất các loại giống rau riêng. Ví dụ hiện HTX đang có các loại rau đặc sản như rau dền lai cho mùi vị ngọt hơn, nhiều chất sắt hơn (màu sắc rau đỏ hơn); hay loại bắp non Thỏ Việt ngon ngọt, thơm, vàng hơn các loại bắp non cùng loại; hoặc rau muống có vị ngọt hơn mà khi luộc rau dòn, không bị xẹp,…
“Tất cả các loại rau Thỏ Việt trồng theo tiêu chuẩn của VietGap đang bán giá đắt hơn rau thường ít nhất 30%. Riêng những loại rau đặc sản thì giá còn mắc hơn như bắp non Thỏ Việt đang có giá 50 nghìn đồng/kg, gấp đôi giá thị trường, dưa leo baby giá 15 nghìn đồng/kg, đắt gấp 3, nhưng không có hàng để bán” – bà Ngọc thông tin.
Tiếp thị vào nơi khó nhất
Vì sinh sau đẻ muộn (mãi đến đầu năm 2010 HTX mới có được chứng chỉ VietGap), rau lại có giá khá cao nên bà Ngọc hiểu không thể tìm đầu ra ở các kênh phân phối chợ hay các cửa hàng bán lẻ như thông thường. Mà kênh siêu thị thì hệ thống siêu thị mạnh nhất là Co.opMart đã bị các thương hiệu mạnh khác chiếm lĩnh. Thỏ Việt lại mới ra thị trường, chưa có tên tuổi gì. Nhưng tin vào chất lượng rau mình, sau khi đầu tư vào mẫu mã bao bì, bà Ngọc mạnh dạn mở một đường tiếp thị riêng cho Thỏ Việt: Chào hàng vào hệ thống siêu thị Lotte.
Bà giải thích: “Đây là hệ thống siêu thị khó tính nhất vì nó là siêu thị cao cấp. Chúng tôi mời đại diện của họ đến thăm, khảo sát vườn rau, khu chế biến, sơ chế, đóng gói của HTX lẫn việc lấy mẫu bất kỳ rau nào về thử nghiệm. Sau đó, họ đã ký hợp đồng để chúng tôi cung ứng rau hàng ngày cho toàn bộ hệ thống của họ”.
Khi đã tạo được tiếng tăm ở siêu thị Lotte, việc chào hàng vào các hệ thống siêu thị khác như Metro, Big C và các nhà hàng, công ty lớn trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. “Riêng hệ thống siêu thị Co.opMart vẫn từ chối vì cho rằng rau Thỏ Việt đắt quá, khó tiêu thụ được trong hệ thống của họ. Ấy vậy mà tháng trước, họ đã gọi cho chúng tôi vì chính khách hàng của họ yêu cầu phải có rau Thỏ Việt” – bà Ngọc vui vẻ
Hiện Thỏ Việt cung cấp hơn 25 tấn rau/ngày cho thị trường mà vẫn không đủ hàng để cung ứng. Nhiều khách hàng ở Hàn Quốc, Nhật Bản… biết tiếng cũng tìm đến Thỏ Việt để đặt hàng xuất khẩu. “Chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng thêm 200ha ở xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP.HCM, hợp tác với nông dân để trồng rau, cũng như đầu tư xây dựng thêm một nhà máy sơ chế rau có công suất 50 tấn/ngày” - bà Ngọc cho biết.
Ngọc Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.