Trồng thứ rau lạ vốn mọc hoang, hái bán quanh năm, chị nông dân Sài Gòn túc tắc xây nhà lầu

Trần Đáng Thứ tư, ngày 02/11/2022 05:46 AM (GMT+7)
Chỉ với 12 cao đất ruộng (1.200m2) trồng rau quế vị, chị Trương Ngọc Loan (ấp Bình Thượng 2, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP HCM) đã nuôi con học đại học, xây nhà lầu.
Bình luận 0

Giờ đây, rau quế vị không còn là loại rau đặc sản đặc hữu của vùng đất Tây Ninh. Nông dân các tỉnh Nam Bộ có thể trồng rau quế vị, thậm chí giữa lòng Sài Gòn như chị Ngọc Loan.

Trồng loại rau hoang dã 1 lần hái bán cả đời, chị nông dân Sài Gòn túc tắc xây nhà lầu - Ảnh 1.

Chị Trương Ngọc Loan (ấp Bình Thượng 2, Thái Mỹ, Củ Chi, TP.HCM) và ruộng trồng rau quế vị. Ảnh: Trần Đáng

Trồng rau quế vị 1 lần ăn cả đời

Vốn là dân trồng lúa, nhưng một lần thấy nông dân trồng rau quế vị làm giàu, chị Ngọc Loan phát ham về nhà lấy đất lúa chuyển sang trồng thứ rau hoang dã này.

Theo nhiều nông dân trồng rau rừng ở Tây Ninh, rau quế vị là loại cỏ tự nhiên mọc hoang dã trên bờ ruộng, bờ rạch. Từ xưa, người dân Tây Ninh đã biết thu hái rau quế vị dùng như loại rau dân dã.

Rau quế vị thường thấy khi ăn các món cuốn, bánh canh, món nướng... tại các nhà hàng, quán ăn ở Tây Ninh hoặc Sài Gòn. Rau có vị cay nhẹ, có mùi thơm đặc trưng hấp dẫn như mùi xá xị (nên còn được gọi là rau xá xị).

Chị Ngọc Loan kể, chị đã trồng rau quế vị 10 năm nay. Cái hay, cái lạ của loại rau này là trồng 1 lần và hái bán đến giờ vẫn chưa phải trồng lại.

Thêm vào đó, trồng rau quế vị chỉ cực khi mới trồng, chủ yếu là làm cỏ, và sau đó cứ thảnh thơi hái bán cho thương lái.

Chị Ngọc Loan cho biết, trồng qua quế vị rất dễ. Rau sinh trưởng tốt, ít sâu rầy. Chỉ cần giâm gốc là rau phát triển.

Thay vì tưới nước thường xuyên, chị Ngọc Loan giữ nước trong ruộng rau lấp xấp.  Chị trồng theo lối cuốn chiếu nên thường xuyên có rau quế vị cung cấp cho thương lái.

Clip: Chị Trương Ngọc Loan (ấp Bình Thượng 2, Thái Mỹ, Củ Chi, TP.HCM) chia sẻ việc trồng rau quế vị. Clip: Trần Đáng

Theo chị Ngọc Loan, lúc đầu chị mua khoảng 100kg giống rau quế vị gồm cả rễ rồi giâm xuống đất ruộng. Trong quá trình trồng rau quế vị, chị Ngọc Loan thi thoảng phun thuốc ngừa sâu rầy, và bón diêm phân. 

Khoảng 3 tháng sau trồng, rau quế vị cho ăn lứa đầu tiên. Khi cắt bán xong, phải rải ít diêm phân để rau lấy sức phát triển lứa rau sau.

"Vấn đề là không được ép cắt rau sớm. Phải chờ khi rau đúng lứa mới cắt bán để gốc rau đủ mạnh, phát triển tốt cho đợt sau, và lâu dài", chị Ngọc Loan chia sẻ.

Để nâng cao chất lượng, mẫu mã cho rau quế vị, vài năm gần đây, chị Ngọc Loan đã trồng rau quế vị trong nhà lưới. Việc trồng trong nhà lưới giúp rau quế vị đẹp, lá đều, mướt hơn. Quan trọng hơn, trồng cách này, giúp hạn chế tối đa việc sử dụng phân, thuốc cho rau, giúp rau quế vị gần như là rau sạch.

"Rau quế vị sau khi cắt có thể để vài ngày không hư", chị Ngọc Loan đảm bảo.

Trồng rau quế vị làm giàu

Ngày nay, rau quế vị đã trở thành loại rau đặc sản, phổ biến không thể thiếu trong món cuốn bánh tráng thịt luộc hay trong các món nướng. Rau quế vị được bán trong các siêu thị chứ không chỉ ở các chợ truyền thống do nhu cầu thị trường ngày càng cao.

Chị Ngọc Loan cho biết, mấy ngày nay thương lái cứ hối thúc chị cắt rau bán. Chị tính, đợt này có thể bán hơn 1 tấn rau quế vị.

Trồng loại rau hoang dã 1 lần hái bán cả đời, chị nông dân Sài Gòn túc tắc xây nhà lầu - Ảnh 4.

Trồng rau quế vị đang trở thành công việc ăn nên làm ra của nông dân một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Ảnh: Trần Đáng

Theo chị Ngọc Loan, trong năm giá rau quế vị đứng ở mức 14.000 – 16.000 đồng/kg. Vào tháng 4 – 5 trong năm là thời điểm giá rau quế vị bước vào cao điểm khoảng 20.000 đồng/kg.

"Thời điểm này, bán rau quế vị rất sướng. Dù thương lái có hối thúc cũng không đủ rau bán", chị Ngọc Loan thổ lộ.

Hiện, chị Ngọc Loan đang tính mở rộng diện tích trồng rau quế vị bởi nhu cầu của thương lái ngày càng cao.

Trồng loại rau hoang dã 1 lần hái bán cả đời, chị nông dân Sài Gòn túc tắc xây nhà lầu - Ảnh 5.

Trồng rau quế vị giúp gia đình chị Trương Ngọc Loan (ấp Bình Thượng 2, Thái Mỹ, Củ Chi, TP.HCM) đổi đời. Ảnh: Trần Đáng

"Thương lái đang tăng cường đóng rau quế vị xuất bán tận miền Bắc. Ngoài đó, thời tiết quá lạnh không thể trồng rau quế vị", chị Ngọc Loan chia sẻ.

Theo ông Hồng Thanh Danh, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Bình Thượng 2, chị Ngọc Loan là nông dân giỏi. Chỉ nhờ ruộng rau quế vị, gia đình chị đã vươn lên khá giả, 3 người con ăn học đàng hoàng. Chị vừa xây ngôi nhà lầu khang trang.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem