Trồng "cây tiền tỷ" công nghệ sinh học là trồng kiểu gì mà một ông nông dân Khánh Hòa lãi 600 triệu?

Công Tâm Thứ sáu, ngày 25/10/2024 14:38 PM (GMT+7)
Mô hình trồng sầu riêng công nghệ sinh học của anh Lê Văn Hùng ở xã Ba Cụm Nam, huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) đã mang lại hiệu quả bất ngờ so với cách làm truyền thống. Vụ sầu riêng này sau khi thu hoạch trừ chi phí anh lãi trên 600 triệu đồng.
Bình luận 0

Thông qua sự giới thiệu của Hội Nông dân huyện Khánh Sơn, chúng tôi mon men theo con đường rừng để đến tham quan mô hình trồng sầu riêng theo công nghệ sinh học của gia đình anh Lê Văn Hùng ở xã Ba Cụm Nam, huyện Khánh Sơn, đây được xem là mô hình rất có hiệu quả ở địa phương. 

Một nông dân ở huyện Khánh Sơn trồng sầu riêng áp dụng sinh học thu nhập hơn nửa tỷ đồng - Ảnh 1.

Anh Lê Văn Hùng ở xã Ba Cụm Nam, huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) trồng sầu riêng theo công nghệ sinh học mang lại hiệu quả cao. Với giá trị kinh tế mang lại cho nông dân, nhiều người trong vùng Khánh Sơn ví cây sầu riêng như là "cây tiền tỷ". Ảnh: Công Tâm

Anh Hùng cho biết, gia đình trước đây trồng cam, bưởi, quýt nhưng hiệu quả không được cao nên gia đình chuyển sang trồng sầu riêng. Do ban đầu chưa biết nhiều về kỹ thuật nên sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo cách truyền thống nên sầu riêng xảy ra một số bệnh xì mủ, bộ rễ chậm phát triển nên tốn rất nhiều chi phí và công chăm sóc.

Qua tìm tòi trên các phương tiện thông tin đại chúng, anh Hùng đã học được phương pháp chăm sóc, điều trị sâu rầy, cách xử lý ra hoa, bảo quản quả bằng công nghệ sinh học. Để có được thành công mô hình này anh Hùng phải trải qua rất nhiều lần thất bại, bởi chỉ cần một lần sai thì xem như vườn sầu riêng hàng tấn của anh bị hỏng.

Một nông dân ở huyện Khánh Sơn trồng sầu riêng áp dụng sinh học thu nhập hơn nửa tỷ đồng - Ảnh 2.

Lãnh đạo Hội Nông dân xã Ba Cụm Nam đi tham quan mô hình trồng sầu riêng áp dụng sinh học. Ảnh: Công Tâm

Hiện nay, anh áp dụng công nghệ sinh học trong vườn, toàn bộ cây cỏ anh chỉ phát dọn không bơm thuốc, sâu rầy anh sử dụng nem  với tinh dầu chủ yếu phòng ngừa ban đầu là chính. Với vườn sầu riêng 1,5ha 6 năm tuổi năm trước do làm theo phương pháp truyền thống thu hoạch chỉ vỏn vẹn được 7 tấn, thu nhập gần 400 triệu đồng.

Năm nay, anh áp dụng công nghệ công nghệ sinh học đã giúp cho vườn sầu riêng tăng lên đáng kể, sản lượng đạt 11 tấn, với giá bán 50.000 - 68.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi trên 600 triệu đồng. Với công nghệ sinh học đã hạn chế được bệnh xì mủ, cây phát triển rất tốt và khỏe. 

Một nông dân ở huyện Khánh Sơn trồng sầu riêng áp dụng sinh học thu nhập hơn nửa tỷ đồng - Ảnh 3.

Những quả sầu riêng trong vườn của anh Hùng đang phát triển tốt và chuẩn bị thu hoạch. Ảnh: Công Tâm

Anh Hùng nói, trước đây làm cách truyền thống vườn sầu riêng bị bệnh xì mủ liên tục, mỗi lần như vậy phải xử lý nhiều công đoạn nên tốn tiền công và chi phí và cây rất lâu mới hồi phục. Nhờ công nghệ sinh học mà giờ đây gia đình đã yên tâm. 

Một nông dân ở huyện Khánh Sơn trồng sầu riêng áp dụng sinh học thu nhập hơn nửa tỷ đồng - Ảnh 4.

Với vườn sầu riêng của anh Hùng sau khi trừ chi phí năm nay lãi trên 600 triệu đồng. Ảnh: Công Tâm

Anh Hùng cho hay, mô hình áp dụng công nghệ sinh học góp phần bảo vệ môi trường cho gia đình và những người xung quanh, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Hiện nay, anh cũng đã chia sẻ kỹ thuật cho các hộ khác trên địa bàn. 

Ông Mấu Uy - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Cụm Nam cho biết, mô hình làm sầu riêng của anh Hùng rất hiệu quả góp phần bảo vệ môi trường cho người dân, đây là một trong những hộ tiên phong làm mô hình. Trên địa bàn xã có khoảng 65ha diện tích trồng sầu riêng, nhờ cây sầu riêng mà nhiều hộ dân tộc miền núi đổi đời và địa phương đang vận động, hướng dẫn cho các nông dân học tập làm công nghệ sinh học áp dụng cho cây sầu riêng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem