Chơi lớn với cây tiền tỷ đã từng thất sủng, chị nông dân Long An giờ tin tưởng “liều thì ăn nhiều”

Trần Đáng Thứ tư, ngày 11/01/2023 05:19 AM (GMT+7)
Mặc dù cây thanh long đang thất sủng, nông dân bỏ trồng do giá trượt dài, nhưng chị Nguyễn Thị Thanh Huệ (xã An Lục Long, Châu Thành, Long An) vẫn thành lập HTX, mời gọi nông dân liên kết trồng, xuất khẩu thanh long đón đầu Trung Quốc mở cửa khẩu.
Bình luận 0

Mới đây, chị Huệ ra mắt HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Huệ bước đầu với 7 thành viên chuyên trồng, xuất khẩu thanh long.

Chơi lớn với cây tiền tỷ giờ thất sủng, chị nông dân tin tưởng “liều thì ăn nhiều” - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Thanh Huệ (xã An Lục Long, Châu Thành, Long An) kiểm tra hàng trước khi bán cho doanh nghiệp xuất khẩu thanh long. Ảnh: Trần Đáng

Trở thành tỷ phú nhờ xuất khẩu thanh long

Chúng tôi cho xe chạy dọc theo các con đường ở "thủ phủ thanh long Châu Thành" (Long An) vào những ngày giáp Tết Nguyên đán 2023. Những tuyến đường này ngày nào ken kín xe contenner chở thanh long thì giờ vắng tanh, hàng loạt nhà kho thu mua thanh long đóng cửa sau 2 năm giá thanh long lao dốc.

Vào thời điểm này, những năm trước dịch Covid-19, các vườn thanh long chộn rộn người làm trái bán thị trường Tết thì giờ vườn tược trỏng trơ.

Trong bối cảnh "thủ phủ thanh long" mất hết sức sống, tại xã An Lục Long, một sự kiện diễn ra gây chú ý cho nhiều người: HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Huệ ra đời.

Theo chị Huệ, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Huệ, không có gì đáng sợ để thành lập HTX thanh long lúc này. Thậm chí, đây là lúc phải tập trung phát triển thanh long để đón đầu xuất khẩu thanh long khi thị trường Trung Quốc mở cửa.

Chị Huệ cho biết, chị theo nghề xuất khẩu thanh long gần chục năm nay. Từ một nông dân trồng lúa, thấy tiềm năng kinh tế trái thanh long mang lại, chị chuyển sang cất kho thu mua thanh long xuất khẩu.

Clip: Vợ chồng chị Huệ kiểm tra hàng trước khi bán cho doanh nghiệp xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc. Clip: Trần Đáng

Những năm tháng va chạm với doanh nhân Trung Quốc sang Việt Nam thu mua thanh long cho chị Huệ bài học cứ  "tiền trao, cháo múc", không mua thanh long trước để đón giá, lời cao.

"Khi doanh nghiệp Trung Quốc chốt giá tôi mới mua thanh long. Nếu làm như vậy không bao giờ nhà kho bị lỗ", chị Huệ chia sẻ.

Theo chị Huệ, trước dịch Covid-19 phùng phát, Trung Quốc chưa đóng cửa khẩu, chị xuất khẩu thanh long 3 container (45 – 50 tấn/container/ngày). Riêng vào dịp Tết, chị Huệ xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc khoảng vài trăm tấn.

"Tết nay, tôi chưa có kế hoạch xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc vì chưa biết được hiện sản lượng thanh long của bà con được bao nhiêu. Rất nhiều nông dân bỏ vườn không trồng thanh long nữa do thời gian qua giá thanh long quá thấp gây thua lỗ", chị Huệ thổ lộ.

Cứ làm như vậy, từ hai bàn tay trắng, giờ chị Huệ có 2 kho thu mua thanh long và 1 kho đông lạnh.

Chơi lớn với cây tiền tỷ giờ thất sủng, chị nông dân tin tưởng “liều thì ăn nhiều” - Ảnh 4.

Xuất khẩu thanh long đang khó khăn nhưng chị Huệ vẫn thu mua thanh long cho bà con trồng thanh long. Ảnh: Trần Đáng

Liên kết nông dân xuất khẩu thanh long

Hôm chúng tôi đến thăm cũng là ngày chị Huệ trở thành Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX. Chị Huệ cho rằng, việc mở HTX là đúng đắn và tin chắc với kinh nghiệm xuất khẩu thanh long sẽ đem lại lợi nhuận cho bà con thành viên HTX.

Theo chị Huệ, HTX được thành lập để các thành viên hợp tác tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, xuất khẩu thanh long, tạo việc làm, tăng lợi nhuận.

Chị Huệ cho biết, giá thanh long đang quay đầu. Hiện, giá thanh long loại 3 là 29.000 đồng/kg.

"Trung Quốc sẽ mở khẩu, thanh long Việt Nam lại xuất sang Trung Quốc. Với những tín hiệu vui này, tôi tin chắc giá trị trái thanh long sẽ quay trở lại. Nông dân lại trồng thanh long và nâng niu, o bế trái thanh long", chị Huệ bộc bạch.

Bởi theo chị Huệ, ở đất Châu Thành chưa có cây trồng nào lợi nhuận cao hơn cây thanh long. Ngay cả khi giá thanh long như hiện nay, lợi nhuận cũng gấp trồng lúa vài lần.

"Nhất định tôi phải theo trái thanh long", chị Huệ khẳng định.

Chơi lớn với cây tiền tỷ giờ thất sủng, chị nông dân tin tưởng “liều thì ăn nhiều” - Ảnh 5.

Thanh long xuất khẩu được trữ trong kho lạnh. Ảnh: Trần Đáng

Trước dịch Covid-19, tỉnh Long An có 117 kho thanh long trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có khoảng 100 kho đông lạnh với tổng công suất khoảng hơn 5.000 tấn. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều kho thu mua thanh long phải đóng cửa chủ yếu do không thể xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Long An số kho thu mua thanh long còn hoạt động như của chị Huệ rất ít.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem