Trồng thứ cây bán được từ gốc lên ngọn, phơi vỏ thơm khắp làng, nông dân Yên Bái nhà nào trồng nhà đó giàu

Thứ ba, ngày 30/11/2021 19:01 PM (GMT+7)
Cây quế đang là một trong 10 cây trồng chủ lực của tỉnh Yên Bái, với diện tích hiện có đạt gần 80.000 ha, tập trung tại các huyện Văn Yên, Trấn Yên Lục Yên....
Bình luận 0

Hiện, tỉnh Yên Bái đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm quế theo hướng hữu cơ và tinh chế. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu và gia tăng giá trị kinh tế.

Phát triển ổn định vùng trồng cây quế nguyên liệu

Mỗi năm cho tổng sản lượng vỏ quế khô của tỉnh đạt 22.000 tấn; cành lá quế đạt 86.000 tấn để sản xuất ra gần 600 tấn tinh dầu quế. Ngoài ra, cho sản lượng trên 70.000 m3 gỗ quế các loại. Tổng giá trị thu lợi từ cây quế toàn tỉnh đạt trên 1.000 tỷ đồng/năm.

Trồng thứ cây bán được từ gốc lên ngọn, phơi vỏ thơm khắp làng, nông dân Yên Bái nhà nào trồng nhà đó giàu - Ảnh 1.

Rừng quế hữu cơ tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yến, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, hiện nay tỉnh Yên Bái có 83 sản phẩm OCOP được công nhận tiêu chuẩn 3 sao đến 4 sao, trong đó có 8 sản phẩm OCOP được sản xuất, tinh chế từ cây quế.

Toàn tỉnh hiện có 21 cơ sở chưng cất tinh dầu quế, 27 doanh nghiệp, hợp tác xã gia công sơ chế, kinh doanh quế vỏ. Ngoài ra còn hàng trăm cơ sở thu mua, gia công, sơ chế các sản phẩm quế và sản xuất quế giống.

Tiêu biểu các sản phẩm OCOP được chế biến sâu từ quế như: bột quế của Doanh nghiệp Tư nhân Phương Nhung; tinh dầu quế Đại Phú An của Công ty TNHH Nam dược Đại Phú An; quế điếu thuốc của Công ty quế hồi Việt Nam; nước rửa chén, lau sàn hương quế của Công ty TNHH Trà thảo mộc Quế Phát, trà quế của Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà ...

Các sản phẩm này đã được xuất khẩu ổn định tới các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, Mỹ... Điều đó cho thấy, các sản phẩm từ quế của Yên Bái đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, khẳng định được giá trị và thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tại huyện Văn Yên, “thủ phủ” của cây quế Yên Bái, ông Hà Đức Anh, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết, năm nay kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, quế Văn Yên vẫn đảm bảo ổn định, nguồn thu từ cây quế mang lại cho người dân Văn Yên mỗi năm trên 700 tỷ đồng. Quế từ cây xóa đói giảm nghèo, nay trở thành cây làm giàu trên địa bàn huyện.

Để cho nghề trồng quế phát triển bền vững, lâu dài, cũng theo ông Anh, huyện Văn Yên đang tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại chế biến tinh dầu chất lượng cao, các loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm và sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây quế.

Trồng thứ cây bán được từ gốc lên ngọn, phơi vỏ thơm khắp làng, nông dân Yên Bái nhà nào trồng nhà đó giàu - Ảnh 3.

Vươn ươm quế giống của gia đình ông Vũ Văn Kế, khu 3, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN


Bên cạnh đó, Văn Yên quyết định sẽ dừng ở diện tích 60.000 ha để không rơi vào tình trạng ế thừa, rớt giá sản phẩm mà tập trung sản xuất theo hướng hữu cơ, thâm canh từ khâu làm đất, sản xuất giống, chăm sóc đến thu hoạch để đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm quế.

Hướng phát triển cây quế ở Văn Yên cũng là quan điểm chi đạo của tỉnh Yên Bái, theo ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái, đến nay Yên Bái đã xác định và ổn định được diện tích vùng trồng quế trên toàn tỉnh.

Bên cạnh việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, Yên Bái đang chú trọng phát triển, duy trì nguồn nguyên liệu chất lượng cao, an toàn, làm tốt công tác bảo tồn giống quế, nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây quế.

Tỉnh tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến sâu các sản phẩm từ cây quế xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; làm tốt công tác quản lý thị trường, bảo vệ thương hiệu, bản quyền, chống gian lận thương mại đối với các sản phẩm từ quế.

 Sản xuất quế sạch theo hướng hữu cơ

Hiện nay, theo quy hoạch sản xuất quế an toàn theo hướng hữu cơ tại các vùng trồng quế trọng điểm của tỉnh, diện tích được cấp chứng chỉ quế hữu cơ đạt chuẩn quốc tế trên 4.500 ha bằng 450% so với kế hoạch đề ra là 1.000 ha. Thực tế cho thấy, xu hướng sản xuất quế sạch, an toàn là tất yếu, có tính bền vững cao, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng và chế biến quế mà góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe cho dân vùng trồng quế.

Trồng thứ cây bán được từ gốc lên ngọn, phơi vỏ thơm khắp làng, nông dân Yên Bái nhà nào trồng nhà đó giàu - Ảnh 5.

Vào mùa thu hoạch, người dân vùng quế bận rộn với việc sơ chế trước khi giao bán cho các nhà máy chế biến. Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN.


Điển hình trồng và sản xuất quế sạch, quế hữu cơ dẫn đầu tỉnh Yên Bái là huyện Trấn Yên, chất lượng quế ở đây được xếp vào hàng đầu cả nước bởi hàm lượng tinh dầu cao. Toàn huyện hiện có 8.000 ha quế sản xuất theo hướng hữu cơ; trong đó, có 2.000 ha quế hữu cơ đạt chuẩn quốc tế.

Bà Nguyễn Thu Hòa, thành viên của Hợp tác xã Quế hồi Việt Nam, tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên cho biết, trong vài năm trở lại đây, người dân chúng tôi đã thực hiện hoàn toàn quy trình sản xuất quế sạch, quế hữu cơ.

Ngoài việc chọn giống quế chuẩn có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, cây sạch bệnh thì trong quá trình trồng, chăm sóc phải được áp dụng phương pháp canh tác đặc biệt, đó là không phun thuốc trừ cỏ mà tiến hành phát cỏ; không bón phân hóa học khi cây quế từ 4-5 tuổi trở lên, nhất là không tỉa cành để đảm bảo lượng tinh dầu không giảm sút.

Thấy rõ lợi ích từ việc sản xuất, chế biến quế sạch, ông Bạch Quốc Việt, Trưởng Chi nhánh Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà tại Yên Hợp, huyện Văn Yên cho biết, thời điểm hiện nay, bình quân mỗi ngày, công ty thu mua trên địa bàn gần 100 tấn quế vỏ nguyên liệu hữu cơ về chế biến với giá cao hơn từ 25-30% so với quế thường.

Quế trồng theo phương pháp hữu cơ không chỉ nâng cao tỷ lệ lượng tinh dầu quế mà còn có chất lượng tinh dầu vượt trội, đáp ứng yêu cầu của khách hàng quốc tế. Đặc biệt giá bán rất cao đã giúp công ty tái đầu tư và mua lại nguyên liệu của người dân.

Đánh giá việc trồng quế theo hướng hữu cơ, ông Nhâm Xuân Trường, Phó Chánh văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh Yên Bái cho biết, cây quế trồng theo phương pháp hữu cơ đã mang lại giá trị kinh tế cao, thu nhập ổn định và là cây làm giàu cho người dân nhiều địa phương của tỉnh Yên Bái.

Bên cạnh đó, cây quế còn là cây đa lợi ích, góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái, giữ đất, giữ nước ở những vùng đồi núi dốc, bảo tồn và phát triển sự đa dạng các nguồn gen quý của cây bản địa.

Trồng thứ cây bán được từ gốc lên ngọn, phơi vỏ thơm khắp làng, nông dân Yên Bái nhà nào trồng nhà đó giàu - Ảnh 7.

Công ty Quế hồi Việt Nam tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên thu mua cành và lá quế. Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN.

Giờ đây, thương hiệu quế Yên Bái đã nổi tiếng trên khắp thế giới, tiêu biểu là quế Văn Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý từ tháng 01/2010 và được Vương quốc Thái Lan bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế vỏ tại Thái Lan từ năm 2020. Đặc biệt, từ 1/8/2020, quế Văn Yên, tỉnh Yên Bái là một trong 39 mặt hàng của Việt Nam được EU bảo hộ khi thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) .

Tiến Khánh (TTXVN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem