Trồng thứ cây chỉ có thân với lá, rậm như rừng, bán đi đâu mà cả làng ở Nghệ An nhà nào cũng mừng?

Trần Tú Trinh Thứ bảy, ngày 12/03/2022 05:51 AM (GMT+7)
Sau nhiều năm chật vật với cây cam nhưng “nợ vẫn hoàn nợ”, đến nay, người dân huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã có tiền khi chuyển hướng sang trồng mía. Vụ mía đầu tiên đã cho năng suất cao, bà con phấn khởi.
Bình luận 0

Quỳ Hợp (Nghệ An) từng được biết đến với danh xưng thủ phủ trồng cam. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, người dân không còn mặn mà với loại cây trồng “khó tính” này. 

Nhiều diện tích đất trồng cam trước đây dần được thay thế bằng những vườn ngô, vườn dưa,...Nhưng, giống cây được trồng nhiều nhất và trở thành chủ lực kinh tế mới chính là mía.

Trồng loại cây cao cao, ăn ngọt ngọt, cả làng ở Nghệ An thu hàng trăm triệu vụ đầu tiên - Ảnh 1.

Người dân xóm Minh Chùa, xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp thu hoạch mía.Ảnh: Tú Trinh.

Qua trò chuyện với ông Trần Duy Nguyên (xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp), phóng viên Dân Việt được biết, năm nay, cây mía cho năng suất đạt đến 120 tấn/ha.

"Toàn bộ mía sẽ được Công ty TNHH mía đường Nghệ An NASU thu mua với mức giá 1,1 triệu đồng/tấn theo hợp đồng đã ký trước đó. Gia đình tôi trồng khoảng 3ha, dư kiến thu hoạch khoảng 360 tấn mía, tương đương gần 400 triệu đồng.

Sau khi trừ hết chi phí như tiền giống, phân bón, cày bừa, thuê nhân công,... số tiền thu về còn khoảng 280 trăm triệu đồng, giúp gia đình tôi trang trải bớt số nợ từ việc thua lỗ mùa cam trước đó", ông Nguyên nói.

Theo ông Nguyên, cây mía cho năng suất cao vụ đầu tiên là nhờ được trồng trên đất phá cam, trong đất còn giữ lại nhiều chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, mía cũng là một loại cây “dễ tính”, chỉ cần trồng 1 lần sau đó khi chặt giữ gốc lại.

Các vụ tiếp theo chỉ việc bón phân, làm cỏ, rọc lá, tưới nước thường xuyên thì mía sẽ tự phát triển tốt hơn, không tốn nhiều thời gian, tiền bạc đầu tư, giúp người dân tạo thu nhập ổn định.

Trồng loại cây cao cao, ăn ngọt ngọt, cả làng ở Nghệ An thu hàng trăm triệu vụ đầu tiên - Ảnh 2.

Mầm mía mới mọc lên từ gốc cũ sau khi thu hoạch. Ảnh: Tú Trinh.

Không chỉ gia đình ông Nguyên, nhiều hộ dân khác trong xã Minh Hợp phá cam, chuyển sang trồng mía với mong muốn thoát khỏi nợ nần, ổn định cuộc sống.

Trồng loại cây cao cao, ăn ngọt ngọt, cả làng ở Nghệ An thu hàng trăm triệu vụ đầu tiên - Ảnh 3.

Mía sau khi thu hoạch sẽ được bó lại, xếp thành hàng để thuận lợi hơn trong quá trình vận chuyển về nhà máy. Ảnh: Tú Trinh.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh (cùng trú xóm Minh Chùa, xã Minh Hợp) chia sẻ, gia đình chị có hơn 1ha đất, trước đây trồng cam và quýt. 

Những năm đầu thu hoạch khá ổn định, tuy nhiên sau đó cây cam nhiễm bệnh do tác động xấu từ thời tiết, phân bón, thuốc trừ sâu kém chất lượng điều này dẫn đến tình trạng thối rễ, vàng lá, cam gần tới mùa hái thì rụng gần hết.

“Tôi thấy mía tuy giá thành không cao như cam nhưng bù lại năng suất tốt, không cần đầu tư nhiều, hiệu quả kinh tế rất khá. Vụ mía này, gia đình tôi thu hoạch được 150 tấn, trừ chi phí có lãi khoảng 100 triệu đồng", chị Quỳnh bộc bạch.

Việc phát triển cây mía ở địa phương cũng giúp người dân xã Minh Hợp có thêm công việc, trang trải cuộc sống hàng ngày. 

Bà Cao Thị Giá (60 tuổi, trú xã Minh Hợp) chia sẻ: “Tôi đã nghỉ hưu nhưng ở nhà mãi cũng chán, vậy nên xung phong đi thu hoạch mía cho các hộ trong làng, vừa giúp hàng xóm, vừa kiếm thêm chút thu nhập”.

Các hộ dân trồng mía tại xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) hầu hết đều ký hợp đồng sản xuất, thu mua với Công ty TNHH mía đường Nghệ An NASU.

Trồng loại cây cao cao, ăn ngọt ngọt, cả làng ở Nghệ An thu hàng trăm triệu vụ đầu tiên - Ảnh 4.

Sản lượng mía cao cùng chất lượng tốt giúp người dân thu nhập ổn định, cải thiện kinh tế. Ảnh: Tú Trinh.

Được biết, để khuyến khích người dân tăng gia sản xuất cây trồng, nhà máy đã tạo điều kiện hết sức bằng cách hỗ trợ vay vốn, mua giống, phân bón cho vụ đầu tiên. 

Ngoài ra, người dân và công ty cũng ký hợp đồng thỏa thuận, cam kết để yên tâm sản xuất, không lo ngại vấn đề đầu ra hay giá cả.

Theo ông Nguyễn Văn Hải – Đội trưởng đội 6 Công ty TNHH mía đường Nghệ An NASU, năm 2022, người dân trong xã Minh Hợp đăng ký khoảng 70ha mía trồng mới.

"Vụ đầu tiên không chỉ cho sản lượng cao mà chất lượng cây mía cũng vô cùng tốt. Theo ghi nhận, có hộ thu tới gần 500 tấn mía, tương đương khoảng 500 triệu đồng", ông Hải nói.

Không nản lòng vì thất bại từ cây cam, người dân xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) tìm con đường mới bằng cách chuyển đổi cây trồng, đó là trồng cây mía.

Vất vả một năm trời đầu tư, chăm sóc, cây mía cuối cùng cũng không phụ lòng người nông dân, cho năng suất cao, giúp người dân cải thiện kinh tế, nâng cao đời sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem