Trong vòng 100 ngày, xung đột Nga - Ukraine đã trở thành một 'cuộc chiến tiêu hao'

Lê Phương (SCMP) Thứ sáu, ngày 03/06/2022 08:12 AM (GMT+7)
Sau khi không chiếm được thủ đô Kiev của Ukraine, Nga đã giảm phạm vi tiếp cận, tập trung vào việc siết chặt từ từ khu vực Donbass và đạt được một số thành công đáng kể.
Bình luận 0
Trong vòng 100 ngày, xung đột Nga - Ukraine đã trở thành một 'cuộc chiến tiêu hao' - Ảnh 1.

Tuần này, quân đội Nga đã củng cố vững chắc vị trí tại các khu vực trọng yếu của thành phố Sievierodonetsk. Ảnh: AFP

Trong tuần này, quân đội Nga đã kiểm soát phần lớn các khu vực của thành phố Sievierodonetsk, và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận rằng "tình hình ở Donbas vẫn còn vô cùng khó khăn".

Mathieu Boulegue thuộc tổ chức tư vấn quân sự Chatham House của Anh cho biết: "Tính chất của chiến dịch đang dần thay đổi. Đây không phải là một cuộc chinh phục quân sự nhanh chóng mà Nga đã hy vọng".

Ông dự đoán: "Trong những tuần tới, Moscow sẽ buộc phải chuyển từ chiến tranh di chuyển sang chiến đấu từ những vị trí cố định. Nga đã không đổi mới thiết bị của mình, lực lượng quân sự của nước này đang dần suy yếu. Các đơn vị sẽ sớm đóng băng tại chỗ".

Theo nhiều chuyên gia, chiến dịch quân sự đặc biệt của Tổng thống Vladimir Putin, được phát động vào ngày 24/2, có thể đã không đạt được mục tiêu ban đầu.

Với sự sụp đổ của cảng trọng yếu Mariupol, quân đội Nga đã thiết lập một đường liên kết trên bộ với bán đảo Crimea. Những tiến bộ trong chiến dịch ở Donbass sẽ là tin vui đối với Điện Kremlin.

Mặc dù đây là cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến thứ hai, nhưng 160.000 quân của Nga dường như không nhiều hơn lực lượng phòng thủ Ukraine ở thời điểm ban đầu. Các chuyên gia quân sự lập luận rằng nếu muốn thành công, phe tấn công cần đông hơn phe phòng thủ khoảng 3 lần.

Bên cạnh đó, các lực lượng của Moscow đã thất bại trong việc thiết lập ưu thế trên không so với Ukraine.

Sức mạnh của Nga được chia thành ba hướng chính: Triển khai chiến dịch ở Ukraine, bên cạnh đó phòng thủ ở phía đông và ở phía nam.

Ukraine có thể gây thiệt hại nặng nề cho đối thủ của họ một phần là nhờ vào nhiều năm huấn luyện của NATO, cũng như nguồn cung cấp vũ khí chống tăng và phòng không từ các đồng minh phương Tây.

Trong vòng một tháng, Tổng thống Vladimir Putin quyết định tập trung nỗ lực vào khu vực phía đông Donbass với hy vọng áp đảo Ukraine và giảm bớt những gánh nặng trong bộ máy quân sự Nga.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby lập luận: "Phía đông Ukraine gần Nga hơn, giúp nước này dễ dàng cung cấp trang thiết bị và nhu yếu phẩm. Có thể thấy Điện Kremlin đang tỏ ra cảnh giác và thận trọng hơn, khác với thời kỳ đầu của cuộc chiến".

"Mặc dù pháo binh Nga hiện đang tấn công các vị trí của Ukraine ở Donbass, nhưng lực lượng Kiev đang ẩn nấp sâu trong các chiến hào và sẽ không dễ dàng bị đánh bật", chuyên gia Boulegue nói.

"Trận chiến giành Donbass còn lâu mới kết thúc", nhà sử học quân sự người Pháp Michel Goya viết trong một bài đăng trên blog. Đối với ông, mặt trận phía đông "sẽ trở thành một trận chiến quyết định trong những tuần tới".

Mục tiêu của Điện Kremlin là "tiếp cận biên giới hành chính của Donbas", cựu tướng quân đặc nhiệm Pháp Christophe Gomart nói với đài truyền hình RTL hôm 31/5.

"Hai đội quân đã chiến đấu với nhau trong ba tháng và đã kiệt sức. Xung đột đang dần trở thành một cuộc chiến tiêu hao", ông lưu ý.

Theo số liệu chính thức mới nhất của chính phủ Nga - được công bố vào cuối tháng 3 - 1.351 binh sĩ đã thiệt mạng ở Ukraine. Trong khi đó, các cơ quan tình báo phương Tây tiết lộ con số thiệt mạng của người Nga vào khoảng 7.000 đến 15.000, còn dữ liệu chính thức Ukraine đưa ra cho thấy số binh lính Nga chết lên tới 30.000 người. Các con số mỗi bên đưa ra chưa được xác minh cụ thể.

Tuần này, ông Zelensky tuyên bố có từ 60 đến 100 binh sĩ Ukraine chết trên chiến trường mỗi ngày và 500 người khác bị thương. Ông chia sẻ với Newsmax: "Tình hình ở miền đông rất khó khăn".

Ngoài thương vong về người, tài liệu tình báo nguồn mở được blog Oryxspioenkop cung cấp cho thấy Nga đã mất khoảng 739 xe tăng, 428 xe bọc thép khác, 813 xe chiến đấu bộ binh, khoảng 30 máy bay chiến đấu, 43 máy bay trực thăng, 75 máy bay không người lái và 9 tàu hải quân.

Trong khi ấy, các số liệu cho thấy phía Ukraine có khoảng 185 xe tăng, 93 xe bọc thép, 22 máy bay, 11 trực thăng và 18 tàu. Các số liệu này cũng chưa được kiểm chứng.

"Ukraine có thể mất lãnh thổ trong ngắn hạn, nhưng Nga phải đối mặt với những vấn đề lớn hơn trong việc duy trì nỗ lực quân sự và giữ vững thành quả trong dài hạn", Michael Kofman, thuộc CNA có trụ sở tại Mỹ, cho biết.

Giống như Gomart, Mark Cancian, thuộc tổ chức tư vấn CSIS có trụ sở tại Mỹ, đã dự đoán về "một cuộc chiến tiêu hao kéo dài".

"Không bên nào có vẻ sẵn sàng thỏa hiệp hoặc thực hiện một thỏa thuận... Dường như xung đột sẽ kéo dài và chuyển sang một mức độ thấp hơn", ông nhấn mạnh.

Trong khi ấy, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ rút lui: "Theo chúng tôi dự đoán, xung đột sẽ còn kéo dài nhiều tháng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem