Suốt hơn ba năm kể từ khi Philippines đệ đơn lên tòa trọng tài vào năm 2013, Trung Quốc luôn từ chối tham gia phiên tòa và khăng khăng cho rằng tòa không có thẩm quyền xét xử vụ kiện. Tuy nhiên càng gần đến ngày tòa ra phán quyết, Bắc Kinh dường như càng bộc lộ tâm lý lo lắng, theo New York Times.
Theo chuyên gia phân tích Ashley Townshend, thuộc đại học Sydney, việc Trung Quốc quyết định tổ chức cuộc tập trận hải quân kéo dài một tuần ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là động thái phô trương sức mạnh quân sự nhằm che giấu nỗi bất an này.
Biên đội tàu Trung Quốc tham gia tập trận ở Biển Đông. Ảnh: Chinanews.
Cuộc tập trận không diễn ra gần bãi cạn Scarborough, nơi Trung Quốc đang tranh chấp với Philippines, mà nằm hoàn toàn ở khu vực Bắc Kinh kiểm soát phi pháp từ lâu, chứng tỏ Trung Quốc đang thể hiện thái độ có phần "nhún nhường" trước dư luận quốc tế.
"Mặc dù vẫn thể hiện sự khiêu khích, Trung Quốc có thể cho rằng các cuộc tập ở vùng biển quốc tế quanh quần đảo Hoàng Sa có thể không làm căng thẳng leo thang. Bắc Kinh có thể đánh giá rằng cuộc tập trận là một cách làm hiệu quả để thể hiện sự chống đối lại phán quyết của tòa, mà không cần đến các biện pháp quyết đoán khác như xây dựng trên bãi cạn Scarborough hay thiết lập vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông", chuyên gia Townshend nhận định.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Malcolm Cook, thuộc viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cũng chia sẻ quan điểm cho rằng việc lựa chọn địa điểm cuộc tập trận chứng tỏ Bắc Kinh không muốn "nhằm vào Philippines", vì nó diễn ra ở khu vực cách xa quốc gia Đông Nam Á này và không nằm trong địa điểm tranh chấp với Manila.
Chuyên gia Valerie Niquet, thuộc viện Quan hệ quốc tế Pháp, nhận định, ngoài mục đích phô trương sức mạnh, động thái tập trận của Bắc Kinh thể hiện sự sốt sắng muốn dập tắt các quan điểm ôn hòa đang manh nha trong nội bộ Trung Quốc, mà họ cho rằng có thể phương hại đến lợi ích quốc gia của nước này.
Theo bà Niquet, những người theo trường phái ôn hòa cho rằng các mục tiêu cơ bản của Trung Quốc trên Biển Đông như xây dựng, bồi đắp các đảo nhân tạo đã đạt được một cách tương đối. Chính vì thế, để tránh làm xấu hình ảnh, vị thế trên trường quốc tế, Bắc Kinh cần có các động thái mềm mỏng nhằm xoa dịu dư luận. Trong bối cảnh đó, bất cứ hành động quân sự nào cũng đều không cần thiết.
Bên cạnh các động thái quân sự, Trung Quốc cũng đang ráo riết thực hiện các hoạt động vận động, mua chuộc các nước, trong đó có cả Mỹ, thể hiện lập trường ủng hộ hoặc chí ít không phản đối Bắc Kinh trong các vấn đề liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông.
Những tuần gần đây, khi phán quyết của tòa trọng tài sắp được đưa ra, báo chí Trung Quốc liên tục đưa tin về nước này nước kia ủng hộ lập trường "không theo kiện, không chấp hành phán quyết" của họ. Con số này được nâng từ 40 nước hồi tháng 5 lên 60 quốc gia vào giữa tháng 6, trong đó được nhắc tới nhiều nhất là các quốc gia ở châu Phi, Trung Đông và Trung Á.
"Việc Bắc Kinh tiến hành vận động các nước, được đánh giá là xa xôi không liên quan về địa lý cho thấy tâm lý bất an và không lạc quan của nước này trước phán quyết của tòa", bà Niquet nhận định.
Lôi kéo châu Âu
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. Ảnh: AP
Ngoài ra, sự bất an của Trung Quốc còn được thể hiện trong chuyến thăm Ba Lan mới đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tờ Les Echos của Pháp cho rằng Trung Quốc đang tìm cách tăng cường sự ủng hộ của các nước Liên minh châu Âu (EU), trong đó có các nước khu vực Trung và Đông Âu, tập trung vào hai vấn đề quan trọng là công nhận quy chế kinh tế thị trường và ủng hộ lập trường của Trung Quốc đối với các tranh chấp ở Biển Đông.
Đối với vấn đề thứ hai, Trung Quốc đang lo ngại phản ứng của EU đối với phán quyết mà tòa trọng tài chuẩn bị đưa ra vào ngày 12/7.
Đến nay, EU vẫn chưa thể hiện lập trường rõ ràng đối với các tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, phán quyết sắp tới của tòa trọng tài có thể là cơ sở để EU đưa ra quan điểm dựa của khối về vấn đề Biển Đông.
Trong ban thẩm phán phụ trách vụ kiện của Philippines của tòa trọng tài có một thành viên người Ba Lan là ông Stanisław Pawlak. Điều này phần nào lý giải mục đích chuyến công du có phần "sốt sắng" của ông Tập tới quốc gia Đông Âu này, ngay trước khi tòa ra phán quyết.
Trong suốt thời gian diễn ra chuyến thăm, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã cố gắng đề cập tới việc Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski ủng hộ quan điểm của Trung Quốc đối với các tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông của Ba Lan cũng như các nhà ngoại giao nước này đã nhanh chóng lên tiếng bác bỏ.
"Các động thái của Bắc Kinh gần đây bề ngoài có vẻ như thể hiện lập trường quyết đoán, thách thức của Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, các động thái vận động sốt sắng của nước này chỉ cho thấy Bắc Kinh đang lo lắng và không thực sự tin tưởng về những chứng cứ pháp lý mà nước này đang sở hữu, cũng như về những động thái đối phó hậu phán quyết mà nước này đang trù tính", chuyên gia Niquet khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.