Theo GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, giữ nét truyền thống của Trung thu không bị mai một là trách nhiệm xã hội, đặc biệt là trách nhiệm của nhà nước.
Xin ông cho biết Trung thu tại Việt Nam có nét gì đặc biệt so với Trung thu của các nước trong khu vực ?
GS Ngô Đức Thịnh: Cái chung của Trung thu Việt Nam với nhiều nước lân cận là đều nằm trong hệ thống lịch tiết. Lịch tiết là các ngày tết vừa mang yếu tố tự nhiên, vừa mang yếu tố văn hóa. Ví dụ tết Trung thu, tết Trung nguyên, khai hạ, rằm tháng bảy... Điều này là chung cho các nước Đông Á.
Vui Trung thu truyền thống ở Bảo tàng Dân tộc học
Tuy nhiên, cùng một ngày thì mỗi nước lại có cách ăn tết riêng. Ví dụ ngày lễ mồng 5 tháng 5 là chung, nhưng sang Hàn Quốc lại thành một ngày vô cùng quan trọng. Tết này ở Hàn Quốc lớn đến mức nó còn được tôn vinh là di sản phi vật thể của UNESCO cho dù có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sang Việt Nam thì ngày 5 tháng 5 lại gắn với giết sâu bọ, các món trái cây và rượu nếp.
Trung thu cũng thế. Bản thân nó là một lịch tiết gắn với nông nghiệp, mặt trăng. Sau này ý nghĩa nông nghiệp của nó càng phai nhạt đi, ý nghĩa xã hội tăng. Với người Trung Quốc thì đó là dịp sum họp gia đình, ăn bánh trung thu. Vị bánh của họ khác với Việt Nam. Bánh của mình có một hương vị thanh nhẹ hơn, ít chất béo bổ hơn, thú vị hơn.
Điều đặc biệt của Trung thu Việt Nam là sắc thái dành cho trẻ con đậm nét. Cái này ở Trung Quốc không có. Ở Trung Quốc, Trung thu dành cho tất cả mọi người. Bác Hồ cũng từng ghi dấu ấn của mình trong câu chuyện Trung thu, hướng xã hội đậm hơn về việc cho trẻ em.
Nhưng tết Trung thu đang bị kêu ca là lạm dụng biếu xén?
Thực ra Trung thu cũng là dịp thiết lập quan hệ xã hội. Người ta nhân dịp đó gửi quà biếu người thân thiết. Tôi cũng từng được học trò Đài Bắc gửi bánh biếu. Nhưng lợi dụng nó để hợp lý hóa việc đút lót thì không được. Xã hội hiện đại có cái biến tướng đó, nhưng sắc thái dành cho trẻ con vẫn được quan tâm.
Đồ chơi truyền thống đang bị lấn át, có người cho rằng là đương nhiên. Nhưng điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến văn hóa ?
Ảnh hưởng nhiều đấy. Đồ chơi rất quan trọng. Để đồ chơi ngoại, đặc biệt là đồ chơi bạo lực lấn át, đó là vấn đề xã hội phải quan tâm. Thực sự, hoàn toàn có thể phục hồi các trò chơi trẻ con. Phải phục hồi để trao truyền lại văn hóa cho thế hệ sau.
Chẳng hạn, trước đây vào Trung thu, chơi diều rất thích. Diều miền Bắc không phải vẽ hình như Trung, Nam. Diều Bắc gắn với sáo diều. Trên một cái diều mang hàng chục cái sáo to nhỏ khác nhau. Đêm trăng ở nông thôn nghe tiếng sáo hòa thanh thì thú lắm. Thế hệ chúng tôi dùng nhựa cây hồng để phất giấy làm diều. Những trò như thế giờ không có chứ không phải trẻ con không thích. Cũng có thể lợi nhuận buôn bán đồ chơi mới cao hơn, nhưng thế mới cần chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Lễ hội nước ngoài vào quá nhiều thì các lễ truyền thống bị mai một. Có thể với trẻ em, Trung thu sẽ rất mờ nhạt bên cạnh Giáng sinh. Bây giờ các em cũng có xu hướng coi đấy như ngày lễ của mình. Liệu có đáng lo không?
Những ngày đó đậm lên là tất yếu của hội nhập thôi. Nhưng tổ chức thì cũng nên Việt Nam hóa các ngày đó. Chẳng hạn tháng bảy mình xá tội vong nhân thì Halloween cũng là ngày hướng về người chết. Đó là sự tương đồng nhưng có đa dạng. Thống nhất trong đa dạng là thế. Cũng không nên sợ là sẽ mất Trung thu.
TNO (Theo TNO)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.