Trước khi đổi tên, bà Nguyễn Phương Hằng đã tố cáo đàn em Năm Cam thế nào?

Quang Trung Thứ tư, ngày 20/04/2022 11:03 AM (GMT+7)
Bà Nguyễn Phương Hằng trước năm 2010 từng mang tên Nguyễn Thị Thanh Tuyền, người từng đứng ra tố cáo Đ.Đ.G - một nhân vật thân tín của trùm xã hội đen Năm Cam. Nội dung vụ việc cụ thể ra sao?
Bình luận 0

Bà Nguyễn Phương Hằng từng có tên khác và mang hai quốc tịch 

Như Dân Việt đã thông tin, liên quan đến việc điều tra, xử lý bị can Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam), hiện cơ quan chức năng cũng đã lập lý lịch tư pháp bị can của Nguyễn Phương Hằng.

Trước khi đổi tên, bà Nguyễn Phương Hằng đã tố cáo đàn em Năm Cam thế nào? - Ảnh 1.

Bị can Nguyễn Phương Hằng đã bị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng để điều tra về hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Ảnh: CACC

Việc lập lý lịch tư pháp bị can là hoạt động điều tra để làm rõ về lai lịch, nhân thân người thực hiện hành vi phạm tội.

Theo đó, bị can Nguyễn Phương Hằng từng mang tên Nguyễn Thị Thanh Tuyền, sinh ngày 26/1/1971, người từng đứng ra tố cáo Đ.Đ.G - một nhân vật khá thân tín của trùm xã hội đen Năm Cam (đã bị tử hình), cách đây hơn 20 năm.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền đổi tên thành Nguyễn Phương Hằng vào năm 2010.

Ngoài ra, theo tìm hiểu, bị can Nguyễn Phương Hằng đang có 2 quốc tịch là Việt Nam và Cộng hòa Cyprus.

Vì sao bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo đàn em Năm Cam?

Sau thông tin này, nhiều người đặt câu hỏi, bà Nguyễn Phương Hằng khi còn mang tên Nguyễn Thị Thanh Tuyền đã tố cáo Đ.Đ.G đàn em thân tín của trùm xã hội đen Năm Cam như thế nào?

Theo tài liệu, năm 1996, bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền (sau này là Nguyễn Phương Hằng) có quen biết với Đ.Đ.G. Năm 1997 bà Tuyền thuê căn nhà số 21/15A đường Trường Sơn của anh T.H.H để ở và đã sinh sống với G. tại đây.

Năm 1998, bà Tuyền đã mua lại căn nhà này với giá 52 lượng vàng. Toàn bộ quá trình giao dịch, mua bán, bà Tuyền đều trực tiếp làm việc với anh H., giấy tờ mua bán căn nhà này do anh H. viết cũng chỉ ghi bán căn nhà này cho Tuyền.

Nhưng sau đó G. đã nhiều lần đánh bà Tuyền, bắt bà này phải ghi thêm tên G. vào trong giấy mua bán. Khi bà Tuyền về nhà mẹ đẻ ở, giấy tờ căn nhà bà Tuyền gửi cho bà N. (mẹ của bà Tuyền), nhưng G. đã đến đe dọa ép bà Nương phải giao toàn bộ giấy tờ nhà cho mình rồi bắt Tuyền phải viết giấy cam kết không tranh chấp căn nhà này với G.

Quá trình mua bán căn nhà này G. chỉ tham gia ở giai đoạn cuối là khi đến hạn phải thanh toán số tiền còn thiếu, lúc đó bà Tuyền không có tiền nên đã nhờ anh H. giới thiệu đến vay tiền của anh C. ở đường Trần Quốc Thảo, phường 7 quận 3 với lãi suất 3%/tháng.

Theo tài liệu, khi cơ quan điều tra đấu tranh với G. thì hắn ngoan cố không thừa nhận hành vi này và khai chính G. là người đã bỏ tiền ra mua căn nhà này.

Mọi quan hệ mua bán với anh H. đều do G. trực tiếp quan hệ còn bà Tuyền chỉ là người đi cùng với G., ở giai đoạn cuối khi G. đến vay tiền của anh C. để trả cho anh H.

Lời khai của G. không đúng với lời khai của anh H. về việc bán nhà cho bà Tuyền và không phù hợp với lời khai của anh A. là người đã chứng kiến khi bà Tuyền thanh toán tiền cho anh H.

Hơn nữa, anh Đ.V.Đ là anh rể của G. cũng khai G. hoàn toàn không có tiền, khi G. ăn ở với Tuyền như vợ chồng, mọi chi phí trong cuộc sống đều dựa vào bà Tuyền vì bà naỳ có chồng ở nước ngoài thường gửi tiền về. Lời khai này của Đ. phù hợp với lời khai của bà Tuyền về việc này.

Với các căn cứ nêu trên, cơ quan điều tra có đủ cơ sở kết luận bà Nguyễn Thanh Tuyền là người đã mua căn nhà 21/15A đường Trường Sơn của anh H.

Giai đoạn cuối, G. mới đi cùng với bà Tuyền và anh H. đến nhà anh C. vay vàng và đã thay Tuyền ký giấy vay vàng của anh C.

Việc G. ép buộc bà Tuyền phải để G. ký thêm vào giấy mua bán nhà, ép lấy toàn bộ giấy tờ nhà và sau đó lại bắt Tuyền viết giấy cam kết không được tranh chấp căn nhà để chiếm đoạt đã cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản.

Sau khi đã chiếm đoạt được căn nhà này thì anh C. đến đòi số vàng mà G. và Tuyền đã vay để trả anh H., nên G. đã phải trả anh C. 5 lượng vàng.

Như vậy thực tế số vàng đã trả cho anh H. là 52 lượng, trong đó có 7 lượng của anh C. Sau đó Giang đã phải trả cho anh C. 5 lượng. Do đó xác định giá trị tài sản của bà Tuyền mà G. đã chiếm đoạt là 45 lượng vàng.

Đ.Đ.G sau đó đã bị tuyên phạt với mức án 7 năm tù về tội chiếm đoạt tài sản.

Trường hợp được thay đổi tên

Theo luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền thay đổi tên, trong đó, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:

- Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó.

- Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về viêc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt.

- Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con.

- Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình.

- Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi.

- Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính.

Như vậy mọi công dân đều có quyền thay đổi tên nếu có lý lịch rõ ràng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem