Truyện dự thi: Lên sóng

Phạm Thanh Thúy Thứ tư, ngày 30/06/2021 14:44 PM (GMT+7)
Tháng tám, mưa kéo dài sùi sụt. Đất như ũng lên, còn sông dâng nước ngấp nghé các bờ đê. Lâu lắm, dễ có đến gần bốn mươi năm nay, kể từ thời ông bà Duẩn còn thanh niên trai tráng, mới lại có một năm mưa nhiều như thế.
Bình luận 0

Các cụ bảo năm nào nhãn được mùa là năm ấy nước to. Tưởng câu ấy chỉ đúng với ngày xưa, chứ ai mà dè...

Nước to được dự báo từ khi những cây nhãn trong vườn trổ hoa dày chạt. Hoa trĩu cành, rụng thành lớp lớp dày bệt trên lối đi. Mấy tay Hà Nội cuối tuần kéo nhau về những vườn nhãn ăn uống hát hò, cứ háo hức bảo nhãn nhiều thế này nhất định sẽ có nhiều quà quê biếu sếp. Bây giờ các sếp chả thiếu gì, chỉ thiếu đồ ăn sạch. Nói thế là vì ngoảnh đi ngoảnh lại, những xóm giềng quanh nhà ông bà đã bán đất, bán vườn cho khách Hà Nội về xây nhà làm chốn nghỉ ngơi cuối tuần rồi, chỉ duy có nhà ông bà là không.

Ông Duẩn không thể bán mảnh vườn có những cây nhãn trăm tuổi của mình được. Đó là tài sản bố mẹ ông để lại cho ông. Bố mẹ ông cũng được ông bà ông để lại cho họ. Tóm lại, cả cái làng này không chỉ mình nhà ông có những cây nhãn "cha truyền con nối". Làng ông nổi tiếng là làng nhãn ngon bậc nhất khu vực. Và còn một lý do để ông Duẩn quyết không bán vườn, ấy là khoảng cách giữa những người làng, những bờ giậu cứ xa dần. 

Truyện dự thi: Lên sóng - Ảnh 1.

Minh họa truyện dự thi Lên sóng.

Trước kia làng xóm láng giềng không ai là không biết mặt nhau, một con gà bé tí ở đầu làng đã thành một con đại bàng ở cuối làng rất nhanh chỉ trong một ngày, thì nay ra vào toàn va phải người lạ. Cuối tuần họ đi xe đẹp đến rồi đóng kín cửa, bật nhạc, đun nấu, ăn uống với nhau. Người làng đan xen người lạ, do ai cũng bán vườn khiến ông Duẩn không cam lòng. Ông thích một làng ông như ngày trước, một làng ông không có những người lạ, một làng ông chỉ có người làng.

Nhưng mưa nhiều, thương lái trả rẻ như đòi cho không, chồng con đi vắng cả, chẳng ai chăm hái, nhãn chín rụng đầy trong vườn, bà Duẩn đành mời mấy cô trong Câu lạc bộ Tình ca đến ăn cho vui, lại tránh được cái tiếng có đặc sản mà keo kiệt.

Đấy, nói đến Câu lạc bộ Tình ca. Thật chưa bao giờ trong đời bà Duẩn lại nghĩ có ngày một nông dân quanh năm chân lấm tay bùn như mình lại trở thành một người quan trọng đến thế. Bà là chủ tịch Câu lạc bộ ca hát trên mạng mà số thành viên lên đến hơn sáu ngàn người, có đủ mọi thành phần xã hội, đủ mọi vùng miền, không chỉ Trung, Nam, Bắc mà còn ở cả nước ngoài. Mỗi lần họp Câu lạc bộ, hoặc liên hoan, mấy thành viên tích cực ở nước ngoài còn thu xếp công việc đáp máy bay về dự. Ngoài Câu lạc bộ của mình ra, bà còn kiêm nhiệm vai trò cố vấn cho những Câu lạc bộ khác về cách tổ chức chương trình, cách quản lý thành viên, kể cả những Câu lạc bộ mà bà từng tâm huyết xây dựng rồi dứt áo ra đi.

Bà Duẩn nghĩ đến mấy cô, mấy ông trong Câu lạc bộ nhà gần đây, liền gọi điện ngay. Các cô ồn ào nhận lời, rồi chỉ trong vòng nửa giờ đã thấy tiếng xe máy rù rù ngoài ngõ, rồi bóng các cô áo xanh áo đỏ như những con cào cào, ấy chết, như những con bướm sặc sỡ kéo đến. Vừa vào đến sân, các cô đã túa ra với lấy cây sào dài dùng để bẻ nhãn.

Ông Dũng, người đàn ông duy nhất trong số những người được mời đến, cái ông lúc nào cũng mặc áo hoa, dù áo cánh mùa hè hay áo khoác mùa đông thì cũng nhất định phải có hoa hoặc cài hoa mới được, có vẻ ý tứ hơn cả. Ông kín đáo liếc nhìn ngôi nhà dưới bóng cây nhãn trĩu cành của bà Duẩn. Thấy cái chậu bát lâu lắm rồi không rửa, cái sân nhà đầy lá rụng bị nước mưa ngâm ủng lâu lắm rồi không quét, bà Duẩn bỗng thấy ân hận. Tại các cô và ông Dũng kéo đến nhanh quá, với lại giá như trước khi gọi họ, bà lấy cái chổi sể khoắng vài nhát cho cái sân sạch bớt lá, hay kéo cái chậu bát rếch vào chỗ nào đó khuất mắt có hơn không. Ai có thể chê gia cảnh bà tuềnh toàng, thiếu bàn tay chăm sóc của con người cũng được, chứ ông Dũng mà chê thì bà buồn lắm. Từ lâu rồi, bà chỉ muốn làm cho ông Dũng vui lòng.

Nói thế, bà không sợ thẹn với lòng mình hay sao? Thẹn với lòng mình, chính là thẹn với người chồng đã đầu gối má kề với bà suốt hơn ba mươi năm qua. Mà nói cho đúng, chỉ ba mươi năm thôi, mấy năm nay vợ chồng ông bà cơm ai nấy ăn, giường ai nấy nằm, tất cả chỉ vì ông Duẩn không hiểu được hoài bão của bà, không hiểu được những đam mê mà bà đang theo đuổi. Một người chồng như thế, nay đã có cháu nội cháu ngoại với nhau rồi, không lẽ lại lôi nhau ra tòa. Mà ra tòa làm gì, vừa tốn tiền lại tốn thời gian, chi bằng, như ông tuyên bố, cứ việc ai nấy làm, cấm có va vào nhau là được.

Nói "cấm có va vào nhau là được", nhưng nào có làm được. Tối nào cũng thế, ông lên giường nằm xem ti vi từ tám, chín giờ tối. Ông Duẩn mê phim Việt Nam sản xuất. Ông bảo: "Nước Việt mình thiếu quái gì người tài làm phim mà cứ phải tìm phim nước ngoài xem". Mà bây giờ phim Việt Nam cũng tiến bộ hẳn, tiến bộ… gần bằng phim nước ngoài. Thật ra trước ông không đoái gì đến mấy bộ phim Việt Nam đâu, mà phải là phim Ấn Độ cơ, nhưng sau cái phim "Cô dâu tám… nghìn tuổi" lấy đi của ông bao nhiêu thời gian và ấm ức, ông tuyên bố chỉ nên thủy chung với hàng Việt Nam thôi.

Đấy là chuyện phim ảnh giải trí cuối ngày. Hết phim ảnh, hết hài kịch từ trên "diu túp" (YouTube), ông bắt đầu buồn chân cuồng tay, chả có việc gì làm, ông quàng tay sang ôm lấy bà. Cơ mà bà hắt tay ông ra. Ôm với ấp làm quái gì. Từ lâu tình cảm gối chăn đã tro tàn lửa lạnh. Với lại ông "xuôi xị" lâu rồi. Ôm ấp suông chẳng còn khiến bà cảm thấy ấm áp như cách đây nhiều năm. Với lại, việc ôm quàng của ông còn làm cho bà phiền phức. Bà bận lắm. Từ ngày được các anh chị em trong Câu lạc bộ hát "Tình ca" bầu làm chủ tịch, bà có ngày nào, tối nào, đêm nào được thảnh thơi đâu. Nào là tổ chức cho thành viên lên sóng, nào là hô hào thành viên khác cổ vũ, nào là léng phéng sang các Câu lạc bộ khác để lai (Like) và thả tim giao lưu. Không giao lưu thì làm gì có chỗ cho thành viên đi đây đi đó ăn uống hát hò gặp gỡ. Không tổ chức cho thành viên lên sóng hợp lý có mà suốt ngày nghe họ cãi nhau. Không cổ vũ cho thành viên hát thì lúc mình lên sóng ai thèm cổ vũ. Thời nào cũng thế, làm cái gì cũng thế, cũng phải ông mất chân giò bà mới thò chai rượu ra được chứ.

Bận rộn đến mức chẳng bữa cơm nào bà ăn trọn ba, bốn bát như xưa. Có nhiều bữa ông Duẩn vừa và cơm vừa buồn bã nhìn bát cơm đã chan canh trương nứt của bà. Bà mải tiếp chuyện các thành viên câu lạc bộ của bà, chẳng có thời gian mà ăn cho tròn bữa.

Thật ra ông Duẩn không phải là mặc kệ bà muốn làm gì thì làm. Bỗng dưng bị người vợ vốn chăm chỉ và đầy tình yêu thương đẩy ra bên lề cuộc sống của bà ấy, ông phải tìm mọi cách giành lại. Nào là mắng mỏ, nào là đập bát cơm, ném bát canh, cốt để bà thấy đổ vỡ mà hồi tâm chuyển ý. Nhưng không, bà bảo ông điên rồi. Vừa điên vừa lạc hậu. Thời nào rồi mà không "Phây búc" (Facebook), không "Da lô" (Zalo), không hội này nhóm nọ. Mà đâu chỉ có mình bà mê ca hát. Thử nhìn cái làng này xem, có nhà nào không có người là thành viên các Câu lạc bộ ca hát trên mạng xã hội. 

Có ngày nào đêm nào không có một hai nhóm tổ chức hát hò, lên sóng, "lai chim" (Live stream). Nói chung là người người ca hát, nhà nhà ca hát. Đã thành lệ, ở cái làng này, nhà nào tổ chức hát hò cũng là hát ít nhất nửa ngày, không thì phải cả ngày. Khách đến ăn uống xong hát, thậm chí vừa hát vừa ăn uống. Đấy, thế mà ông Duẩn cứ chỉ ngồi nhà ôm khư khư mấy cây nhãn cổ, lại còn chê bai dân làng là lũ dửng mỡ dở hơi, ai mà chịu được.

Ông Duẩn có buồn không? Buồn lắm. Ông căm thù cái giây phút ông hào hứng tặng bà chiếc điện thoại thông minh để bà còn gọi điện thoại hình ảnh với đám con cháu đi làm ăn xa. Lúc đó, bà thậm chí còn giận ông đã bỏ một số tiền lớn như thế để mua một thứ vô bổ. Hai mươi ba triệu để mua một cái điện thoại. Chao ôi! Tiền ấy ăn bao nhiêu bữa thịt cá cho hết. Mất nửa tháng bà thờ ơ với món quà. Không để vợ bị bạn bè chê lạc hậu, ông Duẩn tận tâm hướng dẫn bà cách sử dụng. Sợ bà vất vả sang nhà hàng xóm "câu goai phai" (wifi) ông gọi điện xin lắp đặt "goai phai" riêng. Thế rồi… thế rồi…

Mấy cô bạn cùng ông Dũng đã hái được một thúng nhãn mang vào nhà hào hứng bóc ăn. Chưa kịp ăn, một cô bảo đừng ăn vội. Cô móc điện thoại ra chụp ảnh, chu môi, tròn mắt rồi tạch tạch "cúng phây". Một cô khác bảo bây giờ vừa ăn vừa "lai chim cho nó máu", cho thiên hạ chết vì thèm. Thế là các cô đua nhau "phát trực tiếp". Bà Duẩn và ông Dũng lặng lẽ tách mấy cô ăn nhãn. Họ đi bắt một con gà trong vườn để làm cơm, tối còn ăn và "lên sóng".

Vườn nhà bà Duẩn rộng. Cây cối um tùm, và bây giờ là cỏ mọc cũng um tùm. Bà Duẩn thấy ông Dũng e dè bì bõm trong đám cỏ ngập ngang đùi để đuổi bắt con gà mái vàng, mà buồn cười. Hồi ông Duẩn còn ở nhà, mỗi lần thấy cỏ trong vườn ngập đến ngang bắp chân là ông đã cuống lên đòi thuê người dọn cỏ rồi. Cơ mà cỏ ở làng này cứ như có phép tiên, hôm trước giẫy chết khô, hôm sau đã thấy lú nhú những mầm. Ngày trước ông bà vẫn cùng nhau dọn cỏ. Bây giờ chẳng có thời gian nữa, mà thuê suốt thì có ngày ăn cháo. Cỏ cứ phá đi lại mọc như rừng.

Bà Duẩn nhìn ông Dũng đang thận trọng bước trong đám cỏ dại, mũi giày chúi xuống trước, gót giày đặt xuống sau. Trông ông ta như một diễn viên múa đang nhảy nhót trên cái sân khấu xanh ngời hoa cỏ dại. Bỗng dưng một tình cảm mến thương thầm kín len vào lòng bà Duẩn. Đúng hơn đó không phải là thứ tình cảm thầm kín, mà chỉ là nó đang phải sống trong thầm kín mà thôi.

Bà Duẩn cũng bắt đầu tình yêu và trở thành vợ hiền của ông Duẩn như thế, vào cái ngày ông bà còn là những thanh niên trẻ nhất làng. Tình yêu ban đầu rất đẹp, cho đến khi những xô bồ của cuộc sống, những va chạm và rạn vỡ trong hôn nhân đã "lôi tình yêu lên treo cổ". Khi tình yêu đã chết, thì lạ thay, người ta quên phắt những đẹp đẽ ngọt ngào, chỉ còn những cái xấu xa cứ khơi khơi ra, như gái đĩ, chả ý tứ gì.

Mà tình yêu của ông bà Duẩn đã chết rồi hay sao? Cho đến lúc này, khi bà và ông Dũng đứng trong mảnh vườn ngập cỏ, mà khi còn trẻ, còn khỏe và còn yêu thương, chẳng bao giờ ông bà Duẩn để chúng tác oai tác quái như thế, bà mới bắt đầu hồ nghi. Đáng sợ nhất trên đời không phải cái chết, mà là cái chết cứ gặm nhấm từng ngày, từng giờ, cho đến khi người ta nhận ra cái thứ mình ôm khư khư trong tay ấy đã thối rữa, mới thật là buồn.

Ông Dũng là người làng bên, không phải dân chính gốc nơi này, chỉ là theo vợ về làm rể, ở lâu thành ra đến cả thổ âm cũng chẳng chệch đi tẹo nào. Vợ chồng ông ta nổi tiếng làm "chuột bạch". Chuột bạch là cái tên không biết gã lắm chữ nào nhớ ra và ghép đúng vào cặp vợ chồng ấy, là bởi cả ông và bà vợ đều thuộc tuýp người không biết sợ, liều và chịu chơi. Trước nay, ở cái làng này, không có mô hình kinh tế nào là vợ chồng ông ta không thử một lần. Hầu hết là thất bại. Càng thất bại lại càng máu làm lại. Cũng may, vài năm trở lại đây ông ta mang về cái nghề đan mây tre giang thuê cho một làng nghề gần Thủ đô. Ban đầu là đan thuê, rồi móc nối với nhiều mối khác, cuối cùng là thành chủ nhỏ. Kinh tế ổn định dần. Con cái cũng đã cưới hỏi xong cả. Có thể nói bắt đầu hưởng thụ cuộc đời.

Nhưng cũng chính vì kinh tế ổn định dần, mà bà Duẩn nghe nói tình cảm vợ chồng ông ta cũng chấp chới đổ vỡ. Lạ làm sao. Lúc khó khăn người ta sát cánh kề vai, lúc an nhàn hưởng thụ thì lại đổ đốn thay lòng đổi dạ. Bà bạn già của bà Duẩn mới đây đã ly hôn khi đã con đàn cháu đống. Ra tòa xong xuôi, ông chồng cũ quay ra dặn bà ấy: "Nhớ tìm một người đàn ông giàu giàu mà nương tựa". Bà ấy òa khóc: "Khi ông nghèo ông yêu tôi, giờ ông giàu ông lại yêu người khác."

Chao ôi là buồn!

Bây giờ, bà Duẩn không muốn nhìn thấy chồng ở nhà mỗi ngày, vì chẳng còn yêu nhau, nhìn nhau chán lắm, không khác gì nhìn thằng cha hàng xóm ất ơ vô duyên. Nhất là khi ông ta chẳng hiểu gì, chẳng thông cảm gì cho những đam mê của bà. Vợ chồng sống với nhau già nửa đời người, đắng cay đã cùng trải, mà giờ có chút hưởng thụ thì lại thế này thế khác.

Không thích lên mạng hát hò, ông Duẩn cứ thơ thẩn nay quán bia này mai quán rượu khác. Rượu bia ông ta không uống được, nhưng cứ thích ngồi ở mấy cái quán ấy cho oai. Mà nào có ngồi không, lại bê về một đống chuyện vớ vẩn, ngồi lê. Chẳng hạn, cứ ra quán bia là về nhà ông càu nhàu rằng bà không chăm lo việc đồng áng, bỏ bê ruộng nương.

Truyện dự thi: Lên sóng - Ảnh 2.

Nào bà có bỏ bê. Ông thừa biết rằng bây giờ không còn cái thời con trâu đi trước cái cày theo sau. Thời đại mới, trong một làng mà có tới ba bốn nhà mua máy cày về cày thuê kiếm tiền. Chẳng cần ai đồng ý hay không, sau vụ gặt, mấy nhà đấy tự giao ước với nhau, kiểu như: "Tôi xí đồng này, anh cày đồng kia". Thế là họ đánh cày xuống chạy một tràng dài hết đầu cánh đồng này đến đầu cánh đồng kia. Rồi đến lúc bừa cấy, máy lại nhảy vào bừa mươi, mười lăm phút là xong. 

Có điều bừa xong, trông qua thì đẹp đấy, nhưng hai đầu ruộng thì khoáy sâu như cái hố bom, muốn cấy cho "ngon" thì phải mất toi buổi sáng cào san lấp bở hơi tai mới được. Ấy thế mà cây lúa vừa cắm xuống còn chưa bén rễ, nhà "cày" đã đến tận bờ ruộng đòi tiền công. Khổ nỗi, không thích thuê nhà này mà thích thuê nhà kia cơ, cũng chẳng được. Họ chia nhau bằng cái luật ngầm của họ, léng phéng mà đánh cày nhầm một mẩu đất thôi cũng xảy ra táng nhau biêu đầu mẻ trán. Gặt hái cũng thế. Vào vụ gặt, máy gặt đến tận chân ruộng, nông dân chỉ việc đứng trên bờ với mấy cái bao tải. Lúa gặt xong cho vào bao tải chở về nhà phơi, nhàn nhã thế còn kêu ca gì nữa. Tương tự như máy cày, máy gặt cũng chia phần với nhau cả. Đấy, nên dẫu nhàn, dẫu sướng cái thân nhưng không sướng cái tâm. Ức nhất là mình phải nghiến răng để cái thằng mình ghét nó đè nghiến ruộng nhà mình ra mà cày, mà gặt.

Thế thì ông cứ phải lo mấy cái chuyện cấy hái vặt vãnh ấy mà làm gì, rồi thì nghe mấy mụ rỗi hơi ghen ăn tức ở đun vào đẩy ra, ông về lèm bèm với bà, thế là rách chuyện.

Suốt ngày cãi cọ vì mấy chuyện không đâu, nhân dịp con gái sinh cháu, bà bắt ông xuống phố trông cháu cho con. Ông vốn khéo dỗ trẻ con, gửi ông xuống thay bà chăm con gái đẻ là hợp lý quá còn gì.

Gì chứ, chuyện trông trẻ con đối với ông chẳng thành vấn đề. Đằng nào thì bao nhiêu năm chôn chân ở cái làng này, quanh đi quẩn lại chuyện cày bừa cấy hái phân gio, ông cũng chán. Chán hơn cả là cảnh vợ chồng già cứ chằng chuộc, không êm thấm gì, nên ông nhận lời ngay.

Đó là những ngày ông vắng nhà, và bà đã trở thành một người phụ nữ thành đạt… trên mạng, khi gây dựng thành công mấy Câu lạc bộ ca hát. Mà Câu lạc bộ nào cũng đông tới hàng ngàn thành viên chứ nào có ít. Thế mới thấy thiên hạ tiến bộ vô cùng. Bấy lâu, bà cứ ngỡ chỉ có cái làng của bà là dân tình mới yêu ca hát đến thế, chứ nào ngờ thiên hạ còn "máu me" hơn nhiều. Khi quản lý Câu lạc bộ cả ngàn thành viên, mà thành viên nào cũng máu lửa như nhau, việc điều tiết để không gây bất hòa là điều không dễ. Đấy, cứ tưởng cái tài quản lý hàng trăm sinh mạng… gà vịt của bà chỉ là trò vớ vẩn, hóa ra nó cũng chẳng mấy khác khi áp dụng với… người.

Ông Dũng ban đầu cũng là một thành viên tích cực của Câu lạc bộ ca hát mà bà thành lập. Sau vì thành viên đông quá, đăng ký lên sóng nhiều lần không thành, ông chán dần, rồi lặng lẽ chuyển sang Câu lạc bộ khác. Bà Duẩn cũng có buồn. Nhưng không sao, không cùng một Câu lạc bộ, ông bà vẫn là bạn của nhau. Nhất là trong những lần đưa thành viên Câu lạc bộ đi giao lưu, bà và ông đã gặp gỡ ở nhau nhiều điểm chung. Với tuổi trẻ, người ta phải có nhiều điểm chung để đi đến tình yêu, dĩ nhiên, đôi người thì chẳng cần điểm chung nào cả. Nhưng với người già, chỉ cần một chút mong manh như tơ giời giăng mắc cũng khiến sinh tình.

Từ ngày làm chủ tịch Câu lạc bộ, đi giao lưu nhiều, lại có ông Dũng lúc nào cũng hướng theo (bà biết thế) bà Duẩn chăm chút đến chuyện ăn mặc hẳn. Bà sắm mấy bộ váy liền thân, ôm đùi có, xòe tung tóe có, hoa hoét có, hồng hường có. Khổ sở cả đời rồi, bây giờ là lúc hưởng thụ.

Ông Duẩn ngứa mắt, ngứa mồm mỗi khi bà diện váy hồng và son phấn đi giao lưu. Ông bảo bà vừa phải thôi, sao ngần này tuổi còn không chịu biết mình là ai thế, ăn mặc như gái đôi mươi, trông vừa lố lăng vừa hợm hĩnh. Bà không vừa, đốp lại ông: "Bao nhiêu năm tháng tuổi trẻ tôi vùi đầu vào phân gio ruộng vườn rồi, giờ tôi phải lấy lại nó. Đời tôi là của tôi, không khiến ông chĩa mũi vào".

Nói chung là gay gắt, nhất là thời điểm sau cô con gái sinh con rồi đến cô con dâu sinh con, bà Duẩn vẫn muốn ông đi chăm con dâu đẻ. Ông Duẩn giãy nảy:

"Bà làm sao đấy? Con dâu là con, nhưng khác máu tanh lòng, bà nghĩ thế nào mà đòi tôi đi giặt tã lót cho con dâu cháu nội?".

Bà vênh váo: "Sao phải giặt? Bây giờ cái gì cũng vứt vào máy giặt, nó quay vù vù một lúc là phơi phóng được, ông có phải nhúng tay vào đâu mà ngại. Ông chỉ việc bế cháu lúc nó khóc, nấu cơm cho chúng nó ăn, thế thôi".

Cãi vã, đùn đẩy mãi, thế nào mà ông Duẩn đành phải chịu, lại cum cúp cắp túi quần áo đi chăm con dâu đẻ. Ở xứ khác chả biết thế nào, chứ ở gầm trời nước Việt này thì có một, bất quá thì thêm hai.

Ông Duẩn đi vắng dễ cũng đã đến cả tháng rồi, căn nhà thiếu vắng bóng ông, nhưng bà Duẩn chẳng lấy làm trống vắng. Bà đã có những thú vui của bà, những thú vui mà một người tụt hậu như ông chẳng bao giờ hiểu được.

Loay hoay mãi, ông Dũng và bà Duẩn vẫn chẳng bắt được con gà nào. Thường ngày chúng tự quấn vào chân người, nay tản mỗi con một góc, hễ người cứ tiến lại gần chút là y như rằng chúng nhìn trước ngó sau quang quác lẩn mất. Đấy, loài vật đâu có ngu như người ta vẫn tưởng, chúng cũng có dự cảm về cái chết chứ đâu phải chuyện đùa.

Trong nhà, tiếng nhạc karaoke đang vang lên ầm ĩ, một chốc, giọng ca vàng… the thé của cô Hồng bán vịt quay vang lên. Đám chị em trong nhà sau khi "lai chim" ăn nhãn, đã tự mở dàn để "lên sóng", trong lúc chờ đợi chủ nhà thịt gà làm cơm.

Bất chợt một cơn gió từ đâu chạy đến ào ào khua đám lá cây trong vườn xào xạc. Những chiếc lá vàng của cây sấu to đổ xuống như mưa. Cái cây sấu vô duyên, lá vàng chẳng cứ mùa nào. Trong làn mưa lá, bà Duẩn ngây người trước ánh nhìn khác lạ của ông Dũng.

Chính lúc ấy, một con gà mái vô duyên lại ngác ngơ nhón sáu cái ngón chân dài ngoẵng của nó từng bước, từng bước trên thảm cỏ xanh. Sực nghĩ đến việc bắt gà, nhưng vì hồi hộp, bà Duẩn chẳng còn tính toán khoảng cách hợp lý, khoảnh khắc kịp thời, nhào vào vồ nó.

Ông Dũng cũng mất bình tĩnh, không còn tính toán khoảng cách hợp lý, khoảnh khắc kịp thời, cùng nhảy vào vồ con gà, như bà.

Quang quác, con gà dùng hai chân bật nhảy, hai cánh đập loạn xì ngầu, dẫu mang cái thân nặng hơn ba cân, nó cũng vẫn kịp thời bay vù đi mất, chỉ ông Dũng và bà Duẩn ôm chầm phải nhau.

Đất trời như hóa đá. Hai người cũng như hóa đá. Chỉ khi tiếng cười khanh khách của một cô "Câu lạc bộ viên" vang lên, họ mới "rã đông", buông nhau ra.

"Này thì ôm nhau bắt gà này! Này thì bắt gà ôm nhau này. Già rồi còn đú đởn. Bà cho mày chết!"...

Mỗi câu "này thì" là một cái đạp dúi dụi. Bà Duẩn xây xẩm mặt mày, lăn bô chiêng xuống sàn nhà, va phải mấy cái ghế nhựa làm chúng cũng đổ bô chiêng theo. Chưa hả giận. Mụ vợ ông Dũng lao vào buồng nhanh tay vơ một ôm váy áo chạy ra sân, lôi cái chai xăng 500ml treo ở xe máy ra tưới lên rồi vứt luôn cả cái bật lửa gas vào đó. Đám váy áo của bà Duẩn bắt lửa, cháy đùng đùng trong nước mắt nước mũi tiếc của đứt ruột của bà. Đó là mớ váy áo bà mặc đi giao lưu trong cương vị "chủ tịch CLB", mà bà đã luôn cẩn thận giặt ngâm "com pho" (Comfort) phơi khô dưới nắng rồi mới treo vào tủ gỗ.

Không có ai ở nhà để bênh bà. Đám hàng xóm ở gần nhất lại đang nhảy nhót "lên sóng" trong tiếng nhạc karaoke rộn rã: "Nghe nói Cà Mau xa lắm. Ở cuối cùng bản đồ Việt Nam…".

Ông Duẩn về đến nhà thì bà Duẩn cũng đã tự dọn dẹp xong xuôi cái vụ đánh ghen dằn mặt "chất như quả đất" của mụ vợ ông Dũng. Cũng như ông Duẩn, mụ ta biết rất nhanh cái vụ "ôm nhau bắt gà lên sóng" của ông Dũng, bà Duẩn nhờ "truyền trực tiếp" của cô câu lạc bộ viên "Tình ca". Chẳng là trong khi mấy chị em tranh nhau tìm bài hát hò, thì cô ta định ra vườn tham gia vụ bắt gà làm cơm. Điện thoại thông minh trong tay, "goai phai" căng đét, "lai chim" đang là mốt thời thượng, sao không làm một cảnh bắt gà đồng quê cho nó máu me chứ.

"Em chỉ định lai chim bắt gà thôi, không ngờ…" Cô ta nhăn nhó hối lỗi. Nhưng hối lỗi thì giúp gì được cho bà Duẩn cơ chứ. Ngày nay, cả tông ti họ hàng hang hốc bạn bè đều ngự trên "phây" cả. Chỉ một động thái nhỏ được thu vào điện thoại là phát tán cho khắp thiên hạ biết ngay.

Không đả động gì đến việc "trên mạng" nóng hôi hổi của bà, ông Duẩn chậm rãi bảo: "Tôi đã quyết định bán nhà và vườn nhãn rồi. Hai tỷ rưỡi. Bà xuống chỗ thằng Toàn trông con cho nó, tôi ở nhà thu xếp bàn giao".

Những lời ông Duẩn nhẹ nhàng, mà như đá tảng, cứ mỗi hòn nặng hàng tấn giội xuống tâm can bà. "Ơ hay! Sao lại bán vườn? Bán vườn thì rồi vợ chồng dưỡng già ở đâu? Rồi sau này con cháu có chỗ nào mà về hưởng khí quê bình dị?".

Những lời bà như đã từ lâu nấp trong vòm miệng, chờ đến lúc ngay cả bà cũng không ngờ được, tóa ra.

Ông Duẩn thủng thẳng:

"Thì bà chẳng bảo tôi lạc hậu đấy thôi. Bà chẳng đòi tôi bán vườn từ lâu rồi đấy thôi. Với lại, chuyện của bà, giờ biết nhìn mặt người làng, xóm giềng sao được?".

"Ông vì danh dự chứ gì? Rút cuộc ông chỉ vì cái danh dự của ông thôi" - Bà Duẩn gào lên những lời ấm ức.

"Thế nếu không vì danh dự, tôi còn cái gì để mà vì nữa, hả bà? Sao bà không mừng vì tôi vẫn còn danh dự?" - Ông Duẩn nói.

Cơm tối xong ông lên giường ngủ từ sớm, chẳng thiết xem tivi nữa. Những ngày đi trông cháu ngoài thành phố, tivi cả ngày chỉ kênh hoạt hình và tiếng Anh cho thằng cháu lớn, chẳng có lúc nào ông xem được những bộ phim yêu thích của mình. Bỏ vài tập, rồi cũng quen đi.

Vườn nhãn xào xạc trong gió. Những quả nhãn chín căng rụng lộp bộp trên mái nhà. Đám chuột bọ rúc rích ăn quả ngọt. Lòng bà Duẩn cứ như tơ vò.

Bán vườn, bán nhà, già nửa tiền ông bà giao cho thằng con, để nó mua một mảnh đất nhỏ ngoại ô thành phố, cất một ngôi nhà đủ chỗ chui ra chui vào cho cả gia đình. Số còn lại gửi ngân hàng để lo đau ốm bệnh tật của cả nhà. Xuống thành phố, bà cũng sẽ không cô đơn. Điều hành một CLB ca hát trên mạng thì cần gì phải ở nông thôn hay thành thị. Nếu có buồn, bà cũng có thể đến thăm những bà bạn cùng làng đã xuống thành phố làm ôsin, hay buôn bán vặt ở vỉa hè, góc chợ. Họ từ lâu đã bỏ những khu vườn trĩu ngọt ở quê cho cỏ dại, tìm kiếm cuộc sống gần con cháu ở thành phố cả rồi.

Cứ tưởng là bán được nhà, bán được vườn, bà sẽ chẳng vướng bận gì, cứ thế tênh tênh lên xe đến với con cháu, nhưng không, trong lòng bà càng lúc càng nhiều tâm sự. Bà không muốn rời nơi này nữa, không phải vì còn nhớ nhung gì ông Dũng. Tình cảm tuổi già mau đến cũng mau đi. Sau vụ đòn ghen, bà thấy ông ta cũng chỉ như một gã hàng xóm ất ơ, vô duyên, hay nhòm ngó chuyện đời tư mà thôi. Mà vì, trời ơi! Ngôi nhà này, khi lấy nhau, ông và bà đã cùng nhau đẽo từng viên đá ong, nung từng hòn vôi, ngâm từng khúc gỗ xoan để dựng nên. Nay nó đã cũ, nhưng là kỉ niệm đẹp nhất của ông bà. Rồi còn ba đứa con, chúng nó đều chôn nhau cắt rốn ở đây cả.

Ông vẫn nằm trên giường, không trằn trọc, nhưng bà chắc ông không ngủ. Vì hễ cứ ngủ là ông ngáy om cả nhà. Bà biết ông không còn mặt mũi nào với xóm làng, vì ông còn thương bà, còn tình, còn nghĩa. Nếu đã tuyệt tình, ông sẽ chẳng hơi đâu mà lo đến chuyện mất mặt với ai. Giữ lấy vườn nhãn gia truyền là hơn cả. Rồi còn có chỗ nuôi con vịt, con gà, trồng rau, thả cá, để lũ con cháu có cớ mỗi năm tìm về thăm bố mẹ, thăm vườn dăm ba bận.

Xếp cái áo cần mặc cuối cùng vào va ly, bà Duẩn ngồi bệt xuống thềm nhà, phóng mắt nhìn khu vườn trong sương sớm. Những cơn gió mát lành xôn xao đám lá trên cây và cả lá khô rụng trong sân. Ông cũng dậy, lục đục đun siêu nước pha trà.

"Thằng bé con hay bị táo, bà chịu khó nấu rau củ cho mẹ nó ăn nhé!".

"Tôi biết rồi!" - Bà đáp.

Pha trà xong, ông lịch kịch lôi cái xe máy trong bếp ra sân, âu yếm ngắm nhìn nó như người tình lâu ngày gặp lại. Sau bữa trà sớm, ông sẽ cùng nó đưa bà ra bến xe, bà xuống phố chăm con dâu mới đẻ thêm vài tháng cho mẹ con nó cứng cáp rồi lại về. Dù sao, ở bất cứ chỗ nào, bà vẫn có thể điều hành cái Câu lạc bộ ca hát đã lên đến bảy ngàn thành viên của mình. Nhiều thành viên như thế, làm sao để họ không đôi co cãi cọ, phàn nàn, không phải là chuyện dễ. Phải là người có tài mới làm được, như bà.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem