Truyện dự thi: Về nhà!

NSND Hoàng Cúc Thứ tư, ngày 24/03/2021 09:40 AM (GMT+7)
Ngước lên nhìn trời, thấy chẳng còn ngôi Sao Mai và ông Thần Nông toả sáng mờ ảo, cái lưng cúi khom khom chịu đựng của ông cũng mất tiêu.
Bình luận 0

Phần 1:

Ngước lên nhìn trời, thấy chẳng còn ngôi Sao Mai và ông Thần Nông toả sáng mờ ảo, cái lưng cúi khom khom chịu đựng của ông cũng mất tiêu.

Có dễ năm nay lụt lội mất mùa to. Mẹ bảo: "Hễ khi nào ngôi sao mai sán gần kề trăng đêm rằm và lu mờ trong vòng tròn mịt mùng toả ra xung quanh ông trăng, một màu xám vàng vọt úa tàn, thể nào trời đất cũng có biến!"

- "Vậy tất cả chúng ta biến mất hết hả mẹ?" - Nó hỏi.

- "Chết hàng loạt ấy chứ! Mẹ  nghẹn nhời: "Bão tố lụt lội thì trôi cả nhà cả cửa, trôi cả trâu chó lợn gà, đến  người chết còn chẳng có chỗ mà chôn..."

"Ông đánh đấm sao mà mặt mũi đỏ lòm lòm, sao lại bảo ông trăng ngậm máu? Sao  lại  gọi là gấu ăn trăng? Thật là dị thường, mẹ nhể?"

Mẹ lè lưỡi rùng mình: "Ngày xưa cả làng phải mang nồi niêu mâm chậu ra đánh náo loạn làng, đánh đến thủng cả nồi, bẹp cả mâm, sưng hết cả tay  để nó đừng ăn mà... nhả ra! mà rồi nó cũng có nhả ra đâu?"

Thật là ly kỳ và rùng rợn. Nó hãi chết khiếp mà úp vội mặt vào lòng mẹ, mơ hồ một cảm giác lẻ loi, bé nhỏ trong cõi đời u minh, vô cùng, vô tận!

Hít hà mùi mồ hôi vẫn còn vương mùi rơm rạ sau mùa trong hơi thở mẹ, cơ thể ấm mềm của mẹ cho nó một sự an lành, để rồi nó vùi sâu vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Đã đau bao mùa lúa lép,

Ngô đồng có râu mà chẳng có hạt.

Lúa được mất cũng tày theo năm tháng!

Chẳng còn mẹ để thủ thỉ dạy nó, cho nó cách nhận biết từng chòm sao, từng tên gọi. Hằng đêm, nó kề đầu lên gối mẹ, ngước lên bầu trời tìm  kiếm những ngôi sao cô độc nằm dải rắc trên Ngân Hà...  nơi xa lắc xa lơ có ông lão chăn vịt ngồi ngóng đàn vịt trời quay về!

Truyện dự thi: Về nhà - Ảnh 1.

Tranh minh hoạ truyện dự thi Về nhà của hoạ sĩ Bùi Tiến Hoà

Trên  cây  cầu Ô Thước, bóng dáng đôi vợ chồng bịn rịn, đợi chờ cả năm mới được một ngày chung gối... Tháng Bảy là tháng cô hồn, mưa lai dai dầm dề, mưa dữ lắm. Mẹ kể rằng, dân gian gọi là tháng mưa ngâu. Đôi tình nhân Ngưu lang, Chức nữ  sẽ phải xa cách nghìn trùng, đến giờ tiễn biệt họ chỉ biết ôm nhau khóc thương cho chính số kiếp của mình... nên dương gian mới ngập lụt.

Giờ đây, nó cũng thành thiếu phụ không chồng. Gia tài duy nhất từ cuộc hôn phối bất thành là có đứa con, thằng lỏi khiến nó lao tâm khổ phận để nuôi và cũng từng hằng đêm khóc hết nước mắt vì duyên phận hẩm hiu của mình.

Xóm nó bây giơ trắng xoá tinh nước là nước.Bố nó  điện khẩn, gọi lúc nửa đêm khi nó đang vật lộn say mèm vì bữa rượu tuý luý sinh nhật con bạn.

"Con đừng có mà lo cho bố, đừng về vì vỡ đê, cái thuỷ điện nuốt không hết nên xả lũ, mưa thối đất thối trời dài ngày, nhà mình nước ngập lún đầu", bố nói một lèo, chỉ sợ nó cúp máy như bao lần.

Phải cứu Hà Nội nên làng nó đành chịu phận sầu.

Kể từ khi mẹ mất, bố  đi bước nữa, nó lồng lộn hận thù.

Có hàng ngàn câu hỏi cứ luẩn quẩn trong cái đầu bất lực: Sao bố chóng quên mẹ nó thế để đi tìm cho mình một cuộc đời khác?

Sao đàn ông là cái giống gì mà năm thê bảy thiếp?

Cần gì phải lấy vợ nhỉ! Cứ nhặt bừa lấy một cô cho có bầu có bạn, thích thì tụ, gọi là" góp gạo thổi cơm chung" chẳng dẻo thì nhà ai về nhà nấy! Nhẹ gánh.

Bố cũng gày tóp đi, mỗi khi nó bỏ bữa, tủi hờn nằm vùi bên gốc cây mít đầu hồi, nịnh thế nào cũng không chịu...

Nhìn cái đầu phất phơ hai màu sương khói, lụi cả đỉnh đầu, nó lại thấy thương thương. "Ngày xưa, tóc bố dày như rễ tre ấy, nhưng bố đội đất vật lên nền nhà, cho nên nhà mình mới có cái ao to đùng. Cứ ngày ngủ, đêm làm...  ròng rã cả mùa Hè.

Khiếp quá! Mẹ kể mà khoé mắt cứ ánh lên: "Đỉnh đầu trụi lụi hết, tóc chẳng thể mọc nổi!"

Trời hỡi! Sao bố không sống nốt phần đời còn lại bên con cái thế này có lành hơn không! Thi thoảng các con về, chu cấp đầy đủ, muốn ăn thì ăn, muốn chơi thì chạy sang mấy ông già hàng xóm chơi  cờ, luận bàn thế sự, thả cá tỉa cây chơi! Chẳng hơi đâu mà tra đầu vào gông, rồi lại vợ vợ chồng chồng nhăn nheo rúm ró như quả thông già, vẽ chuyện?!

Sau hồi tra khảo như quan toà ép cung phạm nhân phải nhận tội, biến bố nó trở thành tội đồ! Chẳng hiểu sao nó vẫn đau đáu dõi theo mà lòng ngập tràn cay đắng.

Tức khí nó đùng đùng bỏ nhà lên thành phố ở, sau hàng tuần chiến tranh lạnh với ông. "Đừng tìm con, con sẽ tự lo lấy cuộc đời mình" chỉ vài dòng chữ đặt dưới đĩa xôi nó nấu bữa sáng cho ông!

Mất dễ đến mấy mùa lá rụng, nó vật vã với cái thói chà đạp cho bõ tức mỗi khi ông gọi điện cho nó, hỏi thăm nó sống thế nào, ăn uống ra sao, công việc có áp lực không? Thì nó lại điên tiết lên, làm như chẳng cần chi hết. Nó cứ ôm cái di ảnh của mẹ trong lòng như một vật thiêng, như một thánh địa, để có cớ mà tàn sát bố bằng một sự vô cảm có chủ ý!

Nó cứ tỉnh bơ lạnh tanh như máu cá, để tỏ rõ khí phách trước sau như một và nhấm nháp sự hả hê: được trừng phạt ông bố già thất thần trước tình cảm chua cay mà nó ban tặng không thương tiếc cho ông.

Rồi nó cũng chẳng hơi sức đâu mà ôm hận ông bố già nua mà còn bầy chuyện đi bước nữa, không chịu sống nốt phần đời còn lại trong danh giá vị nể của các con!

Khi anh nó thông báo: "VỀ NGAY, BỐ ĐÃ BÁN NHÀ!"

Phần 2:

Kể từ ngày tôi bỏ nhà ra đi tính đã hơn 7 cái giỗ của mẹ.

Anh trai thì cũng đi lao động xuất khẩu tận Trung Đông.

Chỉ còn bố và người vợ kế kiệm nhời chung sống, ấy là tôi đoán thế, bởi cứ mỗi độ cúc vàng nở rộ gần ngày giỗ mẹ, ông lại khẩn thiết mong tôi về: "Nhớ mang cả thằng Bình về cho ấm nhà, để bà được yên lòng nơi cõi Phật".

Rồi tôi chẳng kịp hỏi chi chi xong bữa là quấy quả đi ngay.

Bà vợ mới của ông bao giờ cũng ngại ngùng vài nhời nài nỉ để tôi mang đủ thứ vườn nhà: trứng gà, ruốc lợn rau xanh hoa trái... Ông thì cứ lăng xăng bê bê buộc buộc sau xe, dù ông nói bã miệng thì tôi vẫn viện cớ: "Dào ơi, con có mấy khi nấu cơm đâu mà ôm về!"

Trời mưa như bão cát sa mạc, bỏng rát bực bội và hằn thù, quất lia lịa lên mặt mũi, lại sấm chớp liên hồi ướt nhoèn bất lực!

Ngày mẹ còn sống, bà bảo: Hễ  sấm chớp phía Tây là mưa dông gió giật!

Đêm nay trời giông bão cứ lục bục ầm ì, trời đất một màu xám ngoét, hệt trăm nghìn con quái vật ngoác cái miệng đen ngòm, vật vã  rên la như trở dạ đẻ! Như muốn lao xuống mà vồ lấy tôi mà hả hê cấu xé!!!

Mặc kệ, tôi cứ cắm đầu cắm cổ long lên sòng sọc trên chiếc xe cà tàng lao vào cơn xoáy của mưa gió.

Mẹ kể: Trong đêm khuya đến cữ gà gáy canh hai, người nhà nông cứ hướng lên bầu trời để tìm về chòm sao Bắc Đẩu, để nhận biết năm đó có mưa thuận, gió hoà.

Tôi tồ tẹt, lại hay hờn hay dỗi. Mẹ thở dài: Còn bé mà ương lắm, đừng bỏ đi đâu xa, mà chẳng may có bị lạc thì cái đuôi của chòm sao Đại Hùng chói sáng nhất mang hình chiếc gầu tát nước kia sẽ đưa đường, chỉ lối cho con hướng về phía Bắc, để biết lối mà tìm về  nhà!

Nhà ư, nhà nào? Liệu có còn ngôi nhà nuôi ấm tuổi thơ, ngập tràn tình yêu thương và những kỷ niệm vô bờ về hình bóng của mẹ.

Cái gốc mít mà sáng mồng 5 tháng 5 âm lịch nào mẹ cũng mang dao ra tra khảo với từng vết chém hờ. Còn anh trai tôi thì tót trên ngọn mít, kêu oai oái vì bị kiến đốt sưng cả đít, để trả lời mẹ:

- Năm nay, mít! Mày có cho tao 100 quả? 1.000 quả không?

Nhìn bộ dạng và câu hỏi "dở hơi" của mẹ chẳng hiểu sao lúc ấy, tôi cứ cười sằng sặc rồi cù nách mẹ,làm bà không chém được gốc.

Nhà nào nữa, khi bố đã đang tâm gọi các con về để bán. Thật xót lòng quá! Tôi ngước lên cầu khẩn một thế lực vô hình, vô ảnh nào đó để an lòng trong đêm đen bịt bùng sấm dữ, mất tăm mất tích chòm sao Bắc Đẩu. Mất tăm mất tích những áng sao xa xăm, để trời mây vần vũ cùng gió giập mưa vùi, xô tôi bơi trong vô định.

Đoành! Tiếng sét bất ngờ cắt ngang dòng suy nghĩ! Tiếng sét chát chúa xé toạc đêm đen bịt bùng... chẳng kịp định thần. Ầm một nhát.

Ngã sõng xoài!

Hình như tôi lăn vài vòng rồi lọt tõm vào một cái hố đen ngòm, rồi lạc vào mơ hồ... bay lượn... bay mãi, nghe như có tiếng gọi nào xa thẳm thật ru dương của mẹ... chới với trên tầng mây ngũ sắc, vần vũ. Đuổi theo những cơn gió... Tôi như thấy:

Tay mình đang hái các vì sao!

Phần 3:

Mẹ nhấc bổng nó lên và đặt gọn vào lòng, mẹ vuốt ve bộ mặt tái xám của nó, hình như nó cắn rất đau trên cánh tay của mẹ để ngăn cho tiếng la hét chật cứng trong họng. Như lả dần, lả dần, thấy đói khủng khiếp, ngáp ngáp... thân dưới nó ướt sũng...

Có tiếng mẹ  reo: Ôi con trai!

Nó cố ngóc cổ lên ứa nước mắt  với cái thở hắt ra: Thoát rồi.!

Đau một ngày, một đêm, máu tươi cứ râm ri, râm rỉ chảy. Chiếc giường sắt ở bệnh viện Phụ sản Trung ương, cái khung sắt để mắc màn và một cây gậy để truyền tiếp máu,  kháng sinh, gluco - rối  như canh hẹ - thôi thì đủ  loại cắm vào tay, nó dứt quăng đi hết. Nó nghiến răng trèo trẹo rồi sợ cắn vào lưỡi, nó há hốc mồm, đứt cả hơi. Không biết phải xoay sở ra sao nó trút hết đau đớn vào đôi tay gân guốc. Nó bẻ cong hết, cả khung sắt để mắc màn của chiếc giường, hết gập xuống, lại kéo lên, ngon như bẻ mía. Rồi hộc lên như con lợn bị đâm! Ực ực, cố nuốt vào cuống họng, ngay cả  rên rỉ la hét nó cũng ngại ngùng,

Máu tươi đỏ ướt đẫm đũng váy sản phụ bà đẻ do bệnh viện phát, tràn thấm hết sau mông đít, đóng bánh khô roong suốt một đêm. Cơn đau chìm xuống rồi lại bùng lên, khiến cho háng đầm đìa, máu chảy tong tỏng thành vũng dưới chân, nó chỉ dám rên rỉ xin cho được rạch ra 12, 15, 20 mũi cũng được...

- Đau quá cô ơi! Cháu chết mất!

- Đẻ sao được, tí tuổi mà đã có chồng, cái bụng bé tí, đã tụt xuống đâu?

Cho... cháu ...kích đi! Cháu cắn cỏ lạy cô?

Lạy cái gì? Chọc nước ối ra rồi mà chỉ mở có 2 phân thôi, đòi đẻ sao? Cô y tá cắm ca cắm cảu gắt nó.

Thật ra nó còn may chán, đã chết đâu mà sợ! Cô y tá ném nụ cười khinh mạt về phía nó rồi quấy quả sang nơi khác đang kêu toáng lên: Có bệnh nhân tụt huyết áp!

Chỉ tội cho cái cô nằm kề bên. Bốn nhăm tuổi, lấy chồng  mười ba năm, chẳng biết có can thiệp gì không, còn ba tháng nữa cứ phải nằm treo chân lên mà cái thai cứ đòi chui ra!

Mà lạ thật, sao nó thấy đơn độc khủng khiếp, một  nỗi uất nghẹn, đau đớn bất tận cứ dâng lên bóp nghẹt trái tim non nớt của đứa trẻ tập toẹ làm vợ.

Nó nhìn quanh: tràn ngập tanh hôi pha lẫn mùi ete, mùi sát trùng rất đặc trưng, ngột ngạt, bức bối, những tiếng rên la, rền rĩ, khóc lóc, cầu xin.

Cái xứ sở kỳ lạ đáng nguyền rủa này đã cấm những người vượt cạn không được tiếp cận bất kỳ cha mẹ, chồng con, chị em trong lúc vào nhập viện để đẻ.

"Người chửa cửa mả", - Mẹ  đã từng "tập huấn" nó nghe cái sự được làm người là một đặc ân của chúa trời.

Bà đỡ ngày xưa tận tình lắm, họ xoa bóp, động viên, thậm chí có những đứa bé ba vòng tràng hoa quấn cổ bà đỡ vẫn luồn tay, thọc tới tận khuỷu tay để  gỡ. Mẹ tấm tắc thán phục: có cả thai ra ngược, chân đạp ra trước, thai phụ ngất lịm mà bà đỡ vẫn xoay cho đến khi mẹ tỉnh, chỉ lấy hơi rặn một phát là đứa trẻ tọt ra! Chỉ cấm chồng không được bén mảng thôi, vì lúc đẻ người mẹ trông xấu xí gớm ghiếc nhất!

"Thì đã sao?" - Nó hỏi,

"Không được!" - Mẹ quả quyết. - "Đàn ông họ dễ thay lòng, vợ xấu quá họ dễ chán."

Thảo nào có bao người dở khóc, dở cười khi vợ chửa ông chồng tòm tem con em vợ đến chơi thăm chị gái.

Đêm đã buông xuống, nó nằm sát cạnh cửa sổ, lố nhố những nóc nhà, ngoài kia chỉ thấy tiếng lá rụng, bầu trời  còn lại như mảnh khăn xám cao thẳm... Hình như, một ngôi sao rụng rơi trong đêm vắng.

Còn nó thì sau giấc ngủ mê mệt, thiên chức làm mẹ như mách bảo cho trái tim yêu thương của bất kỳ bà mẹ nào trên trái đất là được ngắm nghía, sờ nắn cái mắt này, cái miệng này, cái tay, cái chân... thiên thần nhỏ xíu dứt ruột đẻ đau của mình. Cần phải cho con bú ngay dòng sữa mẹ đầu tiên. Có năm mất mùa, bố công tác xa nhà, nên anh trai thiếu sữa, mẹ phải bế đi xin khắp xóm. Mẹ hay kể chuyện ngày xưa lắm.

Dâng tràn cảm giác đê mê, nó được một đặc ân, là có mẹ kề bên trong lúc vượt cạn gian nguy nhất của cuộc đời. Mẹ đã bế nó lên, vỗ về an ủi, để nó không kiệt sức, hơn nữa nó còn cắn một nhát trên cánh tay của mẹ. Bỗng nhớ lại tất cả, thấy như còn vương mùi tro bếp nơi nó áp đầu vào ngực áo mẹ đang dỗ dành.

Mắt cứ díp lại, khiến nó thèm được ngủ một giấc thật sâu!

Hét lên bên tai, phải hít thở, phải cố lên, đừng ngủ con yêu!

Cố lên ư? Thật là kinh khủng, như có quẫy đạp tơi bời, như có trăm ngàn cuộc loạn ẩu trong bụng nó. Đừng để băng huyết! Đừng để con chảy máu nhiều!

Thay vì lời khẩn cầu của mẹ, nó lấy hơi hét lên một tiếng!

Tiếng hét như bất lực dội ngược trở lại, loang trong lồng ngực, khiến tim nó như đang được cán mỏng ra, chẳng còn chút oxy nào để hít thở.

Sao nó thấy mình đang lao vun vút rất nhanh về một cõi vô cực, không thể kiểm soát nổi?

...

Có tiếng gọi!

Có tiếng chạy huỳnh huỵch!

Có ngàn vạn tiếng rít tựa như đêm sao băng đang phủ đầy lên thân thể nhỏ thó của nó một màu sáng mù loà...

Có tiếng khóc chào đời của một sinh linh yếu ớt, bé như cái hoa chuối... cả tiếng mẹ kêu khẽ khàng: Ôi con ...

Tâm trí nó tan vữa ra chỉ còn đủ một khoảng nhỏ nhoi để bấu víu!  .

Lấy hết sức tàn để ngóc đầu lên tìm quanh.

Nó trào nước mắt, quặn thắt hết cả ruột gan...

Mẹ mẹ!

Nó gào lên:

MẸ ĐÂU RỒI! MẸ ƠI?

Phần 4:

Lang thang mất một ngày trên những con phố cổ, rồi lượn lờ xung quanh hồ Gươm.

Vương trong ngọn  gió tàn Thu, thấy như nó đang được bố mẹ cho đi thuỷ tạ, ngậm miếng kem Bốn Mùa lạnh buốt, chỉ muốn được khóc... nó nhớ!!!

Nó thủ sẵn 5 cái bánh mì kẹp ruốc, gửi tuốt vào bụng cả ngày, uống cơ man nào là nước vối nóng. Ăn uống như thể trấn an cái sự bấn loạn trong đầu nó mà thôi, cồn cào hết ruột vì cứ thấy hao háo rau xanh vườn nhà.

Phố chật cứng xe và người, mệt chân quá, mười ngón chân như bị tháo khớp, mặc kệ nó lê đi bất định, thế mà chả hiểu sao nó lại vào vườn cây trong Quốc Tử Giám. Nhẹ người, thanh thản đến kỳ lạ. Nó men theo lối cỏ bước vào khu vườn tĩnh lặng, bỏ lại ồn ã câm bặt tưởng như chưa hề có cảnh giới bên ngoài. Thẫn thờ ngắm đám rùa đá to đùng, mỗi ông đội trên lưng tấm  bia: 1.307 tiến sĩ được vinh danh. Oách thật! Nó thốt lên trong đầu, tâm nó thầm ao ước... khi mài mài bàn tay lên đầu một cụ rùa. Bỗng như có ngôi sao vụt sáng sẹt qua vùng não bộ của nó. Vội lắc mạnh cái đầu! Không, không!

Đầu nó trống rỗng vô hình vô cảm ...

Tối sập xuống lúc nào không hay, đèn đường sáng rức mắt, ngó quanh Quốc Tử Giám hoe hoắt chả còn có lấy bóng khách vãng lai, Tây ta tiệt sạch, xa xa trong màu u tịch, trong cái lạnh đầu đông, thảng như có sương chiều tê tê nơi bờ môi, đã thấm hơi sương đêm trên mái tóc xoã bời cả ngày không gỡ...

Bỗng như thấy một cụ rùa đá lắc lư cái đầu, lặc lè cái thân động đậy, rồi hai cụ rùa đá, nó cố giụi mắt: lần lượt cả dãy hơn chục cụ lắc lư, lổm ngổm, cái đầu vươn dài, đong  đưa với đôi mắt thô lố, cõng trên mai tấm bia ì ạch, nối đuôi nhau bò lổm nhổm tiếng về phía chiếc hồ vọng nguyệt...  Bỗng một luồng  gió lạnh lẽo sát nhân táp cứng thân thể ớn lạnh suốt dọc sống lưng. Nó giật lùi, vấp dúi dụi,bỏ chạy thục mạng  ra đường. Tiếng còi ô tô, xe máy inh ỏi, hỗn tạp, mũi mồm nó tranh nhau thở.

Điên à! Vài tiếng quát quất vào mặt nó!

Muốn chết đi về nhà mà chết!!!

Phải mất một lúc nó mới định thần được, nó mới thật sự cảm nhận được hết nỗi sợ hãi của con bé vừa hết lớp 12 dám bỏ nhà đi bụi. Toàn thân  nó run lập cập tựa như người bị sốt rét ấy, lạnh từ trong ruột lạnh ra.!!!

Đầu óc rối bời. Ừ nhỉ, đi đâu về đâu bây giờ?

Thôi thì nhất là bét, đánh liều tìm vào nhà Dì, em ruột của mẹ.Dì  lấy chồng rồi theo về Hà Nội. Ngày xưa khi bé bố mẹ hay cho nó lên nhà dì chơi, tối đến thì cả nhà lại được chú dì cho ra rạp Chuông Vàng  trên phố cổ xem  cải lương, chả hiểu kịch gì mà toàn khóc là khóc, khiến nó ngủ tít, hết kịch lay không buồn tỉnh.

Con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo gọi là phố Bích Câu. Mệt bã bượi vì cứ lộn ra rồi lại lộn vào, lúc quặt phải, lúc rẽ trái. Đi một hồi lại thấy như cũ, lại ra đúng chỗ vừa nãy đi vào khi nhận ra cái gốc si già cũ kỹ mốc thếch, tua tủa tinh rễ là rễ, nằm chềnh ềnh ngay giữa lối đi. Tức hết cả ngực, ù hết cả tai, cửa nhà nào cũng mở toẹt ngay ngõ đi, chỉ cần bước vài nhát là vào giữa nhà. Lạ nhất là họ nấu ăn ngay cửa nhà, thôi thì đủ mùi vị, thuốc bắc đang đun, cá thì đang rán, thịt rang mới bén lửa tanh tanh, ngai ngái, thấy lộn mề, lộn mật, cả mùi dầu gội rẻ tiền hắc rức mũi, tổng hoà một tạp hoá thắng cố chua chua nồng nồng, khốn khổ đến tức thở vì cái mùi than cứ xộc vô tội vạ vào mũi, nó thụp xuống nôn thốc ra  bãi nước vối hắc hắc đen sì sì.

- Mù à?

- Bảo ai mù? - Nó lắp bắp - Ngõ bé tẹo đi vào đâu?

- Đi cái đầu mày á, đồ nhà quê!

Trong lúc tắc tị chẳng mò ra lối, lại bị con trời vật phóng xe máy đâm sầm vào nó đang ngồi nôn oẹ, khiến nó ngã bổ chửng.

May mà không đánh nhau vỡ đầu, hai đứa con dì con già mừng quớ khi nhận ra nhau.

Ấy là câu chuyện cái ngày nó giận bố đi lấy vợ, nên nó bỏ nhà ra đi!

"Đủ thứ nghề miễn là dì cho con được ở nhờ!" - Nó khóc nấc.

Khi ở được  mười hai ngày, Dì đã gọi nó một chiều mưa mùa đông ẩm ướt mà rằng: "Phận con gái sao lại bỏ nhà bỏ cửa rồi sau này chồng con ra sao"

Nó lấy lòng Dì và cả nhà bằng việc cứ năm giờ sáng dậy nhóm bếp than ủ cho chú dì ấm trà xanh, rồi vội vàng đi gánh đầy hai cái  chum nước, gánh sớm đỡ phải xếp hàng,

Chỉ khổ cái: muỗi thì nhiều vô kể, có hôm nước chảy nhỏ giọt hiếm như nước thánh, thế là lũ muỗi thả sức mà chí nó, gánh được vài gánh nước đã phờ râu trê là đã sáng bảnh mắt, nó cuống cuồng chạy ra ngoài phố rửa bát thuê  cho hàng cháo lòng tiết canh. Chả hiểu sao  hiếm khi nào nó lần được ra phố để đi làm cho đúng giờ! Đã bao lần nó tự hỏi sao lại lú lẫn thế nhỉ? Rồi nó lại tự trả lời: Có thể vì đây không phải là nhà của nó!

Chỉ cần nghĩ đến nhà nó đã thấy sây sẩm mặt mũi, bởi vậy nó cắn chặt răng để nuốt nỗi buồn đang lang thang len lỏi vào bản ngã  mụ mị tăm tối.

Nó đã phải đổi chỗ làm thuê vài lần vì bị ông chủ xoa mông. Rồi có chỗ còn bị thằng ranh con nứt mắt của chủ nhà bắt đi chơi phố với cái giọng chớt nhả đĩ thoã:" Đêm Hà Nội thơ lắm bé ơi", liếm đôi mắt nhìn nó từ đầu đến chân nhìn như luộc thịt nó, rồi dừng lại trên bộ ngực hao gày khốn khổ của thiếu nữ buồn nhiều hơn vui, làm nó sợ chết khiếp.

Con em nó thì cười khanh khách: "Ui giời tại em đẹp! Đẹp là một cái tội đấy em!"

"Mỗi tội chị gày quá, thôi để em tính" - Con em họ nhìn nó đầy ái ngại

Ai bánh mì bánh giò ai vịt lộn ơ ơ ơ!!!

Cuối cùng thì nó đi "kinh doanh" đồ ăn sáng! Đó con đường an toàn nhất. Mà không phải cạnh tranh "tàn khốc!" con em họ nó nháy mắt tinh quái trêu nó.

Lang thang mọi con ngõ nhỏ, cho dù mưa hay nắng nó vẫn dằn lòng gắng bước, đôi lúc nó tự an ủi mình còn may mắn chán, khi chứng kiến nhiều cảnh đời cay cực bỏ nhà ra phố làm thuê ở đợ.

Đêm đêm nó chong đèn bấc ôn học để thi đại học. Chí nó đã quyết nên kiếm được đồng nào nó mua sách, đóng tiền vào trung tâm học ngoại ngữ, tin học. Nhiều lúc bán được lời, nó tự thưởng cho mình bằng đôi vé đến rạp, thế là nó và em con dì hả hê đi giải ngố.

Bõ công một năm vừa kiếm tiền để lo ăn học, vừa đỡ đần phần nào để cô em họ có thời gian đi tìm hiểu cho khỏi ế chồng, vì đã hai bảy cái lá vàng rơi. Nó luôn chịu ơn tình yêu thương của gia đình dì.

Bằng lòng tự trọng đầy kiêu hãnh, ngủ mà không ăn, vẫn quà cáp cho dì, lúc cân đường, khi cân cam, có khi mua vài bịch xà phòng.

Lần cuối, khi sắp dời nhà dì, nó đã sắm biếu dì và em một bộ vải may áo dài gọi là chút quà để em chuẩn bị lên xe hoa.

Dù cho Dì có từ chối thế nào nó vẫn sống thế, trung thực, ân cần, nhường nhịn. Nhìn ánh mắt ngấn nước của Dì, nó lại càng thêm thương nhớ Mẹ...

Còn Dì chỉ thở dài:

Sĩ diện, hệt tính chị tao!

Phần 5:

- Hàn thử biểu  đâu?

- Để làm gì?

- Sốt sình sịch rùi!

- Sao  sốt à?

- 43 độ  đây này, cởi áo cho hạ hoả nhá?

- Anh điên à?

- Hừ... hừ

- Khẽ thôi!!

- Nhưng chúng mình ngồi trên mà cứ thấy bọn nó ngả bàn đèn, ui ui... giường dưới đung đưa như đánh võng, chóng mặt lắm, đau quặn thắt hết cả ruột!

- Đừng dở quẻ nữa!

- Thôi từ mai mình ra gốc cây sấu già cho đỡ tủi!

- Dở người!

Cả phòng ký túc xá cứ như có bom nổ chậm... vào tối thứ 7

- Chết mất!!!.

- Suỵt!

- Này em, không thấy sốt nóng nó bò đến bụng rùi à?

Nghe rõ tiếng thở gấp gáp... Thằng người yêu nó quờ quạng mồm lảm nhảm...

- Cứ án binh ở đây bội nhiễm mất!

Cậu trai đổ vật xuống người, nó chết điếng vì nặng và bịt miệng nó bằng cái hôn cũng đau điếng.

- Ái ...đau thế! Bỗng có đứa giường dưới hét toáng lên,

- Véo gì mà véo đau thế?

Rồi tràng cười toé loe .

Không khí trong phòng rộn cả lên, hết cả tiếng thì thào to nhỏ,.

Sáu nàng mỗi cô một kiểu, mỗi giường trang bị một cái "phông" đủ màu, kéo ra kéo vô như chứa đựng bên trong sự hiểm nguy, gian trá...

Chẳng biết có sự thoả thuận ngầm nào không mà em nào em nấy có một "vũng ao" riêng để tha hồ mà thả bèo thả cá. Đèn phòng thì vưỡn sáng choang, trên tay ẩn hiện trang sách ôn bài.

Tuổi hoa niên ôm mộng thành tài chưa biết thành tật, nên nhập xác thiêu thân hoá kiếp phù du với vài ba mối tình chai lọ .

Tình thổ tả! Ấy là ban giám hiệu của trường "rủa" học sinh, ối đứa hạnh kiểm tuột xuống tận  mor. (0)

Nhưng với nó thì tình yêu như một  chất xúc tác dung dưỡng tinh thần để cho nó phấn đấu học tập và trưởng thành, thế thôi

Nó cứ ngây ngây trêu thằng người yêu: "Thị ơi thị cứ trên cành! Để cho Tí ngửi chứ đừng bóp ăn!" Cái triết lý cùn ấy hoá lại hay, thành thử nó thoát ối đận.

Tệ nhất là cuối năm học gần ngày ra trường, vô phúc đứa nào mà bị sao quả tạ chiếu yêu thì cứ gọi "Thất lang tinh", vì thất tình bỏ ăn bỏ học, bỏ cả thi chỉ có việc ngáp ngáp mà nợ đầm đìa. Cả tiền, cả môn học công toi. Sách vở chữ nghĩa của thày, của cô  hót vào sọt mang về mà "hoá vàng", chỉ còn nước gọi gia đình bố mẹ lên mà nhặt về.

Nó không tài nào quên được năm cuối đại học, vừa hết học kỳ 1, bọn con trai trong lớp bỗng nhiên  xì sầm kháo nhau: "Em ấy xanh mét vừa nạo thai đấy, ngất ngay trên lớp phải đưa đi trạm xá",

Có đứa ngâm thơ rằng:

"Tình yêu tiếng la tinh gọi là Mor

Cho nên từ tình yêu sinh ra cái chết!"

Thế cho nên con bé hoa khôi lớp nó biến thành hoa hôi!

- Hoa gì?

- Hoa con đĩ!

- Tội nghiệp!

Đứa nào cũng chẹp miệng: May mà nó không "đĩ"!

Vì sợ chửa hoang. Nó trịnh trọng tuyên hệ dưới gốc sấu già khi cậu trai ôm mặt nó nỉ non..."

- "Thà cắn lưỡi chết"! Mắt nó vằn lên.

Nó cảm nhận từ hơi thở. Từ cái ôm, đến mảng vai run rẩy... Khi hôn dễ bị lú lẫn... nó phòng tai hoạ:

Mọi chiếc quần đều thắt giải  rút!

(Mà có nhiều nhặn gì cho cam, vài ba cái khơ khớ chỉ để dành khi đi chơi hẹn hò cuối tuần  thôi) .

Rất nhiều lần trong cơn u mê xá lị nó thót tim: "Nhỡ bị cắt mà tụt quần"...Ôi trời!!!. thật kinh hoàng, chỉ chớm nghĩ đến thế mà tim nó đã đóng đông. Nó sợ cả những nụ hôn sao ẩm ướt, nó thấy nhạt thếch, kiếm cớ khó thở,

- Về, sớm mai em phải thi môn Triết.

Thực tình nó rất mệt vì mỗi lần hẹn hò đi chơi với người yêu là một lần đấu trí. Một sự đấu tranh tàn tạ giữa cái bản ngã thấp hèn không muốn biến mình thành con vật. trong khi cái bụng cứ sôi lên lục cục vì đói, vì tô mì ăn vội, vì cuốc xe tã tượi tận phố cổ bán rong, rồi lại tất tả bò về cho kịp hò hẹn cuối tuần.

Mắt nó cứ díp tịt, rồi ngáp vặt và để những ngày đầu tuần cắm đầu cắm cổ lên lớp nghe giảng mà không bao giờ bỏ học lấy một giờ.

Thế mà nó giữ được tận ngày ra trường với tấm bằng đỏ danh giá.

Còn về tình ái thì bạn bè phong tặng:

"Tấm thân trinh nữ nhà quê!"

Cậu người yêu cứ sốt sình sịch. Hẹn khao lễ nhận tốt nghiệp, nó bỏ mặc. Không một lời giải thích, nhận về băng giá âm 0 độ của người yêu. Để rồi vĩnh viễn lìa tình.

Bỏ lại đám bạn bè ngoi ngóp nhảy múa như bầy người da đỏ giết thú tế thần.

Sau 5 năm giận bố bỏ nhà tha phương.

Tay nó cứ run run, lóng ngóng với tấm bằng tốt nghiệp đại học Nông nghiệp. Nước mắt nó cứ lã chã, nó đã cho phép mình được khóc, khóc tức tưởi, thoả thuê... vì thương nhớ Mẹ!

Ước gì Mẹ còn sống!

Ngược về  quê trong cái run rẩy nồng nàn của hương lúa chín ngào ngạt ven đê. Trong ánh trăng mùng 2 lá lúa, mùng 3 câu liêm, mùng 4 lưỡi liềm, mùng... 6 thật trăng!

Trong khóm lúa vàng tan chảy ướt át ánh trăng tràn trên khoé mắt, trên bờ môi, nó muốn uống cạn no say mật ngọt của ánh vàng trăng mọng. Có tiếng thầm thì trên thinh không, lóng lánh những ánh sao, như dát bạc lên  thân thể mềm mại của nó một màu trắng xanh dịu dàng, mỏng tang như hơi nước... huyền ảo, mơ thực,

Trời đất một màu trắng trong, trên cánh đồng lúa bát ngát, hương thơm dào dạt, hồn nó chất ngất phiêu du... như vút lên, lượn mãi lượn mãi... rồi sà xuống đầu làng.

Bên nấm mồ hình nôi thả trôi theo cùng các vì tinh tú, tết thành từng chùm sáng li ti cứ ánh lên đón đợi, như vỗ về.

Nó ngả lưng êm đềm một giấc ngủ ngon lành, trên tay còn vương bông lúa vàng trĩu hạt, trong tiếng ru hời... đưa nôi của mẹ.

À á a ời

À á à ơi!!!

Lời kết

Chẳng biết nó đã ngủ sâu từ bao giờ! Bố bảo nó bị ngã xuống cái hố nên khi có người làng báo đi đồng thu hoạch rau mang nó về và bà mẹ kế đã chăm sóc nó tận tháng trời. Thảo nào nó nhận ra đôi tay bế nó lên khi nó vượt cạn trong chiếc phòng tranh tối tranh sáng không giống đôi bàn tay mềm mại của mẹ... trong cơn mê sảng và hàng trăm giấc mơ hỗn độn lúc nó bỏ nhà, lúc nó đi học.Và bàn tay làm lụng vất vả hàng ngày của người dì đã nuôi con cho nó bao năm trời khi nó  cố sống cố chết tầm gửi nơi đô thành với giấc mộng "Nam Kha" để được sống, được đổi đời.

Hàng tháng trời, bà "mẹ ghẻ" luôn là người bón cơm bón cháo cho nó.Vẫn thảng trong hơi thở của đồng quê mùi vị của cánh đồng, ngào ngạt mùi Đinh lăng, mùi cây thảo quả, mùi vị của lá tía tô, bạc hà, kinh giới, thơm nồng ấm ngào ngạt hương mùi trong tiết Xuân... Hằng hà sa số các vị thuốc nam mà ngày nó ngồi trên ghế nhà trường, tụi con gái cứ ghẹo lũ con trai bằng câu hò: Đố anh biết! Em nào có mùi nào! Anh biết, em sẽ nói anh biết... em sẽ gội cây mù u, hay cây hương nhu, em sẽ nói thầy bu cho anh...! Hã  hã! Nó bật cười khanh khách... chuỗi dài ngân như sáo!

Mẹ mẹ ơi! Nó bật khóc! Nức nở nước mắt thấm đâm trên đôi má hao gày mà miệng thì tươi như cánh  cúc vàng thấm ngát hương Xuân... trong chiếc gối ngày nào nó cũng được gối lên ngát mùi ngải cứu. Đầu óc nó trong veo trong vắt bởi từng giọt trong vắt tinh dầu cao lạc tiên... nó nhận biết tất cả, từng chút, từng chút... kỹ càng hệt như ngày nó làm dự án xây dựng Nhà máy chế biến tinh dầu những cây thuốc quí hiếm của cánh đồng thuốc Việt Nam.

Về nhà! Con sẽ về ngày mai, phải rồi ngày mai chưa phải là muộn, con sẽ bắt tay vào trình dự án mà con ấp  ủ từ khi ra trường: biến cả cánh đồng làng ta thành cánh đồng cấy trồng, thu hoạch thuốc quí! Dân làng ta sẽ thoát khỏi cảnh cấy trồng xôi đỗ, thích gì làm nấy, trồng xong không bán được phá đi đau cả đất gieo trồng, mùa trước hùa theo nhau, mùa sau để đất chết, lục đục khéo nhau đi làm thuê, bỏ đồng quê làm thân giúp việc nơi đô hội, chồng một nơi vợ một nẻo, nghề trong tay chẳng có méo mó rồi lại về làng chổng vó cấy cày, theo vụ được chăng hay chớ rồi lại bỏ làng đi làm ăn xa.

Cha thì ở lại rượu chè cờ bạc, mẹ như con hạc lượm từ vỏ chai...

Như có luồng sinh khí vô song nó nhảy một bước ra khỏi giường hét toáng lên: MẸ MẸ ƠI, CON SẼ VỀ NHÀ!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem