TS Nguyễn Thị Bích Yến: Thu phí đọc báo - mô hình kinh doanh tất yếu của ngành báo chí truyền thông
Vinh Hải (ghi)
Chủ nhật, ngày 20/06/2021 07:30 AM (GMT+7)
Từ Áo, TS Nguyễn Thị Bích Yến - chuyên gia nghiên cứu báo chí truyền thông tại châu Âu đã trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Điện tử Dân Việt về mô hình kinh doanh, mô hình thu phí đọc báo của các tập đoàn báo chí - truyền thông hàng đầu của Áo, EU.
Thưa TS, ở châu Âu có nhiều cơ quan báo chí thu phí đọc báo không? Xu thế này phổ biến ở báo chí, truyền thông châu Âu từ bao giờ?
- Tôi thấy rằng, việc nghiên cứu thử nghiệm mô hình thu phí báo điện tử hay nói chính xác hơn, đó là mô hình thu phí nội dung và thu phí quảng cáo trên các thiết bị di động được tiến hành thử nghiệm tại EU từ năm 2010.
Trong đó, Tập đoàn báo Wiener Zeitung (ra đời năm 1703, một trong những tờ báo lâu đời nhất thế giới hiện đã trở thành tập đoàn) là một trong những tập đoàn báo chí - truyền thông đầu tiên tại EU "ghi danh" vào việc thử nghiệm mô hình này.
Để chuẩn bị cho việc đó, từ thập kỷ 1990, Wiener Zeitung đã phải liên tục cải tiến các chiến lược, giải pháp và cho ra đời các sản phẩm, dịch vụ mới, đặc biệt là các sản phẩm, dịch vụ trên thiết bị di động, nền tảng kỹ thuật số (2010).
Tiếp đó, tập đoàn đã phát triển tối đa các loại sản phẩm, dịch vụ để bán (và chạy) trên 6 kênh: Báo in, tạp chí (khoảng 20 tạp chí), E-paper, đọc báo trên thiết bị di động, nền tảng kỹ thuật số/các giải pháp điện tử (kho dữ liệu bigdata), Fanpage (mạng xã hội).
Năm 2010, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của Wiener Zeitung nói riêng (cũng như ngành công nghiệp báo chí-truyền thông EU, thế giới nói chung), trong tiến trình phát triển kinh doanh trong thời đại kỷ nguyên số, với việc thu phí nội dung.
TS Nguyễn Thị Bích Yến bảo vệ luận án TS ngành báo chí học với chủ đề "Chiến lược và giải pháp phát triển công chúng thị trường báo Wiener Zeitung (Cộng hòa Áo)" năm 2017. Hiện, TS Bích Yến đang sinh sống, làm việc tại Vienne (Áo).
Tiếp đó, năm 2014, theo báo cáo của Hiệp hội Báo chí và xuất bản thế giới (WAN - IFRA): Doanh thu của báo chí trên nền tảng kỹ thuật số đã đạt 451.000 thuê bao trên toàn cầu (64% thuê bao đã chi trả). Tốc độ tăng trưởng thuê bao kỹ thuật số từ 2013-2014 là 31%.
Đến năm 2016, một nghiên cứu về chiến lược then chốt của các nhà xuất bản tin tức nhằm thúc đẩy doanh thu nền tảng kỹ thuật số (digital) cho thấy: Các đơn vị này đã tìm mọi phương pháp để thu phí công chúng thuê bao trên nền tảng kỹ thuật số như dựng tường thu phí (paywall) một cách sáng tạo, thử nghiệm với thanh toán giá trị nhỏ, củng cố quan hệ với độc giả qua email.
Đến nay xu hướng thu phí nội dung và thu phí quảng cáo trên các thiết bị di động của các tập đoàn báo chí-truyền thông EU và thế giới đang được triển khai một cách mạnh mẽ và rộng rãi. Nó sẽ trở thành mô hình kinh doanh tất yếu của ngành công nghiệp báo chí - truyền thông thế giới trong tương lai.
TS có nghiên cứu cơ cấu doanh thu của một tờ báo cụ thể nào ở châu Âu, khoản thu từ phí đọc báo chiếm bao nhiêu % tổng doanh thu của cơ quan báo chí đó?
- Từ năm 2009 đến nay, tôi đã tham gia nghiên cứu đề tài từ bậc thạc sĩ đến bậc TS tại 3 tập đoàn báo chí - truyền thông lớn và uy tín hàng đầu ở áo, châu Âu.
Đó là, Tập đoàn Wiener Zeitung, Hãng Thông tấn xã Áo APA (1 trong 6 hãng thông tấn xã lớn và có tiềm lực kinh tế mạnh nhất châu Âu), Đài PTTH quốc gia Áo ORF (đài đứng thứ nhất trên thị trường phát thanh truyền hình Áo, đứng thứ 5 trên thị trường truyền hình công tại EU, Top 10 trang web phát thanh truyền hình có số người truy cập lớn nhất tại EU).
Trong đó, cụ thể, cơ cấu doanh thu của Tập đoàn báo Wiener Zeitung, gồm: 70% thu từ Amtsblatt/Công báo (khách hàng pháp nhân là các công ty, doanh nghiệp, các cơ quan công quyền của Chính phủ Áo, EU - đăng tải các thông tin, tin tức, báo cáo tài chính…, phí đặt báo dài hạn, quảng cáo trên báo in, báo điện tử, báo thiết bị di động), 12% thu từ bán báo in, và các tạp chí, 18% thu từ dịch vụ quảng cáo.
Cơ cấu doanh thu của APA là 30% thu từ khu vực truyền thông (các tờ báo), 70% thu từ khu vực phi truyền thông (các công ty, doanh nghiệp). Cơ cấu doanh thu của ORF là 87% thu từ khách hàng xem phát thanh và truyền hình, và 13% thu từ các nguồn dịch vụ khác.
Liệu có phải do văn hóa, lối sống ở châu Âu, nên người dân dễ chấp nhận trả phí để đọc báo không?
- Đúng như vậy! Khi chúng tôi nghiên cứu về các điều kiện ảnh hưởng đến sức mua báo của công chúng thị trường/khách hàng như mức thu nhập, trình độ văn hóa, trình độ giáo dục, an sinh - xã hội… thì thấy rằng sức mua báo của công chúng thị trường/khách hàng Áo cao gấp hơn 20 lần so với công chúng Việt Nam.
Vấn đề sinh tử của báo chí
Ở Việt Nam chưa nhiều cơ quan báo chí thu phí đọc báo. Theo TS, các tờ báo điện tử ở Việt Nam cần đi theo con đường nào để có được những độc giả sẵn sàng trả phí cho bài báo?
- Tôi nghĩ rằng đây là một câu hỏi lớn, đặt ra cho cả nền báo chí Việt Nam hiện nay. Như bạn biết đấy, mấy năm gần đây, Chính phủ và các bộ, ban, ngành, các đơn vị đào tạo, các tờ tạp chí… đều đã ra các nghị định, thông tư, quyết định, văn bản, chuyên ngành, chuyên mục… liên quan đến lĩnh vực kinh tế báo chí -truyền thông.
Trong phạm vi nghiên cứu và tác nghiệp báo chí - truyền thông 10 năm tại Áo, EU, tôi cũng đã đề xuất 3 khung lý thuyết nghiên cứu kinh tế báo chí - truyền thông.
Gồm: (1) Lý thuyết "Tháp phát triển công chúng thị trường báo chí - truyền thông" (nhằm nghiên cứu quá trình/các cấp độ phát triển của công chúng thị trường báo chí - truyền thông); (2) Lý thuyết "Mô hình các nhóm chiến lược và giải pháp phát triển công chúng thị trường báo chí - truyền thông" (nhằm nghiên cứu các nhóm chiến lược và giải pháp trụ cột trong hoạt động kinh doanh báo chí - truyền thông); (3) Lý thuyết "Quy trình áp dụng các nhóm chiến lược và giải pháp phát triển công chúng thị trường báo chí - truyền thông" (nhằm nghiên cứu quy trình áp dụng các nhóm chiến lược, giải pháp vào việc tìm kiếm/phát triển công chúng thị trường báo chí - truyền thông).
Đây là khung lý thuyết công cụ để áp dụng cho việc nghiên cứu các vấn đề cốt lõi trong hoạt động kinh doanh nhằm cân bằng giữa việc tối đa hóa lợi nhuận và tối đa hóa các giá trị công của các đơn vị/tập đoàn báo chí - truyền thông.
Công trình nghiên cứu này cũng đã được các hội đồng chuyên môn, các giáo sư, chuyên gia trong lĩnh vực báo chí - truyền thông của Việt Nam, Áo, EU đánh giá cao.
Ngoài ra, từ năm 2012, Nhà xuất bản Thông tin - Truyền thông và tôi cũng đã phối hợp xuất bản cuốn sách "Phát triển công chúng thị trường báo chí như thế nào? Kinh nghiệm của tờ báo Wiener Zeitung, Cộng hòa Áo" và đã được chính các đơn vị tôi nghiên cứu áp dụng ngược trở lại, cũng như một số lãnh đạo của một số tờ báo Việt Nam, một số tờ báo kiều bào cũng đã tham khảo và áp dụng (từng phần) thành công.
Tôi thiển nghĩ rằng, một khi ngành công nghiệp báo chí - truyền thông chuyển dịch mô hình kinh doanh từ doanh nghiệp sản xuất tin tức đến doanh nghiệp quảng cáo (B2B) sang mô hình từ doanh nghiệp sản xuất tin tức đến khách hàng (B2C) sẽ kéo theo sự chuyển dịch về mô hình doanh thu.
Tức là, nguồn thu từ công chúng thị trường báo chí - truyền thông/khách hàng thuê bao trên nền tảng kỹ thuật số sẽ cơ bản thay thế nguồn thu từ công chúng báo in, quảng cáo như trước đây. Cũng chính vì thế mà việc nghiên cứu công chúng thị trường/khách hàng sẽ luôn luôn là vấn đề sinh tử đối với các cơ quan/tập đoàn báo chí - truyền thông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.